Tôi đã
cảm động khi đọc những lời này, nó được một người bạn trích dẫn trên trang của
anh, cũng như tôi đã rung động
sâu sắc khi xem ông Park và các cầu thủ thi đấu tuần qua. Tôi nghĩ tới từ
"duyên".
HLV Park Hang-seo
Ở chỗ làm cũ, tôi có một số đồng nghiệp Hàn Quốc. Người thứ nhất, Kwon, sang Việt Nam gần 10
năm và đã chọn nơi đây là quê
hương thứ hai. Khi tôi kể với anh chuyện hoàng tử Lý Long Tường chạy loạn sang Cao Ly năm 1226, sau
trở thành một dòng họ lớn ở Triều Tiên và giúp vua đánh giặc Nguyên Mông
bằng binh pháp của nước Đại Việt, Kwon
biết sử tích này. Anh nói luôn cảm thấy như có dòng máu Việt trong người vì anh "hợp với cuộc sống ở
đây đến lạ kỳ". Chính Kwon đề nghị tổng giám đốc cho lắp đặt đường truyền
để nhân viên xem trực tiếp cùng lúc ở năm địa điểm của cơ quan trận bán kết Việt
Nam-Hàn Quốc ở ASIAD 2018. Anh chọn cổ vũ đội tuyển Việt Nam.
Người thứ hai là một cô gái trẻ, Ch. vừa tới làm việc gần
nửa năm sau khi cạnh tranh với ba nhân viên khác để đoạt một suất sang Việt
Nam. Chồng cô đã khuyến khích cô sang đây làm việc vì nghe dân làm ăn Hàn Quốc
nói với nhau, Việt Nam là một nơi
"đang trỗi dậy". Cũng có người nói với cô rằng thực phẩm ở Việt Nam
không an toàn và giao thông rất hỗn loạn. Nhưng chỉ sau ba tháng, cô chia sẻ với
tôi, hai vợ chồng đều thích ở đây và mong ở Việt Nam dài lâu.
Kwon và Ch
không phải số ít người nước ngoài gặp nhân duyên ở mảnh đất này. Theo báo cáo của
một công ty bất động sản quốc tế, người Hàn Quốc chiếm 19% tổng số người mua
nhà tại TP HCM trong 9 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ đã nhảy vọt so với mức
6% của năm 2016 và 8% của năm 2017. Khu Phú Mỹ Hưng từ lâu được gọi là
"Seoul thu nhỏ" bởi có cộng đồng đông đảo người Hàn sinh sống.
Tôi sẽ không cố gán sự nồng ấm trong quan hệ Việt Nam -
Hàn Quốc sau chuỗi thành công của ông Park Hang-seo vào bài viết này, bởi không
chỉ người Hàn Quốc, rất nhiều người
nước ngoài quốc tịch khác nhau tôi gặp đều yêu mến Việt Nam, nhìn thấy
những mặt tốt đẹp khi sống tại đây.
Với các nhà đầu tư, họ ca ngợi sự hoàn hảo của cơ cấu nhân khẩu, yếu tố hàng đầu đảm bảo
cho việc mở mang thị trường và hoạt động kinh doanh. Với số dân dự kiến đạt mức
100 triệu vào năm 2024, chỉ cần chuyển động nhỏ trong hành vi tiêu dùng của một
nhóm nào đó cũng có thể tạo thành "một thế lực thị trường". Tầng lớp
trung lưu lại Việt Nam đang nhanh chóng lớn mạnh, trong đó có tới 13% đã
tiến đến chuẩn của tầng lớp trung lưu thế giới và dự kiến đạt khoảng 30 triệu
người sau năm 2020.
Với nhiều nhà nghiên cứu địa chính trị, "Việt
Nam" cũng được hiểu như một tính từ chỉ động lực đổi thay. Thị trường lao
động của Việt Nam trẻ trung và dồi dào, mức sống cải thiện kéo theo nhu cầu
tiêu thụ gia tăng khiến giới kinh doanh hứng khởi. Chúng ta nhìn thấy kẹt xe và
chật chội, họ nhìn thấy thị trường
và nhu cầu.
Môi trường sống
tại các thành phố lớn Việt Nam hấp dẫn người nước ngoài bởi giá nhà và giá cả
tiêu dùng, dịch vụ tài chính và viễn thông dễ chịu hơn nhiều các thành phố lớn
Châu Á. TP HCM đứng thứ hai và Hà Nội đứng thứ tám trong số 10 thành phố năng động
nhất thế giới theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới 2018. Trong khi đó,
San Francisco rơi khỏi top 20 và Hong Kong rơi khỏi top 30 vì giá nhà đắt
đỏ; còn Dehli và Bắc Kinh mất điểm vì ô nhiễm môi trường.
Nhưng trên tất
cả, nhiều người nước ngoài chấm điểm cao cho Việt Nam chính là nhờ yếu tố con người.
Bạn bè, đồng
nghiệp nước ngoài của tôi khẳng định Việt Nam mang lại cho họ sự lạc quan, niềm
tin vào cơ hội mới. Họ thấy những người Việt luôn cầu tiến, chăm lo học hành,
xoay xở cuộc sống và biết cách trào lộng ngay cả khi đối mặt với những vấn đề bức
bối. Một nhà ngoại giao phương Tây còn ước giá như Việt Nam có thể xuất khẩu sự lạc quan cho nơi khác.
Hai đồng nghiệp
Hàn Quốc của tôi đều có chung câu chuyện về áp lực làm việc ở quê nhà. Do tôn
ti trật tự và cạnh tranh, các nhân viên không thể rời văn phòng trước cấp trên, họ thường kiệt sức khi về tới
nhà lúc 9 giờ tối. Còn ở đây, họ tìm được sự cân bằng, chứng kiến các đồng
nghiệp thân thiện, làm việc hiệu quả và cần mẫn nhưng vẫn dành nhiều thời gian cho gia đình
và bạn bè - điều xa xỉ ở nhiều quốc gia phát triển.
Câu chuyện phát triển của chúng ta những năm qua đã gắn với
nhiều yếu tố ngoại, từ đầu tư nước ngoài, xuất khẩu và giao thương. Thế nhưng ở chiều ngược lại, ngày càng nhiều
người nước ngoài tìm thấy sự thành công và hạnh phúc ở Việt Nam, tôi mạo
muội gọi đó là "cái duyên ngài Park". Chúng ta thường có xu hướng khắt khe với chính mình và
quên đi những điều giản đơn nuôi dưỡng hạnh phúc. Một xã hội sống động, giàu
truyền thống và lạc quan, nơi gia đình
và cộng đồng gắn kết chính là nét duyên thầm mà chính người Việt Nam nhiều khi không nhận thấy.
"Tôi chỉ
là huấn luyện viên của một môn nhỏ là bóng đá. Tôi không nghĩ tôi là anh hùng của
các bạn. Ở đây, tôi có cơ hội làm việc với các trợ lý, các cầu thủ...
chúng tôi hiểu mình phải đáp lại kỳ vọng của người hâm mộ". Ông Park đã
luôn khiêm tốn khi trò chuyện với công chúng Việt Nam. Và từ phía mình, chúng
tôi cũng cảm thấy may mắn có được mối lương duyên với ông. Mong ông tiếp tục đồng
hành.
CẨM HÀ
Nguồn: VNEX
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét