Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2019

XUÂN QUỲNH - LƯU QUANG VŨ: BẢN LỀ CÁNH CỬA HUYỀN THOẠI

Những bài thơ, vở kịch của họ đã không còn là những tác phẩm đơn lẻ. Chúng trở thành một bảo tàng, về một giai đoạn sôi động, khi đất nước bước ra từ cuộc chiến tranh và cho thấy diện mạo mới của xã hội hậu chiến.

29-8-2019 – Hơn 30 năm sau ngày mất vì vụ tai nạn gây chấn động, đôi thi ca kịch nghệ Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ vẫn tiếp tục tạo ra một lực hấp dẫn cho người yêu văn chương, nghệ thuật. Những bài thơ, vở kịch của họ đã không còn thuần túy là những tác phẩm đơn lẻ. Chúng đã trở thành một bảo tàng, về một giai đoạn sôi động, khi đất nước bước ra từ cuộc chiến tranh và cho thấy diện mạo mới của xã hội hậu chiến.
Vợ chồng nhà thơ Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ.
 nh tư liệu gia đình

Bản thân Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ cũng trở thành biểu tượng cho đời sống tinh thần thời bao cấp. Sự ra đi của họ đúng thời điểm đất nước bắt đầu bước vào đổi mới, giống như một cặp bản lề cho cánh cửa mở vào hiện tại của chúng ta. Ánh hào quang của họ, qua bốn thập niên, gợi đến một huyền thoại trọn vẹn của thời bao cấp.

Đại cảnh và hậu trường

Vào giai đoạn hoàng kim của sân khấu kịch nói thời bao cấp, Lưu Quang Vũ đã tạo ra hào quang của mình bằng khoảng 50 kịch bản sân khấu thuộc các loại hình kịch nói, chèo, cải lương. Chỉ trong vòng 10 năm, các vở kịch của Lưu Quang Vũ trở thành diễn đàn xã hội, thu hút sự quan tâm của đông đảo các giai tầng. Chúng cung cấp một không gian chắt lọc hiện thực đời sống, như các vở Lời nói dối cuối cùng, Điều không thể mất, Tôi và chúng ta… nhưng cũng không thiếu chất thơ bay bổng, thậm chí chứa đầy sự tưởng tượng như Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Chết cho điều chưa có… Sự sáng rực ấy chấm dứt đột ngột bằng sự ra đi, tạo ra một huyền thoại về định mệnh, như để đáp ứng quan niệm “chữ tài liền với chữ tai một vần”.

Ở góc độ người bạn đời, Xuân Quỳnh bổ trợ vào hào quang của Lưu Quang Vũ khía cạnh người đồng hành, tri kỷ. Những câu thơ của Xuân Quỳnh giống như các trang nhật ký mang tính chất “câu chuyện hậu trường” cho những lớp diễn sân khấu đại cảnh của Lưu Quang Vũ, tạo ra cảm giác hoàn chỉnh về đời sống một gia đình nghệ thuật. Dù trước khi đến với Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ đã có những nàng thơ, những tình yêu và “câu chuyện nhỏ” trong những tập thơ đã và chưa được in vào lúc ấy, trong nhiều năm, chân dung Lưu Quang Vũ được mặc nhiên như một mảng dương bên cạnh phần nữ tính của một trái tim “làm sống lại những hồng cầu đã chết” (Tự hát – Xuân Quỳnh). Hai nửa chân dung được xã hội lúc ấy đóng khung thành những huyền thoại công dân và huyền thoại nghệ sĩ.

Những vở kịch và câu thơ nhân hậu thời chiến của họ khắc khoải một ý thức công dân. Chính Lưu Quang Vũ, trong các vở kịch của mình, lại tỏ ra trung thành hơn hết với những định đề về chủ nghĩa dân tộc, về bản sắc Việt Nam được thế hệ cha ông mới tạo ra vào đầu thế kỷ XX. Nhà soạn kịch viết ra các kịch bản đề tài lịch sử theo kiểu sử thi, cài cắm các thông điệp chính trị chính thống trong hoàn cảnh đất nước hậu chiến vẫn ngổn ngang xây dựng và hai cuộc chiến tranh biên giới. Ông hoài vọng quá khứ đầy lãng mạn qua các vở Ngọc Hân công chúa, Sống mãi tuổi 17, Chết cho điều chưa có.

Lưu Quang Vũ không tìm kiếm hiện thực tuyệt đối. Xét cho cùng, ông vẫn nằm trong hệ mỹ cảm của chủ nghĩa lãng mạn mang màu sắc công xã. Điều này cũng dễ dàng nhận thấy trong những bài thơ về thiên chức phụ nữ của Xuân Quỳnh. Dường như các bài thơ đều tràn ngập nỗi băn khoăn, những câu hỏi tác giả tự đặt ra cho bản thân, kiểu “Trái tim buồn sau lần áo mỏng/ Từng đập vì anh qua những trang thơ” (Thời gian trắng), vẫn trau chuốt một thẩm mỹ song trùng.

Sức mạnh của hoài niệm

Bên cạnh các vở kịch chính luận chất chứa những câu thoại mạnh bạo, đậm gắt tính thế sự, kiểu “Chúng ta đã qua thời đại đồ đá, thời đại đồ đồng và bước vào thời kỳ đồ đểu” (Ông không phải là bố tôi), “Cán bộ là đầy tớ của nhân dân. Đầy tớ mà không tốt thì nhân dân sẽ thay đầy tớ khác (Lời thề thứ 9) – không khỏi khiến người xem giật mình vì sự thẳng thắn đến quyết liệt – Lưu Quang Vũ tìm lại nguồn cội dân gian cả Việt Nam lẫn phương Đông, như một cách tung hứng các thông điệp trào phúng hoặc có tính ngụ ngôn như Hồn Trương Ba, da hàng thịt; Nàng Sita; Ông vua hóa hổ…

Có độ lùi thời gian, những chất liệu dân gian lại tỏ ra có sức sống hơn cả. Chúng thể hiện dấu vết của những huyền thoại cộng đồng, bên dưới những phát lộ bề mặt dễ thấy. Người ta chợt nhớ, Lưu Quang Vũ là con của nhà thơ Lưu Quang Thuận – người từng có mặt trong phong trào Thơ Mới, cũng là một phong trào mang dáng vẻ huyền thoại của thời thuộc địa. Tuy nhiên, dấu vết giải thuộc địa lại không diễn ra trực tiếp ở Lưu Quang Vũ, mà đến thơ và kịch của tác giả này, tâm thế hiện đại nổi bật, khiến chúng đĩnh đạc tuyên ngôn một tư cách độc lập. Tứ thơ “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa/ Óng tre ngà và mềm mại như tơ” (Tiếng Việt) từng gây tranh cãi về dị bản ở chữ “như bùn”, lại chính là một cảm thức về “nhãn tự”, dưới cái vỏ vừa mịn màng vừa thô ráp, được khởi từ thơ kháng chiến chống Pháp, đến Lưu Quang Vũ, đã thành một tư duy mang dáng dấp triết lý thế hệ.

Những bài thơ tình của Lưu Quang Vũ viết về “những người đàn bà không có tên” hay những góc đô thị hoang vu “viển vông cay đắng u buồn”, sóng đôi với những đô thị “Đường cuốn bụi bờ đê tràn ngập gió/ Những phố phường lầm lụi với lo toan” của Xuân Quỳnh, thực tế đang cung cấp một phông cảnh cho sự hoài niệm của độc giả hôm nay về Hà Nội gần nửa thế kỷ trước.

Dường như những câu thơ sẽ đọng lại ở những cuốn sổ thơ nho nhỏ, ở những trí nhớ thầm thì, những vở kịch sẽ khó còn tạo ra độ phủ dụ ma mị thuở nào khi cạnh tranh với các thể loại khác hiện nay. Nhưng các huyền thoại là gì, nếu chẳng phải chúng luôn được bồi đắp bằng một nỗi khao khát nồng nhiệt tự thân, “trên ngày tháng, trên cả niềm cay đắng”?

NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ



Thứ Tư, 28 tháng 8, 2019

TRẦN VŨ MAI - QUYẾT LIỆT VÀ MẠNH MẼ

Hằng năm, cứ đến ngày 19 tháng Giêng, ngày nhà thơ Trần Vũ Mai qua đời, là nhóm bạn bè chúng tôi lại nhớ đến anh, một nhà thơ, một người bạn, một hồn thơ quyết liệt và lặng lẽ đến kỳ lạ.

Vào chiến trường miền Nam từ tháng 4 năm 1971, đã từng “nằm vùng” rất lâu ở cực Nam Trung Bộ, nơi chiến trường nổi tiếng là “đói và chết chóc”, hồi đó gọi là T6 mà anh em chúng tôi vẫn đùa là “ 6 tấm”, nó là cái gì thì ai cũng biết rồi. Trần Vũ Mai đã tham gia nhiều chiến dịch, trải qua nhiều trận đánh cùng với bộ đội và du kích, đã chất chứa trong lòng mình, trong ký ức mình bao nhiêu là số phận những con người trong chiến tranh mà anh mong sẽ có ngày mình viết lại được. Không để làm gì, chỉ để trả ơn trả nghĩa với đồng đội, đồng bào đã bảo bọc mình những tháng năm gian khổ và cay đắng.
Nhà thơ Trần Vũ Mai

Hòa bình, là dịp may cho những người có tài năng văn học đã sống sót qua chiến tranh như Trần Vũ Mai. Anh háo hức, ngược xuôi, đi và viết, đi và nghĩ, đi và yêu. Nhưng vốn là một chàng trai vừa bản lĩnh, mạnh mẽ nhưng lại vừa đầy những thương cảm, yếu đuối, Trần Vũ Mai đã chọn Trần Mai Ninh và Hemingway làm thần tượng - hai nhà thơ nhà văn cũng đầy những phức cảm giống như anh.

Là một người từng trải nhưng có tâm hồn ngây thơ và thánh thiện của một đứa trẻ, Trần Vũ Mai đã tin yêu là hết mình. Nhưng khi thất vọng thì cũng thật khó gỡ. Anh đã thất vọng vì mọi điều không tốt đẹp như anh nghĩ, như anh tin, như anh kỳ vọng. Sau chiến tranh, rất nhiều cái xấu, nhiều người không tốt đã xuất hiện, và họ đã nhiều lần khiến Trần Vũ Mai phải thảng thốt kêu lên: “Ơ, sao lại thế này?” Thì nó là thế, biết làm sao!  

Bây giờ, không phải nhiều người biết đến Trần Vũ Mai và thơ anh, mặc dù theo tôi, anh là một trong những nhà thơ tài năng và bản lĩnh vượt trội của thế hệ thơ chống Mỹ. Cơ sự cho cái thiếu “duyên nổi tiếng” này là ở chỗ Trần Vũ Mai lúc sinh thời không bao giờ thèm “PR” cho thơ mình. Anh cố ý tránh xa những nơi có thể đọc thơ hay quảng bá thơ, nhất là thơ của anh. Công tác ở Nhà Xuất bản Tác Phẩm Mới (tức Nxb Hội Nhà Văn sau này) nhưng Trần Vũ Mai không hề “nhân dịp” đó để công bố bất cứ tập thơ nào của mình ở Nhà xuất bản “nhà” này. Và hình như anh cũng hơi thờ ơ với sự công bố tác phẩm của mình ở những nơi khác. Mai làm việc quá nghiêm cẩn, anh trăn trở với từng con chữ, nhưng hình như anh chỉ làm thơ cho… mình đọc là chính, như kiểu anh ghi nhật ký. Trong số những nhà văn trẻ hồi ấy đi chiến trường, thì Trần Vũ Mai là người chăm ghi nhật ký nhất. Nhiều đoạn nhật ký của anh được công bố sau khi anh mất (Mai mất năm 1991) mang tính văn học rất cao, vì được anh viết rất kỹ.

Trường ca Ở làng Phước Hậu của anh được thai nghén và viết từ một ngôi làng ở Phú Yên. Lúc đầu nó có tên là Cảm giác lạc quan, nhưng về sau nhà văn Nguyễn Chí Trung, người thủ trưởng đầy quả cảm trong chiến đấu mà Mai rất quí trọng, đã gợi ý anh nên đổi tên là Ở làng Phước Hậu cho nó… dễ hiểu. Có lẽ ông Trung thấy cái tên Cảm giác lạc quan này tuy hay và lạ nhưng hơi… ngài ngại thế nào ấy (?). Thôi thì lấy tên Ở làng Phước Hậu có vẻ “người thật việc thật” cho nó... lành. Tôi nghĩ, chính cú “thay tên đổi họ” ấy đã khiến trường ca này, một trong những trường ca rất hay về cuộc chiến tranh chống Mỹ, có một số phận hơi khuất lấp. Đó là điều rất đáng tiếc.

Có thể giải mã cái tên ban đầu Cảm giác lạc quan của trường ca này, khi cái lạc quan ngay sau giải phóng mới chỉ là “cảm giác”. Điều đó hoàn toàn đúng, và là một người từng ở chiến trường Nam Bộ ngót 5 năm, tôi chứng thực điều ấy.  Khi lạc quan mới chỉ là cảm giác, thì từ lạc quan tới bi quan lại là một khoảng ngắn. Ai đã từng đi kháng chiến, đã từng sống sau chiến tranh ở Việt Nam đều thấu hiểu điều này… Nhưng có lẽ Trần Vũ Mai cố gắng để không tin như vậy. Nhưng rồi thực tế đã buộc anh nghĩ khác. Anh chọn cho mình sự “giải thoát tạm thời” bằng cách… uống rượu, và chọn giải pháp căn cơ hơn là ghi nhật ký. Và viết những bài thơ, viết cả một trường ca mới Nàng chim Lạc mà anh cất trong ngăn kéo để chơi.

Tôi ít thấy một nhà thơ nào mà coi danh vọng “không là cái đinh gì” như Trần Vũ Mai. Nhớ ngày mới giải phóng, giữa Sài Gòn tôi gặp lại Trần Vũ Mai khi anh theo quân đoàn 2 đánh vào Sài Gòn. Mai đi xe jeep, rủ tôi vào nhà hàng Thanh Thế uống rượu tây. Trông anh giống hệt Hemingway khi ông chiến đấu ở Tây Ban Nha trong nội chiến. Mà đúng là trong đời, Mai chỉ thần tượng có hai người: một là Trần Mai Ninh, và hai là Hemingway. Đều là hai nhà thơ nhà văn ưa mạo hiểm và sống lãng tử. Trần Vũ Mai cũng vậy. Anh đã mạo hiểm trong chiến tranh. Và mạo hiểm cả trong hòa bình. Ngay cái chết của anh cũng mơ hồ và bí ẩn như cái chết của Trần Mai Ninh và Hemingway. Dù là chết trong hòa bình.

Trần Vũ Mai có hai bài thơ viết trước và sau khi đã ở chiến trường gây được ấn tượng rất mạnh đối với tôi và nhiều anh chị em làm thơ khác cùng thế hệ, đó là bài thơ Thành phố nghiêng mình viết ở Nha Trang tháng 4 năm 1975, và bài thơ Thảm cỏ bờ sông Hồng viết đầu năm 1971 trước khi rời Hà Nội vào chiến trường Cực Nam Trung Bộ. Rồi tôi đọc và tìm thêm một bài thơ nữa mà tôi rất thích, vì nó bộc lộ được những yêu thương, dằn xé và đau buồn của Trần Vũ Mai, đó là bài thơ Tự khúc viết tháng 9 năm 1978.

Bây giờ, đọc lại bài thơ Thảm cỏ bờ sông Hồng, bài thơ Trần Vũ Mai viết đầu năm 1971, trước khi rời Hà Nội vào chiến trường khu Năm cùng anh chị em trong lớp viết văn trẻ đặc biệt của Hội nhà văn Việt Nam, bài thơ vừa dịu dàng vừa mãnh liệt, vừa hồn nhiên vừa kiêu hãnh, tôi lại càng tiếc cho một tài năng thơ đã sớm bị cắt ngang mạch sáng tạo. Vào một lúc tĩnh tâm nào đó, có lẽ chúng ta nên đọc lại bài thơ này để có cảm nhận sâu hơn về một thế hệ đã dấn thân vào chiến trường những tháng năm ác liệt nhất.

THẢM CỎ BỜ SÔNG HỒNG

Buổi sớm
gương mặt em như xa vắng
anh đi những phố hè tìm mọi mảnh đường quen
lổ đổ tinh mơ rêu phủ
đường cong xa vời
gạch lửa phơi đỏ thắm

Đã từng mưa ở đây
Nắng đã từng trắng
mảnh tường tươi này
anh thuộc lòng dấu cũ em qua

Bữa ấy chúng mình đi trong đêm lửa đạn sông Hồng
mưa lũ
tay em lạnh mà không run sợ
anh nghĩ ngày mai còn trời đạn ấy
mặt anh thì xạm cháy
nhưng ngày mai ơi
chớ vắng bàn tay em
trên đôi vai người lính của ta cứng cỏi từ năm vào cuộc
ngày mai ơi
Hà Nội không phai
suốt một ngày bầu trời thăm thẳm
nhớ riêng em
tôi nhớ những gì tôi chưa có được
thảm cỏ bờ sông Hồng non tơ
màu cẩm thạch nghiêng chào giã biệt
nếu ta có lỗi với em
cũng vì ta muốn mình không có lỗi
trước mặt em còn được tươi cười
giọng vang và trẻ mãi
bao giờ ta cũng chỉ là ta thôi

Cùng với những gì ta mến yêu sầu tư mộng tưởng
thảm cỏ bờ sông Hồng phủ bọc trái tim
nơi sâu kín ấy cũng đã bị đạn bom chạm tới
những tròng mắt đảo điên để ý đến ta rồi
đừng buồn em nhé, bây giờ
hồi em buồn nhớ
anh còn buồn hơn

Em
nhỏ bé mà trắng tinh
trước mặt thảm cỏ dòng sông
cầm tay một bông đại đóa
em ạ, chớ buồn
anh vào cực Nam đây.

(Hà Nội, 3/1971)

Nhưng một bài thơ có thể coi là “Tuyên ngôn Thơ” của riêng Trần Vũ Mai, được anh viết ngay sau ngày kết thúc chiến tranh, bài thơ Thành phố nghiêng mình viết về Nha Trang, có gắn với Tuy Hòa, nơi Trần Vũ Mai từng nằm hầm bí mật những năm tháng chiến tranh, lại cho tôi một ấn tượng choáng ngợp khi lần đầu tôi được đọc bài thơ này in trên tờ Văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ (cái tên tôi nhớ không rõ lắm) vào tháng 6 năm 1975 ở Đà Nẵng. Đây là bài thơ đầy yêu thương của nhà thơ Trần Vũ Mai và đầy chất thép của người lính Việt Cộng Trần Vũ Mai. Đúng như Xuân Diệu viết “Yêu và căm hai đợt sóng ào ào”, bài thơ của Trần Vũ Mai khởi đi một mạch, như tác giả đã viết nó trong cơn xuất thần, chất chứa bao điều muốn nói. Tôi nghĩ, thành phố Nha Trang, dù bây giờ có đổi khác thế nào, thì vẫn là thành phố dưới chính thể này, và nên coi bài thơ Thành phố nghiêng mình của Trần Vũ Mai như một bảo vật văn hóa của thành phố mình. Không phải thành phố nào ở Việt Nam cũng có được một bài thơ như thế đâu.

THÀNH PHỐ NGHIÊNG MÌNH

Đến năm ấy chúng xây thành dựng lên cửa sắt
Khai trương một thời xích xiềng roi vọt
Ôi, Nha Trang, người bỗng hóa ngục tù

Lúc bấy giờ
Nha Trang
Những mẹ già dắt tôi qua đường tối
Có những trái mìn quân thù giấu lại
Bay khát thèm máu của ta chăng!

Lúc bấy giờ gió cũng lặng yên
Thời gian khó, giấc mơ tôi kỳ diệu
Làm sao cho một sáng đứng lên
Để ánh ngày soi tỏ mặt tỏ tên
Những mẹ già dắt tôi qua đường tối
Hết đêm này đêm nọ chẳng hề ngơi
Lúc bấy giờ
Tôi vẫn sống, em vừa ngã xuống
Máu em thấm nơi cửa hầm đỏ đất
Tôi nhìn trời có nghĩa gì đâu
Đôi cuộn mây hồng hay ánh trăng sao
Em thường nói, rồi chúng mình trẻ mãi
Tôi cầm khẩu súng em, lắng nghe lần cuối
Đêm vượt đường chim dậy hót cho em

Rồi tôi đi qua mấy cánh rừng
Vượt mấy dòng sông trải nhiều trận đánh
Lòng nông nổi nhớ em như biển
Như thiếu muối và thương nhớ biển
Trong trái tim mình lấp lánh cả đời em

Tôi qua mấy chục cánh rừng
Có đêm chợp ngủ bên dòng Đak Suk
Súng để gối đầu chân thì gối dép
Nghe ngọn gió nào cũng như gió Nha Trang
Từ Buôn Mê Thuột gợi lòng
Cứ nhìn về phía biển
Biết nói gì, biết nói làm sao!
Ở Tuy Hòa khi tiếng hát ngân cao
Hát ca ngợi tháng ngày vĩ đại
Quân đoàn đi như sóng cuộn trên đường
Vượt núi non, qua những cánh đồng
Qua những sân nhà, những ngọn cờ Tổ quốc
Ôi, ngày hôm nay chúng ta có được
Cả đoàn quân rực rỡ ánh ban mai
Như bờ biển sóng vun như những luống cày
Tôi ngoảnh lại
Tuy Hòa rung mềm mại
Tuy Hòa vui trong gió thổi
Lúc bấy giờ
Lúc ấy
Hỡi Nha Trang!

Lúc bấy giờ
Nha Trang
Nha Trang ngục tù hóa thành chợ búa
Chợ cháy ra tro, chúng ngả nghiêng cười
Thằng đại tá một đêm tháo thạy
Trong nhà tắm mảnh cờ vàng chết đói
Súng và hoa cả xác chết ngoài sông
Những con tàu đổ người xuống biển
Ngày giam trong khóa xích
Đàn chó hoang rên rỉ cuối đường

Lúc bấy giờ
Nha Trang
Những người phá thành phá vây đã tới
Nha Trang nghiêng mình
Manh áo Mỹ bạc màu rơi xuống biển
Những em gái cầm chổi ra đường
Hốt rác đầu mũ lính
Thành phố hiện ra cùng ánh cờ sao
Tưởng như thế cuộc đời vô tận mãi
Bao hạnh phúc nở ra nhiều hoa trái
Vâng, cho dù như thế các anh ơi
Nếu kẻ thù đã chết
Thì tội ác bay vẫn còn ở Nha Trang
Ghi trên nét mặt, khắc giữa lòng đường
Đây lời nhắn đã thấm vào ngọn lửa
Của người hy sinh những trận phá thành

Hạnh phúc sẽ kéo dài vô tận
Là cây lá dần xanh trở lại
Là những tường nhà Nha Trang không còn dấu đạn xuyên
Là đất đai, biển cả, khoảng không
(trừ đi những phần kia còn chất độc)
Là vẻ đẹp người hôm nay ca hát
Là đồng hoang trở lại những mùa vui
Chiều buông xuống chan hòa trời biển
Là đứa con tôi mai mốt ra đời

Từ lâu lắm
Nếu kẻ thù đã chết
Thì tội ác bay vẫn còn ở Nha Trang

Tôi tìm mẹ tôi trên mỗi đoạn đường
Mìn xếp đống góc sân nhà mẹ
Ồ, ánh ngày sao mà sáng thế
Mẹ già ơi, con muốn khóc, lòng con
Lòng con chẳng biết nói sao nữa, mẹ
Khi mẹ kể cùng con và thành phố nghiêng mình

(Nha Trang tháng 4/1975)

Và bài thơ thứ ba, bài Tự khúc viết ở Hà Nội năm 1978, khi Trần Vũ Mai đã buồn nhiều hơn vui. Khi anh đã, như người Mỹ sau chiến tranh thường nói, mắc vào “hội chứng thời hậu chiến”. Tôi không biết những người lính Mỹ mắc phải hội chứng này ra sao, nhưng với thi sĩ Việt Nam và người lính Việt Cộng Trần Vũ Mai, thì đây là một hội chứng khốc liệt. Chúng ta đọc bài thơ Tự khúc và tự cảm nhận điều đó. Bài thơ này Trần Vũ Mai viết cho riêng mình, nhưng đã nói được rất nhiều cho những người lính cũ, người kháng chiến cũ chúng tôi. Không nguôi yêu thương, nhưng không thể dứt đau buồn. Và đúng như một câu trong bài thơ, nhiều lúc như rơi vào “vô vọng”.

TỰ KHÚC

Lúc bình minh mà vắng cả sắc màu
anh nằm xuống nhìn lên kia vô vọng
anh đã hét trong phòng im cửa đóng
lúc thương người lại giận chính mình thôi
đêm lúc lặng thinh nghe vắng vẻ cuối trời
ai chẳng đến với anh như thế cả
chắc vì em nên gió chiều rực rỡ
nửa khuya rồi mưa lạnh thấm hai ta

đường vẫn cũ xưa trời thẳm vẫn cao xa
có chăng mới là giọng em hát đó
có chăng mới tiếng cười em nho nhỏ
vỡ tan dần trong thầm lắng lòng anh
ôi chim xa của đôi cánh ân tình
của tiếng hót làm vui làm đau đớn
của tĩnh mịch ngẩng trông lên cao thẳm
của tình yêu trời đất đã ban cho
sóng biển vừa gieo hai ta lên bờ
không tất cả có lẽ phải thế
không thể khác chắc sẽ là phải thế
mang nỗi sầu tha thiết nhớ em yêu

(9/1978)

THANH THẢO
Nguồn: Văn Nghệ, 31/2019




Thứ Ba, 27 tháng 8, 2019

NHÀ VĂN PHAN HOÀNG MIÊU TẢ 'SÀI GÒN NGỌT TỪ DA THỊT NGỌT RA'

Mới đây nhà văn Phan Hoàng đã cho ra mắt độc giả cuốn sách về mảnh đất anh đang sinh sống với tựa rất ‘khêu gợi’ "Sài Gòn ngọt từ da thịt ngọt ra".
Nhà thơ Phan Hoàng với bạn văn trẻ Sài Gòn:
Nguyễn Phong Việt, Ngô Thuý Nga, Phạm Phương Lan

Viết về tập sách mới của nhà văn Phan Hoàng, nhà thơ- nhà báo Lê Minh Quốc dùng những lời rất ‘ngọt ngào’: “Sài Gòn ngọt từ da thịt ngọt ra” là tập sách mới nhất của Phan Hoàng. Cũng phải thôi, những người tứ xứ đến lập nghiệp, như Phan Hoàng chẳng hạn, đã đến lúc viết cái gì đó về vùng đất này. Một địa danh của tình cảm gắn bó. Một không gian sống để thành danh như hôm nay. Âu cũng là tình là nghĩa của một nhà thơ đã tự nhủ: “Với Sài Gòn - vùng đất không phân biệt gốc tích xuất thân, nếu chịu khó làm việc, sống nghĩa tình với nhau thì ai cũng có thể làm tốt công việc mà mình yêu thích. Và tôi, một trong số những người đó. Không chỉ là quê hương thứ hai cưu mang, nâng cánh cho mình mà tôi yêu thành phố này còn vì những con người tài năng, hào hiệp, nghĩa tình mà thế hệ nào cũng nổi lên những hình ảnh đáng trân trọng”.

Vâng, trong tập sách này thêm một điều khiến ta cảm tình với Phan Hoàng còn là những tên tuổi, những ân nhân, những đồng nghiệp mà anh đã từng gặp gỡ từ những ngày đầu tiên đến với Sài Gòn. Anh nhắc lại sự ân tình. Có trước có sau. Có thủy có chung. Nào riêng gì anh, nhiều người thành danh cũng chọn lấy phép ứng xử ấy.

Hãy cầm lấy Sài Gòn ngọt từ da thịt ngọt ra và chia sẻ tiếng lòng của Phan Hoàng đã nói hộ cho nhiều người: “Thành phố lớn nhất đất phương Nam ẩn chứa nhiều bất ngờ thú vị và có sức hấp dẫn lớn, luôn dung nạp, cảm hóa, tạo bệ phóng cho những tài năng dựng nghiệp. Nhất là những người sa cơ thất thế. Thành phố này cũng là nơi mở đầu cho nhiều chương trình hoạt động xã hội từ thiện có sức lan tỏa rộng lớn trên tinh thần nghĩa hiệp “Làm ơn há dễ trông người trả ơn” của Lục Vân Tiên”...  Ấy cũng là tinh thần xuyên suốt của tập sách này.

Bên cạnh đó, Phan Hoàng còn viết về “cổ tích” của Sài Gòn qua các giá trị văn hóa, những đổi thay thăng trầm năm tháng. Thật ra vấn đề này nhiều người đã viết, và sẽ còn tiếp tục viết nữa nhưng ở đây Phan Hoàng đã chọn cho mình một cảm hứng là thổi vào đó cảm xúc của thơ, của cái nhìn nhà thơ. Nhờ đó, cũng cùng vấn đề nhưng qua cái nhìn của anh, nó đã có một sắc thái mới và đậm dấu ấn cá nhân.

Khi hay tin Phan Hoàng ra sách mới (và cũng như các bạn văn khác), tự lòng tôi bao giờ cũng có tiếng reo vui. Tiếng reo ấy là đã bắt gặp đồng điệu của những con người lao động miệt mài cùng con chữ. Những người say mê làm việc và luôn có sách mới, tự họ cũng là một sự thôi thúc cho chính mình vậy.”

Chia sẻ cảm hứng về mảnh đất nơi mình sinh sống, lập nghiệp, và là chủ đề của tập sách mới ra đời, nhà văn Phan Hoàng nói: “Có thể nói đất và người Sài Gòn luôn tiềm ẩn nhiều điều kỳ lạ, nhiều “quái kiệt” tài năng, đã trở thành niềm cảm hứng vô tận cho tôi trên trang báo lẫn thi ca.”
Tác phẩm 'Sài Gòn ngọt từ da thịt ngọt ra' và ‘Sài Gòn đất làm chim đậu’ của Phan Hoàng

Xin giới thiệu trích đoạn Sài Gòn ngọt từ da thịt ngọt ra của tác giả Phan Hoàng. Sách do NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành, tới tay bạn đọc đúng dịp đầu năm mới Mậu Tuất 2018.

“Người  Sài  Gòn và Nam Bộ thích ăn ngọt, rất ngọt. Ngọt từ cái bánh, ly nước đến bữa cơm hàng ngày. Ăn uống ngọt nên con người ở đây, nhất là phái đẹp cũng rất... ngọt. Họ ngọt thanh khiết tự nhiên như nước mía, múi mít hay sầu riêng. Họ ngọt từ... da thịt ngọt ra bằng lời ăn tiếng nói và cách ứng xử thường ngày.

Biết tôi sống ở Sài Gòn, làm rể Nam Bộ, bạn bè hay đùa “Gái Sài Gòn - Nam Bộ có ngọt không?”. Dĩ nhiên là ngọt. Ăn ngọt, uống ngọt thì người cũng... ngọt chứ sao! Nhưng cái ngọt của người gốc Sài Gòn - Nam Bộ, của gái miệt vườn không phải ngọt điệu đàng, ngọt hoa hòe hoa sói, ngọt dẻo miệng dẻo mồm, ngọt xã giao, không phải kiểu “ngọt mật chết ruồi”, mà là cái ngọt dịu dàng chơn chất “ngọt từ da thịt ngọt ra”, cái ngọt thanh khiết tự nhiên như thơm Bến Lức, dừa sáp Cầu Kè, đuông dừa Bến Tre, quít đường Trà Vinh, mía Tây Ninh, sầu riêng Cái Bè, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn, măng cụt Cái Mơn, bưởi Năm Roi Tân Triều... tất nhiên còn ngọt ngào nồng nàn như rượu Gò Đen hay Phú Lễ!

Đã là phụ nữ thì ở đâu, người nào cũng đẹp cũng ngọt. Có điều, dường như tuân theo quy luật tự nhiên, người phụ nữ sinh ra ở Sài Gòn và Nam Bộ mang vẻ đẹp của vùng mênh mông sông nước, với dòng phù sa ngọt ngào và cuồn cuộn, phóng khoáng và nghĩa tình, đằm thắm và mãnh liệt, nhân hậu và bao dung. Họ ngọt chân thành và say đắm. Họ ngọt quyến rũ và thanh tao. Họ ngọt nhiên nhiên như thơ, khó lãng tử nào kiềm lòng được:

Ngọt từ da thịt ngọt ra
Sông em mở cửa phù sa cuộn trào
Ngọt ánh nhìn ngọt chiêm bao
Anh như ngọn núi ngã nhào... dòng em”

QUỲNH VÂN
Theo Tổ Quốc

XIN THAM KHẢO BÀI KHÁC:

·         MẮT BIỂN ĐÔNG - LỮ MAI


TRƯƠNG ANH QUỐC - NHỮNG CÂU VĂN ĐƯỢC VỚT LÊN TỪ BIỂN

"Sóng biển rì rào" được nhà văn Hồ Anh Thái đánh giá cao, khi ông cho rằng: "Trương Anh Quốc có lối dẫn truyện độc đáo và nhiều bất ngờ. (…) Bất ngờ mà hợp lý, điều ấy bao giờ cũng đòi hỏi sự lành nghề văn chương. Hiếm có nhà văn nào ở ta viết được một tác phẩm đậm đặc chất "viễn dương", tươi nguyên và hấp dẫn như thế này"...
Nhà văn Trương Anh Quốc

1. Trương Anh Quốc là trường hợp có duyên khi đến với văn chương. Sinh năm 1976, so với các tác giả thuộc thế hệ 7X thì anh xuất hiện muộn hơn. Nhưng ngay tác phẩm đầu tiên đã "ghi bàn" ấn tượng với Giải Nhì Cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần thứ III (năm 2005) cho tập truyện "Sóng biển rì rào". Văn học tuổi 20 là giải thưởng văn học uy tín giữa thời buổi loạn các cuộc thi và loạn giải thưởng hiện nay, là nơi từng vinh danh các nhà văn như Nguyên Hương, Phan Triều Hải, Trang Hạ, Vũ Đình Giang, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Ngọc Tư, Phong Điệp, Nguyễn Thị Thanh Bình… v.v…

"Sóng biển rì rào" được nhà văn Hồ Anh Thái đánh giá cao, khi ông cho rằng: "Trương Anh Quốc có lối dẫn truyện độc đáo và nhiều bất ngờ. (…) Bất ngờ mà hợp lý, điều ấy bao giờ cũng đòi hỏi sự lành nghề văn chương. Hiếm có nhà văn nào ở ta viết được một tác phẩm đậm đặc chất "viễn dương", tươi nguyên và hấp dẫn như thế này".

Năm năm sau, vẫn là Cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20, anh lại gây bất ngờ khi tiếp tục dự thi và về Nhất với tiểu thuyết "Biển". Giải Nhất này từng gây tranh luận nho nhỏ trong giới viết lách, nhưng nhận định của nhà văn Chánh chủ khảo cuộc thi lần IV như bảo chứng cho "Biển": "Một lối viết rất trầm tĩnh, không hề to tiếng, nhẹ nhàng, đến như rủ rỉ, có cả nụ cười mỉa mai mà nhân hậu, cứ như thong thả kể chuyện chơi, hết chuyện này tới chuyện khác, không cần thắt không cần mở, không cần cái được gọi là cao trào, hầu như chẳng cần quan tâm mấy đến một đường dây xâu chuỗi kết nối toàn tác phẩm. Tôi nghĩ đó là một cách viết cao tay: bởi cuộc sống thật vốn là vậy đó, thế giới được kết chặt với một bề ngoài trông chừng rất rời rạc, cuộc sống là tất yếu một cách trông chừng như rất ngẫu nhiên".

Tiếp đấy, Trương Anh Quốc giành giải Nhì cuộc thi truyện ngắn trên báo Sài Gòn Giải Phóng. Rồi gần đây là giải thưởng cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nhiều người nói, anh "sát giải", viết không nhiều, nhưng đụng đâu thắng đấy. Văn chương là vậy. Tài năng và lao động thật cần thiết. Nhưng chỉ là điều kiện cần. Phải thêm cái duyên nữa mới thành điều kiện đủ. Mà duyên thì ở ngoài mình. Duyên có chọn mình hay không có… trời biết. Ở đây, ông trời đã dẫn duyên xuống gặp Trương Anh Quốc.

2. Sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi Quế Sơn, Quảng Nam, ngay từ nhỏ Trương Anh Quốc đã ôm mộng được đi xa, càng xa càng thích. Nên chàng trai mới lớn chưa một lần ra khỏi huyện chọn trường Đại học Hàng Hải để gửi gắm ước mơ của mình. Với tấm bằng kỹ sư điện trong tay, Trương Anh Quốc hăm hở bước vào nghề thủy thủ trên các chuyến tàu viễn dương. Anh đã đi qua tất cả các đại dương và đặt chân đến 40 quốc gia trên thế giới. Và biển không chỉ biến ước mơ của Trương Anh Quốc thuở thiếu thời thành hiện thực mà còn mở ra cho anh chân trời mới, chân trời chữ nghĩa, chân trời văn chương.

Nếu như biển mang đến nguồn hải sản, nguồn tài nguyên dầu khí cho các quốc gia, mang đến con đường thông thương lớn nhất cho nhân loại, thì với riêng Trương Anh Quốc, biển còn mang đến chất liệu cho những trang văn. Đọc tác phẩm của Trương Anh Quốc, cảm giác như các câu văn được anh vớt lên từ biển, tươi rói và hấp dẫn. Không có biển, chắc chắn sẽ không định hình một nhà văn Trương Anh Quốc như hiện nay.

Trước giờ, văn chương Việt chưa thấy tác phẩm nào viết trực diện về biển, trừ tiểu thuyết "Biển và chim bói cá" của nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Nhưng vẫn là biển gần bờ. Ngoài ra, nếu có viết về biển thì chỉ là… nhìn ra biển chứ không phải cưỡi lên biển mà viết. Riêng Trương Anh Quốc rong ruổi khắp thế giới, trên biển. Biển thời hội nhập quốc tế. Vậy nên nói anh độc quyền, "bành trướng" trên biển với trang văn cũng không ngoa. Biển chính là sân nhà của anh. Và mình anh một sân. Chẳng ai cạnh tranh.

Văn của Trương Anh Quốc là thứ văn điềm tĩnh. Như thể anh quen ăn sóng nói gió từng trải khắp các đại dương rồi nên chẳng có gì khiến anh vội vàng. Kể cả mạch văn. Thời đại công nghệ, liệu thứ văn chầm chậm có dễ gây chán ngán? Không. Trương Anh Quốc có thứ khác bù lại khiến người đọc không bị "đứt gánh giữa đường". Là câu văn có mật độ dày các ý bật tanh tách, nạp thêm thông tin bên lề hoặc trình ra lối nghĩ khác với thông thường. Chẳng biết điều này có phải bắt nguồn từ tính cách "Quảng Nam hay cãi" của tác giả không? Nhưng lối diễn đạt này tạo cảm giác hào hứng và kích sự tò mò cho người đọc trong quá trình tiếp cận tác phẩm.

3. Đi tàu viễn dương, mỗi khi tàu cập cảng, việc đầu tiên của Trương Anh Quốc là lên đất liền tìm Internet hoặc trạm điện thoại để liên lạc với bạn bè, người thân, hỏi thăm tình hình mọi người. Sau đấy tranh thủ khám phá đất nước sở tại trong khoảng thời gian cho phép.

Nếu tàu cập cảng trong nước thì Trương Anh Quốc gặp bạn văn chương. Lúc Hải Phòng. Khi Đà Nẵng. Hay Sài Gòn. Hoặc Vũng Tàu. Ngoài gặp gỡ bạn, việc khác nữa chẳng khi nào anh quên, là sục sạo các nhà sách. Trương Anh Quốc về nước là nhờ bạn bè tư vấn các đầu sách mới đáng chú ý cần đọc để lập tức cập nhật. Sách là thứ anh luôn nhớ trang bị trước khi tàu nhổ neo. Để trên tàu, khi đồng nghiệp giải trí bằng việc xem tivi hoặc ngồi canteen thì anh lại đóng cửa phòng riêng đọc sách, hoặc tranh thủ viết lúc sóng biển ngủ quên không gây gổ với thân tàu.

Trương Anh Quốc sống giản dị, có phần xuề xòa. Anh nhiệt tình với bạn bè. Đúng kiểu dân "phượt" xuyên lục địa. Với lối nói chuyện tếu táo ngang như cua, trống người ta đánh xuôi anh sẽ thổi kèn ngược, cốt cho mọi người cười, vậy nên ngồi với anh chẳng bao giờ lo nhàm chán hoặc buồn tẻ.

4. Ba năm nay Trương Anh Quốc không đi tàu nữa. Anh chuyển qua làm cho một công ty dịch vụ dầu khí. Đều đặn xen kẽ 4 tuần ngoài giàn khoan 4 tuần nghỉ trong bờ. Vẫn là biển. Chỉ khác là trước lên tàu đi khắp thế giới, giờ lên máy bay trực thăng ra giàn khoan. Tôi nói, anh chọn việc khéo quá, làm 1 tháng lại có 1 tháng nghỉ vi vu nạp nguyên liệu viết hoặc ngồi nhà viết văn.

Từ ngày Trương Anh Quốc chuyển việc, tôi gặp anh thường xuyên hơn. Thường trước khi anh ra giàn khoan hoặc từ giàn khoan về bờ anh em lại ngồi với nhau rồi anh mới ngược Sài Gòn về với vợ con. Có thể là quán nào đó bên bờ biển hoặc cửa sông hay trong con hẻm nhỏ. Uống ly cà phê hoặc ly bia lấy cớ cho vài câu chuyện xoay quanh việc viết lách, bạn bè văn nghệ.

Nhiều người hỏi Trương Anh Quốc làm gì cho hết 4 tuần trên bờ? Xin thưa lúc thì anh ở Tây Bắc. Lúc Đông Bắc. Khi về quê thăm hai bên nội ngoại. Hoặc đi Tây Nguyên. Trương Anh Quốc ham đi. Đi trên biển đủ rồi đến đi trên bờ, khám phá dọc dài đất nước. Nhiều khi anh nhắn tin hoặc nhắn tin hỏi anh, lại thấy nói đang ở một vùng xa lơ xa lắc. Vậy là biết anh đang bồi bổ mắt và nạp năng lượng cho trang viết rồi. Viết văn mấy người được như anh!

Ngoài tập truyện "Sóng biển rì rào" và tiểu thuyết "Biển", Trương Anh Quốc còn 2 tập truyện ngắn khác là "Lũ đầu mùa" và "Hợp đồng chiều thứ Bảy". Ở 2 tập truyện này, có một số truyện anh trở về với… đất liền. Nhưng có vẻ anh thuộc về biển. Những câu văn phải được vớt lên từ biển mới đúng là Trương Anh Quốc. Chả thế mà khi đọc truyện ngắn không dây mơ rễ má gì với biển của Trương Anh Quốc, nhà văn Hồ Anh Thái đã khuyên anh hãy trở về với biển của mình.

Bây giờ thì Trương Anh Quốc vẫn ở biển. Nhưng trên giàn khoan. Đây là mảng đề tài chưa nhà văn nào chạm tới một cách rốt ráo. Anh lại ở vị trí độc tôn. Chẳng ai viết văn có đủ điều kiện nhảy ra giàn khoan đấu với anh. Tôi nói: Anh tập trung làm một nhát tiểu thuyết nữa về chuyện ngoài giàn khoan đi, sẽ nổi bần bật còn hơn ánh lửa pha - ken trên giàn. Trương Anh Quốc cười. Cái cười của anh tôi phiên dịch ra là: Chờ nhé. Vâng. Tôi đang chờ. Tôi biết anh dư sức làm được, làm ra ngô ra khoai, như anh từng làm với nguyên liệu từ nghề thủy thủ của mình. Và ở đấy, vẫn là những câu văn được vớt lên từ biển, tươi rói và hấp dẫn.

VĂN THÀNH LÊ
Nguồn: VNCA



Thứ Hai, 26 tháng 8, 2019

TỈNH SAY NGUYỄN KHUYẾN!

Rượu là thi liệu quen thuộc trở thành một thi pháp, một mỹ học trong thơ cổ phương Đông. Với nhà thơ lớn Nguyễn Khuyến (1835-1909) cũng không là ngoại lệ. Nhưng nhiều người hiểu hình tượng rượu và cái say trong thơ ông theo nghĩa đen, cho rằng nhà thơ uống nhiều thật, "say nhè" thật. Bài viết này là một cách hiểu phản biện lại.
Thi sĩ Nguyễn Khuyến (1835-1909).

Là nhà nho thông minh, uyên bác, tuy đỗ Tam nguyên nhưng sống vào thời bất như ý nên Nguyễn Khuyến vướng vào những mâu thuẫn không thể giải quyết. Pháp xâm lược, triều đình nhà Nguyễn phân hóa sâu sắc chủ chiến và chủ hòa, ông chưa biết đứng về phía nào.

Vẫn nặng tư tưởng trung quân nhưng khí tiết nho sĩ không cho phép làm quan mà nhìn giặc cướp nước, ông đành chọn cách "Đắp tai, ngoảnh mặt làm ngơ". Nhưng thời thế nhiễu nhương vẫn đầy "phường xỏ lá", đầy sự xấu xa nên ông làm thơ để mỉa mai giễu đời. Thế nên tiếng cười ấy phải kín đáo, mập mờ, ám chỉ, không trực diện.

Thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Khuyến đầy sự oi nồng, ngột ngạt. Tên nhiều bài thơ cũng cho thấy điều ấy: "Mùa thu trời nóng", "Khổ vì nực",… Có nhiều bài viết về cảnh ngày hè bức bối: "Mùa hè năm Nhâm Dần", "Mưa lạnh ngày hè", "Mưa ngày hè", "Ngày hè ngẫu hứng"… Rất nhiều những câu thơ: "Hôm qua nắng dữ, còn bực vì nóng" hay "Hè này nóng bức rất khó chịu" …

Nhưng tiêu biểu nhất là bài thơ nôm "Than mùa hè": "Tháng tư đầu mùa hạ/ Tiết trời thực oi ả/ Tiếng dế kêu thiết tha/ Đàn muỗi bay tơi tả/ Nỗi ấy ngỏ cùng ai/ Cảnh này buồn cả dạ/ Biếng nhắp năm canh chày/ Gà đã sớm giục giã". Sự oi ả ngày hè chỉ là nghĩa bóng còn nghĩa thực, theo lối ám chỉ là thời tiết chính trị hết sức ngột ngạt, vua bất lực, quan lại tham nhũng bất tài, xã hội nhố nhăng, kẻ thù đã hiện hữu...

Thế nên nhà thơ hẳn nhiên là cô đơn. Thường hay xuất hiện hình tượng "độc hạc", con hạc cô đơn ngơ ngác trong thơ ông: "Ban đêm một con hạc độc kêu vang, hình như không biết bay về đâu" (Ngày xuân); "Một con hạc lẻ bay dọc ngang chưa biết đâu là nhà" (Vườn rau). Một đám mây cô đơn: "Đến tuổi già một hình một bóng như đám mây cô đơn" (Gửi cho bạn). Một cánh chim đơn: "Xuân tàn mà chẳng biết/ Một cánh chim bay vượt qua núi phía Tây" (Tức sự)… Cảnh vật cũng đơn chiếc: "Đìu hiu cảnh quạnh" (Núi Lão huyện ta); "mảnh cây thưa thớt" (Vịnh núi An Lão); "một lá về đâu…", những ngôi nhà "bé con con" (Vịnh núi An Lão); một con thuyền ngơ ngác (Nhớ cảnh chùa Đọi); một "chom chỏm trên sông đá một hòn" (Chơi núi Non Nước); một cần trúc, một bóng trăng, mấy chùm hoa trước giậu trong "Thu vịnh"; "một chiếc thuyền câu bé trẻ teo" (Thu điếu)… Trong thơ chữ Hán cũng xuất hiện nhiều tiểu viên, tiểu cảnh với hoa mai, hoa cúc hay nở trái mùa, cây quất bình dị.

Phong cách Nguyễn Khuyến hợp với những gì xa vắng, cô đơn, buồn, thâm trầm, kín đáo, sâu sắc mà tinh tế.

Cáo quan là một sự tránh đời, lánh đời, nhưng chỉ lánh được thân xác còn không thể lánh tình cảm, vì thơ luôn là tiếng nói của tâm trạng. Đọc thơ ông ta vẫn thấy một sự khát khao thay đổi. Ở bài "Than mùa hè" thì câu kết là một sự thay đổi tiết trời, tiếng gà giục giã (Gà đã sớm giục giã) hay một cái gì đó khó nói ra "giục giã". Nhà thơ buồn chán, bất lực nhưng luôn thường trực một khát khao thay đổi, dù mơ hồ: "Cũng muốn sống thêm dăm tuổi nữa/ Thử xem trời mãi thế này ư?". Thì ra cái động lực sống của thi nhân là mong muốn một sự khát khao ấy: "Trong bốn mùa gặp lúc khí âm thịnh/ Thì trăm thứ đều phải xếp xó/ Khi nào có mặt trời đỏ hiện ra/ Sẽ thấy gọi đến nhà ngươi" (An ủi cái quạt đỏ). Một tiếng gà báo sáng, một tiếng sấm, một tiếng pháo, một hình ảnh mặt trời, một làn gió xuân… trong thơ Nguyễn Khuyến thường mang tính dự báo về một sự sắp sửa đổi thay, đúng hơn là một khát khao đổi thay.

Đau đời mà không giúp được đời. Yêu vua mà không giúp gì được cho vua. Thậm chí vua lúc này cũng không cụ thể là ai, là người như thế nào, yêu nước hay không yêu nước. Yêu dân mà không làm gì được cho dân đỡ đói, đỡ khổ, đỡ lầm than. Là người giàu lòng tự trọng, tất nhiên Nguyễn Khuyến thấy thẹn, thấy ngán, thấy chán, thấy bực, thấy nhục, thấy hận:

"Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già" (Ngày xuân dặn các con);

"Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào" (Thu vịnh)

"Chăn xưa nhường thẹn nỗi riêng chung" (Mưa lạnh ngày hè)

"Nghĩ càng thêm ngán cho đời" (Lấy Tây)

"Nghĩ đời mà lại ngán cho đời" (Ngẫu hứng);

"Ngán kẻ phương trời chẳng đứt dây" (Nghe hát đêm khuya)

"Còn một nỗi này thêm chán ngắt" (Than già);

"Nghĩ lại bực cho dòng nước chảy" (Chơi núi Long Đội);

"Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu" (Hội Tây);

"Tức giận lắm chỉ muốn say ngàn ngày" (Gửi bạn đồng khoa họ Dương ở xã Khắc Niệm).

"Ai chẳng biết chán đời là phải" (Khóc Dương Khuê)…

Là một nhà nho chân chính tâm thức gắn liền với "đạo", luôn ý thức về sự suy tôn, bảo vệ "đạo", thế mà phải thốt lên đau đớn: "Ngô đạo chí kim tiêu tác thậm" (Đạo của chúng ta nay đã rời rạc lắm). Nhưng làm sao có thể cứu được "đạo", đành mặc chân mình lảo đảo bước vào cõi say: "Chỉ có lão đeo bầu trong làng say này thực là tiên" (Rượu).

Nhưng cũng có lúc phải tỉnh, lúc ấy muốn được vô tư như hình ông lão vẽ trong cái quạt: "Ngồi nhìn lại thích cái ông già vẽ trong quạt/ Chỉ tựa cây nâng chén, không tính bao nhiêu mùa xuân" (Bài muộn). Có lúc muốn được câm lặng như ông lão đá.

Thậm chí có lúc cảm thấy tương giao đến độ không có ranh giới thật/giả, không biết mình là ông lão đá hay ông lão đá là mình: "Lão đá ngồi suốt ngày/ Lão đá im không nói/ Ta thích ngâm và viết/ Thân mật không ngờ nhau/ Bạn thần giao có nhân quả/ Cùng đi lại trong cõi hóa/ Biết đâu ngươi không phải ta" (Ông lão đá)…

Với bản tính "hiếu ngâm tả" (thích ngâm và viết) nên Nguyễn Khuyến lánh đời vào rượu và thơ là phải lẽ và hợp lẽ. Lánh đời mà gửi vào rượu vào thơ: "Tức giận lắm chỉ muốn say cả ngàn ngày/ Thơ ngâm tràn, cần gì phải vạn người truyền tụng"...

Nguyễn Khuyến cố ý nâng cái say của mình lên một tầm cao mỹ học - mỹ học cái say. Như có chỗ ông nói không uống rượu thì hoa cúc sẽ chê cười: "Bầu rượu thường để không, bị hoa cúc vàng cười giễu" (Tự thuật).

Ông mượn rượu như một phương tiện để bước vào địa hạt cái say mà lánh đời, đợi đến ngày "thái bình": "Uống trăm chén rượu để quên mọi sự" (Vài lời than), "Ta say tít lại ngâm vang" (Ngày hè), "Ước gì được thứ rượu Trung Sơn mà uống/ Rồi đánh một giấc say dài cho đến ngày thái bình" (Nói chuyện cũ). "Rượu Trung Sơn" có từ tích Lưu Huyền Thạch mua rượu "Thiên nhật" ở Trung Sơn, mỗi lần uống say nghìn ngày.

Nhà thơ rất hay nói đến chuyện uống rượu, say rượu. Có lúc nói uống ít: "Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy/ Độ năm ba chén đã say nhè" (Thu ẩm); có lúc nói uống đến mấy chục chén mà vẫn thấy tỉnh: "Cao hứng rót rượu uống tràn/ Mỗi lần uống hàng mấy chục chén" (Ngày hè ngẫu hứng); có khi lại thấy nói "Cho nên say, say khướt cả ngày/ Say mà chẳng biết rằng say ngã đùng", thế mà vẫn chuốc rượu "Xin ngươi gắng cạn chén này" (Uống rượu ở vườn Bùi).

Có khi lại chỉ chăm chăm đến với chén rượu chứ không vì lẽ gì khác: "Bây giờ đến bậc ăn dưng nhỉ/ Có rượu thời ông chống gậy ra" (Lên lão). Có thể đây chỉ là sự tự giễu nhân cách gàn dở của mình khi tuổi cao không thấy mình có ích gì. Như vậy không phải là thích rượu, hay rượu, đó chỉ là cái cớ để neo gửi tấc lòng.

Trốn đời, lánh đời nhưng không quên được đời, thậm chí càng đau đời, ông đành gửi vào thơ những nỗi niềm trăn trở. Như lẽ tự nhiên đã hình thành một phong cách chỉ có ở ông: phong cách ám chỉ, mượn cái này để nói cái khác.

Chúng tôi xin giới thiệu bài thơ chữ Hán "Quặc ngư" (Chộp cá) nói về chuyện uống rượu mang rõ đặc trưng phong cách Nguyễn Khuyến. Bài thơ mang dáng dấp một vở kịch nhỏ, có giới thiệu: ta thích uống rượu nhưng nhiều khi bực mình vì không có nhắm; có hoàn cảnh không thời gian: một hôm kiếm được con cá mực xào nấu xong chuẩn bị nhắm rượu; có tình huống: con mèo nhà ai lẻn vào cướp cá; có cao trào: mèo nhảy lên xà nhà, ngạo nghễ, như thách thức ta; có cởi nút: "Đành nâng chén uống say/ Rõ ra là ta thua chúng bay".

Đặt tác phẩm trong trường ý nghĩa văn hoá truyền thống (bức tranh Đám cưới chuột), trong hệ thống phong cách ám chỉ của nhà thơ, có thể hiểu: con mèo thực dân Pháp trắng trợn vào ăn cướp nước ta, lại còn tỏ thái độ ngạo nghễ "khai hoá". Thế mà dân (ta) lại đành chịu thua sao?!

Nói là "uống say" nhưng kỳ thực, rất tỉnh!

Nguyễn Khuyến từng làm thơ giễu bạn mình: "khéo ngơ ngơ ngác ngác ngỡ là ngây", thì đó cũng chính là Nguyễn Khuyến!

NGUYỄN THANH TÚ
Theo VNCA



Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2019

KHOẢNH KHẮC ĐÀO AN DUYÊN

Đào An Duyên đã chớm qua trẻ nhưng chưa tới từng trải như người... già. Tản văn của cô vì thế nó chừng mực. Không quá nhiều tầng nghĩa, không nặng kiến thức, nhưng cũng qua được những xúc cảm "phi trọng lượng" để câu chữ, hình ảnh và những liên tưởng, những hồi quang không chống chếnh...
Nhà văn Đào An Duyên - Ảnh: PH

Thời gian gần đây trên một số báo xuất hiện những tản văn nho nhỏ xinh xinh của Đào An Duyên. Cũng nói luôn, tản văn là thể loại mới được các báo trọng dụng dầy hơn so với trước. Nó làm cho tờ báo mềm đi, làm cho người đọc có thời gian ngưng nghỉ giữa bề bộn tin tức dày đặc trên báo. Nó tăng chất văn cho những tờ báo chính trị xã hội vốn dĩ được mệnh danh là cứng và khô. Đấy là xu hướng đúng trong thời điểm hiện nay, bởi thông tin nhanh nhất, nhạy nhất, sống động nhất, báo mạng đã làm, thậm chí là mạng xã hội đã làm, nó khiến người ta phải chạy. Báo giấy, xen kẽ tản văn, truyện ngắn và thơ vào, nó như đang đi bộ dưới nắng có một chỗ râm mát để nghỉ.

Trong làm thơ, lục bát tưởng dễ mà khó nhất. Tức ai làm cũng được, cứ trên 6 dưới tám và gieo vần cho chuẩn là được. Nhưng té ra, đấy chưa phải thơ. Thơ phải là cái gì vượt lên trên câu chữ, niêm luật, vượt lên rổn rảng để lặn vào im lặng. Phải ám ảnh và dư ba. Để cuối cùng là, có được câu lục bát hay, bài lục bát hay, nó khó như... làm thơ lục bát.

Trong văn xuôi, thì có vẻ như, viết tản văn là nhàn nhất. Quả có thế thật. Nhưng, lại cũng như lục bát, có được một cái tản văn đọc xong mà cứ xốn xang, mà cứ thắc thỏm, mà lâng lâng, mà vương vấn... khó vô cùng.

Bởi tản văn không chỉ là những con chữ đẹp, lấp lánh, không chỉ là những dòng rưng rưng tưởng như cảm xúc, mà nó còn là những trải nghiệm, là tâm hồn tác giả. Nó là những ký ức đan xen hiện tại, những xưa xa trong hiện tại bộn bề. Nó như thơ, kiệm lời kiệm chữ, nhưng phải mênh mang, phải mở rộng biên độ tưởng tượng, phải thấy nhịp tim rung từ dấu chấm, thấy sợi tóc bay từ cái ngắt hàng vô tình. Nó bung phá nhưng không được dài, nó âm vang mà phải kiệm chữ, nó duềnh như sóng nhưng lại chỉ được thể hiện mình trong giọt nước...
Tập "Dòng sông trôi qua tôi" của Đào An Duyên

Đào An Duyên xuất thân giáo viên dạy văn. Có những dồn nén không thể không nói từ một tâm hồn nhạy cảm, từ quá trình sống, từ chính cảm xúc nghề nghiệp, cô bèn làm thơ. Đã có mấy tập thơ cả in chung in riêng rồi. Rồi như chưa đủ, như cái chiếu nghỉ giữa thơ và dạy học, cô viết tản văn. Một cách nuôi thơ, ở cả 2 nghĩa, cảm xúc và kinh tế. In tản văn trên báo nhuận bút cao hơn thơ, dễ được in hơn thơ. Và tản văn chính là cách tích trữ năng lượng chữ, năng lượng cảm xúc, là cách luôn luôn đặt mình trên bệ phóng lao động, vắt kiệt mình cho chữ...

Người từng trải có lợi thế của người từng trải và người trẻ cũng có lợi thế của họ khi viết tản văn. Đào An Duyên đã chớm qua trẻ nhưng chưa tới từng trải như người... già. Tản văn của cô vì thế nó chừng mực. Không quá nhiều tầng nghĩa, không nặng kiến thức, nhưng cũng qua được những xúc cảm "phi trọng lượng" để câu chữ, hình ảnh và những liên tưởng, những hồi quang không chống chếnh. Nó có lý bởi những gì tác giả viết ra đều được soi từ chính cuộc đời đang hiển hiện trước mắt. Trong đó là những câu chuyện tươi rói, những suy ngẫm nặng nhẽ đời và những dòng ký ức cứ vừa trong veo vừa đằm sâu như dòng sông trôi trong một chiều nào đó, ở một vùng nào đó, trong một tâm trạng nào đó, tôi gọi là khoảnh khắc Đào An Duyên.

Là tôi muốn nói tới cảm xúc của mình, một cách gần giống với tản văn nhất, về tập sách của Đào An Duyên mới xuất xưởng, "Dòng sông trôi qua tôi", 236 trang, NXB Quân đội nhân dân xuất bản tháng 7 năm 2019.

VĂN CÔNG HÙNG
Theo Văn Nghệ



Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2019

HỒN BUỒN TRƯỜNG CỬU TRONG THƠ HUY CẬN

Với tôi, Huy Cận (1919 - 2005) trước sau vẫn là nhà thơ số một trong các nhà thơ mới (1932 - 1945). Sự xuất hiện của ông trên thi đàn Thơ mới có thể ví như mạch sóng ngầm, trầm buồn xiết chảy mạnh mẽ giữa sôi sục của cơn hồng thủy Thơ mới đang cuồn cuộn dâng trào, hòng cuốn bay đi bức tường thành thơ nghìn năm cổ kính Đông phương mà dường như chưa có hồi kết. Cái hồn buồn trong thơ Huy Cận là cái hồn buồn của chàng trai 19 tuổi đầy sức sống mãnh liệt. Chính cái hồn buồn trẻ trung đầy sức sống ấy đã làm nên sự trường cửu trong thơ ca của ông.
Hai nhà thơ Huy Cận và Xuân Diệu

Tròn 100 năm tính từ ngày nhà thơ Cù Huy Cận ra đời (ông sinh ngày 31-5-1919) trong một gia đình nhà nho nghèo dưới chân núi Mồng Gà, bên bờ sông Ngàn Sâu (Hương Sơn, Hà Tĩnh). Tuổi thơ ông gắn liền với bờ ao, mảnh ruộng nghèo khó trên quê hương - nơi mà đại thi hào Nguyễn Du rồi Nguyễn Công Trứ đã từng cất lên những vần thơ trác việt giữa đất trời sông núi. Lớn lên, ông vào Huế học trung học, đậu tú tài, sau đó ra Hà Nội học Trường Cao đẳng Canh nông. Ông sống ở phố Hàng Than cùng với Xuân Diệu, sau chuyển về 24 Cột Cờ (nay là phố Điện Biên Phủ). Ông tham gia cách mạng từ năm 1942, là thành viên Ủy ban Dân tộc giải phóng toàn quốc. Ông cũng từng cộng tác với nhóm Tự Lực Văn Đoàn, từng giữ các chức vụ: Bộ trưởng kiêm Thanh tra đặc biệt của Chính phủ cách mạng lâm thời 1945, Bộ trưởng Bộ Canh nông, Bộ trưởng đặc trách văn hóa tại Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng... Tháng 8-1945, ông là một trong 3 thành viên của phái đoàn Chính phủ lâm thời (gồm Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận) đi vào kinh đô Huế để tiếp nhận lễ thoái vị của vua Bảo Đại. Sau này ông về làm Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật Việt Nam, Ủy viên Ủy ban chấp hành UNESCO, Viện sĩ Viện Hàn lâm thế giới về thơ, Chủ tịch Đại hội Văn hóa thế giới năm 1968... Ông mất ngày 19-2-2005, tại Hà Nội.

Huy Cận có thơ đăng báo từ năm 1936. Ông cho in tập thơ đầu “Lửa thiêng” năm 1940 và lập tức trở thành tên tuổi hàng đầu của phong trào Thơ mới lúc bấy giờ. Tập “Lửa thiêng” bao trùm một nỗi buồn mênh mang da diết. Thiên nhiên trong thơ ông bao la, hiu quạnh, đẹp và buồn. Nỗi buồn của phận người, của cuộc đời, buồn về quê hương đất nước. Các tập thơ sau này của ông tuy có cố gắng hòa vào mạch sống âm thầm trong vũ trụ và cõi đời, nhưng vẫn phảng phất một nỗi buồn man mác.

Tập “Lửa thiêng” chỉ gồm 50 bài thơ, nhưng lại ghi một dấu ấn sâu đậm, trở thành bước ngoặt quan trọng cho con đường đi của thơ ca dân tộc giữa cao trào Thơ mới lúc ấy. Vào những năm 30 của thế kỷ trước, khi mà loại thơ quy phạm viết theo lối Đường luật cổ xưa cũ kỹ đã quá chật chội, bức bối, không còn đủ khả năng phô diễn những tâm trạng, cảm xúc mới trong cõi thẳm sâu của tâm hồn, thì cũng là lúc nhiều nhà thơ đương thời mạnh dạn viết nên những bài thơ mang âm hưởng mới của thời đại, với những cách tân mạnh mẽ về cả nội dung và hình thức thơ. Nhiều tranh luận giữa mới và cũ diễn ra sôi nổi, thậm chí rất quyết liệt. Đúng lúc đó, một tập thơ mang tính cách tân triệt để xuất hiện, đó chính là tập “Mấy vần thơ” của Thế Lữ. Với “Mấy vần thơ”, người đọc lần đầu tiên được biết đến một phong vị thơ hoàn toàn khác lạ, một trải nghiệm mới với một cảm xúc mới, tâm hồn mới, cách nhìn mới. Bởi thế, ngay lập tức, “Mấy vần thơ” được tôn vinh như là sự khởi xướng, một sự bắt đầu của thời đại mới trong thi ca. Nó chấm dứt mọi tranh cãi giữa cũ và mới, mở ra một thế giới khác lạ đầy sôi động và háo hức, để rồi sau đó hàng loạt tập thơ gây tiếng vang lớn trên thi đàn liên tiếp ra đời: “Điêu tàn” (năm 1937) của Chế Lan Viên; “Thơ thơ” (năm 1938) của Xuân Diệu; “Tiếng thu” (năm 1939) của Lưu Trọng Lư; “Thơ say” (năm 1940) của Vũ Hoàng Chương... Cũng chính vào lúc cao trào Thơ mới đang dâng lên chót vót với đỉnh cao Xuân Diệu là đại diện, thì hình như trong sâu thẳm đâu đó, người đọc vẫn cảm thấy còn cái gì gờn gợn, chưa trọn vẹn. Cái sự gờn gợn, chưa trọn vẹn ấy là gì, người ta chưa thể minh định rạch ròi chính xác, nhưng cảm nhận thấy cái mới ấy đã đi quá xa chăng? Xa đến mức mới quá, Tây quá... Và đó cũng là lúc “Lửa thiêng” ra đời. Sự ra đời của “Lửa thiêng” giống một mặt hồ rộng lớn tĩnh lặng, cổ kính Đông phương, như muốn kéo chậm lại dòng chảy Thơ mới đang gầm gào cuộn xiết giữa muôn hình vạn trạng thác ghềnh, với những ồn ào náo động đậm chất Tây phương xa lạ, muôn vẻ sắc màu. Hình như trong thẳm sâu tâm hồn của thi hào Huy Cận, sự rộng lớn, khác lạ, mới mẻ của phương Tây cũng không đủ để ông bày tỏ những xúc cảm nhiều trắc ẩn, chân thực, thăm thẳm của cõi lòng ông. Có phải vì lẽ đó mà sau những bài thơ đậm chất Tây phương, ông lặng lẽ trở về với nỗi buồn vạn cổ Đông phương. Cái hồn thơ ấy thẳm vời về sâu xa ký ức ngàn năm dân tộc. Ông cô đơn một mình giữa mênh mông Thơ mới, cô đơn trong chính cõi lòng, trong chính sự ồn ào náo động Thơ mới. Phải chăng chính nỗi niềm ấy đã biến chàng trai đang tràn trề sức của tuổi hai mươi lại mang trong mình một tâm hồn thơ vạn cổ, nhưng đầy cuốn hút, trẻ trung.

Cảm hứng trong thơ Huy Cận khác hẳn với vẻ ồn ào nồng cháy trong thơ Xuân Diệu. Ông không dấn mình lạc sâu vào thế giới Tây phương, mà âm thầm bộc bạch một cách trung thực nhất cõi lòng mình, cái cõi lòng không biết từ bao giờ đã bao trùm một nỗi buồn xa xăm u tịch, cổ kính mà thâm trầm sâu sắc. Những vần thơ của ông cất lên như tự một cõi xa xăm nào đó của cố nhân: “Một hôm trận gió tình yêu lại/ Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ” (“Học sinh”). Nhà thơ chợt giật thót mình trước cơn cuồng phong mê sảng của Thơ mới, nên bần thần, ngơ ngác trông vời ký ức đẹp đẽ đang trôi qua đi mất. Bởi vậy, khi tĩnh tâm trở lại thì: “Lòng êm như chiếc thuyền trên bến/ Nghe rét thu về hạ bớt mui” (“Mưa”). Chao ôi! Nỗi buồn ấy sao mà mênh mông diệu vợi hắt hiu đến thế. Nỗi buồn ấy cũng chính là tâm trạng của thi sĩ sau những ồn ào náo động, lặng lẽ trở về với chiều sâu tĩnh lặng thâm trầm của tri âm cổ kính ngàn xưa.

Cảm nhận vẻ đẹp u hoài, có thể ví như những bức tranh thủy mặc Đông phương trong thơ Huy Cận, để ta biết một hồn thơ thâm trầm lặng lẽ giữa vũ trụ bao la nhưng hoang vắng đơn côi. Trong tập “Lửa thiêng”, những bài thơ trác việt nhất là những bài mang màu sắc thâm u huyền bí Đông phương... Với Huy Cận, “cái đẹp bao giờ cũng hơi buồn”. Bởi thế, ví như cái buồn trong “Tràng giang” của ông cứ tầng tầng lớp lớp nối tiếp nhau như những đợt sóng xô dạt vào bất tận. Bản thân cái tên “Tràng giang” đã gợn lên một nỗi buồn xa xăm thầm kín mà âm vang mênh mông. Ngay từ câu thơ đầu “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp” đã cho một thông báo về nỗi buồn sâu, chảy dài bất tận. Từ nỗi buồn điệp điệp chuyển sang nỗi buồn hai ngả “Con thuyền xuôi mái nước song song” rồi bỗng vỡ òa ra “trăm ngả”, bởi tâm thế “Củi một cành khô lạc mấy dòng”. Từ nỗi buồn “điệp điệp” đến “song song” rồi òa ra “trăm ngả” đã trào dâng một nỗi buồn cùng tận, nỗi buồn ẩn chứa bao đau đớn, xót xa. Một nỗi buồn chơ vơ không nơi bấu víu, bị dồn đến bước đường cùng trong vô định thời gian “lạc mấy dòng”... thì còn đâu có chỗ cho sự hồ hởi, vui tươi náo động kiểu “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!” như Xuân Diệu nữa.

Cái buồn của “Tràng giang” cứ lơ thơ tan loãng đìu hiu từ cồn cát nhỏ lan sang tận nơi chợ chiều phía làng xa, rồi phát triển mở rộng đến: “Nắng xuống, trời lên sâu chót vót/ Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”. Lớp lớp nỗi buồn triền miên trên con đường vô định “Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng” để trở về với “Lòng quê dợn dợn vời con nước/ Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”. Cái buồn sao mà vắng lặng, hoang vu đến thế, cái buồn của nỗi day dứt khôn nguôi về tình người, tình đời giữa sa mạc cô đơn, dường như vắng bóng mọi sinh linh trên mặt đất. Nó chặn đứng mọi khát vọng mong manh của con người trên con đường vô định...

Có lẽ trong tất cả các nhà thơ mới, Huy Cận là người mang trong mình niềm trắc ẩn thầm kín sâu xa nhất. “Tai nương nước giọt mái nhà/ Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn” (“Buồn đêm mưa”). Cái sự nghe nỗi buồn này không phải nghe bên ngoài, nghe bằng tai mà nghe bằng tâm cảm thẳm sâu của thi sĩ. Chỉ là giọt nước rơi trên mái nhà mà “Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la”. Chính bản thân Huy Cận tự nhận: “Chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm”. Nhưng cái sầu, cái buồn của Huy Cận lại mang vẻ đẹp thâm trầm của Đông phương, của dân tộc. Đọc thơ ông, tự sâu thẳm lòng ta dào lên niềm xúc động cảm thương sâu sắc. Đi suốt tập “Lửa thiêng”, ta bắt gặp triền miên nỗi buồn mênh mang sâu thẳm. Nỗi buồn Huy Cận thường là bột phát, vô cớ mà tự nhiên như chính con người ông. Nỗi buồn được coi là “ảo não bậc nhất” ấy, đậm sâu mà vẫn thanh thoát lạ thường. Nó không gay gắt, bực bội kiểu “Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất/ Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật” (“Vội vàng”-Xuân Diệu) hay “Người ta khổ vì cố chen ngõ chật/ Cửa đóng bưng nên càng quyết xông vào/ Rồi bị thương, người ta giữ gươm dao/ Không muốn chữa, không chịu lành thú độc” (“Dại khờ”-Xuân Diệu). Cái buồn của Huy Cận là cái buồn đẹp, cái buồn mang khuynh hướng lãng mạn, của lý tưởng thẩm mỹ trong chính con người cá nhân nhà thơ. Cái buồn về thân phận con người giữa vũ trụ bao la. Nó chính là cái đẹp, là sự chiến thắng của thơ. Nỗi buồn ấy là cảm thức về con người thiên nhiên, vũ trụ, luôn khao khát vươn lên đi tìm ánh sáng của sự sống dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Lần theo “Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi” mà nghe “Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ” (“Buồn đêm mưa”) để nhận ra tiếng tiền nhân cổ xưa vang vọng trong thơ ông. “Vạn lý sầu lên núi tiếp mây” (“Vạn lý tình”), “Buồn gieo theo gió veo hồ”, “Phất phơ buồn tự thuở xưa thổi về” (“Chiều xưa”). Hồn thơ thi sĩ lặng lẽ trôi về miền xa xăm, mà ngẩn ngơ níu giữ: “Xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về/ Sắc trời trôi nhạt dưới khe/ Chim đi lá rụng, cành nghe lạnh lùng” (“Thu rừng”). Cái nỗi buồn ấy thăm thẳm chùng xuống đến tận đáy: “Ôi nắng vàng sao mà nhớ nhung/ Có ai đàn lẻ để tơ chùng?” (“Nhớ hờ”)...

Hồn buồn Huy Cận không ngẫu nhiên mà có. Chúng ta biết vào thời bấy giờ, xã hội Việt Nam đang trong giai đoạn ngổn ngang muôn nỗi. Cuộc sống rối ren, tơi bời của xã hội nửa thực dân, nửa phong kiến dẫn đến tâm trạng u uất, buồn rầu, lạc lõng giữa thế gian của các nhà thơ. Bản thân Huy Cận cũng mệt mỏi, ngột ngạt giữa hiện thực của người dân bị mất nước, tràn ngập thói hư tật xấu, bức bối nên tự nó đã dẫn tâm hồn thi sĩ của ông trở về đắm mình trong tòa lâu đài thi ca cổ kính nơi tiền nhân. Cái buồn, sự trống rỗng, cô đơn trong thơ ông là cái buồn mang đậm truyền thống thẩm mỹ thơ ca dân tộc. Nếu Xuân Diệu luôn mộng mơ, cứ bám riết vào đất mà nồng nàn say đắm thì Huy Cận vừa sâu sắc thâm trầm, vừa cao xa thăm thẳm...

Tiếng thơ của ông cất lên như tiếng vọng từ ngàn năm trước. Vẻ đẹp của tiếng thơ ông nghe như khúc độc huyền cầm vút lên giữa đêm trăng thu tĩnh lặng bên hồ Ngọc Bích. Một ai đó nhận xét: Chính bằng nghệ thuật kỳ ảo, vừa thông thái vừa giản dị, vừa vũ trụ vừa ngày thường, mà thơ ông đã đạt đến tính phổ biến của nhân loại...

Huy Cận - nhà thơ buồn nhất trong các nhà thơ mới và cũng là nhà thơ với những kiệt tác thơ còn sống mãi cùng thời gian.

TRẦN ANH THÁI
Theo QĐND

XIN XEM THÊM:

·         MẮT BIỂN ĐÔNG - LỮ MAI


Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều