GS Huỳnh Như Phương
Đây là tập hợp 61 bài viết của tác giả đã đăng tải trên
nhiều tờ báo khác nhau: Nhân Dân, Sài Gòn Giải Phóng, Người Lao Động,
Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Phụ Nữ, Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật, Văn Nghệ,
Văn Nghệ TP HCM, Sài Gòn Tiếp Thị… Đây còn là kết quả cộng tác suốt 2
năm ròng của tác giả với trang Văn hóa đọc của Báo Doanh Nhân Sài Gòn
cuối tuần.
Bước vào những trang văn “Hãy cầm lấy và đọc”, bạn đọc thấy
mình như được tác giả dẫn dắt đi vào cuộc trò chuyện, khi thì diễn ra trong bầu
không khí trang trọng trong một giảng đường, lúc thì ở một quán cà phê tĩnh lặng....
hoặc cũng có lúc tác giả như không còn hiện diện nữa mà để chúng ta đến với thế
giới sách với mỗi riêng ta: trực tiếp và sâu lắng.
Phần đầu cuốn sách gồm 27 bài viết đụng chạm tới những
khía cạnh thời sự của văn hóa đọc (Có chăng nghệ thuật đọc sách? Khám phá
người đọc; Mùa xuân, sinh thái và văn chương; Sách - nhịp cầu giao lưu văn
hóa...). Từ đó, dẫn đến những câu chuyện về việc viết sách, làm sách, tiêu
thụ sách... mà tác giả ít nhiều có dự phần vào như một chứng nhân (Một tượng
đài của văn hóa đọc, Người Sài Gòn và tình yêu sách, Khi nhà giáo viết sách,
Sách phê bình và phê bình sách...), vừa ghi nhận những hiện tượng phức tạp (Hiện
tượng “sách nhũn”; Sách ơi, nhiều lỗi quá!...) vừa đề xuất những giải
pháp nâng cao chất lượng của văn hóa đọc (Một sáng kiến cho văn hóa đọc, Tủ
sách Gia đình và ngày hội sách, Hướng tới một thị trường xuất bản lành mạnh...).
Bìa sách Hãy cầm lấy và đọc
Phần 2 của cuốn sách gồm 34 bài viết, có tiêu đề “Sách và
người”. Đây vốn là những lời tựa, lời bạt trong sách và những bài điểm sách
liên quan đến một số tác giả văn xuôi quan trọng của văn học hiện đại (Trần
Tiêu - nhà văn của nông thôn, Võ Hồng trong trí nhớ, Trang Thế Hy giã biệt quán
đời, Từ một bài báo xuân của Đoàn Giỏi...). Đối với tác giả, đọc là sống từng
giây phút với cuộc đời này, lắng nghe ý nghĩa cuộc sống đã qua, với niềm vui
đang được truyền trao cho chính mình (Khi triết học đi vào cuộc đời, Tạp văn
của Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Mạnh Tuấn kể tiếp chuyện đời, Trong thế giới nhân vật
của Phan Triều Hải...).
Bằng lối viết nhẹ nhàng, trang nhã, luôn thấm đượm lòng
quý trọng của một người đọc, đồng thời là một nhà giáo, đối với những giá trị
tinh thần mà thế giới sách mang lại, “Hãy cầm lấy và đọc” thật ra chỉ là những
lời đề nghị, gợi ý... của một người yêu sách. Qua những trang viết này, có thể
cảm nhận một ngọn lửa đang được thắp lên khiến lòng ấm lại trong cuộc lãng du về
với những kỷ niệm, đến với những suy tư, băn khoăn, day dứt, hy vọng... như
cùng tác giả tham dự vào thế giới phong phú và sinh động của văn chương.
HỒ CÔNG HOÀI DŨNG
Theo NVTPHCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét