Sự sống là quan trọng và cần được tôn trọng, không chỉ với
chính mình, với người khác mà còn
cả với những loài khác. Tôn trọng là giữ cho mình được sống, bảo trọng chính cơ
thể của mình, không làm tổn thương
hay xâm hại sự sống của người khác - cao nhất là không giết người. Điều đó ứng
với tinh thần từ bi của đạo Phật là không sát sanh.
Cuối năm 2018
vừa qua, anh Dương Hồng Quý, 43 tuổi, khi phát hiện mình mắc bệnh về mạch
máu não và không thể qua khỏi, đã đề nghị các thành viên trong gia đình cho
mình được hiến tạng. Đó là lời đề nghị về một cách chết không vô nghĩa. Và
tháng 12/2018, một phần tạng anh Quý hiến tặng bắt đầu tiếp nối sự sống trong
cơ thể những người khác. Không chỉ anh Quý, số người đăng ký hiến mô, tạng ở Việt
Nam lần đầu tiên tăng kỷ lục, chiếm một phần ba tổng số người hiến mô, tạng
trong 5 năm trên cả nước. Theo Trung
tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, tổng số người đăng ký hiến tạng sau
khi chết hoặc chết não đã lên tới khoảng 20.000.
Nhưng tôn trọng
sự sống thì khó, mà tước đoạt
sự sống lại quá dễ dàng. Năm 2018 cũng ghi nhận số người chết vì tai nạn
giao thông kỷ lục và đặc biệt về tính chất nghiêm trọng của các vụ việc. Đã hơn 8.400 người thiệt mạng vì tai nạn
giao thông năm qua, đưa Việt Nam đứng thứ hai trong khu vực về tỷ lệ người chết
do va chạm trên đường. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tai nạn giao thông đường bộ
là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho người ở độ tuổi từ 15 đến 29 ở Việt
Nam. Cứ 100.000 người đi trên đường thì hơn 26 người bị cướp đi sự sống. Chỉ riêng 4 ngày tết Dương lịch, 110 người
đã thiệt mạng.
Đó là chưa kể
ngay sau kỳ nghỉ, hôm 2/1, "hung thần container" đã lao thẳng
vào đám đông chờ đèn đỏ ở Long An khiến 4 người chết và gần 20 người bị thương. Ngay sau đó, thông tin 30% tài xế
đường dài sử dụng ma túy khiến tôi không khỏi tự hỏi, những người đang được
trao vào tay quyền điều khiển những cỗ máy giết người hàng loạt như xe
container, họ đã bước vào nghề
thế nào?
Uống rượu,
dùng ma túy, chất kích thích, phóng bạt mạng, sẵn sàng gây gổ với chủ phương tiện
khác... là hình ảnh của nhiều tài xế xe tải đường dài. Vì đâu họ đã vô
trách nhiệm với sinh tồn của cá thể khác, cẩu thả trong tay lái khi họ điều khiển
một cỗ xe nguy hiểm?
Tài xế xe tải là nghề không chỉ cần bằng lái mà còn cần
văn hóa lái xe. Thế nhưng tấm bằng thậm chí có thể mua được và gần như không được đào tạo về văn hóa lái xe,
trách nhiệm với các phương tiện khác. Tôi đọc lời kể của chính các tài xế, họ
cho biết các chủ hàng, chủ phương tiện, vì lợi nhuận đã tận dụng tài xế
quá công suất, thậm chí biết tài xế hư hỏng, nghiện ngập nhưng vẫn dùng. Trong khi đó, như bạn tôi kể sau khi đi
học lấy bằng lái xe, các trung tâm dạy lái xe do chạy đua để có nhiều học viên
nên đã "du di" - nếu không nói là lờ đi - những chuẩn mực, cấp
bằng lái xe dễ dàng hơn quy định. Những
bài học về văn hóa tham gia giao thông, trách nhiệm với xã hội thực tế
đã không bao hàm trong nhiều tấm bằng lái xe. Tất cả, vì túi tiền của mình, mỗi
mắt xích trong chuỗi công cụ sản xuất này đã tiếp tay cho những tài xế hụt chuẩn
ra đời.
Trong đạo Phật có "lý duyên khởi", tức cái này
có thì cái kia sẽ có. Theo đó, một hệ quả xảy ra bao giờ cũng do nhiều nhân
duyên đóng góp. Ta trách tài xế có lối làm nghề tai hại thì cũng phải trách tới
chủ doanh nghiệp vận tải, đơn vị đào tạo nghề và xa hơn là đơn vị giám sát quản lý các hoạt động
về vận tải nói chung. Tất cả đóng góp vào việc tạo ra các hung thần xe tải, hủy
hoại sự sống đang diễn ra hàng giờ, trên những cung đường tôi và bạn đi học, đi
làm, về quê thăm gia đình.
Cách đây ba năm, tôi đọc được thông tin khẩn trên "tường" của một người bạn. Có một phụ nữ
vừa gãy chân, cần phẫu thuật gấp nhưng bệnh viện đang thiếu nhóm máu AB. Tôi biết nhóm máu mình trùng với
người bệnh nên quyết định nghỉ làm
buổi chiều để đến Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình ở Quận 5, TP HCM tặng
máu. Thật bất ngờ, tôi gặp hơn 10
người cũng đến đây để cho máu. Sau khi thăm khám, xét nghiệm, bác sĩ chọn tôi
và một người nữa để hiến cho bệnh nhân. Nhờ đó, đến tận bây giờ, tôi và con
trai người bệnh, anh Trí, đã trở thành bạn. Cũng từ đó, Trí đã tham gia
hiến máu tình nguyện thường xuyên
như nhiều bạn bè tôi, mỗi năm ba, bốn lần. Họ tin rằng, phần máu mình
cho đi hôm nay, biết đâu giúp kéo dài sự sống một ai đó. Tôi luôn tin, những việc
thiện lành sẽ làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, không chỉ với người được nhận mà cả
với người trao đi dù là một bữa ăn,
một câu nói hay hành động tử tế, những giọt máu hồng khỏe mạnh.
Tôi cũng tin,
khi ta chưa có dịp hiến tặng sự sống cho ai khác thì cũng đừng vì sự cẩu
thả, lợi nhuận, sự vô cảm, vô minh mà bất chấp đồng loại, nuôi dưỡng những
"điểm mù" có thể cướp đi
sinh mạng người khác chỉ trong những tích tắc.
LƯU ĐÌNH LONG
Nguồn: VNE
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét