Nhà thơ Thanh Quế
Nhưng thực ra ông là người chính gốc Phú Yên. Tại xứ Nẫu ấy,
ông còn mẹ già và các em gái. Còn mình, sau chiến tranh, ông "định
đô" ở thành phố Ðà Nẵng, nơi ông đã gắn bó và cầm bút gần nửa thế kỷ qua.
Ông là học sinh miền Nam, ra bắc học ở trường học sinh miền Nam số 24 Hà Ðông rồi
vào học khoa sử Ðại học Tổng hợp Hà Nội. Rồi vào chiến trường khu năm năm 1969.
Thuở còn sinh viên, lứa như chúng tôi đã được đọc văn ông, những tác phẩm viết
về chiến tranh, nóng hôi hổi mùi bom đạn và trắng đến nhức mắt, khô không khốc
những cồn cát miền Trung mà chúng tôi ở miền Bắc thời bấy giờ nhờ đọc văn ông mới
biết. Ông đồng lứa với các nhà văn Chu Cẩm Phong, Trần Vũ Mai, Bùi Minh Quốc,
Dương Thị Xuân Quý, Cao Duy Thảo... những người đã gắn cả tuổi trẻ của mình vào
chiến trường Quảng Ðà khốc liệt. Rất nhiều nhà văn đã mãi mãi nằm lại ở vùng đất
này, có người đến giờ vẫn chưa tìm thấy di hài. Ðồng đội cũ đã dựng ở bảo tàng
quân khu năm một tấm bia khổng lồ bằng đá quý từ Bình Ðịnh khắc tên các liệt sĩ
văn nghệ hy sinh. Và vì thế, nhà văn Thanh Quế bây giờ ngoài việc viết văn như
trả một món nợ với cuộc đời, với quê hương, còn lặng lẽ làm một cái việc là viết
hồi ký về những tháng ngày hào hùng đã qua ấy, về những nhà văn, những văn nghệ
sĩ đồng đội đã anh dũng ngã xuống với tư thế là những người lính. Văn, thơ và hồi
ký là ba thể loại đang song hành cùng ông. Ông cũng viết rất nhiều cho thiếu
nhi, điều mà không phải nhà văn chuyên nghiệp nào cũng làm được. Thoạt nhìn,
ông giống bác đưa thư hơn là nhà văn. Xuề xoà, vui tính, nói to, hay cười, cả nể,
luôn luôn cố hữu một cái mũ trên đầu vì ông bị... hói, nhưng thơ ông nén chặt
tinh tế đến kỳ lạ. Thơ ông thường ngắn, rất ngắn, nhưng dung lượng rất lớn. Ông
không câu nệ chữ, không câu nệ vần mà chú trọng tứ và ý tưởng lấp lánh sau những
hàng chữ. Và vì thế mà nó có khả năng công phá. Ðây là một bài thơ của ông, bài
"Hành trang":
Cái ngày bàn tay thần chết sờ lên sống lưng tôi
Phả hơi lạnh như băng của nó
Tôi mỉm cười bảo: "Hãy chờ tôi tí
Tôi còn chuẩn bị hành trang"
Tiền bạc, của cải, nhà cửa, áo quần
Những thứ đó không cần gì cho tôi cả
Những tuyển tập Văn, Thơ, Triết học của những bậc
thiên tài
Tôi cũng chẳng mang đi nổi
Trước sự thúc giục của thần chết đứng bên
Tôi chỉ cầm theo một cây bút nhỏ
Ðể từ thế giới bên kia tôi viết cho những người đang sống
Ðó là những gì tôi mang theo vào giây phút cuối đời
Khi bàn tay thần chết sờ lên sống lưng tôi.
1993
Có bạn đọc quen đã hỏi tôi rằng: Thế này mà là thơ à? Mà
lại được nhiều người khen hay, được chọn vào tuyển thơ Việt Nam 1975 - 2000. Quả
là so với thơ thông thường, nó hơi khó đọc thật. Ngay so với tạng thơ của tôi,
nó cũng khác một trời một vực. Nhưng đấy chính là quy luật sống còn của thơ:
Ðơn nhất, không lặp lại. Và thơ cũng có nhiều cách để thể hiện. Có thơ thiên về
hình ảnh, vần, tính nhạc. Có thơ thiên về lập tứ, vượt qua mọi ràng buộc để giải
phóng tư tưởng, nói hết, nói tràn được những điều muốn nói. Có thơ dồn nén ngôn
ngữ như ta dồn bộc phá, có sức bung nổ rất cao. Có thơ chỉ chú trọng đến âm
thanh... Thanh Quế thiên về triển khai tứ theo một quy luật ngôn ngữ nghiêm nhặt.
Bài thơ này khiến ta xúc động ở chỗ: Viết về những giây phút cuối cùng của cuộc
đời mà vẫn vô cùng bình thản, thậm chí có chất u mua. Thông điệp của ông chính
là: Từ thế giới bên kia tôi viết cho những người đang sống. Một thông
điệp đầy chất nhân văn cộng sản chân chính của một nhà văn đã lăn lộn
qua chiến tranh, đã từng nhiều lần bị thần chết sờ lên lưng, đã dùng ngòi bút của
mình thắp đuốc tìm về cuộc sống. Và vì thế mà yêu cuộc sống đến cháy bỏng, đến
chết rồi vẫn muốn viết cho những người đang sống.
Thanh Quế sinh đúng năm đất nước độc lập tại huyện Tuy
An, tỉnh Phú Yên. Ðến nay ông đã xuất bản khoảng hai chục đầu sách. Có những
câu thơ của ông cứ găm vào tâm trí tôi: Mênh mông vườn nối vườn/ Anh
vừa đi vừa hái bao nhiêu quả/ Ðến lúc mệt nhoài trong nắng hè ngồi nghỉ/ Lấp
loáng sau vòm cây/ Anh bỗng nhận ra/ Chùm quả anh chưa gặp bao giờ... Cái
quy luật kiếm tìm của con người nó như thế. Nhiều khi vì một phút
lơ đãng, ta đã bỏ qua một cái đích kiếm tìm. Cuộc đời luôn trộn lẫn cái bình
thường và cái phi thường. Nhận ra nó là cả một cuộc kiếm tìm không ngừng không
nghỉ. Và kiếm tìm chính là một mục đích cao cả của con người chân chính, là
hành vi biểu hiện cao nhất khả năng người của con người, những con người luôn
vươn lên tự hoàn thiện nhân cách một cách cao đẹp nhất...
Ðặc điểm lớn nhất của nhà văn, nhà thơ Thanh Quế là
ông... không biết đi xe gắn máy. Giữa phố phường Ðà Nẵng đông đúc, cứ thấy ông
nào treo vắt vẻo cái cặp to đùng trên ghi đông xe đạp, đầu đội bê rê hoặc mũ lưỡi
trai, nhẫn nại đạp vẹo vọ trên đường, ấy là... nhà văn Thanh Quế. Có lần tôi và
nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng bay từ Hà Nội về, phải transit ở ga Ðà Nẵng 2 tiếng,
thế là đi taxi vào tìm Thanh Quế. Ông rủ chúng tôi sang thăm nhà văn Ðà Linh ở
NXB Ðà Nẵng, tiện thể... nhậu luôn. Nhưng ông không cho chúng tôi đi taxi mà
kêu một cái xích lô để tôi và Nguyễn Thanh Mừng ngồi, còn ông nhấp nhổm đạp xe
bên cạnh, nói chuyện oang oang, nhiều người đi đường ngoái nhìn, chắc tưởng ba
lão... gàn. Gần đây ông được trang bị điện thoại di động, mà cái cách ông dùng
cũng có một không hai. Ấy là ông chỉ biết ai gọi tới thì bấm cái nút xanh rồi
quát lên rất to "ai đấy". Còn gọi cho ai thì ông rất cẩn trọng tay
trái giữ máy, dùng ngón trỏ tay phải chọc từng số trên bàn phím, tất nhiên trước
mặt là cuốn sổ ghi số điện thoại. Có một lần gọi cho tôi, ông hoan hỉ quát rất
to trong máy "Sao chú biết anh gọi?" khi nghe tôi vừa mở máy đã lễ
phép chào đúng tên ông. Thế mà hiện nay, ông giữ rất nhiều trọng trách trong
làng văn chương: Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng ban Liên lạc
các nhà văn miền Trung (một vị trưởng ban mẫn cán và đầy trách nhiệm trong việc
giục các nhà văn sáng tác và thăm hỏi tặng quà mỗi khi có vị nào đó ốm đau. May
mắn là tôi chưa được ông... thăm hỏi lần nào...), Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ
thuật thành phố Ðà Nẵng, Tổng biên tập Tạp chí Non Nước, Tổng thư ký Hội Nhà
văn Ðà Nẵng... Ông là người rất tận tình với bạn bè, dù đó là đàn em như chúng
tôi. Nhớ cái lần có cuộc họp các nhà văn ở Ðà Nẵng, trước khi ai về nhà nấy,
ông đến và lôi trong cái cặp to đùng ra mấy xâu tré, đặc sản Ðà Nẵng, "của
ít lòng nhiều", ông biếu mỗi người mấy cái về... uống rượu. Có hôm khuya rồi,
ông vẫn đi bộ đến khách sạn: Tớ mới lĩnh chút nhuận bút còm, đãi các cậu chầu
bia. Ra vỉa hè cho mát. Tôi nói thêm: cho... rẻ. Hàng năm bận mấy, ông vẫn về
Phú Yên thăm mẹ, nhưng ông đã trở thành một phần Ðà Nẵng rồi. Một nhà văn trẻ
Ðà Nẵng nói với tôi: Sẽ ra sao nhỉ, nếu một ngày nào đó Ðà Nẵng không còn cái
dáng bê rê xe đạp kia? không còn những trang văn, bài thơ thấm đẫm tình yêu và
trách nhiệm của nhà văn, nhà thơ Thanh Quế?...
Ông vẫn viết rất khoẻ. Ta vẫn thường ngày thấy tên ông
trên các báo tạp chí trung ương và địa phương. Sách vẫn ra đều đều. Và điều
quan trọng, cậu con trai của ông, cháu Phan Tuy An, mấy năm nay cũng liên tục
có thơ in trên các báo, đặc biệt là dịp tết. Hổ phụ sinh hổ tử. Ông rất tự hào
vì khả năng "cha truyền con nối" văn chương này... Hôm qua, ông mới gửi
tặng tôi tập sách mới nhất, tập "Những kỷ niệm, những gương mặt"...
Gia Lai 2003
VĂN CÔNG HÙNG
____________
Bài này viết từ 2003 nên
thông tin giờ đã thay đổi, bác Thanh Quế giờ đã nghỉ hưu, và vẫn sống cần mẫn ở
Đà Nẵng (VCH).
Nguồn: NVTPHCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét