Thứ Năm, 28 tháng 3, 2019

CHÍNH HỮU - NGƯỜI BỘ HÀNH KHÔNG ĐƠN ĐỘC

Viết ít, mà có phong cách, ngay từ khi mới xuất hiện ở các bài Ngày về, Đồng chí..., và tạo ra một sự phát triển-ổn định trong phong cách, tạo ra một sự ảnh hưởng trên thi đàn, đó là Chính Hữu. Người viết lịch sử văn chương Việt Nam thế kỉ XX không thể quên ông
Nhà thơ Chính Hữu

“Ai đã đọc thơ Chính Hữu, một vài bài trong một lúc, hay dăm bảy bài ở một vài lần khác nhau, đều thấy không có gì khó hiểu, khó suy luận lắm. Thậm chí, với người sành thơ, đọc chừng nửa bài của ông, đã có thể đoán là ông sẽ tiếp tục viết thế nào và kết thúc thế nào...”. Một người bạn của tôi bảo thế.

Tôi mang nhận xét này nói với vài người khác. Họ bảo tôi:

- Liệu đã chắc chưa?

- Đấy là cảm nhận, mà cảm nhận thì dễ vu vơ lắm đấy, thử tìm hiểu nữa xem.

- Có lí đấy, có cơ sở đấy...

Gặp nhà thơ nổi tiếng với hình ảnh - hình tượng đầu súng trăng treo và ngọn đèn đứng gác, chần chừ một lúc, tôi bụng bảo dạ: Khôn ngoan chẳng lọ thật thà, thôi, cứ liều hỏi xem sao.

Khóe miệng nhà thơ hơi giật giật, ông nở một nụ cười nhẹ không thành tiếng mà gương mặt như ửng đỏ, rạng rỡ hơn, dễ giao hòa chứ không khó đăm đăm như lúc khác. Đưa cho tôi trang giấy chép một bài thơ, ông nói: “Cậu chắc chưa đọc bài này của mình, đọc thử xem...”. Tôi đón trang thơ ông đưa, đó là bài Người bộ hành lặng lẽ, mở đầu bằng các câu: Đi bộ là hành vi đẹp nhất/ Của con người/ Tôi hướng đến tận cùng niềm vui/ Của cái lặng im trong sự cô độc...

Khi tôi đọc tiếp, mê mải, quên là đang đối diện với ông, chợt ngẩng lên, thấy mắt kính ông cũng đang lấp lóa, ông đang đọc hay viết gì đó. Tôi như phát hiện ra có một nhà thơ Chính Hữu hơi khác so với những gì mình đã biết, ở mấy dòng này của ông:

Tim càng đau và tuổi càng già
Tôi càng muốn xa
Những sự rắc rối
Chỉ thích nhìn đời một cách đại khái
Để càng yêu hơn...

Tôi nói với ông: Hình như Vũ Quần Phương đã viết Yêu cho hết tấm lòng không phải dễ, hình như Bằng Việt đã kêu lên Chưa bao giờ tôi hiểu hết cuộc đời/ Chỉ càng lớn tôi càng thương cảm nó..., và xa xưa mà gần gũi kia, Nguyễn Đình Chiểu đã tự nhận Vì chưng hay ghét cũng là hay thương..., thế mà ở đây, anh lại bảo nhìn đời một cách đại khái để càng yêu hơn là thế nào? Nhìn đại khái thật à? Chữ đại khái của anh thế mà khó hiểu rồi!...

Nhà thơ ngồi yên nghe và nhìn tôi nói như nhìn một vật thể lạ.

Tôi ngỡ là Chính Hữu đã vào hồi mỏi mệt.

Đó là bài thơ ông viết vào năm 1996, khoảng gần một năm sau Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ V (từ khóa V ông không ở trong Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam nữa). Trong bài thơ xưng tôi này song hành và hòa lẫn hai con người: con người quá khứ, là Rousseau vĩ đại, tác giả cuốn sách Những mơ mộng của người bộ hành cô độc và con người thứ hai, là chính tác giả. Đây là Chính Hữu tự họa chân dung mình, một phác họa cho thấy ông có phiên bản mới:

Tôi đi giữa lòng Hà Nội
Gặp vô vàn con người ai cũng dễ thương
Vì tôi chỉ đi, chỉ ngắm, chỉ nhìn, không nói nhiều nên không phải cãi
Tâm hồn không bị khét lên vì mùi etxăng hiện đại

Càng đi bộ càng khám phá ra nhiều điều
Nên càng đi càng yêu...

Tôi đọc to hơn một tí mấy câu thơ này để ông và tôi cùng nghe lại. Tôi hỏi: Càng đi bộ càng khám phá ra nhiều điều/ Nên càng đi càng yêu, đó là suy luận hay là tổng kết? Ông cười dễ dãi: “Tùy các cậu, thơ ấy mà!”. Tôi nhớ lại chuyện có lần mình đi xe máy vượt chiếc ôtô mà không biết là trong xe có ông ngồi, mấy hôm sau gặp nhau tình cờ ở phố Lý Nam Đế, ông bảo: “Cậu đi xe máy xiếc nhỉ”. Chữ “xiếc” ông dùng rất thanh niên. Tôi đùa với ông: “Anh quen ngồi ôtô mấy chục năm nay rồi, cái khoái cảm đi bộ để ngẫm nghĩ suy tư trong bài này là tự nhiên đấy chứ? Hay là anh nhập vào vai nhà tư tưởng Rousseau mà viết ra?”. Ông trả lời thật gọn: “Trong mình và trong cậu, trong một người đọc, đều có một chút Rousseau trầm tư thì cũng là tự nhiên thôi!”.

Ừ thì tự nhiên, thơ đọc được, thơ hay bao giờ cũng có ý tứ được bộc lộ tự nhiên mà khéo léo. Nhưng muốn tự nhiên thì cũng phải có hoàn cảnh mới tự nhiên được. Thường khi, đến với Chính Hữu là ta đến với một người có khả năng tổng kết ngắn gọn bằng hình ảnh có tính biểu trưng. Song ở bài Người bộ hành lặng lẽ này, ông bộc bạch và đối thoại hơn là mô tả tự nhiên để mà khái quát, tổng kết. Khi ông đối thoại, cũng là tự nhiên, ông đã chan hòa hơn, “bình dân” hơn.

“Thế cậu tưởng mình không bình dân à?” - nhà thơ cắt ngang tôi. “Anh muốn có vẻ đẹp bình dân trong chữ, trong ngôn từ thôi, chất của anh là chất của một học sinh Vệ quốc đoàn, sớm trưởng thành thành một cán bộ có học thức, hay suy ngẫm, đã tự nguyện vô sản hóa, để phục vụ công nông binh ngay từ ngày xếp bút nghiên vào Trung đoàn Thủ đô đánh giặc giữ yên sơn hà...”.

Tôi chưa bao giờ dám nghĩ rằng nhà văn nhà thơ là người khôn hay dại. Cứ sau mỗi lần gặp Chính Hữu, tôi lại tự cho rằng cái ý chưa bao giờ dám nghĩ ấy của mình là phải, nên giữ.

Nhà thơ Hoàng Trung Thông (1925-1993) - đồng hương với nhà thơ Chính Hữu - kể rằng hồi còn học ở Vinh với nhau (khoảng 1942-1943), Trần Đình Đắc (tức Chính Hữu sau này) đã nổi tiếng chăm chỉ, học giỏi và nghịch ngầm. Trò nghịch ngầm mà Đắc ta hay dùng là đố chữ: chữ Pháp, chữ Việt, và tiếng Nghệ lẫn lộn cả âm cả nghĩa, nói xuôi đọc ngược, nói lái nói lửng... vui thì thật vui mà lắm khi tức cười đến cả tuần cả tháng sau. Rồi Trần Đình Đắc ra Hà Nội học tiếp, rồi Cách mạng tháng Tám năm 1945 bùng nổ, Đắc có ghé về quê, gặp bạn cũ tại Vinh chốc lát rồi trở ra Hà Nội, rồi Nam Bộ kháng chiến, rồi Thủ đô kháng chiến, nhà thơ xung vào Trung đoàn Thủ đô oai hùng. Thành phố Vinh tiêu thổ, tản cư... thế là xa nhau. Những tưởng, như thơ đã nói, các anh đi biết bao giờ trở lại..., thì bỗng được nghe mấy anh mấy chị đi dân công hỏa tuyến về đọc bập bõm những Quê hương anh nước mặn đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá... với Áo anh rách vai/ Quần tôi có vài mảnh vá/ Miệng cười buốt giá/ Chân không giày/ Thương nhau tay nắm lấy bàn tay... Hoàng Trung Thông hỏi Minh Huệ, Minh Huệ hỏi ra Hồng Nguyên, rồi Thanh Minh ở Thanh Hóa nhắn vào, Lương An ở Quảng Trị viết thư ra..., ai cũng mừng về một giọng thơ mới lạ. “Giọng thơ của bọn kháng chiến chúng mình”: chân chất, tự nhiên trong câu chữ và nhịp điệu, mà xiết bao thân quý bạn bè.

Tôi đã hỏi nhà thơ Trần Hữu Thung: Khi viết Thăm lúa với những dòng tươi xinh Mặt trời càng lên tỏ/ Bông lúa chín thêm vàng/ Sương treo đầu ngọn cỏ/ Sương lại càng long lanh... với cuộc chia tay của đôi vợ chồng trẻ - chồng ra trận, vợ ở nhà thi đua tăng gia sản xuất, anh đã “như thế nào?”. “Chẳng thế nào cả” - ông Thăm lúa thủng thẳng, rồi nói tiếp: Đó là chuyện thật ở làng quê hồi đó thôi, khi tôi bẻ vần dựng cảnh là tôi cũng có nghĩ đến nhịp điệu sao cho dìu dặt thanh thoát như vè mà phải hơn vè, nhưng mà cũng không thể đăng đối mộc mạc theo kiểu Áo anh rách vai/ Quần tôi có vài mảnh vá...

Muốn “đo” phản ứng của Chính Hữu, tôi bảo với ông: Thế mà bọn em đã có lần cãi nhau về hai bài Ngọn đèn đứng gác và Anh vẫn hành quân đấy. “Cãi thế nào?”. “Cãi bài này viết trước bài kia viết sau...”. Nhà thơ cười. Tôi ít khi thấy Chính Hữu cười thoải mái thế. Ông rút khăn mùi xoa lau mắt, lau kính rồi bảo: “Nhầm thế thì chết người ta! Ông Thung tài hơn mình nhiều, hơn mình nhiều lắm...”. Một anh bạn mạnh dạn: “Ông Thăm lúa ấy bảo thơ anh toàn sỏi đá với mảnh vá...”. Chính Hữu cười to hơn: “Thì thơ ai hồi đó mà chẳng muốn trật dép với Kì hộ lưng nhau ngang bờ cát trắng/ Quờ chân tìm hơi ấm đêm mưa?”. Rồi ông hạ giọng như độc thoại: “Các cậu biết rồi đấy, đó là vẻ đẹp của thơ ca một thời. Thời ấy bọn mình rất muốn đưa những từ ngữ, những chuyện mà bây giờ các cậu gọi là dân dã vào thơ. Ai làm được nhiều và khéo, thì được coi là thành công, là đã tìm ra đường đi cho thơ mình, nhận đường mà...”.

Năm 1999 tôi làm tập sách Mảnh vườn văn dày ngót 1000 trang biên soạn và tuyển chọn, nhà thơ Trần Hữu Thung nhắc: “Nguyên An tìm cách đưa vào sách những ai thì tùy, nhưng theo mình thì phải có Chính Hữu đấy...”. Rồi ông còn dặn nhiều việc khác nữa. Tiếc rằng tập Mảnh vườn văn chỉ tập hợp những văn nhân từng dạy và học ở trường Quốc học Vinh (từ đầu thế kỉ XX) và trường cấp ba Huỳnh Thúc Kháng ở Vinh những năm chống Mĩ. Năm sau, nhà thơ Chính Hữu được Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, Trần Hữu Thung bảo: “Chính Hữu viết chắc, khỏe, thơ như đài kỉ niệm chiến binh, viết ít mà để đời”. Chúng tôi mạnh dạn lên, bảo: “Còn thơ anh thì như khúc quân hành buổi cả nước ra trận...”. Nhà thơ Thăm lúa vui vẻ: “Ghép đôi mình với Chính Hữu à? Được thôi, nhưng sợ mình chưa xứng”.

Trong số mấy chục người được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật ba đợt vừa qua, quả thực, không ai viết ít và kiệm lời như Chính Hữu. Tôi nói với ông rằng, mấy mươi năm qua ông dường như chả đi đâu ra ngoài Hà Nội, mà tại Hà Nội, ông cũng quẩn quanh ở mấy địa chỉ liên quan đến văn nghệ trong và ngoài quân đội như nhà số 4 Lý Nam Đế, nhà 65 Nguyễn Du, nhà số 9 Nguyễn Đình Chiểu...; ông có lẽ chỉ ngồi đọc, ngồi nghĩ những gỉ những gì, rồi chắt ra từ bao nhiêu nghìn vạn trang kia, từ bao nhiêu ngày tháng sáng sáng chiều chiều đêm đêm khuya khoắt kia lấy một ít ý và lời mà phô cùng bạn bè. Ông đăm chiêu nghe, có lúc ông hơi ngả người ra sau, vừa làm mấy động tác thể dục với nhịp thở nhẹ nhàng, có lúc như chợt ngừng lại, muốn nói thêm cho rõ. Có lần ông bảo: “Giá mà anh em văn nghệ mình có thì giờ mà đọc, có điều kiện mà đi nữa...”. Ông chỉ nói thế, rồi dừng, như cho rằng đã đủ hiểu. Có phải cái điều ông tâm niệm trong bài Người bộ hành lặng lẽ lại đang trở về với ông, rằng không nói nhiều nên không phải cãi, rằng biết vừa vừa, đại khái thôi, thì mới yêu hơn được?

Viết ít, mà có phong cách, ngay từ khi mới xuất hiện ở các bài Ngày về, Đồng chí..., và tạo ra một sự phát triển-ổn định trong phong cách, tạo ra một sự ảnh hưởng trên thi đàn, đó là Chính Hữu. Người viết lịch sử văn chương Việt Nam thế kỉ XX không thể quên ông, bởi họ và công chúng nhớ rằng, kế tiếp xứng đáng Trần Mai Ninh, ông và Minh Huệ và Trần Hữu Thung, và Hồng Nguyên, rồi cả Hoàng Trung Thông... đã bằng sáng tác của mình mà khơi nguồn cho một hướng viết mới, cái hướng sáng tác ngay từ đầu đã thể hiện khá hài hòa tính dân tộc và tính hiện đại của nền thơ ca nước Việt Nam mới.

Đã có lúc tôi nghĩ, rằng nếu không có Chính Hữu và Quang Dũng thì phần hào hoa của anh bộ đội Cụ Hồ trong thơ ca sẽ biết tìm thấy ở sáng tác của ai đây.

Quý hồ tinh bất quý hồ đa. Vị trí của một thi nhân văn gia đích thực thường được bắt đầu từ việc tìm câu trả lời cho câu hỏi: Nếu không có thi nhân này, văn gia này thì sao nhỉ?

Phong cách của một nhà thơ, như ta biết, có khi được hình thành dần từ các giai đoạn sáng tác một cách tự nhiên, tự phát hơn là do chủ định, bởi cái tạng suy tư, cái hoàn cảnh sáng tạo của anh ta là vậy. Chính Hữu thì không thế, không hẳn thế, mà có lẽ là do ông tự định hướng, tự xác định từ đầu thì phải. Nhà thơ từng tâm sự: “Tôi thích những câu thơ hàm súc, cô đọng, nói rất ít nhưng gợi rất nhiều tưởng tượng lan xa. Thơ phải ngắn ở câu chữ nhưng phải dài ở sự ngân vang... Câu chữ càng ngắn thì sức ngân vang càng dài. Tất nhiên phải là câu chữ làm bằng tinh chất được cô đúc ở mức tối đa (thích là một việc, nhưng làm được lại là một việc khác). Tôi học tập các nhà thơ phương Đông khi họ nói: Phải kết hợp “xảo” - kĩ thuật tinh vi - với “phác” - mộc mạc. Tôi học tập Baudelaire khi ông khuyên: “Mỗi nhà thơ phải là một nhà phê bình” (của chính mình). Và khi ông chủ trương một sự “chậm rãi minh triết”, tôi không thấy có sự cần thiết phải làm nhiều, làm nhanh để làm ẩu. Tôi tự xác định mình chỉ nên là, và chỉ có thể là, một người làm thơ nghiệp dư, tài tử, để có thể tự do”.

Ông viết thế là bộc bạch, cũng là tự tổng kết về mình. Và ông nhấn mạnh: “Để tự do chỉ viết những điều nội tâm mình thôi thúc phải viết. Và tự do hủy bỏ những cái viết ra nhưng không vừa ý”.

Người ta đã bàn nhiều về tự do trong cuộc sống và trong sáng tác. Chính Hữu nói đến “tự do hủy bỏ những cái viết ra nhưng không vừa ý”, đó là một ý nghĩ rất đáng ghi nhận ở ông và cũng thể hiện tầm vóc của ông - một người tưởng như ít có chuyện để bàn thêm.

Tôi không rõ là những cuộc gặp gỡ, trò chuyện của mình với nhà thơ Chính Hữu như thế là nhiều hay ít, mà chỉ nhớ là thường gần như không hẹn trước, ông tự nhiên, và vì thế, tôi cũng được tự nhiên nghe và ghi. Tôi cũng nhớ là trong câu chuyện của chúng tôi thường thấp thoáng hình ảnh các nhà văn nhà thơ khác. Nhà thơ Chính Hữu rất thuộc bạn thơ cùng lứa và hay nhắc đến họ với sự thân mến, còn hình ảnh những anh bộ đội thời trận mạc thiếu thốn vô vàn mà thương nhau tay nắm lấy bàn tay thì hiện lên luôn luôn, họ như là mạch nối, như là nguồn cảm hứng để câu chuyện của chúng tôi có hôm trở nên miên man. Miên man thế, cùng nhau, có lần ông bảo: “Thôi, ngừng một tí đi, để mình ghi lại đôi ý nói qua nghe lại nãy giờ kẻo lại quên mất”.

NGUYÊN AN
Nguồn: VNQĐ


Thứ Ba, 26 tháng 3, 2019

VĂN HỌC DI DÂN NHẬT BẢN-THÍCH ỨNG VÀ LAI GHÉP

Bên cạnh việc các nhà văn di dân cố gắng xích gần với cố quốc, tìm kiếm độc giả trong nước thì văn học Nhật Bản đương đại còn chứng kiến một xu hướng văn học “giải biên cương” (borderless) với hàng loạt nhà văn - tác phẩm Nhật ăn khách ở thị trường nước ngoài. Đặc biệt họ cũng được xem là những tiếng-nói-khác trong dòng chảy văn học Nhật. Chẳng hạn cái tên sáng chói Murakami Haruki…
1. Gần đây, khi nói đến văn học thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa, người ta thường nhắc đến bộ phận văn học di dân (emigrant literature) và văn học thiểu số (ethnic literature) trong mối băn khoăn về vấn đề trung tâm - ngoại biên cũng như tính chất “giải lãnh thổ hóa” của nền văn học.

Trong đó, văn học di dân như một diễn trình tồn sinh của những tiếng nói bên ngoài đường biên, những tâm thức “ở giữa”, những tha nhân cất lời giữa hoan ca và bi kịch phận đời. Dẫu cho ở thời hiện đại, không gian không còn khả năng phân cách, các ranh giới bị xóa nhòa, văn học vẫn không có con đường chung cho tất cả mọi người. Ở bên ngoài lãnh thổ địa lí của một quốc gia, một dân tộc thì đã trở thành “tha nhân”, “tha hương” với những ý thức phân li từ cội rễ và những ám ảnh ngoài lề không bao giờ nguôi dứt.

 Văn chương di dân, tức văn học của các tác giả không sinh sống trên quê hương đất nước của mình, có thể là vì tị nạn, di cư, hoặc bất cứ lí do nào khác. Hiểu như vậy, khái niệm văn chương di dân liên quan đến, và có thể bao trùm cả văn học hải ngoại (oversea literature) vốn khá chung chung, văn học lưu đày (exile literature) vốn đậm tính chính trị - xã hội, hay một khái niệm khác là văn chương vô xứ (literature of displacement)... Ngày nay, quan niệm về văn học di dân đã mở rộng rất nhiều trong bối cảnh toàn cầu hóa. Cùng với vấn đề xuyên văn hóa (transculture), xuyên quốc gia (transnation) là sự thích ứng với bối cảnh, văn hóa và tìm kiếm bản sắc (identity) trong cái chung ngày càng mở rộng. Văn học di dân vì thế không hẳn là lưu vong, lạc loài, mà còn có một vị thế khác trong sự dịch chuyển không ngừng của thời đại. Những nhà văn di dân không sống bên lề của văn hóa dân tộc hay văn hóa của mảnh đất sở tại; họ đi về giữa hai miền tâm thức của thực tại và quá khứ, hoài vọng nhưng không nuối tiếc, phê phán nhưng không phủ nhận. Có thể lắng nghe tiếng nói ấy qua việc tìm hiểu văn học di dân Nhật Bản - mà lực lượng sáng tác lại khá ít ỏi so với các cộng đồng di dân châu Á khác như Trung Quốc, Ấn Độ...

Văn học Nhật Bản phát triển khá thuần nhất xuyên suốt các thời kì lịch sử. Yếu tố địa lí (tính chất đảo), đặc điểm dân cư (chủ yếu là người Nhật thuần chủng) và chính sách chính trị (có những giai đoạn dài bế quan tỏa cảng nhưng cũng có những cuộc cải cách vĩ đại, mở cửa canh tân kịp thời) giúp cho văn chương của người Nhật mang đặc điểm khá nhất quán từ cổ đại đến hiện đại. Dù được mệnh danh là quốc gia Tây hóa nhanh nhất trong khu vực châu Á, luôn chuộng điều mới mẻ và nhạy bén với sự chuyển biến của thời đại, người Nhật vẫn giữ tính cách “bảo thủ” và thậm chí “khắc kỉ” kiểu samurai. Cho đến những năm cuối thế kỉ XX, quan niệm về nền văn học của dân tộc Phù Tang còn khoanh vùng trong sáng tác của các nhà văn, nhà thơ Nhật Bản sinh sống trong nước, xuất bản trong nước. Trong khi đó, cùng luồng di dân Nhật Bản sang các nước khu vực Âu - Mĩ bắt đầu xuất hiện rõ nét kể từ thời đại Minh Trị (từ 1868), sáng tác của người Nhật đã xuất hiện trên nhiều quốc gia khác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, xa hơn là ở phương trời các nước Âu - Mĩ. Hiện tại, người Nhật sinh sống ở nhiều nơi trên thế giới, có người định cư hẳn ở nước ngoài và xây dựng một cộng đồng xa quê, nhưng vẫn có nhiều người Nhật cứ đi về giữa những miền đất lạ - quen. Thành thử, bản ngã của con người xứ sở hoa anh đào hiện nay mở ra nhiều khả tính dung chứa những dị biệt đa dạng. Diễn ngôn của văn học di dân Nhật thâu nhận và thực hành nhiều giá trị văn hóa khác nhau, dần được đón nhận cả trong và ngoài nước.

Văn học di dân Nhật Bản hiện nay có thể tính đến những nhà văn gốc Nhật nhưng mang quốc tịch nước khác, hoặc vẫn mang quốc tịch Nhật nhưng đã định cư ở nước ngoài, trong đó bao gồm các thế hệ thứ hai, ba, tư... của những người di dân Nhật Bản. Cộng đồng người di dân Nhật Bản đã gìn giữ tiếng nói và bản sắc của mình bằng văn chương, gây dựng được khá nhiều thành tựu. Các tác giả có thể sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ hoặc bằng ngôn ngữ của quốc gia mình sinh sống. Tác phẩm chủ yếu được lưu hành trong cộng đồng người Nhật ở nước ngoài hoặc cố gắng nhập vào dòng chính của văn học sở tại. Ngày nay, văn học ngoài biên giới của nước Nhật đã tìm được sự đồng cảm và đón nhận từ quê hương, mở ra nguồn sống mới cho các sáng tác vô xứ. Có thể kể đến một số tên tuổi nổi bật trong dòng chảy văn học di dân Nhật Bản như:

- Yoshiko Uchida, người Mĩ gốc Nhật, với hàng loạt tác phẩm khắc họa đời sống người Nhật tha hương, những nỗ lực gìn giữ gốc rễ và hòa nhập trước xung đột văn hóa.

- Kyoko Mori, hiện sống và sáng tác ở Mĩ. Những tác phẩm của bà là sự thực chứng, trải nghiệm của chính bản thân để khám phá sự khác biệt văn hóa giữa Nhật Bản và Mĩ. Các cuốn sách mang màu sắc tự truyện ấy đồng thời cũng phản ánh rõ nét tâm thức của người Mĩ gốc Nhật - thực chất là một thế hệ Nhật Bản đã chấp nhận một biên cương nối dài.

- Yoko Tawada, hiện sống và sáng tác ở Đức. Bà viết bằng cả hai thứ tiếng Nhật và Đức. Năm 1996, bà được trao giải thưởng dành cho những nhà văn nước ngoài có đóng góp lớn cho nền văn hóa Đức. Văn chương của Tawada đầy rẫy những yếu tố siêu nhiên, trí tưởng tượng bén nhọn cùng lối trần thuật pha trộn phong cách Nhật Bản và Đức.

- Ishiguro Kazuo là nhà văn Anh gốc Nhật. Sinh ra ở Nagasaki, Ishiguro theo gia đình sang Anh sinh sống từ năm 1960 và trở thành công dân chính thức của nước Anh năm 1982. Ông giành Giải thưởng Nobel văn học 2017. Cuốn tiểu thuyết Never let me go (Mãi đừng xa tôi) ra đời năm 2005 được tạp chí Time xếp vào danh sách “100 cuốn sách tiếng Anh hay nhất từ năm 1923 đến năm 2005” và xếp tác giả của cuốn sách ấy vào danh sách “50 nhà văn Anh nổi tiếng nhất kể từ sau 1945”. Ishiguro Kazuo được tạp chí New York Times ngợi ca là nhà văn “between two world” (giữa hai thế giới) với tiếng nói mãnh liệt, sâu sắc về những giá trị không bao giờ phai nhạt. Hiện sách của Kazuo Ishiguro được dịch sang tiếng Việt có cuốn Năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông (An Lý dịch, Nxb Văn học, 2013), Mãi đừng xa tôi (Trần Tiễn Cao Đăng dịch, Nxb Văn học, 2008) và Người khổng lồ ngủ quên (Lan Young dịch, Nxb Văn học, 2017).
Ngoài ra, còn có một số nhà văn Nhật di dân khác đang sống ở Mĩ, Pháp và Canada...

2. Nhìn chung, so với nhiều nước trong khu vực châu Á, văn học di dân Nhật Bản được nhận định ít phát triển hơn và tâm thức di dân cũng không giống nhiều dân tộc khác như người Mĩ gốc Phi hay người Việt trên phương trời Âu - Mĩ... Có lẽ người Nhật không mang mặc cảm thân phận nô lệ như những người da đen, cũng không gắn với kí ức “trốn chạy quê hương” của nhiều người Việt sau năm 1975 hay tâm thức như một số người có “động chạm” về vấn đề chính trị với đất nước mình như Cao Hành Kiện, Salman Rushdie... Tuy nhiên, đối với nhiều nhà văn di dân Nhật - đặc biệt là các nhà văn lớn lên trong và sau Thế chiến II - ám ảnh về chiến tranh, về bom nguyên tử, về lòng tự trọng của một dân tộc đề cao tinh thần võ sĩ đạo hẳn cũng tác động phần nào đến tâm hồn tha hương của họ. Và ở một khía cạnh nào đó, những con người dù bất cứ lí do gì phải rời xa tổ quốc cũng đều mang nặng như nhau những hoài niệm và khát khao tìm kiếm gốc rễ cũng như phương thức tồn tại nơi xứ người. Theo một thống kê, có 56 tờ báo và tạp chí bằng tiếng Nhật được xuất bản ở Mĩ trong khoảng thời gian từ 1886 đến 1990. Nếu so với số dân ít ỏi của Nhật lúc ấy thì con số này cũng thật đáng kể, cho thấy người Nhật di cư đã ý thức và chủ động gìn giữ những giá trị truyền thống thông qua các hoạt động ngôn ngữ và nghệ thuật. Nhất là trong giai đoạn đầu vượt Thái Bình Dương đến Tân thế giới, người Nhật không hề được đón nhận. Họ cũng như rất nhiều dân tộc khác, đứng giữa đường biên, chẳng thuộc về xứ sở Phù Tang cũng chưa bám rễ được trên vùng đất mới. Họ sáng tác bằng tiếng Nhật và cả tiếng Anh, sử dụng các thể loại văn học Nhật Bản truyền thống như thơ tanka, haiku, senryu... hoặc một chất văn xuôi đẫm mĩ cảm Phù Tang, với những hư huyễn phương Đông và trữ tình man mác (như tiểu thuyết của Ishiguro Kazuo) hoặc tính nhật kí hành trình (như văn viết của Kyoko Mori)...

Một bài thơ tanka khuyết danh lưu truyền trong văn học của cộng đồng người Nhật ở đảo thiên đường Hawaii đã viết:

Hawaii, Hawaii
như một giấc mơ
tôi đã đến
Nhưng nước mắt tôi
giờ đây chảy tuôn
trên những cánh đồng mía

Có thể thấy, văn học di dân Nhật Bản đã chia sẻ một thức nhận đau đớn về quá trình phân li và nỗ lực hòa nhập. Nếu quá trình đó vô cùng day dứt bi đát đối với thế hệ di dân thứ nhất, thì nó đã dần dần bớt khó khăn hơn với thế hệ thứ hai, thứ ba… Văn học di dân theo thời gian và xu thế phát triển, tất yếu sẽ mang tính lai ghép (hybridity). Ngày nay, lai ghép được xem là thuộc tính của thời đại toàn cầu hóa. Nó phản ánh tính logic của quy luật thích ứng tiến hóa. Các thế hệ nhà văn gốc Nhật cũng như các nhà văn di dân khác trên thế giới đã sống và viết trong nỗi niềm của một bản sắc đã bị lai ghép sâu sắc. Tiểu thuyết gia, nhà làm phim người Mĩ gốc Nhật từng đoạt nhiều giải thưởng lớn của văn học và điện ảnh, Ruth Ozeki, từng nói rằng: “Tôi đã sống phần lớn cuộc đời mình như một kẻ ngoài cuộc. Tôi nhớ thời cấp hai hay bị bắt nạt, chế giễu và bị đánh đập. Tôi là sự lai ghép hai nền văn hóa, là con lai - mẹ tôi là người Nhật và cha tôi là da trắng. Tôi lớn lên ở Connecticut, giữa một nền văn hóa da trắng và lớn lên với suy nghĩ tôi là một người Nhật. Nhưng sau đó, khi tôi đến Nhật Bản, tôi lại nhận ra rằng mình chính là người Mĩ”. Cảm thức “độ Tang Càn”(1) như thế cho thấy một cái nhìn không hẳn là ngậm ngùi, mà đối với nhiều nhà văn như Ozeki, đó lại là một tri nhận mới mẻ, một sự “thấu thị” sâu sắc cội rễ và những giá trị thực sự trong hoàn cảnh hiện tại. Họ chấp nhận sự khác biệt của chính mình, thích ứng và đi tìm tiếng nói riêng trong sự lai ghép ấy.

Hiện nay, xu hướng viết văn bằng ngôn ngữ khác (Anh, Pháp, Đức...) trong nền văn học di dân Nhật Bản ngày càng lớn. Đó cũng là điều tất yếu đối với nhiều nền văn chương hải ngoại, đặc biệt khi các thế hệ người Nhật thứ ba, thứ tư... sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, có thể tiếp xúc văn hóa dân tộc trong một không gian nhỏ bé của căn nhà gia đình, trong khi hoàn toàn hít thở bầu không khí ngoại quốc khi bước ra ngõ. Sáng tác bằng thứ tiếng khác cũng là cách hòa nhập, đôi khi là sự thể hiện tất yếu của lớp trẻ không còn thạo tiếng mẹ đẻ. Văn học di dân Nhật vì thế cũng chứa đầy yếu tố ngoại lai, pha tạp nhiều giá trị văn hóa.           

Nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định văn học di dân mang tính chất “giải lãnh thổ” (deterritorialization). Dù có liên hệ ít nhiều với quê hương (viết bằng tiếng Nhật, hướng về cố quốc với tất cả kinh nghiệm và tâm thức lưu vong) hoặc cách biệt hoàn toàn (sáng tác bằng thứ tiếng khác, lấy bối cảnh không phải là nước Nhật, hướng đến đối tượng độc giả khác...), những nhà văn “lưu vong” đều sống giữa các biên giới và luôn trong quá trình “giải lãnh thổ”: giải lãnh thổ trong ngôn ngữ viết, giải lãnh thổ trong ý niệm về không gian, và giải lãnh thổ trong văn hóa... Ngay cả xu hướng muốn dùng thứ tiếng tại đất nước mình đang sống để sáng tác cũng là nỗ lực “vượt biên” để xây dựng một thế giới, một không gian khả dĩ cho hiện tồn. Chẳng hạn đọc tiểu thuyết Mãi đừng xa tôi bằng tiếng Anh của Ishiguro Kazuo, độc giả biết tiếng Anh mới có thể thưởng thức được, hoặc Kazuo chỉ hướng về cộng đồng nói tiếng Anh, trong đó tác phẩm xây dựng một bối cảnh hiện đại với hình ảnh nước Anh cuối những năm 1990. Nhiều người cho rằng, trên hình thức Ishiguro Kazuo là nhà văn Anh gốc Nhật, nhưng tác phẩm của ông không thể gắn mác Nhật mà gần như đã hòa vào văn học Anh dòng chính. Tuy nhiên, sự nổi tiếng của ông trong làng văn học thế giới chính là minh chứng cho sự phát triển của văn học di dân Nhật Bản. Không giống Samuel Beckett hay James Joyce vốn đã thụ hưởng những giá trị văn hóa Âu châu từ trong máu thịt gốc gác, Ishiguro Kazuo vẫn là người nghệ sĩ với một bản sắc độc đáo đã được lai ghép.

Bên cạnh việc các nhà văn di dân cố gắng xích gần với cố quốc, tìm kiếm độc giả trong nước thì văn học Nhật Bản đương đại còn chứng kiến một xu hướng văn học “giải biên cương” (borderless) với hàng loạt nhà văn - tác phẩm Nhật ăn khách ở thị trường nước ngoài. Đặc biệt họ cũng được xem là những tiếng-nói-khác trong dòng chảy văn học Nhật. Chẳng hạn cái tên sáng chói Murakami Haruki. Murakami Haruki hiện nay được xếp vào hàng nhà văn Nhật Bản đương đại nổi tiếng bậc nhất. Nhưng nhiều người Nhật vẫn xem Murakami là đứa con ngoại lai và những sáng tác đình đám ấy là văn chương tha hương, một món sa-lát trộn các yếu tố Đông - Tây và văn hóa đại chúng. Như vậy, không phải chỉ những nhà văn bên ngoài mới có những sản phẩm mang tính lai ghép. Bản thân nền văn học chính thống của đất nước hoa anh đào cũng xuất hiện nhiều tiếng nói “vượt biên”, giải lãnh thổ hóa. Điều này cho thấy sự vận động tất yếu của văn chương Nhật Bản trong bối cảnh toàn cầu hóa.

NGUYỄN PHƯƠNG KHÁNH
Nguồn: VNQĐ

_______________

1. Nhà thơ Giả Đảo xưa qua sông Tang Càn mà hốt nhiên “đốn ngộ”: xa Hàm Dương mười năm luôn ôm nỗi nhớ mong hoài vọng, thế rồi khoảnh khắc “qua sông” chợt nhận ra đất khách Tinh Châu cũng là nhà (Khước vọng Tinh Châu thị cố hương). Cũng như thi hào Basho: Về thăm quê ngoảnh lại/ Edo là cố hương.



Thứ Hai, 25 tháng 3, 2019

SẮC MÀU TRUYỆN NGẮN NGUYỄN VĂN THỌ

Tuy đến với văn chương muộn màng, nhưng nhà văn Nguyễn Văn Thọ vẫn gặt hái được nhiều thành công. Ông viết nhiều thể loại, song thành công nhất với truyện ngắn. Câu “chọn mặt gửi vàng” có thể ứng vào trường hợp thể loại truyện ngắn đã “chọn” Nguyễn Văn Thọ.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ

Tính đến nay, nhà văn Nguyễn Văn Thọ đã công bố sáu tập truyện ngắn: Gió lạnh (1999), Vàng xưa (2003), Thất huyền cầm (2006), Sẫm violet (2013), Hương mỹ nhân (2016) và Vườn mộng (2018). Trong nghiệp văn, có người lóe sáng ngay từ khi mới cầm bút, nhưng về sau không giữ được khí sắc; có người thì “chầm chậm tới mình”. Nguyễn Văn Thọ thuộc kiểu nhà văn thứ hai, càng viết càng đằm sâu, quyến rũ.

Liên tiếp trong hai năm vừa qua, nhà văn ra mắt liền hai tập truyện ngắn đầy đặn, có tiếng vang trên văn đàn là Hương mỹ nhân (24 truyện) và Vườn mộng (18 truyện); như một sự tổng kết sự nghiệp sáng tác truyện ngắn. Ông tuyên bố “chia tay” truyện ngắn, chỉ dồn sức viết tiểu thuyết. Nhưng độc giả thì ngược lại, vẫn tin tưởng Nguyễn Văn Thọ tiếp tục “xuất thần” với thể loại này.

Nếu coi truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Văn Thọ là một bức tranh nhiều màu sắc về đời sống xã hội và con người thời hiện đại, có thể nhận ra ba mảng màu nổi bật trong Hương mỹ nhân và Vườn mộng, đó là: chiến tranh - hậu chiến, Hà Nội xưa – nay và thân phận cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Tuy là ba mảng màu khác nhau, tưởng như không có mối liên hệ nào, nhưng thực ra chúng được cố kết bằng một “sợi chỉ đỏ”, đó là tâm thế, bản tính, thân phận của người Việt Nam trong những hoàn cảnh sống khác nhau.

Từng hơn mười năm trực tiếp cầm súng ở chiến trường cho nên đề tài chiến tranh và người lính luôn được nhà văn quan tâm sâu sắc. Ông viết sự thật chiến tranh qua con mắt của người lính binh nhì, trực tiếp từ chiến hào, đem đến những tác phẩm ròng ròng sự sống. Tấm chăn màu huyết dụ, Lời hứa của chiến tranh, Vàng xưa, Vô danh trận mạc, Mùi thuốc súng, Người Hà Nội, Lửa thơ Zippo, Rồi chúng con sẽ trở lại quê hương, Ám ảnh, Sương đêm, Thằng Phoóng em tôi,... là một chuỗi ký ức trận mạc được đánh giá qua chiêm nghiệm. Nếu được chọn mười truyện ngắn hay nhất trên văn đàn đương đại về chiến tranh, theo tôi, Nguyễn Văn Thọ có thể góp vào Mùi thuốc súng. Chiến tranh đầy tàn khốc, nhưng có thể con người lớn lên trong nỗi đau. Bài học về lòng nhân ái, vượt qua định kiến, thù hận, đề cao khoan dung, hòa hợp là tư tưởng then chốt trong truyện ngắn xuất sắc này thông qua một chuỗi nỗi đau của người lính và nhiều thân phận quanh họ thời hậu chiến.

Lại có hơn 20 năm bươn chải ở xứ người (tại nước Đức trước và sau thống nhất), cho nên Nguyễn Văn Thọ hiểu tận chân tơ kẽ tóc đời sống của cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài. Không có miền đất hứa; không có tự do nhiều đến mức như người ta hay tưởng tượng; không dễ dàng kiếm được nhiều tiền nếu không bán mặt cho đất, bán lưng cho trời,... Nghĩa là ở đâu trên Trái đất này, con người cũng phải quần quật lao động vì mưu sinh. Lá bùa, Một người Đức, Trên tàu, Vườn Maria, Bản năng, Bản ngã, Chuyện của Huệ, Thật là giản đơn, Phải sống, Trong bão tuyết,... là những truyện dường như được chắt ra từ nước mắt khi viết, vì chính tác giả trước hết thấm thía nỗi cơ hàn của kẻ ly hương.

Phấn đấu vì miếng cơm manh áo nơi xứ người đến một lúc nào đó có thể tạm ổn thỏa; nhưng để ngẩng cao đầu vì mình có thể đối thoại văn hóa với người ta hay không lại là chuyện “vượt vũ môn”. Những truyện viết về cộng đồng người Việt Nam ở xứ người có sự vật vã, bền bỉ, âm thầm của một cuộc giao tranh, đối thoại văn hóa khi Trái đất là một “thế giới phẳng”. Chính vì quan tâm đến vấn đề căn cốt này mà tác phẩm có được chiều sâu và hàm lượng văn hóa.

Mảng tác phẩm khác khiến độc giả thú vị là những truyện về Hà Nội xưa và nay. Văn học Việt Nam từng có Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Vũ Bằng,... viết tài hoa và sâu lắng về Hà Nội trước đây. Nay lại có thêm Băng Sơn, Ma Văn Kháng, Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Ngọc Tiến, Trần Chiến,... mỗi người một vẻ. Nguyễn Văn Thọ có vẻ như vạch ra một nẻo lối vào văn chương khi viết Vườn mộng, Phố cũ I, Phố cũ II, Lạc tiên, Tình yêu người thợ giày, Muối mặn, Lạc cõi giang hồ,... Nghĩa là “chuyện cũ” nhưng không hề cũ ý nghĩa, thậm chí dẫu có “muôn năm cũ” thì vẫn là hồn cốt của xứ Kinh kỳ.

Tuy gốc gác không phải Hà Nội, nhưng Nguyễn Văn Thọ cũng như nhiều người, quyết không coi mình là dân ngụ cư ở trung tâm văn hóa của cả nước. Ông viết bằng cả một tình yêu Hà Nội, không phải ngòi bút nào cũng làm được nếu chỉ theo lối “cưỡi ngựa xem hoa” hay “ham thanh chuộng lạ” như cách nói dân gian. Mỗi trang viết ở chủ đề này tác giả đều cố gắng giữ được cái “chất Hà thành” của người và cảnh của một vùng, một không gian địa linh nhân kiệt.

Nguyễn Văn Thọ là một cây bút truyện ngắn có nghề. Ông quyến rũ độc giả trước hết bằng tình cảm đắm đuối với cuộc sống và con người, trân trọng và đề cao giá trị văn hóa tinh thần, chủ nghĩa nhân văn, tâm thế hòa giải, hòa hợp và khoan dung. Nhưng đồng thời nhà văn có ý thức tạo hấp lực của tác phẩm văn chương bằng các yếu tố nghệ thuật đa dạng. Truyện ngắn Nguyễn Văn Thọ hấp dẫn về cốt truyện, đặc sắc về chi tiết, đa dạng về giọng điệu; có “mầm mống tiểu thuyết”. Bằng chứng là từ truyện ngắn đến tiểu thuyết chỉ một bước như trường hợp tiểu thuyết Quyên được xây dựng trên hai truyện ngắn Bản năng, Bản ngã.

Văn chương của ông có nhịp điệu khẩn trương phù hợp nhịp sống hiện đại, câu văn thường ngắn, chủ yếu sử dụng từ thuần Việt. Tuy nhiên, tổng thể tác phẩm và truyện ngắn Nguyễn Văn Thọ cũng có những “hở sườn” nhất định. Đó là việc tác giả vẫn còn “tham lam” khi kể, thiếu tiết chế cho nên truyện thường dài, đôi khi lan man. Tác giả đóng vai “người cha tinh thần” của nhân vật nên có lúc dẫn đến tình trạng “bao cấp tư tưởng”; độc giả đôi chỗ có chút tiếc nuối vì nhà văn đã nói hết, giải quyết hết mọi chuyện, trí tưởng tượng của người đọc ít nhiều bị hạn chế. Theo tôi, chùm năm truyện ngắn hay nhất Nguyễn Văn Thọ đã viết, có thể là: Vàng xưa, Sẫm violet, Hương mỹ nhân, Vườn mộng và Mùi thuốc súng.

BÙI VIỆT THẮNG
Nguồn: NVTPHCM



Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2019

NHÀ THƠ PHAN HOÀNG: KHI CON SÔNG ĐỔI DÒNG…

“Nhiều khi mắc cười tôi chất vấn tôi/ tại sao con người cứ tự đánh lừa mình bằng những thói quen/ không học nổi con sông biết thích nghi đổi dòng băng băng về phía trước?” - thơ Phan Hoàng.
Nhà thơ Phan Hoàng đưa con trai Phan Hoàng Phan về quê Phú Yên ăn Tết

* Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế: Nhà thơ Lê Minh Quốc khẳng định bốn điều tất nhiên ở Phan Hoàng là nhà thơ, nhà biên khảo, nhà báo và là người phỏng vấn tướng lĩnh Việt Nam nhiều nhất làng báo. Nhưng thưa ông bạn Phan Hoàng, ở góc độ cá nhân, nếu để thông tin về mình thì ông sẽ nói gì?

- Nhà thơ Phan Hoàng: Một người sống bằng nghề viết chuyên nghiệp. Và cũng giống như anh hay các đồng nghiệp khác, trước đây chúng ta viết bằng bút còn bây giờ viết chủ yếu bằng máy vi tính.

* Hình như mỗi khúc quanh của đời sống lại khiến ông tìm đến những những khám phá mới trong sáng tác.

- Cảm ơn anh đã quan tâm và có cái nhìn tinh tế. Tôi là người thích xê dịch, khám phá trong đời sống lẫn trang viết. Tôi ít chịu đứng yên và rất sợ lặp lại cái cũ. Tôi vốn sinh ra vào thời chiến. Mẹ tôi, gia đình tôi là nạn nhân của chiến tranh. Tỉnh Phú Yên quê tôi là một trong những chiến trường ác liệt. Trong trận chiến cuối cùng vào mùa xuân năm 1975 để thống nhất đất nước, có lẽ Phú Yên là nơi người chết nhiều nhất khi quân đội Sài Gòn rút khỏi Tây Nguyên theo hai “con đường máu” là đường 5 và 7 cũ chạy xuống duyên hải miền Trung. Lính chết nhiều mà người thân gia đình lính chết càng nhiều. Nỗi ám ảnh ấy đeo tôi dai dẳng. Và tôi luôn tự hỏi vì sao phải tiến hành chiến tranh, vì sao con người phải chết oan ức trong mưa bom bão đạn? Có cách nào để tránh chiến tranh không? Các vị tướng nghĩ gì trước sự hy sinh của rất nhiều người lính? Vì vậy khi mới bắt đầu đi làm báo, tận dụng chuyên mục “Mỗi kỳ một nhân vật” trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, tôi tìm mọi cách gặp gỡ, phỏng vấn các vị tướng từng chỉ huy trực tiếp trên chiến trường để tìm câu trả lời cho chính mình. Nhờ đó mà bộ sách nhiều tập Phỏng vấn Tướng lĩnh Việt Nam đã ra đời, tạo cảm hứng cho các tập sách khác cũng lần lượt được xuất bản: Phỏng vấn Người Sài Gòn, Phỏng vấn Người Hà Nội, Dạ thưa thầy!...

* Dù cuộc chiến của chúng ta là chiến tranh nhân dân, nhưng vai trò quyết định thành bại của các vị tướng trước đối phương vẫn là quan trọng. Điều đó chính xác đến đâu?

- Những người càng tài năng càng khiêm tốn, dễ gần gũi, thân thiện. Các vị chiến tướng cũng vậy. Công trận đầy mình nhưng khi trở về đời sống thường nhật họ là người chồng người cha người ông đầy tình thương yêu và họ sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm khi xã hội cần đến. Tôi nhớ vị tướng bác học Trần Đại Nghĩa nói rằng, nếu không có Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp thì trận Điện Biên Phủ chưa chắc thắng lợi vang dội như vậy. Hoặc trận Xuân Lộc đánh mở “cánh cửa thép” cho đại quân tiến vào Sài Gòn xuân 1975, nếu không có sự trực tiếp chỉ đạo “giải vây” khó khăn của Thượng tướng Tư lệnh Miền Trần Văn Trà thì sự hy sinh sẽ còn rất nhiều. Không chỉ trên chiến trường mà trên mọi lĩnh vực khác tôi thấy vai trò cá nhân là rất quan trọng, đôi lúc thay đổi cả cục diện. Điều đáng tiếc là có một thời chúng ta chỉ nói chung chung, không xác định vai trò cá nhân, nhiều tư liệu lịch sử quý báu trong ký ức họ cũng mất đi.

* Nghệ thuật phỏng vấn nhân vật, điều gì là quan trọng nhất?

- Điều quan trọng nhất là phải tìm hiểu kỹ thông tin và thực sự cầu thị, tôn trọng nhân vật mình phỏng vấn. Kế đến là việc xử lý văn bản sao cho logic và cuốn hút, không được áp đặt cái tôi người viết lên bài phỏng vấn. Người đọc muốn tìm hiểu về nhân vật được phỏng vấn chứ không phải tìm hiểu người đi phỏng vấn. Một người phỏng vấn giỏi phải biết ẩn mình, khơi mở, tạo cảm hứng cho nhân vật lẫn bạn đọc.

* Vậy còn với thi ca thì sao?

- Sau khi xuất bản hai tập thơ đầu tay trong vòng gần 7 năm là Tượng tìnhHộp đen báo bão, tôi dừng lại tập trung làm báo để mưu sinh và cũng tìm hướng đi mới cho thơ mình. Nguồn cảm hứng từ thực tế đời sống hiện tại bộn bề, mâu thuẫn, xuống cấp, suy đồi với bao hỉ nộ ái ố đã giúp tôi hoàn thành tập thơ Chất vấn thói quen để xuất bản sau 10 năm. Vốn say mê lịch sử và sinh ra trên mảnh đất Phú Yên một thời trấn biên trên hành trình khẩn hoang mở cõi về phương Nam của dân tộc, tôi lại quay ngược về cội nguồn tìm thi hứng dựng trường ca Bước gió truyền kỳ. Rồi hai chuyến đi Trường Sa cách nhau 5 năm cũng giúp tôi hoàn thành một trường ca khác là Gió hợp hôn đất nước dự kiến xuất bản thời gian tới.

Năm 2018 là một năm đầy “biến động” đối với tôi. Từ bỏ nhiều hoạt động xã hội, tôi tranh thủ thời gian du lịch nhiều nơi, tập trung đọc sách, nghiên cứu tìm con đường mới cho sáng tác. Sau chuyến tham quan hai thành phố lớn Moskva và Saint Petersburg đầy ấn tượng về văn hoá Nga, trên chuyến bay trở về khi ngang vịnh Ba Tư ở Trung Đông tự dưng tôi nảy ra ý tưởng thể nghiệm một hình thức thơ mới gọi là Thơ 1-2-3. Hơn 40 bài thơ viết theo kiểu này của tôi đã ra đời trong hơn 3 tháng qua, được nhiều báo đăng tải và một số bạn thơ cộng hưởng.

* Trội trong tác phẩm Bước gió truyền kỳ là tính sử thi, gợi hành trình mở cõi về Nam và hải hành Trường Sa của Đại Việt thêm một vài bài thơ lẻ thấy đặc sắc giọng Phan Hoàng, nhưng lắng một chút thì ta vẫn thấy thấp thoáng âm vọng Tình sông núi, Đèo Cả. Tôi cho rằng đó là sự kế thừa, tinh tế, xuất sắc. Ông thấy sao?

- Kế thừa được một chút tinh hoa của các bậc tiền bối để tạo nên cái riêng biệt cho mình chẳng dễ dàng chút nào. Tôi rất khâm phục hai nhà thơ lớn Trần Mai Ninh và Hữu Loan khi không sinh ra ở Phú Yên nhưng thẩm thấu được môi trường thiên nhiên lẫn bề dày văn hoá đất này để viết nên những tác phẩm bất hủ. Tôi cũng tiếc nhà thơ Trần Mai Ninh hy sinh quá sớm còn nhà thơ Hữu Loan chỉ gắn bó Phú Yên một thời gian ngắn nên không tiếp tục mạch nguồn sáng tạo đầy hào khí từ nắng gió, non nước hùng vĩ đất này. Vì vậy, từ trong vô thức lẫn ý thức tôi muốn chắt chiu, gợi hứng, khơi lại một phần nguồn mạch thơ quan trọng này. 

* Phải chăng phản tỉnh bản thân là phản tỉnh đạt ngưỡng cảnh giới. Chất vấn thói quen là tác phẩm thơ, nhưng lại đặt một câu hỏi một cách văn xuôi như vậy. Khi một con sông chuyển dòng để băng lên phía trước, thì đâu có đơn giản, nó phải lột xác… Tôi thích nghe ông nói thêm về điều này, vì đó cũng là một ý trong thơ của ông.

- Tôi nghĩ mình chẳng bao giờ đạt ngưỡng cảnh giới nhưng luôn có ý thức phản tỉnh. Phản tỉnh trong đời sống đầy bất trắc. Phản tỉnh cả trên trang viết luôn có nguy cơ cũ kỹ sáo mòn. Có thói quen tốt, nhưng cũng có thói quen là chướng ngại làm hại con người. Một dòng sông khi gặp chướng ngại đổi dòng luôn mang lại vẻ đẹp kỳ thú. Có thể chỉ là một ngả rẽ uốn khúc thơ mộng. Nhưng cũng có thể tạo nên dòng thác kỳ vĩ. Tôi tin con người cũng vậy:

Nhiều khi mắc cười tôi chất vấn tôi
tại sao con người cứ tự đánh lừa mình bằng những thói quen
không học nổi con sông biết thích nghi đổi dòng băng băng về phía trước?

* Người Phú Yên có nhiều tên tuổi nổi tiếng trong làng văn làng báo, tiêu biểu như Võ Hồng, Nguyễn Mỹ, Thanh Quế, Trần Huiền Ân, Y Điêng, Ngô Phan Lưu... và gần đây có Nguyễn Phong Việt nổi lên như một hiện tượng thú vị về xuất bản thơ. Những văn nhân xưa “liên lụy” đến Phú Yên như Đỗ Huy Nhiệm, Trần Mai Ninh với Nhớ máu, Tình sông núi, Hữu Loan với Đèo Cả, Trần Vũ Mai với Trường ca Làng Phước Hậu,… và Vĩnh Mai cán bộ tiền khời nghĩa. Những tên tuổi ấy cũng như nhiều nhân vật khác, ai là người còn được Phú Yên cảm mến “cảo thơm lần giờ trước đèn”?

- Tất cả những tài năng và nhân cách dù sinh ra ở đâu mà có đóng góp giá trị cho Phú Yên tôi tin đều được yêu quý và ghi nhận, không chỉ hôm nay mà cả mai sau. Và không chỉ văn chương mà còn ở nhiều lĩnh vực khác. Phú Yên là một trong những “địa linh”, nơi sinh ra hai vị thánh của hai tôn giáo lớn: Tổ sư Liễu Quán của Phật giáo và Thánh Andre Phú Yên của Thiên Chúa giáo. Phú Yên cũng là nơi sinh ra hai nhà chính trị, tư tưởng hàng đầu: Trần Phú - Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam và một nhân vật đối kháng là Trương Tử Anh tác giả chủ thuyết “Chủ nghĩa dân tộc sinh tồn”, sáng lập và lãnh đạo Đại Việt Quốc dân đảng giai đoạn 1939-1946, Chủ tịch Mặt trận Quốc dân Đảng Việt Nam từ khi thành lập đến khi tan rã cuối năm 1946. Dù thành bại khác nhau nhưng họ đều là những nhân vật lịch sử có tầm ảnh hưởng.

* Do tài năng nên người sáng tác mới tìm mình trong các thể loại khác nhau hay là do hiện thực cuộc sống đòi hỏi bản thân phải tự nới rộng “kích cỡ”? Ý kiến của ông về nhận xét này?

- Tôi nghĩ cả hai, do tài năng lẫn hiện thực cuộc sống. Khi thơ không chuyển tải hết thì người cầm bút có thể chuyển tải bằng các thể loại khác như ký, tuỳ bút, truyện ngắn, tiểu thuyết. Vấn đề là tác phẩm có giá trị và có đứng được lâu bền trong lòng bạn đọc hay không. Đừng nghĩ viết được nhiều thể loại là mình có tài. Tôi tâm niệm như vậy nên luôn nỗ lực hết mình. Bởi tài năng là do thiên phú, mình không thể tự tạo ra tài năng của mình được, nên đừng ảo tưởng và cũng đừng đố kỵ cái tài của người khác.

* Sẵn nói về tài năng và sự đố kỵ, ông thấy trong giới văn chương điều này biểu hiện ra sao?

- Thật đáng sợ. Nhà văn Trần Nhã Thuỵ trên Tinh Hoa Việt có nói rằng sự độc ác vô tình nảy sinh từ lòng ghen ghét, đố kỵ. Điều ấy rất đúng và càng lộ rõ từ khi có mạng xã hội. Tuy nhiên, tôi cũng thấy có niềm vui lớn là những người tài năng đích thực thường liên tài, hỗ trợ, nâng nhau lên trong giới văn chương nước ta.
Nhà thơ Phan Hoàng

* Trong số rất nhiều bài viết về tác phẩm và con người Phan Hoàng, nếu với một người không có nhiều thời gian đọc hệ thống thì, ông khuyên bạn đọc đó nên đọc những bài nào để có thể “tổng quan” về Phan Hoàng?

- Mỗi bài viết có cái thú vị riêng và mỗi người đọc có quyền cảm nhận riêng từng bài. Tôi cũng không có quyền khuyên. Những bài viết nghiên cứu có chiều sâu trên cơ sở văn bản học luôn mang lại sự thích thú, cho dù có những tác giả chưa gặp mặt tôi bao giờ mà chỉ đọc tác phẩm. Bởi có khi gặp rồi thì họ không viết hay được như vậy (cười).

* Sài Gòn - TPHCM là cái nôi tiên khởi của báo chí thị trường nên hầu như các nhà văn nhà thơ thành phố này đều tìm đến thể loại báo chí vừa để thể hiện mình và vừa kiếm sống. Đó có phải là một lý do để Phan Hoàng giỏi thao tác thể loại văn học phi hư cấu?

 - Lịch sử cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa báo chí và văn chương nước ta kể từ khi chữ quốc ngữ hình thành và phát triển. Phần lớn nhà văn xuất thân nhà báo hoặc gắn bó với báo chí. Nhiều tác phẩm văn học vốn là những thiên phóng sự báo chí. Không chỉ Sài Gòn mà ở Hà Nội và một số tỉnh thành khác cũng có nhiều cây bút xuất sắc về thể loại văn học phi hư cấu. Tuy nhiên, đúng là Sài Gòn có một môi trường thuận lợi hơn để đăng tải, xuất bản, ấn hành. Riêng tôi, trên cơ sở tư liệu phỏng vấn báo chí, gần đây tôi đã viết và xuất bản, tái bản những cuốn cách mang thể loại ký và tản văn: Sài Gòn đất lành chim đậu, Sài Gòn đất thiêng khí tụ, Sài Gòn ngọt từ da thịt ngọt ra.

* Sài Gòn ngọt từ da thịt ngọt ra - một cái tên có vẻ sexy khiêu khích nhưng hơi hướng nghệ thuật ẩm thực. Tiếc là tôi chưa được đọc cuốn sách này của ông. Cuốn sách này thế nào ạ?

- Đây là một tập hợp những tản văn và tuỳ bút về Sài Gòn đã đăng tải toàn bộ trên báo chí. Trong đó, cái bài tôi lấy làm tựa sách đúng là viết về ẩm thực, bởi với người Sài Gòn và Nam Bộ ăn uống cái gì cũng phải ngọt. Nhiều trái cây đã ngọt mà còn chấm thêm đường. Kho thịt, nấu canh cũng bỏ vào rất nhiều đường. Họ cũng thêm đường vào ly khi uống các loại nước ngọt. Ăn ngọt uống ngọt nên cơ thể con người cũng… ngọt. Tôi là rể Nam bộ mà!

Đầu tháng 4.2018, NXB Văn hoá văn nghệ tổ chức buổi giới thiệu, giao lưu ra mắt tập sách Sài Gòn ngọt từ da thịt ngọt ra tại sân khấu trung tâm Hội Sách TP.HCM lần thứ X, thu hút đông đảo bạn viết bạn đọc tham gia. Thật vui khi nó được bầu chọn là một trong mười sự kiện quan trọng nổi bật của hội sách. Điều buồn cười là sau đó có một người gọi là nhà phê bình khi viết đả kích cuốn sách này trên facebook cứ nhầm là thơ, rồi từ đó suy diễn lung tung, nghĩa là ông ta không hề đọc hay theo dõi thông tin báo chí mà cứ tự “diễu võ dương oai”. Một kiểu phê bình hóng hớt tầm phào.

* Với TPHCM thì tờ báo nào cũng có tản văn. Nhiều người viết tản văn về văn hóa, lối sống Sài Gòn mà thành những cái tên phải nhớ, dù họ là những công dân thường không sinh ở đó. Ông có thể lý giải tại sao không?

- Với vị thế địa lý của mình, từ trong lịch sử Sài Gòn là đầu mối giao lưu, hội nhập của nhiều nền văn hoá từ Đông sang Tây. Và ảnh hưởng từ môi trường sống thuận lợi, người Sài Gòn sinh ra ở đây hay gắn bó chặt chẽ với đất này thường sống phóng khoáng, nhân hậu, hết lòng vì người khác. Đó là chất liệu phong phú cho những trang tản văn vừa mang tính thời sự vừa có sự chiêm nghiệm từ vỉa tầng văn hoá. Với những cây bút từ nơi khác đến, Sài Gòn như cuộc tình mới nồng cháy mang lại nguồn cảm hứng dâng trào cho những trang viết. Nếu như tản văn của Hà Nội đọc chậm, đa tầng đa nghĩa, gợi nhiều suy ngẫm thì tản văn Sài Gòn đọc nhanh, đi thẳng những vấn đề của đời sống thực tại, mang lại hứng thú tức thì cho người đọc.

* Viết tản văn hay về Sài Gòn đa phần không phải là người Sài Gòn, trong đó có Phan Hoàng. Còn Hà Nội thì ngược lại chỉ có người Hà Nội hoặc sinh ra ở Hà Nội mới viết tản văn hay về Hà Nội, như trường hợp Đỗ Phấn, Nguyễn Việt Hà, Băng Sơn… Ông giải thích thế nào về hiện tượng này?

- Tản văn là thể loại viết nhanh. TP.HCM là thành phố trẻ, nhịp sống nhanh và sôi động, dễ cuốn hút người ta vào “cuộc tình mới” với cái nhìn đa chiều và khác biệt dễ được chấp nhận. Có những cây bút sinh ra ở đây như Bùi Chí Vinh, Đỗ Trung Quân, Lý Lan và một số bạn trẻ gần đây viết tản văn cũng khá hay về quê mình, nhưng đúng là số lượng không nhiều bằng các cây bút nơi khác đến. Còn cái đặc sắc của Hà Nội là cổ kính, thâm trầm đòi hỏi sự thẩm thấu mang tính di truyền hoặc sự trải nghiệm chọn lọc lâu bền qua thời gian. Với Hà Nội, ngoài những người sinh ra ở đó như anh nói, tôi thấy có những cây bút từ nơi khác đến cũng viết tản văn hay về thủ đô như Trung Trung Đỉnh, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Thị Thu Huệ, Đỗ Bích Thuý, Như Bình… và đặc biệt là Nguyễn Quang Thiều nay là người thủ đô nhưng vốn sinh tận làng Chùa, Hà Tây cũ.

* Chiến lược nuôi dưỡng, phát triển các cây bút trẻ ở TP.HCM như thế nào, nếu như nhìn vào vai trò của ông hiện tại, cũng như đã trải…

- Tôi đâu giữ vai trò gì quan trọng mà có chiến lược. Từ trải nghiệm của mình, tôi muốn góp phần tiếp thêm động lực cho các bạn trẻ mới bước vào nghề, nhất là những bạn có tài năng và nội lực có thể đi đường dài. Qua các hội nghị viết văn trẻ hay toạ đàm, giao lưu mà tôi góp công tổ chức hoặc giải thưởng nhà văn trẻ đầu tiên của thành phố, mà cũng đầu tiên cả nước, đã quy tụ, điểm danh, gợi mở cho nhiều cây bút trẻ.

* Một Phan Hoàng nổi tiếng với bạn đọc phía Nam và bạn nghề cả nước. Và ngược lại cũng có những nhà văn phía Bắc nổi tiếng ở Bắc, nhưng không nổi ở Nam. Điều gì đã xảy ra? Có phải do “phát hành” hay PR?

- Anh quý tôi mà nói vậy thôi chứ tôi có làm được việc gì ra hồn đâu mà nổi tiếng. Một thợ rèn giỏi nhất định sẽ được bạn nghề và người tiêu dùng biết đến. Một thợ mộc, thợ đúc đồng hay người kinh doanh cũng vậy. Cái khác là người hành nghề chữ nghĩa phải chịu trách nhiệm dài lâu về trang viết của mình. Tôi hy vọng mình sẽ trở thành người làm nghề bền bỉ trước khi thực sự giỏi.

________________________________

Nhà thơ Phan Hoàng sinh ngày 10.10.1967 tại tỉnh Phú Yên, tốt nghiệp chuyên ngành ngôn ngữ học Trường đại học Tổng hợp TP.HCM, từng làm phóng viên - biên tập viên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, Chủ biên tờ Người Đương Thời (sau đổi tên là Người Đương Thời).

Ngoài công việc chính là Trưởng đại diện Văn phòng thường trực miền Nam báo Văn Nghệ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Phan Hoàng hiện còn là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM.

Tác phẩm đã xuất bản:

Tượng tình (thơ 1995)
Hộp đen báo bão (thơ 2002)
Chất vấn thói quen (thơ 2012, tái bản 2015)
Bước gió truyền kỳ (trường ca 2016)
- Phỏng vấn Tướng lĩnh Việt Nam (3 tập 1997-2000, tái bản 4 lần)
Phỏng vấn Người Sài Gòn (2 tập 1998-1999)
- Phỏng vấn Người Hà Nội (2 tập 1999-2000, tái bản 2 lần)
Dạ, thưa thầy! (2 tập 2000-2002, tái bản 2 lần)
Sài Gòn đất lành chim đậu (ký sự nhân vật tập I-2016, tái bản 1 lần 2016; tập II-2018)
Sài Gòn đất thiêng khí tụ (ký sự nhân vật 2017, tái bản 1 lần 2018)
Sài Gòn ngọt từ da thịt ngọt ra (tản văn 2018)

Giải thưởng:

- Giải nhất bút ký báo Khoa Học & Đời Sống năm 1998 với bài Khi nhà thơ làm kinh tế.
- Giải thưởng thơ tạp chí Văn Nghệ Quân Đội năm 2003-2004 với bài Bước gió truyền kỳ.
- Giải ba cuộc thi thơ nhạc Đây biển Việt Nam với hai bài thơ Mặt trời trong ngôi nhà đầy sóng đầy gió, Gió hợp hôn đất nước, do Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam và báo VietNamNet tổ chức năm 2011-2012.
- Giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM năm 2012 với tập thơ Chất vấn thói quen.
- Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012 cho tập thơ Chất vấn thói quen.

NGUYỄN THAM THIỆN KẾ thực hiện
Theo báo Tinh Hoa Việt/ Đại Đoàn Kết
số tân niên 2019




Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2019

NHÀ THƠ BÍCH KHÊ: GIẤU VÀNG TRONG GIÓ THU

Lịch sử thi ca hiện đại ít có thi sỹ nào được như Bích Khê. Chỉ trong vòng 10 năm, dường như để bù lại những gì thưa thớt của ngày tháng cũ, quê hương Quảng Ngãi đã tổ chức hai cuộc hội thảo lớn, tập trung đông đảo các nhà thơ và học giả đương thời tụ hội nhân kỷ niệm 90 năm và 100 năm ngày sinh. Bích Khê và Thơ Bích Khê như được chiếu sáng từ mọi phía của quá khứ và hiện tại bằng sự mẫn cảm tinh tế của các nhà thơ cũng như sự sâu sắc bất ngờ của các nhà lý luận. Vậy mà, khi gấp lại đời thơ đoản mệnh ấy, nhìn vào khuôn mặt trẻ trung, đôi mắt thuần túy và tượng trưng, đôi mắt mà chàng thi sỹ đã dành tới 248 câu thơ trong bài thơ Châu như để tự nói về mình.
Nhà thơ Bích Khê

Đôi mắt đẹp câm trong sắc tượng biến ra châu nguyên vẹn cốt thiên đường, vẫn thấy hình như chàng đang muốn nói điều gì. Một điều đang được chàng giấu kín trong những dòng thơ siêu thực mang hình dáng phương Tây mà lại phả ra cái phong nhã cổ điển của thi ca phương Đông. Đôi mắt mở to. Đẹp và thật buồn như thấp thoáng giữa những dòng Thu mê mải mà đa cảm mang tên gọi Bích Khê. Đành xem lại Tinh Huyết, Tinh Hoa một vài lần nữa để ngẫm ngợi mà vẫn mơ hồ chưa nhận được ra. Nghĩ vậy. Học theo cách làm Thi Thoại của người xưa, tôi theo đợt gió mùa đầu tiên trong năm từ Bắc vào Nam mới khởi sự trước đó hai ngày và dừng lại ở Thu Xà, quê hương Bích Khê để lan tỏa cái se lạnh muôn năm không hiểu nổi của mùa Thu xứ Bắc. Dường như mùa Thu Hà Nội với bộ xiêm y mờ ảo sương mù đi qua biển rộng vừa mới lên bờ vào được đến đây. Cái mảnh đất mà hơn nửa thế kỷ trước Bích Khê đã gọi là làng cũ buồn thu quạnh, thành phố ngưng mạchấy mà giờ tưởng chừng nó vẫn cũ kỹ như xưa sau bao nắng mưa và ly tán của cuộc đời này. Có khi còn cũ hơn ngày trước bởi hôm nay lê thê gió lạnh từ biển thổi vào. Con đường ngắn Thu Xà hai bên những ngôi nhà gạch cũ thấp nhỏ với dăm bảy hiệu tạp hóa theo kiểu bây giờ, xô lệch những khung cửa sổ nhỏ vẫn mở nhìn ra đường từ dạo ấy chưa bao giờ khép lại. Không còn đâu dấu tích của một thương cảng nhộn nhịp trên bến dưới thuyền. Thi sỹ Trần Dần có lần viết: Ôi! những thành phố cố tình vắng vẻ… để khói hè. Với lịch sử của Thu Xà, khi người Việt đầu tiên đến được đây theo đội quân của Hồ Hán Thương vào năm 1402 có thể viết được rằng: Ôi! phố thị cố tình cũ kỹ… để tha hương. Nhà thờ họ Lê Quang ở bên trái gần cuối con đường. Trong một ngõ nhỏ giữa vườn cây vằng lặng. Đó là một kiểu kiến trúc theo lối cổ có hàng hiên ở trước. Chính giữa bàn thờ tổ tiên phía trên có bức hoành phi đỏ viết 4 chữ nho vàng ẩm thủy ân nguyên. Phía sát tường đầu đốc bên phải đặt bàn thờ có ảnh cha mẹ Bích Khê và chị Ngọc Sương thời còn trẻ. Phía đốc nhà bên trái là bàn thờ Bích Khê. Trên tường treo ảnh Bích Khê với đôi mắt nghĩ nhiều nhiều hơn là nhìn quen thuộc. Trên bàn, đằng sau bát hương đặt pho tượng bán thân bằng đá đen tạc hình Bích Khê trẻ trung thanh lịch. Tôi bảo anh em dâng lên bàn thờ một lẵng hoa hồng và thắp ba nén hương trầm lầm dầm khấn không rõ bằng việc chắp nối đôi dòng thơ Tinh Huyết. Khói hương trong nhà đã lên cao. Ngoài vườn, hoa Huỳnh Anh loài thân gỗ mới trồng còn thấp nhỏ đã kịp bung ra những quả chuông vàng rực rỡ như một sự tình cờ giữa chiều chợt mưa chợt nắng. Trong một vài góc nhỏ bụi hoa Oải hương lắc rắc tím với mưa làm như Bích Khê chưa chịu chú ý đến chúng. Phía bên phải khu vườn, người ta lấy đá xếp thành chiếc đàn tỳ bà nằm nghiêng từ phía bầu đàn cao khoảng 5 mét thoai thoải đến phía dưới theo cần đàn mà các phím được xếp bằng những bậc đá đều đặn. Tất cả làm thành hình quả lê bổ đôi. Ngay dưới bầu đàn tỳ bà là thư viện Bích Khê, tạo nên cảm giác như nằm ẩn dưới đất. Trước lối vào thư viện, một cây ngô đồng chắc cũng mới được trồng lá to đến ngọn. Đôi chiếc đã rớm vàng. Chúng tôi nhờ người cháu họ gọi Bích Khê bằng ông đưa đi viếng mộ.

Đường lên mộ nhà thơ vốn là đường lên hội quán ngày xưa. Thuở ấy con đường đã được Bích Khê miêu tả siêu thực lắm. Mấy nàng lai khách vẫn buồn mơ và những chàng trai rõi hững hờ. Ở đấy nàng lai khách đa tình vẫn mong. Anh có khi nào trở lại để nghe khóm lan thơm và đêm về trên mái ngói tiếng nhành nhãn muộn cánh rơi bay. Đường lên hội quán vẫn còn đây với những bụi tre dày chắc để ai đó khỏi tiếc nuối giống như đã không thấy trúc khi về thôn Vĩ Dạ. Hội quán hoang tàn tự bao giờ đã trở thành bãi tha ma mặc cho cây dại mọc bơ phờ bao quanh những nấm mồ xây. Xúm xít đứng dưới mưa. Mưa lã chã rơi không ngớt. Trời tự dưng tối thẫm lại. Mộ Bích Khê nằm giữa đó. Trước mộ dựng một phiến đá rửa màu hồng hình chữ nhật cao độ gần một mét. Trên có mái bằng rộng hơn. Kiểu như mũ bình thiên. Ở giữa phiến đá rửa gắn vào một phiến hoa cương nhỏ hơn viền vàng xung quanh, trên đó có dòng chữ in màu đỏ: Nơi yên nghỉ thi sỹ Bích Khê – Lê Quang Lương 24.3.1916 – 17.1.1946. Phía dưới là 4 câu thơ bằng chữ thường màu xanh. Nguyên văn như sau.

Thân bệnh: Ngô vàng mưa là rụng
Bút thần sống lạnh ánh sao rơi.
Sau nghìn năm nữa trên trần thế
Hồn vẫn về trong bóng nguyệt soi.

Tôi đốt một nắm hương cháy đỏ trong mưa cắm lên trước mộ. Vừa đi khỏi độ chừng 300 bước, thì trời bỗng nhiên lại rạng. Lộ ra một khoảng xanh mờ trên những tán lá cây còn chưa hết ngờ ngàng để mặc cho những giọt nước của dĩ vãng còn lại rơi xuống đất. Nghe như thi sỹ Bích Khê vừa mới gảy khúc tỳ bà mùa Thu từ thế kỷ trước làm nên tiếng thơ mới lạ trong phong trào Thơ Mới 1930-1945. Tiếng đàn khổ đau trong mê sảng và trần trụi kiếp người, phổ trong bản nhạc của tượng trưng và siêu thực bằng tinh huyết của thi sỹ tài danh vang lên nghẹn ngào mà thanh thoát tiếng vàng của thượng đế và trần thế không lẫn với bất kỳ ai trên thi đàn Việt Nam hiện đại.

Người đời đã dành nhiều danh hiệu cao quý tưởng như không thể gì nói hơn được nữa. Nhất là những lời nhận xét ấy lại của những nhà thơ tài danh cùng thời với Bích Khê. Hàn Mặc Tử gọi Bích Khê là thi sỹ thần linh. Chế Lan Viên bảo Bích Khê là một đỉnh núi lạ. Mặc dù thi sỹ họ Chế đánh giá Bích Khê cao hơn Nguyễn Nhược Pháp vì Pháp kể một câu chuyện có thể có, còn Khê tạo ra một điều khó có thể có. Khi so sánh với Hàn Mặc Tử thì bảo. Khê làm thơ mà không bị thơ làm như Hàn Mặc Tử. Câu này Chế Lan Viên có ý chê nhiều hơn khen. Tôi chờ đợi ở nhà thơ lớn nhất thế kỷ 20 không phải sự tỉnh táo rạch ròi của một nhà lý luận mà nhẽ ra phải mê đi nhiều hơn nữa của một thi sỹ khi viết về người bạn cùng thời đại với mình. Mặc dù… mặc dù… Chế Lan Viên viết giới thiệu Hàn Mặc Tử hồi cuối năm 1987 và viết về Bích Khê vào tháng 2 năm 1988 đã quá ư thận trọng khi đề cập đến hơi hướng thời cuộc của hai người bạn thơ, khiến ta không khỏi chạnh lòng. Họ Chế viết: Một bài thơ của Khê lấy tên Duy Tân. Có dính dáng gì không đến ông vua yêu nước trùng tên. Đọc lại Duy Tân thấy hai câu kết Bích Khê viết: Thơ lõa thể! Giai nhân tuần trăng mật, Nữ thần ơi! ta nô lệ bên người thì thấy vua Duy Tân không gợi lại điều gì ở đây. Có lẽ Chế Lan Viên viết điều này cũng là việc cực chẳng đã và muốn làm tốt hơn cho bạn của mình. Bởi vì, những năm 1980, có người nhân việc dịch ra tiếng Việt một số nội dung tác phẩm của André Gide mà Bích Khê còn chưa xuất bản, đã mang cái tên ít người Việt Nam biết đến ở tận bên Ngalatư phiên âm gọi là Tờrốtkít gán vào cho thi sỹ Bích Khê. Nếu quả như vậy mà người ta đọc Tóm tắt những bài giảng về lịch sử triết học của F.Heghenra tiếng Nga cho dễ hiểu trong Bút kí triết học thì Lê Nin cũng có thể bị quy là Hêghengit cũng nên. Cả thế kỷ 20, người Việt Nam thao thức đi tìm triết lý sống cho mình và phải trả giá không biết bao nhiêu để đến được ngày nay?

Từ thế kỷ trước đến thế kỷ này, người đời vẫn mải miết đi tìm những bí mật chàng thi sỹ bé nhỏ ở đất Thu Xà đã cất giấu vẻn vẹn trong 2 tập thơ mà trên con đường ấy người ta vẫn còn có điểm chưa phải đã gặp được nhau.

Có ý kiến có thể vì quá yêu Bích Khê và mong muốn chỉ ra rõ ràng những cung bậc phát triển đã đặt vị trí của Thơ Bích Khê ở giai đoạn thứ hai của phong trào Thơ Mới 1930-1945 hoặc Bích Khê cũng như Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử đã đi xa hơn Thơ Mới. Hoặc trong Thơ Mới chưa có Bích Khê. Dù theo ý nghĩa gì, nói ra điều này có cần thiết hay chăng?

Từ gần một thế kỷ nay, hầu như tất cả các nguồn dư luận đều khẳng định phong trào Thơ Mới là sản phẩm của cuộc gặp gỡ giữa văn hóa Phương Đông và Phương Tây, trên một nền tảng xã hội với sự hình thành đông đảo tầng lớp thị dân khắp trong Nam ngoài Bắc là bạn đọc chia sẻ hào hứng và cổ vũ nhiệt thành cho Thơ Mới. Các nhà thơ Bàn thành tứ hữu – Trường thơ Loạn nằm trong sự gặp gỡ Đông Tây đó. Họ sinh thành trong khuôn viên Thơ Mới. Trường thơ Loạn thực chất là trường phái siêu thực bắt nguồn từ chủ nghĩa tượng trưng mà cốt lõi của nó đặt phi lý tính lên trên lý tính, trạng thái tâm hồn trong tiềm thức,  không phân biệt ranh giới giữa thực và mộng; Đồng thời tiếp thu tinh hoa của thi ca Phương Đông. Đặc biệt là thơ Đường. Hoài Thanh khi làm quyển Thi Nhân Việt Nam 1941 thật có lí khi ông xếp liền một dải Hàn Mặc Tử - Chế Lan Viên - Bích Khê, mặc dù Bích Khê không phải là một trong Bàn thành tứ hữu. Với Quách Tấn và Yến Lan hai người còn lại, Hoài Thanh xếp họ ở khu vực khác. Vì vậy, khi Bích Khê xuất hiện bằng một Tinh Huyết đã không phải là người đến sau. Mặc dù có ảnh hưởng và được Hàn Mặc Tử khích lệ. Quách Tấn hồi những năm 1960-1967 khi viết cuốn Đời Bích Khê(Xuất bản ở Sài Gòn năm 1971) đã để tâm so sánh ba thi sỹ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê là những người cùng hàng. Bích Khê đã góp vào một khuôn mặt tiêu biểu cho Trường thơ Loạn khi Quách Tấn đã phân tích quá viên mãn ý thơ Sọ người của ba tác giả. Hơn nữa, nhìn vào thời điểm xuất hiện các tập thơ. 1935 Mấy vần thơ - Thế Lữ. 1936 Gái quê - Hàn Mặc Tử. 1937 Điêu tàn - Chế Lan Viên. 1938  Thơ Thơ - Xuân Diệu. 1939Tinh Huyết - Bích Khê. Tiếng Thu - Lưu Trọng Lư. 1940 Lỡ bước sang ngang - Nguyễn Bính. Lửa thiêng - Huy Cận. 1941 Mùa cổ điển - Quách Tấn… thì Bích Khê nằm ở giai đoạn 2 chăng? Phong trào Thơ Mới chỉ trong khoảng 10 năm đã sinh thành và lớn lên vượt bậc, không hề đứt đoạn, đã như một cuộc cách mạng lớn nhất của thi ca thế kỷ 20 với một chủ thể trữ tình khao khát tự do cá nhân, nỗi cô đơn và khắc khoải của tình yêu đôi lứa cùng sự hoài niệm đau thương về những bến bờ xưa của kiếp người với thiên nhiên kỳ ảo mà nét chủ đạo là mùa thu tuyệt bích buồn. Bích Khê xứng đáng như là một gương mặt tiêu biểu của phong trào ấy, một trong những người tiên phong của cuộc cách mạng thi ca lớn nhất thời hiện đại. Vì vậy Bích Khê không thể đứng ngoài cuộc cách mạng ấy. Nhóm Dạ đài vào hồi 1945-1946 ảnh hưởng Trường thơ Loạn có lẽ ở bình diện khuynh hướng sáng tác hơn là giai đoạn phát triển thi ca của Bích Khê.

Về nhận định cho rằng Tinh Hoa từ bỏ thể nghiệm Âu hóa để trở về khai thác các đặc tính thi ca Đông phương; điểm này có hơi khác với Hàn Mặc Tử khi viết lời giới thiệu Tinh Huyết-1939. Bích Khê hoàn toàn là Baudelaire – tưởng đã đi đến tận cùng của vườn hoa nghệ thuật, nhưng chàng còn mở rộng biên giới để thấy chàng là một thi sỹ Đông phương, lời thơ của chàng nhuốm đầy màu sắc của các thi gia đời Đường… Như thế sự kết hợp Đông Tây đã rộn ràng trong Tinh Huyết. Tập di cảo mang tên Tinh Hoa được gia đình Bích Khê trao cho Quách Tấn từ hồi 1960-1967 và chỉ được giới thiệu một số bài. Chưa bao giờ nó được in ra. Theo Chế Lan Viên, bản thảo Tinh Hoa mà chị Ngọc Sương giao cho Sở văn hóa Nghĩa Bình hồi những năm 1980 thấy còn thiếu đôi đoạn, đôi câu. Mãi đến năm 1997, tức là sau 51 năm Bích Khê mất mới được in lần đầu. Nhìn vào Tinh Hoa in đầy đủ năm 2016 thấy rõ ràng số lượng bài thơ làm theo thể Đường luật thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt và cả 5 bài lục bát truyền thống: Ngón giai nhân. Hai tiên nữ nhớ Lưu Nguyễn. Mỹ tửu ca. Huế đa tình. Băng tuyết. Nhưng tiếc thay, các bài thơ làm theo thể thơ cũ nhìn chung không để lại ấn tượng gì đặc biệt trong cách tân và đổi mới thi ca cũng như không có bài thơ nào nằm trong thơ hay của tập. Cái hồn cốt Bích Khê trong Tinh Huyết đã phai nhạt khá nhiều. Năm 1967, Quách Tấn cho là Tinh Hoa rất có giá trị, giá trị cao hơn Tinh Huyết một bậc. Điều khẳng định ấy của Quách Tấn là một sự tâm giao. Bởi Mùa cổ điển của ông gồm 59 bài thơ theo thể thơ Đường luật. Như một tuyên ngôn. Quách Tấn lẳng lặng dành tình yêu trong sáng của mình cho những giá trị Á Đông. Mặc cho sự kịch liệt của tranh luận Thơ Mới - Thơ Cũ thời đó. Có lẽ Quách Tấn đã tìm thấy sự đồng điệu của mình với Bích Khê khi Tinh Hoa có nhiều bài theo thể Thơ Đường.

Bích Khê là bích khê nhất phải ở trong Tinh Huyết. Tập thơ được ông cho xuất bản năm ông còn sống. Tinh Huyết có nhiều bài thơ hay. Nhạc. Mộng Cầm Ca. Tỳ bà. Tân hôn. Thi vị. Hiện hình. Nghê thường. Tranh lõa thể. Bàn chân. Nàng bước tới và có thể Châu - ở nhiều đoạn trong phần 3. Tinh Hoa có khoảng 5 bài. Duy Tân. Xuân tượng trưng. Tiếng đàn mưa. Làng em. Nấm mộ. Trong đó 2 bài được Hoài Thanh chọn vào Thi Nhân Việt Namthể theo yêu cầu của Bích Khê trong 2 bức thư ngày 7/1/1941 và 25/10/1941 gửi Hoài Thanh. Nếu 2 bài thơTiếng đàn Mưa và Làng em là minh chứng cho thành tựu trở về thi ca phương Đông thì thật khiêm tốn biết chừng nào. Đáng lưu ý là khi bắt đầu khời nghiệp thi ca Bích Khê đã làm thơ Đường luật hàng trăm bài. Tinh Huyết rõ ràng là tập thơ xác định vị trí Bích Khê trên thi đàn Việt Nam trong những năm 30-40 của thế kỷ trước. Không đợi đến khi Tinh Hoa ra đời. Theo như Quách Tấn, đã có người chê thơ cũ của Khê không hồn, và khen thơ mới của Khê chung chiếu cùng Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên thật cân xứng. Ngoại trừ, chàng Bích Khê Đăng lâm trong Tinh Hoa để thêm một lần xuất hiện cái nắng nhấp nhô siêu thực mà cổ điển trên bầu trời ven biển miền Trung Việt Nam. Mục tử năm ba tiều thổi điệu. Nằng vàng cao thấp, núi rung rinh.
         
Chế Lan Viên đã quá tỉnh táo hay chăng khi không nương nhẹ chỉ ra thẳng thừng những gì là của Tây phương. Quả măng cụt của Khê, ta biết rằng đấy là quả lựu của Valéry. Valéry hóa thân. Con quạ trên mộ Khê là con quạ của Edgar Poe, của thơ Mallarme bay đến. Da thịt rồi xác thịt, rồi xác chết trong anh, nguyên là Baudelaire. Điều này không có gì là mới khi chính Bích Khê đã nói từ 1939. Baudelaire! Người là vua thi sỹ. Sự giao thoa của các nền văn hóa khó tránh khỏi việc để lại những vết khấc. Cũng như việc chuyển sang dùng lại nhiều thể thơ cũ Đường luật và lục bát chưa đủ chứng minh cho tiềm năng sáng tạo của việc tìm về văn hóa Á Đông. Điều kỳ lạ trong 3 nhà thơ nổi tiếng nhất của Trường thơ Loạn có những bài thơ hay nhất, lại không phải, hoàn toàn không phải do siêu thực và tượng trưng thuần túy đã được điển hình. Hàn Mặc Tử với Mùa xuân chínvà Đây thôn Vĩ Dạ. Chế Lan Viên với Trên đường về, Xuân, Chiến tượng… để lại những câu tuyệt bút cho đời. Ở đó, người ta rung lên không phải vì đâu là Tây phương, đâu là Đông phương. Đó là những câu thơ tươi sáng như lọc ra từ ánh sáng trời, từ cây cỏ tự nhiên mang màu sắc thời gian. Bích Khê cũng thế. Chàng tự nhận là Phượng Sồ không bằng Phượng Long Hàn Mặc Tử. Những câu thơ tuyệt bích mà dung dị lạ thường. Nó là của Bích Khê.Bài hát đầu tiên của chàng về Mộng cầm ca là hát về hương lúa. Siêu thực mà bình dị như thấy được bên bờ của khúc tâm tình.Đây bát ngát và thơm như sữa lúa. Nhựa đương lên. Sức mạnh của lòng thương.
         
Cảnh đẹp đêm thu ta thường gặp trăng trên mọi nẻo đường gió bụi mà lại là trăng của tối tân hôn. Ô lạ! làm sao thương nhớ quá. Đêm nay trăng ngủ ở bên đường. Để từ đó cái sự khóc trong tối tân hôn của người thục nữ thật trong trắng, đẹp lạ lùng chẳng biết thực hay mơ. Và đêm nay khóc cho nên mới, lộ một sông trăng chảy lệ vàng. Trăng trên nẻo đường đời đến đây đã trở thành trăng siêu thực mất rồi mà ta chẳng có hay? Vẻ đẹp của giai nhân hiện dưới bóng hằng nga; vẻ đẹp sang trọng mang màu sắc cung đình mà tinh tế, mà đầy huyễn hoặc.Áo xiêm ăn đứt màu trăng sáng. Gió nép mình nghe tiếng chạm vàng. Vẻ đẹp của Tinh Huyết được Bích Khê mê hoặc thường trong sự giao hòa giữa ảo và thực, giữa hiện sinh và thần linh. Bích Khê miêu tả vẻ đẹp khi người tình bước tới tất cả như vô hình dồn lại ngây ngất vị phong trần. Nàng bước tới như sông trăng chảy ngọc. Cả thời gian dồn lại ở bàn tay. Ai giam lỏng một vì sao giữa mắt. Quả nhân duyên mũi mẫm vị phong trần. Vẻ đẹp của người thiếu nữ với Bích Khê là sự tinh khiết vô cùng được ghép lại bằng thơ và nhạc, bằng trăng và gió của thể giới tự nhiên. Gió đi chới với trong khung trắng. Lộ nửa vần thơ nửa điệu ca. Tôi ráp lại xem ồ sự lạ. Một người thiếu nữ hiện trong trăng. Đôi khi vẻ đẹp của con người được Bích Khê miêu tả chỉ bằng giai điệu của nhạc, dùng cái siêu hình để hiện ra cái hữu hình. Bỗng khúc dương cầm nấc tiếng thu. Bỗng đôi mắt ngọc hiện xanh mờ. Và châu và báu và sinh khí. Nức nở tan thành vạn giọt thơ.
         
Trong phong trào Thơ Mới 30-45, chưa ai dám công khai thành lời như Bích Khê tôn vinh vẻ đẹp của cái dâm, cái cuồng và đằng sau những từ chát chúa ấy, chàng thi sỹ ngợi ca vẻ đẹp của cuộc sống con người. Vấn đề ở đây không phải là ở một, hai câu thơ có sạn mà là ở quan điểm thẩm mỹ hướng tới. Văn chương bình dân cũng như bác học từ xưa đến nay chưa bao giờ ngoảnh mặt với tình dục. Bởi vì đó là mặt cơ bản của đời sống và sinh tồn loài người. Một nền văn học mà chối bỏ tình dục thì đâu còn chủ nghĩa nhân văn. Nó không phải hạ thấp hoặc xỉ nhục con người mà là ngợi ca con người tự do với đầy đủ ý nghĩa của từ đó. Trong vấn đề này, dường như Hàn Mặc Tử nhân tình thế thái và ít khắt khe hơn Chế Lan Viên. Hàn Mặc Tử viết. Ở Sọ người, cũng như ở Tranh lõa thể sự trần truồng dâm đãng đã nhường lại cho ý vị nên thơ của hương, của nhạc, của trăng, của tuyết. Quả nhiên là một sự thanh tao đến ngọt lịm cả người, cả thơ. Tôi không hiểu có mối liên hệ gì về nối ám ảnh của những ngọn tháp gầy mòn vì mong đợi suốt dải đất miền Trung mà ở bên trong thờ phụng vẻ đẹp trần tục của đàn ông, đàn bà đã đổ bóng siêu hình xuống thơ của Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên và đặc biệt của Bích Khê để ba chàng thi sỹ đã hình thành một trường phái thơ về vẻ đẹp tình dục của con người. Đó là cái hằng sống của con người. Và hình như nó chưa một lần lặp lại trong thi ca thế kỷ 20.
         
Thi sỹ Trần Dần trong Vở bụi viết hai năm liền hồi 1983-1984 chỉ được bốn trang theo kiểu nhật kí thơ ở câu thứ năm có viết. Ai đem giấu vàng trong gió thu. Duy nhất chỉ có một câu hỏi như thốt lên rồi bỗng dừng ngay lại. Không trả lời. Không giải thích. Mấy năm nay tôi lặn lội trong thi sử và thế giới thi ca để mong tìm câu trả lời mà chưa bao giờ thấy trọn vẹn. Nhất là mỗi khi mùa thu từ xa lắm chẳng biết ở đâu mà sáng ra đã thấy về ngay trước hiên nhà. Có lẽ trên thế gian này chỉ có một loài duy nhất làm được điều đó? Vâng – Thi sỹ là người giấu vàng trong gió thu. Từ ngàn đời nay họ đã thay mặt loài người, mang tinh huyết của trần thế, của thượng đế, một thứ vàng quý nhất, tinh túy nhất của cuộc sống tinh thần phổ vào cây đàn muôn điệu thi ca giấu trong gió thu để thời gian không bao giờ quên lãng sự trong sáng đến vô cùng của tình yêu giữa con người với con người, vẻ đẹp vĩnh cửu của tâm hồn con người luôn hướng tới chân thiện mỹ dù có phải trải qua bao nhiêu thử thách, đau đớn, cô đơn, mất mát, buồn vui không hẹn trước để như lời hẹn ước muôn năm bỗng chốc hiện về sắc vàng không phải ảm đạm mà sáng bừng hi vọng và thăm thẳm tình đời mỗi khi gió thu thổi vàng sông núi.
         
Nhìn vào đôi mắt Bích Khê, phải chăng điều chàng muốn nói với hậu thế không phải là Lời tuyệt mệnh mà một điều gì thiêng liêng gửi lại cho đời? Dường như chàng đã hỏi câu hỏi mà Trần Dần sau gần thế kỷ mới hỏi lại và Bích Khê đã tự mình trả lời cho khách đa tình mùa thu vô hạn thường mỗi khi trở về dưới biếc chập chờn hương rằng chàng đã gửi vàng trong gió thu qua tiếng tiêu vàng?Mùa thu ám ảnh nhà thi sỹ. Muốn thỏi tiêu vàng giữa khói sương.
         
Sắc vàng là bản vị của thơ Bích Khê. Tinh Huyết có 33 bài có tới 17 bài ngân lên những cung bậc của sắc vàng. Tinh Hoa ít nhất cũng có 8 bài nói về điều đó. Đó là sắc của hồn thu đi lạc. Trăng gây vàng, vàng gây lên sắc trắng. Của hồn thu đi lạc ở trong mơ.
         
Đó là một trong năm lần cùng Hồ Xuân Hương ngực để trần một đêm lên cung trăng vấn nguyệt. Trăng mùa thu sáng như ngọc xây vàng trên cành lá. Ô trời hôm nay sao mà xanh. Ngọc trăng xây vàng trên muôn cành.
         
Đó là vàng lay một trời thanh khí mười phương đa tình, ngây ngất trong hương thơm của nhạc, của màu.Hồn bay! hồn bay! hồn bay!Ngửa nghiêng tắm mát vàng lay, nhạc hường.
         
Đó là muôn vẻ màu vàng trải khắp các dòng thơ Bích Khê. Sắc vàng giấu trong gió thu bây giờ hiện ra như tiếng vàng của thượng đế. Đẹp mải muốt trong sự già nua trần trụi của thế thái nhân tình.Tiếng vàng tiếng ngọc xào xạc chen ra. Đêm rót lệ, trăng ôm niềm tóc bạc.

Bài thơ Thi Vị là tuyên ngôn của Bích Khê về bản vị vàng giấu trong gió thu hiện lên bởi lá vàng, trăng vàng, hoa vàng, sao vàng, đêm vàng… Tất cả đều rời xa vì tất cả đều rơi theo giọng đàn rung, nghẹn, rụng rồi câm tiếng và bẻ phím cho sự mất mát, chia ly không bao giờ gặp lại của một cuộc tình. Nhưng đặc sắc hơn cả và là sự trả lời đầy đủ hơn cả về việc thi sỹ giấu vàng trong gió thu để tình yêu con người bất tử trong màu vàng muôn thuở cô đơn của mùa thu không giới hạn phải kể đến Tỳ bà. Bài thơ này có lẽ xứng đáng hơn cả để Hoài Thanh lựa chọn vào Thi Nhân Việt Nam. Nhưng chắc là Hoài Thanh đặt lên trên hết mong muốn của Bích Khê muốn giới thiệu 2 bài không nằm trong tập Tinh Huyết đã in. Tỳ bà được người ta nói đến nhiều ở nhạc điệu kỳ lạ của nó trong 4 khổ thơ 16 dòng đều là thanh bằng. Nó đã được phổ nhạc và đến thế kỷ 21 người ta vẫn thường hay hát.Tỳ bà bày tỏ tình yêu của Bích Khê với người tình xưa đã quên lời thề để chàng phải đi tìm lại trong du dương tiếng nhạc ở lầu cung thương, ở chốn Đào nguyên trong mộng tưởng và trong lòng người qua khúc Tỳ bà mùa thu được dạo lên bởi nhịp tương tư, để nói với nàng rằng thi sỹ chẳng bao giờ thôi yêu nàng. Màu vàng của mùa thu ẩn trong hao gầy của những bông hoa trên đoạn đường cả trong mơ và trong thực nơi người xưa không trở lại. Chàng thi sỹ cứ đi tìm, đi mãi qua cả 4 mùa, từ mùa xuân khi buồn còn lưu trên cây đào hơi xuân rồi buồn lang thang qua cây tùng đến chốn ở của đông quân. Chàng đi tiếp nhưng chẳng bao giờ gặp lại người tình xưa nữa. Chỉ gặp mùa thu buồn mênh mông giữa vàng rơi, vàng rơi không bao giờ dừng lại chỉ vương một chút buồn trên cây ngô đồng thuần túy và tượng trưng của thi ca phương Đông.

Ô! hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông.
           
Hoài Thanh gọi đây là những câu thơ hay bậc nhất của Việt Nam. Dường như ta chỉ gặp cái bơ vơ ấy của người thi sỹ có một lần trong cô đơn mùa thu như vậy và chàng đã đem thứ vàng quý nhất ấy của đời mình giấu trong gió thu để câu thơ nói về nó trở nên bất tử. Một lần thôi. Không bao giờ tìm lại nữa. Lặp lại nữa. Nhiều cái thuộc về Bích Khê mai này có thể tàn tạ như những giọt nước cuối cùng của dĩ vãng đã tự nguyện rơi vào buổi chiều hôm ấy ở Thu Xà ngay bên mộ Bích Khê. Nhưng thứ vàng giấu trong gió thu ở hai câu thơ này sẽ không bao giờ mất.
         
Rời Thu Xà tôi bay ngược ngọn gió mùa thu mong manh để trở về. Trên chuyến bay ấy, giữa đông đảo những người khách trẻ tuổi rối rít nào những ba lô, máy tính bảng và điện thoại thông minh, tôi như kẻ già nua cô đơn và lạc lòng vì có ai trong số họ đi tìm vàng không có lượng gửi trong gió thu? Có phải thi sỹ bây giờ đang tự mình rút lui vào ngõ nhỏ, phố nhỏ như một Thu Xà giữa các đô thị khang trang. Nhường mặt tiền phố lớn cho doanh nhân sáng láng và thành đạt. Họ có rất nhiều vàng. Không phải trừu tượng mà có cân. Có lượng. Nhưng gió thu không có chỗ để giấu loại vàng ấy. Thi ca là vàng gửi được trong gió thu, giấu những điều thầm kín nhất của loài người để những giá trị nhân văn bất tử.

KHUẤT BÌNH NGUYÊN
Nguồn Văn nghệ số 47/2018

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều