Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2019

NHÀ THƠ THANH QUẾ: MŨ NỒI & XE ĐẠP

Ðặc điểm lớn nhất của nhà văn, nhà thơ Thanh Quế là ông... không biết đi xe gắn máy. Giữa phố phường Ðà Nẵng đông đúc, cứ thấy ông nào treo vắt vẻo cái cặp to đùng trên ghi đông xe đạp, đầu đội bê rê hoặc mũ lưỡi trai, nhẫn nại đạp vẹo vọ trên đường, ấy là... nhà văn Thanh Quế.
Nhà thơ Thanh Quế

Nhưng thực ra ông là người chính gốc Phú Yên. Tại xứ Nẫu ấy, ông còn mẹ già và các em gái. Còn mình, sau chiến tranh, ông "định đô" ở thành phố Ðà Nẵng, nơi ông đã gắn bó và cầm bút gần nửa thế kỷ qua. Ông là học sinh miền Nam, ra bắc học ở trường học sinh miền Nam số 24 Hà Ðông rồi vào học khoa sử Ðại học Tổng hợp Hà Nội. Rồi vào chiến trường khu năm năm 1969. Thuở còn sinh viên, lứa như chúng tôi đã được đọc văn ông, những tác phẩm viết về chiến tranh, nóng hôi hổi mùi bom đạn và trắng đến nhức mắt, khô không khốc những cồn cát miền Trung mà chúng tôi ở miền Bắc thời bấy giờ nhờ đọc văn ông mới biết. Ông đồng lứa với các nhà văn Chu Cẩm Phong, Trần Vũ Mai, Bùi Minh Quốc, Dương Thị Xuân Quý, Cao Duy Thảo... những người đã gắn cả tuổi trẻ của mình vào chiến trường Quảng Ðà khốc liệt. Rất nhiều nhà văn đã mãi mãi nằm lại ở vùng đất này, có người đến giờ vẫn chưa tìm thấy di hài. Ðồng đội cũ đã dựng ở bảo tàng quân khu năm một tấm bia khổng lồ bằng đá quý từ Bình Ðịnh khắc tên các liệt sĩ văn nghệ hy sinh. Và vì thế, nhà văn Thanh Quế bây giờ ngoài việc viết văn như trả một món nợ với cuộc đời, với quê hương, còn lặng lẽ làm một cái việc là viết hồi ký về những tháng ngày hào hùng đã qua ấy, về những nhà văn, những văn nghệ sĩ đồng đội đã anh dũng ngã xuống với tư thế là những người lính. Văn, thơ và hồi ký là ba thể loại đang song hành cùng ông. Ông cũng viết rất nhiều cho thiếu nhi, điều mà không phải nhà văn chuyên nghiệp nào cũng làm được. Thoạt nhìn, ông giống bác đưa thư hơn là nhà văn. Xuề xoà, vui tính, nói to, hay cười, cả nể, luôn luôn cố hữu một cái mũ trên đầu vì ông bị... hói, nhưng thơ ông nén chặt tinh tế đến kỳ lạ. Thơ ông thường ngắn, rất ngắn, nhưng dung lượng rất lớn. Ông không câu nệ chữ, không câu nệ vần mà chú trọng tứ và ý tưởng lấp lánh sau những hàng chữ. Và vì thế mà nó có khả năng công phá. Ðây là một bài thơ của ông, bài "Hành trang":

Cái ngày bàn tay thần chết sờ lên sống lưng tôi
Phả hơi lạnh như băng của nó
Tôi mỉm cười bảo: "Hãy chờ tôi tí
Tôi còn chuẩn bị hành trang"
Tiền bạc, của cải, nhà cửa, áo quần
Những thứ đó không cần gì cho tôi cả
Những tuyển tập Văn, Thơ, Triết học của những bậc thiên tài
Tôi cũng chẳng mang đi nổi
Trước sự thúc giục của thần chết đứng bên
Tôi chỉ cầm theo một cây bút nhỏ
Ðể từ thế giới bên kia tôi viết cho những người đang sống
Ðó là những gì tôi mang theo vào giây phút cuối đời
Khi bàn tay thần chết sờ lên sống lưng tôi.
1993

Có bạn đọc quen đã hỏi tôi rằng: Thế này mà là thơ à? Mà lại được nhiều người khen hay, được chọn vào tuyển thơ Việt Nam 1975 - 2000. Quả là so với thơ thông thường, nó hơi khó đọc thật. Ngay so với tạng thơ của tôi, nó cũng khác một trời một vực. Nhưng đấy chính là quy luật sống còn của thơ: Ðơn nhất, không lặp lại. Và thơ cũng có nhiều cách để thể hiện. Có thơ thiên về hình ảnh, vần, tính nhạc. Có thơ thiên về lập tứ, vượt qua mọi ràng buộc để giải phóng tư tưởng, nói hết, nói tràn được những điều muốn nói. Có thơ dồn nén ngôn ngữ như ta dồn bộc phá, có sức bung nổ rất cao. Có thơ chỉ chú trọng đến âm thanh... Thanh Quế thiên về triển khai tứ theo một quy luật ngôn ngữ nghiêm nhặt. Bài thơ này khiến ta xúc động ở chỗ: Viết về những giây phút cuối cùng của cuộc đời mà vẫn vô cùng bình thản, thậm chí có chất u mua. Thông điệp của ông chính là: Từ thế giới bên kia tôi viết cho những người đang sống. Một thông điệp đầy chất nhân văn cộng sản chân chính của một nhà văn đã lăn lộn qua chiến tranh, đã từng nhiều lần bị thần chết sờ lên lưng, đã dùng ngòi bút của mình thắp đuốc tìm về cuộc sống. Và vì thế mà yêu cuộc sống đến cháy bỏng, đến chết rồi vẫn muốn viết cho những người đang sống.

Thanh Quế sinh đúng năm đất nước độc lập tại huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ðến nay ông đã xuất bản khoảng hai chục đầu sách. Có những câu thơ của ông cứ găm vào tâm trí tôi: Mênh mông vườn nối vườn/ Anh vừa đi vừa hái bao nhiêu quả/ Ðến lúc mệt nhoài trong nắng hè ngồi nghỉ/ Lấp loáng sau vòm cây/ Anh bỗng nhận ra/ Chùm quả anh chưa gặp bao giờ... Cái quy luật kiếm tìm của con người nó như thế. Nhiều khi vì một phút lơ đãng, ta đã bỏ qua một cái đích kiếm tìm. Cuộc đời luôn trộn lẫn cái bình thường và cái phi thường. Nhận ra nó là cả một cuộc kiếm tìm không ngừng không nghỉ. Và kiếm tìm chính là một mục đích cao cả của con người chân chính, là hành vi biểu hiện cao nhất khả năng người của con người, những con người luôn vươn lên tự hoàn thiện nhân cách một cách cao đẹp nhất...

Ðặc điểm lớn nhất của nhà văn, nhà thơ Thanh Quế là ông... không biết đi xe gắn máy. Giữa phố phường Ðà Nẵng đông đúc, cứ thấy ông nào treo vắt vẻo cái cặp to đùng trên ghi đông xe đạp, đầu đội bê rê hoặc mũ lưỡi trai, nhẫn nại đạp vẹo vọ trên đường, ấy là... nhà văn Thanh Quế. Có lần tôi và nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng bay từ Hà Nội về, phải transit ở ga Ðà Nẵng 2 tiếng, thế là đi taxi vào tìm Thanh Quế. Ông rủ chúng tôi sang thăm nhà văn Ðà Linh ở NXB Ðà Nẵng, tiện thể... nhậu luôn. Nhưng ông không cho chúng tôi đi taxi mà kêu một cái xích lô để tôi và Nguyễn Thanh Mừng ngồi, còn ông nhấp nhổm đạp xe bên cạnh, nói chuyện oang oang, nhiều người đi đường ngoái nhìn, chắc tưởng ba lão... gàn. Gần đây ông được trang bị điện thoại di động, mà cái cách ông dùng cũng có một không hai. Ấy là ông chỉ biết ai gọi tới thì bấm cái nút xanh rồi quát lên rất to "ai đấy". Còn gọi cho ai thì ông rất cẩn trọng tay trái giữ máy, dùng ngón trỏ tay phải chọc từng số trên bàn phím, tất nhiên trước mặt là cuốn sổ ghi số điện thoại. Có một lần gọi cho tôi, ông hoan hỉ quát rất to trong máy "Sao chú biết anh gọi?" khi nghe tôi vừa mở máy đã lễ phép chào đúng tên ông. Thế mà hiện nay, ông giữ rất nhiều trọng trách trong làng văn chương: Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng ban Liên lạc các nhà văn miền Trung (một vị trưởng ban mẫn cán và đầy trách nhiệm trong việc giục các nhà văn sáng tác và thăm hỏi tặng quà mỗi khi có vị nào đó ốm đau. May mắn là tôi chưa được ông... thăm hỏi lần nào...), Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật thành phố Ðà Nẵng, Tổng biên tập Tạp chí Non Nước, Tổng thư ký Hội Nhà văn Ðà Nẵng... Ông là người rất tận tình với bạn bè, dù đó là đàn em như chúng tôi. Nhớ cái lần có cuộc họp các nhà văn ở Ðà Nẵng, trước khi ai về nhà nấy, ông đến và lôi trong cái cặp to đùng ra mấy xâu tré, đặc sản Ðà Nẵng, "của ít lòng nhiều", ông biếu mỗi người mấy cái về... uống rượu. Có hôm khuya rồi, ông vẫn đi bộ đến khách sạn: Tớ mới lĩnh chút nhuận bút còm, đãi các cậu chầu bia. Ra vỉa hè cho mát. Tôi nói thêm: cho... rẻ. Hàng năm bận mấy, ông vẫn về Phú Yên thăm mẹ, nhưng ông đã trở thành một phần Ðà Nẵng rồi. Một nhà văn trẻ Ðà Nẵng nói với tôi: Sẽ ra sao nhỉ, nếu một ngày nào đó Ðà Nẵng không còn cái dáng bê rê xe đạp kia? không còn những trang văn, bài thơ thấm đẫm tình yêu và trách nhiệm của nhà văn, nhà thơ Thanh Quế?...

Ông vẫn viết rất khoẻ. Ta vẫn thường ngày thấy tên ông trên các báo tạp chí trung ương và địa phương. Sách vẫn ra đều đều. Và điều quan trọng, cậu con trai của ông, cháu Phan Tuy An, mấy năm nay cũng liên tục có thơ in trên các báo, đặc biệt là dịp tết. Hổ phụ sinh hổ tử. Ông rất tự hào vì khả năng "cha truyền con nối" văn chương này... Hôm qua, ông mới gửi tặng tôi tập sách mới nhất, tập "Những kỷ niệm, những gương mặt"...

Gia Lai 2003
VĂN CÔNG HÙNG

____________

Bài này viết từ 2003 nên thông tin giờ đã thay đổi, bác Thanh Quế giờ đã nghỉ hưu, và vẫn sống cần mẫn ở Đà Nẵng (VCH).

 Nguồn: NVTPHCM



Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2019

THƠ NGUYỄN TẤN VIỆT - QUYỀN LỰC CỦA SỰ IM LẶNG

Vào một buổi tối cách đây 33 năm, có một người đàn ông đến tìm tôi. Ông tự giới thiệu ông là Nguyễn Tấn Việt, biên tập thơ của Tạp chí Sáng tác Hà Sơn Bình. Đấy là thời gian tỉnh Hà Tây và tỉnh Hòa Bình hợp nhất thành tỉnh mới có tên Hà Sơn Bình. Ông đến tìm tôi để nói với tôi về những bài thơ đầu đời của tôi mà ngày đó tôi đã liều lĩnh gửi cho Tạp chí Sáng tác Hà Sơn Bình. Trước đó, tôi đã từng đọc thơ của ông in trên Báo Văn Nghệ, Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, Tạp chí Sáng tác Hà Sơn Bình… Và vì thế, khi được ông đến thăm, ngực tôi tức ngạt đi vì bất ngờ và hạnh phúc. Với những người mới cầm bút làm thơ, đặc biệt của những năm tháng trước kia, thì đó là một diễm phúc. Ông ngồi xuống trước tôi , đặt lên bàn những bài thơ viết tay của tôi và ông nói về thơ ca. Bây giờ mọi chuyện đã khác đi nhiều. Thơ ca đã không còn thiêng liêng và bí ẩn đối với quá nhiều người làm thơ trẻ như trước kia nữa. Bởi thế, sự hấp dẫn hay quyền lực, hay sự bí ẩn mơ hồ nhà thơ cũng mất đi nhiều. Nhưng thuở ấy, được gặp một nhà thơ mà mình đã đọc, đã yêu thích và kính nể thực sự là một sự kiện của tâm hồn.
Nhà thơ Nguyễn Tấn Việt

Đó là một đêm tôi không bao giờ quên được trong suốt cuộc đời mình. Đó cũng là lần đầu tiên tôi được nghe giảng về thơ ca từ một nhà thơ hiện hữu trước tôi. Cho đến tận bây giờ, tôi ít được nghe các nhà thơ nói về thơ ca chân thành, say đắm, huyền ảo và khúc triết như vậy. Ông chỉ cho tôi thấy những vụng về, non kém trong cách cấu tứ những bài thơ của tôi, ông nói về những câu thơ có hình ảnh và những câu thơ sáo mòn của tôi, ông dạy tôi cách khai triển một bài thơ, cách mở đầu và kết thúc một bài thơ, cách đặt tên một bài thơ…và bao điều liên quan đến thơ ca. Sau này, cứ mỗi lần được gặp ông, sự hiểu biết về thơ ca và tình yêu thơ ca cũng như tình yêu cuộc sống của tôi lại được mở rộng và lớn thêm một chút. Suốt những năm tháng ông làm việc ở Sở Văn hóa Thông Tin Hà Sơn Bình đóng tại thị xã Hà Đông là thời gian tôi được sống gần ông. Và ông đã truyền vào tôi nguồn cảm hứng thi ca mãnh liệt. Ông xuất hiện ở đâu thì ở đó ngập tràn không khí thi ca, một không khí thi ca của những cao vọng, những đắm mê, những chia sẻ và thiêng liêng. Bây giờ, người ta nói về thi ca có thể nhiều hơn nhưng lại quá nhiều những câu chuyện phiền muộn và đi ra ngoài tinh thần của nó.

Nhà thơ Nguyễn Tấn Việt tốt nghiệp Đại học ngoại ngữ Hà Nội, khoa tiếng Anh. Sau khi ra trường, ông làm phiên dịch cho các chuyên gia Thụy Điển ở nhà máy giấy Bãi Bằng. Nhưng rồi, với tình yêu thơ ca, ông quyết định chuyển về làm biên tập thơ cho Tạp chí Sáng tác Hà Sơn Bình. Đó là một quyết định không dễ dàng. Bởi thời đó cuộc sống vô cùng khó khăn. Ông đã rời bỏ một công việc có thu nhập tốt để sống trong khó khăn, thiếu thốn của một công chức thời đó. Thơ ca đã lên tiếng gọi ông và ông đã đi theo tiếng gọi đó. Cho đến tận bây giờ, khi ông đã trở về sống cuộc sống của một người hưu trí ở một làng quê yên ắng thì tình yêu thơ ca trong con người ông cũng không một ngày lắng xuống. Ngọn lửa thơ ca trong ông là ngọn lửa thuần khiết. Ông chưa một lần lợi dụng thơ ca cho những mục đích cá nhân của mình. Chỉ có thơ ca đã lợi dụng một tâm hồn sâu lắng, tinh khiết, một cảm xúc mãnh liệt như đám lửa khổng lồ cháy trong bão gió và một tư duy minh triết của ông để hiện hữu trong đời sống này với một vẻ đẹp riêng của nó.

Tôi đang viết những dòng này về ông sau khi đọc xong bản thảo tập tuyển thơ của ông. Cho dù tôi vẫn đọc rải rác thơ ông trong mấy chục năm qua, nhưng chỉ đến khi đọc tuyển tập tôi mới thấy được một một cách khá đầy đủ con đường sáng tạo thơ ca của ông. Và tôi đã giật mình. Tôi giật mình bởi ông đã làm được nhiều hơn rất nhiều những gì chúng ta nhìn nhận ông cả trong lẽ làm người và việc làm thơ. Lúc này đây, tôi đang nghĩ về con đường của sự sáng tạo, con đường làm hiển lộ những vẻ đẹp đời sống của những nhà thơ chân chính. Đó là con đường đắm mê và dâng hiến đến tận cùng chứ không phải con đường của sự ồn ĩ. Tôi có viết một bài thơ nói về con đường của cái đẹp. Và bây giờ, tôi thấy bài thơ ấy phải là bài thơ đề tặng ông. Tôi mong ông chấp nhận lời đề nghị này.

Những cánh bướm
Kính tặng nhà thơ Nguyễn Tấn Việt

Đâu đấy, một cánh bướm run rẩy, trong hơi thở tháng Giêng
Một cánh bướm như không có bởi mỏng hơn cả sự mơ hồ
Nhưng đã mở ra, ở đâu đó, một cánh bướm có thật
Không bởi màu sắc rực rỡ mà bởi như hơi nước đang tỏa

Chúng ta đổ ra quảng trường, chen lấn và xô đẩy
Một số ai đó gào thét và nhiều lúc đập phá
Và chúng ta quên đi, đâu đấy, trong những lùm cây bé bỏng
đang rộn rã mùa sinh nở côn trùng

Đâu đấy ánh sáng không bao giờ tắt trong cả những đêm
Và sự chuyển động mỗi lúc một mãnh liệt trong cái kén bất động
Rồi đột ngột xuất hiện, trong sự chờ đợi của đất đai, của cây cỏ và bầu trời,
một sự sống diệu kỳ với vẻ đẹp mong manh

Đâu đấy, không chỉ một đâu đấy, mà tràn ngập bất tận
Từ bóng tối đến ánh sáng, mở ra những cánh bướm
Và theo luồng hơi thở ấm áp và rộng lớn của tháng Giêng
Chúng mang vẻ đẹp của đời sống đi khắp thế gian
Mà không để lại một tiếng động nhỏ

Không ít người những đồng nghiệp và bạn đọc đã không để ý đúng mức đến những sáng tạo thơ ca của ông. Bởi có lẽ trong suốt cuộc đời của mình, ông đã sống lặng lẽ và khiêm nhường giữa bạn bè và đồng nghiệp, một sự lặng lẽ và khiêm nhường đôi khi tôi cho là quá mức cần thiết. Ông không đăng đàn diễn thuyết, ông cũng rất ít gửi thơ cho các báo và tạp chí, ông không sống với những gì người ta ban tặng cho ông như các giải thưởng về thơ ( Giải Ba cuộc thi thơ của Tạp chí VNQĐ năm 1983, Giải Nhất cuộc thi thơ của Báo Văn Nghệ năm 2000, Giải A của Ủy ban toàn quốc các Hội VHNT Việt Nam….), ông vẫn sống trong đắm mê mãnh liệt và dâng hiến không vụ lợi cho con người và cho thơ ca ngay cả những lúc có những người không công bằng với ông hoặc thậm chí có lúc họ cố tình lãng quên ông. Nhưng tất cả những điều ấy chưa bao giờ gợn sóng trong cái hồ nước tâm hồn ông. Ông chỉ dày vò về chính bản thân mình hay nói cách khác ông luôn luôn tự vấn về con người mình. Đấy là hành vi nhân tính nhất của con người mà không phải nhiều người trong chúng ta làm được.

Xin hãy đọc một bài thơ của ông:

Tôi gọi tôi về
Đêm đêm tôi phải gọi tôi về
Tôi bay quá xa tôi
Nỗi buồn không nhà trọ
Niềm vui không cố hương
Vuông là thế và tròn là thế
Quơ vào trời chỉ nắm ánh trăng suông
Tôi bay quá xa tôi
Quá sông quê một người ảo vọng
Quá bờ tre là một kẻ vô tình
Quá thói quen một gã thất thường

Tôi quá sức khi phải làm người lạ
Nên đêm đêm tôi phải gọi tôi về

Quả thực, mỗi lần gặp những chuyện phiền muộn và cay nghiệt trong đời sống văn chương ở xứ sở mình, tôi lại nghĩ về ông. Nghĩ về ông để tìm cho lòng mình một khoảng bình an, để hiểu thêm một lần nữa thơ ca chỉ thực sự hiện hữu khi nhà thơ luôn hướng về những điều đẹp đẽ và biết lắng nghe những điều đẹp đẽ ở mọi nơi chốn của đời sống này, để biết lùi vào trong tĩnh lặng mà suy ngẫm mà tự vấn mà bừng tỉnh…. Bởi trong suốt phần đời đã sống của mình, ông đã lặng lẽ tỏa sáng như một ngọn đèn giấu trong ngôi nhà đơn sơ, như một trái cây tỏa hương thơm giấu trong vòm lá mà nhiều lúc mà nhiều người không nhận thấy.

Nhà thơ Nguyễn Tấn Việt luôn luôn sống đúng ông cả trong cuộc đời và trong thơ. Điều ấy đã làm nên nhân cách ông và thơ ca ông. Trong bài thơ Bài thơ về các con vật, ông viết :Là con thú nào suốt đời nó thế/ Không đội lốt bao giờ. Còn con người thì luôn luôn đội lốt. Đó là những câu thơ hay, những câu thơ hiện đại, những câu thơ chứa đựng tư tưởng. Hai câu thơ kia có thể khắc vào một tấm bia dựng ở những nơi công cộng cho con người hôm nay đọc và suy ngẫm về tư cách sống của mình, của đồng loại mình trong một đời sống mà hiện thực đang diễn ra thật buồn bã và đau đớn. Thực ra, chúng ta làm thơ, chúng ta lao động, chúng ta sống chỉ để thoát ra khỏi cái lốt chúng ta vẫn đội ngày ngày. Chỉ để chúng ta được trở về chính chúng ta. Thơ ca sẽ trở thành một thứ phản loạn và bất chính nếu không sinh ra để thực hiện điều ấy.

Cho dù tôi thấy việc nói đến tính hiện đại hay hậu hiện đại về thơ ông lúc này quả là một cách nói đầy tính hình thức và có thể rơi vào thói phù phiếm, nhưng tôi vẫn phải nói rằng : những bài thơ ông viết cách đây 30 năm hay 40 năm nó vẫn mang ngôn ngữ của thời đại nó đang hiện hữu. Nghĩa là nó chứa đủ những yếu tố để nó hiển hiện một cách luôn luôn mới mẻ và vượt qua cái khoảng thời gian nó ra đời. Trong khi có những nhà thơ mà tên tuổi họ được bạn đọc biết đến hơn ông trong một giai đoạn nào đó, nhưng khi cái giai đoạn đó, cái thời tiết của đời sống đó đi qua thì những bài thơ của họ cũng không còn lý do để tồn tại nữa.

Ông sống với những dày vò, suy tư và chiêm nghiệm một cách nghiêm khắc về lẽ sống, về con người và về thơ ca. Khi quá nhiều người trong chúng ta ồn ào về nhiều chuyện và ít có khả năng im lặng và đứng trong một không gian hẹp nhất có thể để ngắm nhìn và suy ngẫm về sự sống và nghệ thuật thì ông đã có những khoảnh khắc lùi lại để chiêm ngưỡng một con người vô danh đang ngủ. Cái khoảnh khắc ấy hiện lên một cách chính xác và toàn hảo trong bài thơ Giấc ngủ con người:

Giấc ngủ con người
Tình cờ tôi được ngắm con người
Ngủ ngồi
Hướng về vườn cây cảnh
Lồng một khoảng đêm vào ngày
Tay buông lỏng
Như vừa buông một cánh chim
Bờ mi khép vào gương mặt mở
Giấc ngủ sâu – nước lặng hồ mây
Anh ngủ ngồi – thai nhi trong bụng mẹ
Khoảng nắng như bọc hồng
Giấc ngủ thơm hương mật ong
Bờ môi ngậm
Tiếng chào cây cỏ
Và bài ca hát hết con đường
Tôi từng núi xa ngắm bao biển bao trời
Chưa bao giờ mây bay trong tôi
Bằng giấc ngủ ngồi
Bằng hương thơm giấc ngủ một con người

Bài thơ này ông viết đã mấy chục năm về trước. Đọc lại bài thơ , tôi tự biết rằng : Mình mãi mãi là học trò của ông. Học trò về lẽ làm người, học trò về sự hiểu biết đời sống và học trò về khả năng khám phá thế giới con người và dựng lên cái thế giới ấy bằng thơ và lớn hơn tất cả là lòng nhân ái của ông. Và trong lúc này, khi người ta đang làm cho ngôn từ trở nên hung bạo khi đối xử với nhau thì bài thơ về một con người ngủ ngồi trở nên thánh thiện đến nhường nào. Bài thơ trên ông sáng tác theo chủ nghĩa nào ? Lãng mạn, tượng trưng, siêu thực hay hậu hiện đại ? Bất cứ câu trả lời nào cũng chẳng có ý nghĩa gì với ông nói riêng và với thi ca nói chung. Chủ nghĩa nào cũng chỉ có thời của nó. Rồi nó sẽ dừng lại nhường chỗ cho một chủ nghĩa sau nó hoặc nó sẽ chìm vào quá khứ. Chỉ có một chủ nghĩa mãi mãi còn khi con người còn là chủ nghĩa nhân văn. Một bài thơ với ngôn từ, hình ảnh chính xác, hiện đại, đẹp và bất tận tình yêu con người như vậy dù ở thời nào nó cũng đủ toàn bộ tư cách để bước vào thế giới kỳ diệu của thơ ca mà nó không cần bất cứ chủ nghĩa nào gắn mác cho nó.

Có hai câu thơ của nhà thơ Nguyễn Tấn Việt mà tôi nghĩ đó là nguyên lý cho mọi sáng tạo nghệ thuật:

Nếu không yêu mặt đất
Trên trời mây không bay

(Những người sống trong mây )

Tôi xin diễn giải hai câu thơ này trong nghĩa hẹp nhất và nôm na nhất mà tôi nghĩ tới : Mây là thơ ca, Mặt đất là con người. Khi chúng ta không có tình yêu con người thì chúng ta không thể làm ra thơ ca đích thực. Điều này tưởng bất cứ ai cầm bút làm thơ cũng hiểu. Thế nhưng, sự thật lại không như thế. Hôm qua xuất hiện chủ nghĩa hiện đại thì hôm nay sẽ xuất hiện chủ nghĩa hậu hiện đại và ngày kia sẽ xuất hiện một chủ nghĩa khác. Nhưng sự bất biến trong mọi sáng tạo thơ ca là vẻ đẹp của ngôn từ, của hình ảnh, của tình yêu con người, thiên nhiên và của những tư tưởng. Nguyên lý sáng tạo hay cái bất biến đó như một dòng sông chưa một ngày ngừng chảy trong toàn bộ sự nghiệp sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Tấn Việt từ bài thơ đầu tiên cho đến một bài thơ mới làm đêm qua của ông. Viết đến đây, tôi lại nghĩ đến sự hung bạo của ngôn từ đang tràn ngập trên xứ sở chúng ta. Và đã có lúc, tôi thực sự khiếp sợ điều ấy. Nhưng tôi lại hồi tỉnh khỏi nỗi khiếp sợ đó khi trên xứ sở này có những nhà thơ mang lòng trắc ẩn, khiêm nhường và nhân ái như ông và một số nhà thơ khác mà có ngày tôi sẽ phải cúi xuống viết những dòng nghiêm túc về họ.

Tôi chưa bao giờ nghe ông nói về bản thân mình. Cả những khi người đời không hiểu đúng ông thì ông cũng không nổi giận và cũng không thanh minh. Hơn ai hết, ông biết ông phải làm gì. Quan sát và chứng kiến con người ông qua mấy chục năm thăng trầm, tôi nhận thấy : Ông tìm cách lùi xa những lời khen, ông tìm cách đến gần những lời chê. Cuộc đời sáng tạo thi ca của ông đã cho tôi ý nghĩ rằng : ông sáng tạo thơ ca như là phép thiền định của một tinh thần sống giản dị và thanh tao. Ông không bao giờ chiếm chỗ của bất kỳ ai cho dù cái chỗ đó chỉ nhỏ bằng chỗ của một con kiến. Tôi thấy đôi tai ông luôn luôn lắng nghe và miệng ông luôn luôn mỉm cười. Tôi tin chắc rằng : hầu hết những người đã sống với ông đều nhận ra điều ấy. Và tôi viết những dòng về một con người, một nhà thơ như ông trong khi không ít những người mang danh nhà thơ ở xứ sở chúng ta đang tranh giành một vị trí nào đó cho mình, họ chen đẩy nhau, họ tức tối nhau, họ thù hận nhau, họ thấy chỉ họ là số một, là duy nhất, không ai có quyền được xã hội hay đồng nghiệp nhắc đến hơn họ hay ngoài họ mà chỉ có họ mới được quyền đó. Thời gian sẽ trôi đi và những đắc thắng ngu ngốc của chúng ta sẽ bị chôn vùi nhanh chóng. Sự thật đã chứng minh biết bao lần điều ấy. Và bây giờ, nó lại phải chứng minh thêm một lần nữa.

Khi tôi viết những dòng này thì có lẽ ông đang khó ngủ vì tuổi tác và bệnh tật trong ngôi nhà của một làng quê yên tĩnh và ông không hề biết tôi đang viết về ông. Quả thực, tôi viết về ông không phải để cho ông. Ông chưa một lần đợi chờ điều ấy và không bao giờ cần điều ấy. Tôi viết về ông là để cho tôi, tôi đọc thơ ông là để cho tôi. Và tôi viết những dòng này là để chiếu rọi vào bản thân tôi để xua bớt đi một phần bóng tối trong con người tôi. Ông đã im lặng sống và viết như không thể còn cách nào khác ngoài sự im lặng ấy. Và bây giờ, không ít những câu thơ và bài thơ viết trong sự im lặng ấy đang thống trị tôi.

Hà Đông, đêm sang thu, 9/2012
NGUYỄN QUANG THIỀU




THIÊN NHIÊN - NGUỒN CẢM HỨNG BẤT TẬN CỦA VĂN CHƯƠNG PHƯƠNG ĐÔNG

Từ xa xưa, người phương Đông đã biết dựa vào tự nhiên để sống. Hầu hết các nền văn minh Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ, Trung Hoa đều dựa vào bồi đắp phù sa của các con sông. Nguồn gốc văn hóa nông nghiệp khiến con người học cách sống hài hòa với thiên nhiên, thấymình là một phần không thể thiếu của tự nhiên thanh sạch, thuần khiết. Điều này ánh xạ vào tôn giáo, triết học rồi đi vào văn chương. Đứng trong nguồn mạch chung, thiên nhiên là một mạch ngầm xuyên suốt của văn học phương Đông từ xưa đến nay.
TS. Trần Thị Ánh Nguyệt

1. Từ cội nguồn tư tưởng phương Đông

Văn minh phương Tây không phát xuất từ những vùng đất bồi đắp phù sa màu mỡ, họ sớm phải vươn ra biển, chiến đấu với đại dương bao la nên cách ứng xử với thiên nhiên trong tư duy của họ là chinh phục để phục vụ cho con người. Vậy nên, cảm hứng chủ đạo của văn học phương Tây là ca ngợi con người - con người là thước đo của vạn vật. Ngược lại, từ xa xưa, người phương Đông đã học được cách sống hài hòa với tự nhiên. Thiên nhiên đóng vai trò rất lớn trong đời sống của cư dân nông nghiệp - đó vừa là môi trường vừa là nguồn lợi nhưng cũng vừa là nỗi âu lo. Điều này xuất phát từ cách cảm nhận về tự nhiên từ cổ xưa của người phương Đông về vạn vật hữu linh. Người nguyên thủy dựa vào tự nhiên để sinh sống.Trước sức mạnh của tự nhiên, thái độ của con người là khiếp nhược nên con người tôn sùng tự nhiên, ngưỡng vọng tự nhiên. Theo Trần Lê Bảo, tư tưởng đăng cao xuất phát từ việc những cư dân phương Đông đầu tiên xem vạn vật đều có linh hồn, sinh ra nghi thức tế lễ thần sông núi. Đăng cao ban đầu thể hiện sự khiếp sợ trước tự nhiên, sau này trở thành sự ngưỡng mộ tha thiết với núi sông, trở thành sự gắn bó với tự nhiên[1]. Đó là lí do vì sao ta thấy người phương Đông nào cũng có xu hướng đăng cao: không chỉ người Trung Quốc bước lên đài cao mà các anh hùng Ấn Độ cũng thường hành hương lên núi, người Nhật Bản ngưỡng vọng Phú Sĩ, các nhà sư đều chọn thâm sơn cùng cốc... Khi chọn nơi núi cao, hòa làm một với thiên nhiên khiến cho trong cảm quan phương Đông, sự gắn bó với tự nhiên trở thành máu thịt. Tư tưởng sùng thượng thiên nhiên thấm đẫm từ triết học Lão Trang cho tới triết lí “bất tổn sinh” của người Ấn hay tấm lòng ưu nhã với thiên nhiên của người Nhật Bản.

“Thiên nhân hợp nhất” - tư tưởng Chu Dịch đã trở thành tiền đề cơ bản trong cách ứng xử, nguồn cảm hứng vô tận của văn chương phương Đông. Điều đó khẳng định sự thống nhất giữa con người và tự nhiên, con người là một phần của tự nhiên, giữa con người và tự nhiên có mối liên quan, dung hòa nhau. Lão Tử cho rằng con người gắn với tự nhiên, là một bộ phận không tách rời tự nhiên: “Đạo sinh ra một, một sinh ra hai, hai sinh ra ba, ba sinh ra vạn vật”, cho nên mọi vật đều sinh ra từ Đạo, là biểu hiện của Đạo, do vậy trời đất với ta cùng sinh ra, vạn vật với ta là một. Tự nhiên có trước con người, tồn tại và vận động theo quy luật khách quan, con người theo quy luật của tự nhiên để hành động cho hợp lẽ “Thiên nhiên và hoạt động tự nhiên, sự âm thầm diễn ra của các biến cố đời đời kiếp kiếp, sự tuần hoàn của bốn mùa, sự vận chuyển uy nghi của tinh tú, đó là cái đạo mà ta thấy trong mỗi dòng suối, mỗi phiến đá, mỗi ngôi sao, đó là cái luật của vũ trụ, vô tư, vô ngã, mà lại hợp lí, và loài người phải hành động theo luật ấy nếu muốn sống khôn ngoan và yên ổn” [4, tr.53]. Bởi vậy, người phương Đông thường lựa chọn cách sống hài hòa với tự nhiên để được thanh thản, đủ đầy. Những hình ảnh “áo mỏng”, “dậu thưa” là những phương cách hòa hợp với vạn vật.

Trong các trang sử thi hùng tráng về người anh hùng phương Đông, chiến công trên chiến trận chỉ là một phần của công trạng, mà chủ yếu là cần phải học bài học về sự hòa hợp tự nhiên. Các anh hùng của người Ấn trong hai thiên sử thi vĩ đại Ramayana, Mahabharata trước khi lên ngai vàng trị vì đất nước đều vào sâu trong núi, hành hương về với tự nhiên, học bài học triết lí về nhân sinh bằng cách tĩnh tâm, hòa mình sống với thiên nhiên. Trước khi trở thành đấng Giác Ngộ, Đức Phật đã trải qua kiếp sống không chỉ là con người, thần linh mà còn là chim chóc, muông thú để có thể hiểu về cuộc đời của muôn loài bình thường, với đủ mọi quan hệ thế tục. Đấng minh quân Trần Nhân Tông sau khi thực hiện xong việc thế sự, xuất gia vào núi sâu để được trong sạch, giác ngộ tràn đầy. Thiên nhiên, do đó là người thầy minh triết vĩnh cửu trong tâm thức của người phương Đông.

2.  Tình yêu với sinh mệnh tự nhiên

Trong tâm thế của người phương Đông, người ta thấy một tâm hồn đối với thiên nhiên rất sâu nặng. Trong khắp các trang viết, không chỉ thấy vẻ đẹp của cảnh vật mà còn thấy một tấm lòng tha thiết với cảnh vật.Đó là tình yêu vĩnh cửu với thiên nhiên vô tận, với vẻ đẹp tráng mĩ, hùng vĩ của núi cao vực sâu, cũng có thể là vẻ giản dị, gần gũi của nhành hoa, ngọn cỏ, con cò, con ếch, con dế...Mỗi tâm hồn Đông phương đều đồng cảm trước tấm lòng nghe thấy tiếng gió mưa ngoài cửa mà xót xa cho thân phận mỏng manh của cánh hoa rơi rụng (Dạ lai phong vũ thanh/ Hoa lạc tri đa thiểu– Nửa đêm nghe tiếng mưa/ Hoa rụng nhiều hay ít – Mạnh Hạo Nhiên); mỗi tâm hồn Đông phương đều xem thiên nhiên như là người tri kỉ (Cửbôi yêu minh nguyệt/ Đối ảnh thành tam nhân– Nâng chén mời trăng sáng/ Mình với bóng là ba – Lý Bạch), như là gia đình thương mến (Cò nằm hạc lẩn nên bầu bạn/ Ấp ủ cùng ta làm cái con– Nguyễn Trãi); mỗi tâm hồn Đông phương đều nâng niu vẻ đẹp giao hòa giản dị của thiên nhiên bình dị (Một cành bìm bìm hoa tía/ Quấn quanh cây cầu/ Ta sang hàng xóm xin nước thôi- Chiyo), đều xúc động trước những sự việc rất tầm thường của vạn vật (Lá chuối xanh trôi/ Một con ếch nhỏ/Run run đang ngồi -Kikaku)

Chỗ “vô ngôn” của thơ Thiền thường là sự im lặng vĩnh cửu của tự nhiên. Chính cái không lời vĩnh viễn ấy mới thấu biết được mọi lẽ trong cõi hiện sinh đầy mệt nhọc này. Bởi vậy, tràn lấp trong các trang thơ Thiền là vẻ đẹp của hoa cỏ núi sông, là nhành mai cao khiết (Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai – Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một nhành mai), là đôi bướm vui tươi trong một buổi sáng mùa xuân (Nhất song bạch hồ điệp/ Phách phách sấn hoa phi - Song song đôi bướm trắng/ Phấp phới cánh hoa bay - Trần Nhân Tông), hay là cảnh chiều muộn của ngôi chùa xưa (Cổ tự thê lương thu ái ngoại/ Ngư thuyền tiêu sắt mộ chung sơ – Chùa xưa lạnh lẽo khói thu mờ/ Chiều quạnh thuyền câu, chuông vẳng đưa – Trần Nhân Tông) hoặc cảm giác an nhiên viên mãn đủ đầy giữa tự nhiên khoáng đạt (Ngư ông thụy trước vô nhân hoán/ Quá ngọ tỉnh lai tuyết mãn thuyền – Ông chài ngủ tít ai lay/ Quá trưa tỉnh dậy, tuyết bay đầy thuyền – Không Lộ thiền sư)...

Bước sang thế kỉ XX, người đọc vẫn nhận ra cốt cách gần gũi thiên nhiên của tâm hồn Đông phương trong các tác phẩm dù cho trong dòng chảy hợp lưu Đông – Tây, người phương Đông phần nào đã bỏ rơi thiên nhiên. Nhưng niềm ưu ái với thiên nhiên có lẽ chưa bao giờ ngừng trong văn chương phương Đông từ cổ xưa đến hiện tại, nó vẫn âm ỉ chảy trong một dòng mạch thông suốt. Bằng chứng là qua các tác giả đạt giải Nobel như Kawabata hay Mạc Ngôn, ta thấy một tâm thế phương Đông rất nặng “thiên nhiên cũng có sinh mệnh riêng của nó” [11, tr.5], người đọc vẫn thấy những cánh đồng trù mật, những rặng núi mù xa, những vườn anh đào, những dòng sông thao thiết chảy qua những trang văn.

Để thấy được vị trí của thiên nhiên quan trọng như thế nào trong văn học phương Đông, chúng ta thử so sánh với văn học phương Tây. Ngay khi cùng viết về tự nhiên, nhưng điểm khác biệt cơ bản của phương Đông và phương Tây là người phương Đông xem thiên nhiên như là một sinh mệnh độc lập “cỏ cây quanh mình và cả bò dê nữa đều có thể trò chuyện với con người, chúng chẳng những có sinh mệnh, mà còn có cả tình cảm nữa” [11, tr.5], trong khi đó dù ca ngợi tự nhiên, cảm hứng chủ đạo của người phương Tây vẫn là xem thiên nhiên là nền cảnh để làm nổi bật con người. Bởi thế, khi A. Daudet  mô tả bầu trời sao tuyệt đẹp là ông muốn làm nổi bật hình ảnh con người: tất cả những vì sao lung linh trên trời kia là nền cảnh cho vẻ đẹp của con người trên đồng cỏ và trong tâm hồn cậu bé chăn cừu, không có vì sao nào đẹp bằng vì sao kiều diễm, sáng trong đang thiếp ngủ trên vai của cậu “tôi tưởng đâu một trong những ngôi sao kia, ngôi sao thanh tú nhất, ngời sáng nhất lạc mất đường đi đã đậu xuống vai tôi mà thiêm thiếp giấc nồng” [3, tr.254].

Để chứng minh rõ hơn cho luận điểm này, chúng ta thử so sánh cách cảm nhận về một hình tượng tự nhiên: hình tượng sói. Ở các tác phẩm của J. Lodon (Tình yêu cuộc sống, Tiếng gọi nơi hoang dã), cảm hứng chủ đạo là chinh phục tự nhiên, trong khi ở Tôtem sóicủa Khương Nhung là cảm hứng mãnh liệt về triết lí tôn trọng tự nhiên.

Tình yêu cuộc sống là bài ca về ý chí, nghị lực của con người. Câu chuyện kể về cuộc chiến đấu của một người đào vàng bị thương, bị bỏ đói nhiều ngày trong giá lạnh của vùng Bắc cực với một con sói già nua ốm yếu: “hai sinh linh kéo lê thân xác hấp hối qua cảnh hoang sơ và bên nọ rình cướp sự sống của bên kia” [6, tr.26], đi đến giới hạn sức chịu đựng của thể chất mà vẫn chiến đấu ngoan cường. Và dù cả hai vét đến hơi thở cuối cùng để dành sự sống thì chiến thắng vẫn thuộc về con người “Hai bàn tay không đủ sức để bóp nghẹt con sói nhưng mặt người áp sát vào họng con sói và mồm con người đầy những lông. Hết nửa giờ, con người nhận thấy một dòng âm ấm chảy vào họng mình” [6, tr 28]. Trong Tiếng gọi nơi hoang dã, con người bắt sói phải phục tùng hoặc bằng “luật dùi cui và răng nanh” hoặc bằng tình yêu thương. Dù cho đó là hai cách trái ngược nhau thì vẫn là khát vọng chinh phục tự nhiên. Trong khi đó hình tượng sói trong Tôtem sói (Khương Nhung) hoàn toàn khác biệt. Sói sống hoang dã, tự nhiên như bản tính của nó, con người không bao giờ có thể chinh phục được. Nếu như Bấc yêu quý Giôn Thóctơn với một tình cảm quyến luyến, quỵ lụy, yêu thương xen lẫn phục tùng “Bấc thấy không có gì sung sướng bằng được cái ôm ghì mạnh mẽ ấy và những tiếng rủa rủ rỉ bên tai ấy, và mỗi cái lắc qua đảo lại, nó tưởng chừng như quả tim mình muốn nhảy tung khỏi lồng ngực vì quá ngây ngất, rạo rực” [6, tr.307], thì dù Trần Trận nuôi sói con từ nhỏ, yêu thương chăm sóc bằng cả tấm lòng, đem hết tâm huyết, sức lực, tình cảm, thậm chí cả tính mạng nhưng con sói vẫn sống với bản tính hoang dã của nó, không bao giờ chịu thuần phục. Bởi thế, tộc du mục sống trên lưng ngựa lại thờ phụng sói (chứ không phải là ngựa) vì “logic trái khoáy này lại bao hàm sâu sắc logic của thảo nguyên (...) con sói thảo nguyên thì chưa bao giờ bị thuần dưỡng” [7, tr.537]. Người thảo nguyên thờ phụng sói cũng còn vì một lí lẽ lớn hơn nhiều nữa – sói là nhân tố điều hòa môi trường sinh thái. Sói thống soái tự nhiên, đứng trên tầm cao mà điều phối các mối quan hệ chồng chéo của tự nhiên, sói cân bằng sinh thái trên thảo nguyên: diệt chuột, rái cá, dê vàng, ngựa, cừu, thậm chí cả con người – những kẻ phá hoại không thương tiếc thảo nguyên. Theo họ “cỏ và thảo nguyên là sinh mạng lớn, tất cả những thứ khác là sinh mạng nhỏ: sinh mạng nhỏ sống nhờ sinh mạng lớn” [7, tr.482]. Như vậy, sói là chủ thể của tự nhiên, giữ gìn và cân bằng môi trường tự nhiên, bảo vệ vẻ đẹp thuần khiết của thảo nguyên trước những can thiệp thô bạo.

3.  Thiên nhiên – biểu tượng cơ bản của thơ ca phương Đông

Phương Đông huyền bí có thể coi là vương quốc của thơ ca, nhân loại vẫn mãi ngưỡng vọng Đường thi, Haiku như là những di sản tinh thần vĩ đại. Cảm xúc trong thơ trữ tình hư huyền, khó nắm bắt, thi nhân thường mã hóa cái thế giới huyền hồ sương khói ấy bằng những hình ảnh tự nhiên: nỗi nhớ nhà bảng lảng khói sóng hoàng hôn (Hoàng hạc lâu– Thôi Hiệu), thiếu phụ nhớ chồng trách con chim oanh (Xuân oán– Kim Xương Tự), nhìn nhành liễu biếc tiếc tuổi xuân qua (Khuê oán– Vương Xương Linh )… 

Thơ Haiku của Nhật Bản mặc dù số chữ rất ít ỏi, vỏn vẹn chỉ có 17 âm tiết nhưng vẫn dành cho tự nhiên một chỗ đứng trang trọng. Một bài thơ Haiku phải thể hiện được cảm thức về thời gian qua quý ngữ (kigo). Quý ngữ có thể là từ miêu tả các mùa xuân, hạ, thu, đông hoặc là các hình ảnh, hoạt động mang đặc trưng của mùa, biểu hiện những bước đi của thời gian bằng những hình ảnh của cảnh sắc cây cỏ, ví như mùa thu – con quạ(Trên cành khô/ cánh quạ đậu/ chiều thu- Basho), mùa đông – mưa gió (Mưa đông giăng đầy trời/Chú khỉ con đơn độc/ Cũng mong chiếc áo tơi - Basho), mùa xuân – anh đào nở rộ (Từ phương trời xa/ cánh hoa đào lả tả/ gợn sóng hồ Bi-wa- Basho), mùa hạ - ánh trăng (Con mực trong bẫy/nằm mộng phút giây/mùa hạ trăng đầy – Basho). Việc dùng quý ngữ chỉ mùa thể hiện tâm hồn nhạy cảm với sự thay đối của thiên nhiên, có cảm quan tinh tế về thời tiết, sự gắn bó sâu sắc của người Phù Tang với tự nhiên.

Các thi sĩ Thiền gia cũng quay trở về thiên nhiên, biểu hiện cái “tâm không” bằng tâm hồn rỗng rang hòa điệu cùng vũ trụ, cảm nhận vẻ đẹp của tự nhiên. Tư Không Đồ, người mở đầu cho thi học Thiền gia đã viết trong bài Nhàn dạ: Thử sinh nhàn đắc dịch vi gia/ Nghiệp thị ngâm thi dĩ khán hoa (Cuộc đời nhàn nhã lấy xê dịch làm nhà/ Nghề nghiệp là ngâm thơ và xem hoa). Trần Nhân Tông trả lời môn đệ câu hỏi “Thế nào là gia phong hòa thượng?” bằng câu thơ: Áo rách ôm mây, ban mai húp cháo/ Bình xưa dốc nguyệt, trời khuya nấu trà. Đối với thi nhân Thiền gia, sự hòa hợp trong tâm hồn được biểu hiện trong sự hòa điệu với tự nhiên. Và đôi khi, sự tương thông của lòng người với nhau không phải qua lời nói bề ngoài ồn ào mà sự tương giao ấy biểu hiện qua cái tĩnh lặng say mê với cảnh vật:

Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì
Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi
Khách lai bất vấn nhân gian sự
Cộng ỷ lan can khán thúy vi
(Xuân cảnh- Trần Nhân Tông)
Chim nhẩn nha kêu, liễu trổ dày,
Thềm hoa chiều rợp bóng mây bay.
Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế,
Cùng tựa lan can nhìn núi mây

(Huệ Chi dịch)

Hai tâm hồn nhập vào nhau không cần bằng lời nói hoa mĩ, ồn ào mà chỉ bằng một cử chỉ thật giản dị là lặng ngắm khung cảnh về chiều rộn rã tiếng chim và rợp bóng mây.

Mặc dù thơ điền viên với thơ sơn thủy cùng chung đối tượng thẩm mĩ là cảnh sắc thiên nhiên, nhưng điểm khác biệt lại ở chỗ thơ điền viên gần gũi với cuộc sống của con người hơn. Sơn thủy hướng đến núi cao vực sâu ngàn dặm, điền viên gần gũi với “ao rau muống”, “lảnh mùng tơi” (Nguyễn Bỉnh Khiêm); cảnh sắc giản dị, gần gũi của cây hòe, cây chuối, cây lựu, hoa sen, hoa xoan... (Quốc âm thi tập - Nguyễn Trãi). Nguyễn Khuyến được coi là “nhà thơ của làng cảnh Việt Nam” có lẽ bởi thơ ông thể hiện cảnh sắc và sinh hoạt nông thôn gần gũi và thân thiết. Có thể nói, ông đã mở ra cho thơ ca Việt Nam trường phái thơ điền viên mà sau này thơ Mới sẽ tiếp tục với những tác giả xuất sắc như Bàng Bá Lân, Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, Nguyễn Bính…

4. Thiên nhiên – Nơi cứu rỗi tâm hồn Đông phương

Con người từ trời đất sinh ra. Sự sinh tồn của con người không thể tách khỏi trời đất nên hành vi con người cũng tương thông, nhất trí với sự vận hành của trời đất: “Con người là sản vật của tự nhiên, cũng là một phần của tự nhiên, mà sự sinh tồn và phát triển của con người là lấy các điều kiện vật chất do tự nhiên cung cấp làm tiền đề” [5, tr.215].Bởi vậy, học cách sống hài hòa, phù hợp với quy luật phát triển sẽ khiến cho con người cảm thấy hạnh phúc. Đạo gia coi trọng sự thuần phác, tự nhiên. Triết lí “vô vi” của Lão Tử nghĩa là “không làm gì” trái với tự nhiên (Đạo). Lão – Trang chủ trương xa rời những hệ lụy của cõi đời, sự phiền nhiễu của ý chí, dục vọng để được tự do, tự tại trong bản chất tự nhiên thuần phác. Kêu gọi về với thiên nhiên là một phương cách để nuôi dưỡng cái bản tính tự nhiên thuần phác đó (Đạo pháp tự nhiên). Do vậy ứng xử của các nhà Nho truyền thống là “dụng chi tắc hành, xả chi tắc hàng” (Dùng thì ta hành đạo, không dùng thì ta quy ẩn). Quy ẩn bằng cách trở về với thiên nhiên để tìm lại sự bình an, tĩnh tại, tự do. Thiên nhiên trở thành điểm tựa tinh thần trong cơn bĩ cực, thiên nhiên nuôi dưỡng cái phần thiên tính chất phác của con người khỏi những phồn tạp, tị hiềm, ganh ghét, trói buộc chốn quan trường.Hầu hết cách ứng xử của thi nhân thời trung đại Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam… là sống gần gũi tự nhiên. Khi con người xã hội bất như ý họ thường đi ở ẩn, một hình thức xa lánh xã hội nhiêu khê, trở về với thiên nhiên để quên nỗi buồn thế sự. Nhà nho nhàn dật có khuynh hướng vui với cây cỏ, chối từ con người lí trí, rũ bỏ áo khoác xã hội để hòa mình vào thiên nhiên xa lánh cảnh trầm luân, nhiễu nhương của thế sự. Bởi vậy, từ Khuất Nguyên, Đào Tiềm cho đến Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến… do mệt mỏi với quan trường ganh ghét, lòng người hiểm độc đã “quy khứ lai” - trở về với mây trắng núi ngàn để xoa dịu, thanh thản. Những vần thơ ca ngợi hoa cúc của Đào Tiềm, những vần thơ “tìm nơi vắng vẻ” của Nguyễn Bỉnh Khiêm hay tư tưởng sùng thượng tự nhiên của Nguyễn Trãi đều thể hiện một tư tưởng sống khiêm nhường, ẩn dật và hòa hợp vào “dòng sống thâm áo của thiên nhiên”. Đối với kẻ sĩ phương Đông, có lẽ tiền tài, danh vọng, chức tước không phải là mục đích của sự sống mà việc con người trở về với cõi thiên nhiên, với bản thể của vũ trụ mới là mục đích chân chính nhất. Phò vua giúp đời chỉ là nghĩa vụ trong chốc lát còn tâm thế họ vẫn hướng về tự nhiên sâu thẳm trời xanh mây trắng vĩnh cửu muôn đời. Phải vậy chăng mà Lí Bạch tâm sự:

Đãi ngô tận tiết báo minh chủ
Nhiên hậu tương huề ngọa bạch vân
(Chờ ta tận tiết báo đền ơn minh chủ
Sau đó sẽ cùng nhau về nằm nơi mây trắng)

(Tặng Trương Tương Cảo- Lí Bạch)

Sự hóa thân vào tự nhiên để được gột rửa là motif quen thuộc trong văn chương phương Đông. Chỉ khi hòa nhập vào tự nhiên con người mới thấy thanh thản, bình yên, tĩnh lặng; được cứu rỗi khỏi những muộn phiền, hệ lụy của đời sống phồn tạp. Người Ấn Độ từ cổ xưa đến nay đều thực hành nghi lễ tắm nước sông Hằng vì quan niệm nước sông có thể thanh tẩy; họ cũng cho rằng thần lửa Anhi thiêu cháy tất cả để trở nên trong sạch. Vậy là, trong tâm thức Ấn, thiên nhiên có thể gột rửa được tội lỗi, khiến con người có thể trở nên thanh khiết. Trước thái độ hờn ghen của Rama, Sita đã hai lần chứng minh tấm lòng nàng, lần thứ nhất là với thần lửa Anhi, lần thứ hai xin được trở về đất mẹ, hóa thân vào luống cày, nơi mà cô đã sinh ra. Môtip hóa thân vào tự nhiên được thể hiện trong văn học phương Đông qua rất nhiều dạng thức khác nhau: có thể là sự rẽ nước xuống biển của An Dương Vương, là hành động bay về trời hóa vào vĩnh cửu của Thánh Gióng, có thể là sự hóa thân trở lại thành cây Giáng Châu của Lâm Đại Ngọc dứt khỏi mối sầu muộn ở dương thế... Trong văn học hiện đại, sự hóa thân vào tự nhiên ấy được biểu hiện qua motif hòa nhập vào tự nhiên, buông thả mình theo tự nhiên tách mình ra khỏi cái ồn ào đô thị để sống thanh thản. Đó là một trong những chủ đề cơ bản của văn học lãng mạn, là khuynh hướng “ngược về ngoại ô” để thả mình vào hương đồng cỏ nội của văn học đương đại - thái độ lánh mình vào tự nhiên của con người thời hiện đại bị bao bọc bởi văn minh kĩ trị.

Tự muôn đời, thiên nhiên luôn là nguồn an ủi. Mỗi khi thấy lòng đau, lại tìm về tự nhiên như một bến bờ tĩnh lặng để nguôi quên. Thiên nhiên là người bạn lớn vĩnh hằng của con người mà ở đó, những muộn phiền, day dứt, đau đớn vơi đi. Thấu được nỗi chán chường cuộc sống ồn ào quanh mình, chỉ có tự nhiên vĩnh cửu không lời là vĩnh viễn.

5.  Nỗi trăn trở sinh thái thời hiện đại

Thorber, một nhà nghiên cứu phê bình sinh thái của Đại học Havard đã khẳng định mặc dù khuôn mẫu của Đông Á là tình yêu thiên nhiênnhưng hiện tại,“Đông Á đã là nơi  của một số các vấn đề và các cuộc khủng hoảng môi trường khó khăn nhất trên thế giới” [10].Trong xã hội hiện đại, do ỷ lại vào khoa học kĩ thuật nên người phương Đông đang ngày càng quay lưng với tự nhiên, khai thác tự nhiên quá mức khiến cho tự nhiên ngày càng vắng bóng trong đời sống. Mặt khác, trong một thời gian dài, văn học phương Đông mải chạy theo những vấn đề thời thượng của cõi người như tính dục, thân thể, đạo đức, phê phán xã hội… nên dường như người phương Đông đang bỏ rơi mất truyền thống hòa hợp tự nhiên.

Trước tình trạng khủng hoảng của môi trường sinh thái, các thảm họa, thiên tai và đáng sợ hơn cả là sự biến mất của chính thiên nhiên, người phương Tây – kẻ luôn giương cao lá cờ chinh phục thiên nhiên – nhìn nhận lại thái độ ngạo mạn của mình. Văn học sinh thái xuất hiện và đặt ra vấn đề tranh luận: có phải con người sinh ra để thống trị thiên nhiên – làm chủ và sở hữu thiên nhiên? Hay là những phát minh khoa học, sự ngạo mạn của con người đã đẩy thiên nhiên ra xa khỏi con người và con người đang gánh chịu những hậu quả do chính mình gây ra vì đã coi thường tự nhiên? Thiếu vắng thiên nhiên, tâm hồn con người trở nên xơ cứng, lạnh lùng, vậy nên cần phải trở về với tự nhiên, bảo vệ vạn vật trong tự nhiên và duy trì sự cân bằng của hệ sinh thái. Như vậy, văn học sinh thái phương Tây đã tìm lại giúp người phương Đông tâm hồn hòa nhập tự nhiên, tình yêu đối với thiên nhiên mà những hệ lụy của đời sống đô thị đã khiến họ có lúc xao nhãng.

Người phương Đông sau khi “trải qua một cảm giác lịch sử: cảm giác thiếu thiên nhiên” [8, tr.399], đã trở lại với các đề tài tự nhiên, nhưng không phải chỉ để thể hiện tình yêu đối với thiên nhiên mà còn thể hiện một niềm khắc khoải với những nguy cơ sinh thái, bày tỏ nỗi đau đớn vì những vẻ đẹp tự nhiên ngày một biến mất… Thức tỉnh tinh thần sinh thái, từ các tác phẩm của văn học Trung Quốc: Hoài niệm sói của Giả Bình Ao, Tôtem sóicủa Khương Nhung, tản văn Tôi yêu động vật nhỏcủa Băng Tâm…, cho đến Bộ sưu tập những bài thơvề bomnguyên tửtập hợp 181tác giả của văn học Nhật Bản, cho đến những ý tưởng sinh thái của các tác giả Việt Nam (Sống mãi với cây xanh– Nguyễn Minh Châu; Muối của rừng, Con thú lớn nhất, Sói trả thù– Nguyễn Huy Thiệp; Khói trời lộng lẫy, Nước như nước mắt– Nguyễn Ngọc Tư; Thập giá giữa rừng sâu– Nguyễn Khắc Phê; Chuyến đi săn cuối cùng– Sương Nguyệt Minh…) cũng đã rung lên những hồi chuông về sự khủng hoảng môi trường, những nỗi đau, niềm tuyệt vọng trước cái mong manh của sự cân bằng tạo hóa và cắt nghĩa căn nguyên của những thảm họa sinh thái.

Cảnh tỉnh con người về mối quan hệ của con người với tự nhiên, đặt con người trước những thảm họa khi đánh mất tự nhiên, như một lẽ tất yếu, phương Tây dường như đi tìm lại tâm thức tự nhiên mà từ lâu họ đã đánh mất, tìm về phương Đông để nối lại các mạch sống tự nhiên của họ.

Như vậy, từ xưa đến nay, thiên nhiên đối với người phương Đông không phải là một chuỗi dài chinh phục mà là sự gắn bó, hài hòa. Mỗi tâm hồn phương Đông đều có một tình yêu vĩnh cửu với cỏ cây. Phương Đông đang tìm cách quay trở về với những giá trị vĩnh hằng của thiên nhiên, tìm lại chính quá khứ ngàn đời của mình – tâm thức hòa hợp với tự nhiên. Bằng cách đó, phương Đông đã giữ gìn cho nhân loại khỏi trượt xa cách cư xử lí trí, ngỗ ngược đối với tự nhiên.

TRẦN THỊ ÁNH NGUYỆT

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1.        Trần Lê Bảo (2011), “Đăng cao – Một truyền thống văn hóa phương Đông”, Giải mã văn học từ mã văn hóa, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
2.        Lê Nguyên Cẩn (2000), “Cách nhìn nhận thế giới tự nhiên của Lão Tử và J. J. Rousseu”, Đạo gia và văn hóa, Nxb Văn hóa Thông tin.
3.        A. Daudet (2011), Những vì sao – Chuyện chàng chăn cừu xứ Prôvăngxơ, Nxb Hội Nhà văn.
4.        Will Durant, Lịch sử văn minh Trung Hoa, Nguyễn Hiến Lê dịch, Nxb Văn hóa Thông tin.
5.        Phạm Minh Hoa, Lưu Cương Kỉ (2002), Chu Dịch và mĩ học, Nxb Văn hóa - Thông tin
6.        Jack London (2011), “Tiếng gọi nơi hoang dã”, Jack London - Truyện ngắn đặc sắc, Nxb Hội Nhà văn.
7.        Khương Nhung, “Tôtem sói”, http://vnthuquan.net
8.        Lê Ngọc Trà (2007), Văn chương, thẩm mĩ và văn hóa,Nxb Giáo dục, Hà Nội.
9.        Lão Tử (1991), Đạo đức kinh, Thu Giang Nguyễn Duy Cần dịch và bình chú, Nxb Văn học.
10.     Karen Thronber,Ecocriticism and Japanese Literature of the Avant-Garde, http://interlitq.org/issue8/karen_thornber/job.php
11.     “Văn học phải làm cho con người tin nhau hơn”(Đối thoại đầu năm giữa Oe Kenzaboko với Mạc Ngôn), Báo Văn nghệ,(12), ngày 23-03-2002.

Nguồn: VHNA






Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2019

NHÀ VĂN VĂN LÊ: SỨC MẠNH TÌNH YÊU CHIẾN THẮNG TÌNH YÊU SỨC MẠNH

“Tôi muốn tiệm cận, lý giải vì sao, bằng cách gì mà trong hoàn cảnh ác liệt, cùng cực như thế, người Việt chúng ta đã gượng dậy được và chiến thắng. Trước đây, có lúc người ta cho rằng đó là nhờ lòng căm thù, nhưng tôi lại nghĩ khác…” - nhà văn Văn Lê tâm sự nhân dịp tiểu thuyết Mùa hè giá buốt được trao Giải A Giải thưởng Văn học nghệ thuật TP.HCM 5 năm lần thứ I (2006-2011).
Nhà văn Văn Lê - Ảnh: Phan Hoàng

Giống như nhiều người cầm bút khác, Văn Lê khởi đầu làm thơ và sớm gặt hái thành công. Mới ở tuổi 26, ông đã đoạt Giải A cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ năm 1974-75, bắt đầu khẳng định tên tuổi trên thi đàn. Sau đó, ông được trao Giải B cuộc thi thơ của tạp chí Văn Nghệ Quân Đội năm 1982, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994 về đề tài chiến tranh và lực lượng vũ trang cho tập thơ Phải lòng,... Nhắc lại điều này để thấy thơ đã chi phối cả sự nghiệp cầm bút của ông, ẩn hiện trên từng trang viết của ông, dù sau này ông thiên về văn xuôi, tác giả của hơn 30 đầu sách, đặc biệt trong đó có bộ ba tiểu thuyết gây tiếng vang viết về cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân - 1968, với những cái tên cũng đậm chất thơ: Nếu anh còn được sống, Cao hơn bầu trời và Mùa hè giá buốt.

Riêng tiểu thuyết Mùa hè giá buốt của Văn Lê xuất bản năm 2008, đoạt Giải B (không có Giải A) - giải thưởng 5 năm một lần của Bộ Quốc phòng, và bây giờ trở thành tác phẩm văn học duy nhất được trao Giải A Giải thưởng Văn học nghệ thuật TP.HCM (2006-2011), giải thưởng 5 năm một lần đầu tiên của thành phố. Vinh dự ấy thật xứng đáng với Mùa hè giá buốt, một tiểu thuyết đẹp và buồn, quyến rũ và đau đớn, thăng hoa như một tứ thơ. Tình yêu nghề, tài năng và sự lao động sáng tạo nghệ thuật bền bỉ của Văn Lê đã được ghi nhận trân trọng.

Tên thật là Lê Chí Thuỵ, nhà văn Văn Lê cầm tinh con trâu, sinh ngày năm 1949 tại Ninh Bình. Trong hoàn cảnh đất nước bị chiến tranh, ông phải sớm rời ghế nhà trường để nhập ngũ, vào chiến đấu ở Nam Bộ. Nhờ có năng khiếu văn học, ông được điều chuyển sang công tác chính trị, văn hoá trong quân đội, mà theo ông: “Chính cái tài vặt ấy đã giúp tôi may mắn sống sót giữa mưa bom bão đạn”. Văn Lê từng là phóng viên báo Văn Nghệ Quân Giải Phóng, Văn Nghệ Giải Phóng, Văn Nghệ. Năm 1977, khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, ông đã tái ngũ, vừa cầm súng vừa cầm bút ở mặt trận 479 cho tới năm 1982 mới ra quân về làm việc tại Hãng Phim Giải Phóng ở TP.HCM.

Với nỗ lực tự học không ngừng, Văn Lê đã tích luỹ được vốn tri thức văn hoá khá rộng, đó là nền tảng quan trọng giúp con người đa năng trong ông có hành trình sáng tạo bền bỉ và đạt nhiều thành công trong thơ, văn xuôi lẫn điện ảnh. Về đề tài Mậu Thân- 1968, Văn Lê không chỉ có thơ và bộ ba tiểu thuyết Nếu anh còn được sống, Cao hơn bầu trời và Mùa hè giá buốt, mà ngay khi bước vào làm bộ phim tài liệu đầu tiên cách đây hàng chục năm, ông đã dựng ngay Sài Gòn xuân 68 đầy ấn tượng, phản ánh sự đau thương mất mát của chiến sĩ, đồng bào thành phố trong sự kiện khốc liệt này. Bộ phim Sài Gòn xuân 68 đã gây xúc động mạnh, được trao giải thưởng Galaxy của Nhật Bản và cũng là bộ phim tài liệu ưng ý nhất của Văn Lê từ trước tới nay.

Giải thích với tôi về việc ông liên tiếp viết nên bộ ba tiểu thuyết về sự kiện Mậu Thân - 1968, nhà văn Văn Lê cho hay: “Tôi muốn tiệm cận, lý giải vì sao, bằng cách gì mà trong hoàn cảnh ác liệt, cùng cực như thế, người Việt chúng ta đã gượng dậy được và chiến thắng. Trước đây, có lúc người ta cho rằng đó là nhờ lòng căm thù, nhưng tôi lại nghĩ khác, chúng ta chiến thắng bằng chính tình yêu, vì suy cho cùng những người lính cách mạng đã bằngsức mạnh tình yêu đã chiến thắng kẻ thù có tình yêu sức mạnh”. Và sức mạnh tình yêu ấy cũng từng được Văn Lê trăn trở trong tập thơ Phải lòng:

"Bạn bè, đồng chí của tôi
Thương nhau dâng hiến trọn đời thanh xuân
Sống thì lấy thân che thân
Lấy tình bọc lấy cái nhân con người
Cũng vì tình nghĩa cả thôi
Mà ràng mà buộc mọi đời với nhau".

Là một người trực tiếp tham gia Chiến dịch Mậu Thân - 1968, lại từng có cơ hội tiếp xúc với nhiều tư liệu lịch sử thuộc dạng “tuyệt mật” và gần gũi với những nhân vật quan trọng, nhà văn Văn Lê tâm sự rằng chiến dịch này đã ám ảnh hầu hết những người trong cuộc còn sống sót, đồng thời cũng là nỗi bức xúc của nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp về sự thành bại của nó. “Tôi viết về Mậu Thân- 1968 để mọi người chiêm nghiệm, suy ngẫm về thành bại đó. Các chiến sĩ xuống đường đánh vào thành phố với tâm trạng vô cùng hưng phấn, giống như trận đánh cuối cùng. Cấp trên cũng có ý định chấm dứt chiến tranh bằng chiến dịch này. Sau đợt 1, quân giải phóng thu được một số thắng lợi, Mỹ đề nghị phía cách mạng Việt Nam ngồi vào bàn đàm phán. Nhưng có lẽ do ý muốn cấp trên đánh cho địch “lấm lưng” nên đã tiến công đợt 2 nhằm vào ngày sinh của Các Mác 04.5. Chính đợt 2 này, trước sự phòng bị và phản công quyết liệt của địch, quân ta đã hy sinh lớn. Chỉ riêng mặt trận Sài Gòn mất gần 55.000 chiến sĩ. Cái giá xương máu phải trả thật to lớn”.

Về sự kiện Mậu Thân - 1968, có nhiều nhà văn cách mạng lẫn đối phương đã viết. Phía cách mạng như Sài Gòn dưới những tầng khói của Nguyễn Quang Sáng, Dũng sĩ Mậu Thân của Thanh Giang, Tiếng gọi ngày “N” của Hồi Phạm,… Tuy nhiên, do yêu cầu của hoàn cảnh lịch sử, giống như hầu hết tác phẩm ra đời ngay trong chiến tranh, các tác phẩm trên đều chủ yếu viết về thắng lợi nhằm cổ vũ tinh thần chiến đấu, mà quên nỗi đau thực tại nhức nhói và khốc liệt, nghĩa là chưa phản ánh đúng mực mặt trái của chiến tranh. Chỉ khi nước nhà đã thống nhất, có độ lùi về thời gian, thì nhà văn mới có đủ tư liệu, cách nhìn khách quan để viết về chiến tranh một cách trung thực hơn. Đó cũng là điều kiện lý tưởng cho bộ ba tiểu thuyết của Văn Lê về Mậu Thân - 1968, đặc biệt là Mùa hè giá buốt vừa hiện thực vừa huyền ảo ra đời và được đánh giá cao.

Ẩn sau vẻ hiền lành chất phác của Văn Lê là một tấm lòng độ lượng, một tâm hồn nhạy cảm và nặng trĩu suy tư, một trí tuệ uyên thâm. Mới đây, khi bộ phim Long Thành cầm giả ca đoạt nhiều giải thưởng lớn trong dịp mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tên tuổi Văn Lê với tư cách nhà biên kịch được vinh danh. Còn bây giờ cả bộ phim Long Thành cầm giả ca lẫn Mùa hè giá buốt - tiểu thuyết tâm huyết của ông lại được tôn vinh…

Nhìn về quá khứ bi thương của dân tộc mà mình tham dự, dù đã trải lòng bằng hàng ngàn trang viết nhưng nhà văn Văn Lê chưa hết nỗi niềm: “Tôi vẫn cảm thấy vô cùng khó lý giải, rằng vì sao, vì lẽ gì, bằng tình yêu như thế nào mà người lính vẫn ra đi dù biết họ sẽ chết? Phải chăng chỉ có dân tộc này mới có sức chịu đựng đến mức lạnh lùng như thế, để tồn tại, để chiến thắng?”. Khi mà trong lòng Văn Lê vẫn còn nỗi nghi vấn đầy “bất an” ấy, có nghĩa người đọc còn hy vọng ở nhà văn những tác phẩm mới viết về chiến tranh, hay hơn, xác thực hơn, thần thái hơn.

PHAN HOÀNG
Nguồn: SGGP 12.2012


Thứ Năm, 14 tháng 2, 2019

NHÀ VĂN NỔI LOẠN HAY THẦN TƯỢNG VĂN NGHỆ: TRƯỜNG HỢP PHẠM CÔNG THIỆN

Cái tự do mà miền Bắc đã đánh mất khi bị/tự ràng buộc với mô hình Hán hóa được áp đặt bởi bá quyền Trung Hoa xâm lược cách đây 2000 năm (15). Nhà văn thuộc về miền Nam, vì thế, bao giờ dấu ấn cá tính tự do, tính ưa thích nổi loạn cũng phát triển. Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn và Phạm Công Thiện, do đó, vừa là những nhân cách tự thân vốn đã phá cách được phát triển trong điều kiện mà xã hội học nhìn thấy yếu tố dân chủ, lại được cộng hưởng thêm vào với sự tự do, nổi loạn trên nền tảng địa - văn hóa - cá tính phóng khoáng miền Nam…
Nhà thơ Phạm Công Thiện

I. Thần tượng văn nghệ, một lối nhìn

Phạm Công Thiện / Thích Nguyên Tánh là nhân cách sáng tạo đặc biệt của nền văn nghệ miền Nam 1954 - 1975, và rộng ra, là của toàn nền văn nghệ Việt Nam thế kỷ XX.

1. Thông thường, người ta vẫn biết đến Phạm Công Thiện, trước nhất, trong những tư cách khác tư cách nhà văn. Ông nổi tiếng với các biên khảo tư tưởng và văn học. Nói gần và gọn hơn, Thiện nổi tiếng với những tư tưởng văn nghệ. Di sản văn xuôi của Phạm Công Thiện, vì thế, ít được quan tâm. Hoặc, khác đi, được quan tâm không xứng, văn bất xứng thực tài, thực chất. Tuy nhiên, ít được quan tâm, hoặc quan tâm không đúng mức, không có nghĩa di sản văn xuôi của Phạm Công Thiện vì thế mà mất giá. Tiểu luận này, do đó, thử mò đường, hướng đến một diễn giải khác từ trong di sản văn xuôi để lại của nhà văn miền Nam đặc biệt này. Cái đặc biệt, trước nhất đến từ cá tính(1), sau đó, hiện hữu nơi văn tài. Qua đấy, bước đầu thử tái phục dựng một thế hệ nhà văn đặc biệt - nhà văn nổi loạn ở miền Nam, từ/qua trường hợp tiêu biểu hơn cả là Phạm Công Thiện(2). Đồng thời, thông qua đấy, khái lược lên những nét căn bản về mối quan hệ, tầm ảnh hưởng của Phạm Công Thiện đối với cả một thế hệ thanh niên trí thức “không đàn anh”, nổi loạn, đập phá, đơn độc, hư vô một thời. Nghĩa là, tiểu luận này muốn quan tâm đến văn nghiệp của Phạm Công Thiện như là một “sự kiện xã hội tổng thể” trong thời của ông thuộc về. Chỉ như thế, hy vọng mới có thể nhìn thấy được một cách sắc nét những “ám ảnh” sâu bền, mê say và cay đắng của thần tượng văn nghệ nổi loạn một thời Phạm Công Thiện đối với thanh niên trí thức miền Nam. Ngoài ra, phân tích văn nghiệp của Phạm Công Thiện cũng là để tìm hiểu rõ hơn những nỗ lực tư tưởng và sáng tạo nghệ thuật của nhà văn tài năng này. Đồng thời, làm phép so sánh thần tượng văn nghệ hai miền Nam - Bắc cùng thời, bước đầu tôi thử kiếm tìm những bản chất văn nghệ Việt Nam từ hai miền.

2. Tìm hiểu thần tượng văn nghệ của một giai đoạn văn học sử, bao giờ cũng vậy, là một nhiệm vụ mang nhiều mã nghĩa. Bởi, thông thường, mỗi thời đại văn nghệ thường xuất hiện trong/cho nó những thần tượng. Như ở Bắc Việt Nam thời chiến tập trung hóa cao độ (kể cả sự tập trung ý chí sáng tạo của nghệ sĩ), thần tượng văn nghệ đấy là những kẻ nói tốt nhất ý chí của cái tôi tập thể. Tố Hữu, vì thế, chính thức và chính thống hóa được vinh danh là thần tượng lớn nhất của văn nghệ thời “chung một gương mặt, chung một tâm hồn”. Bởi, những câu thơ của Tố Hữu hiển nhiên luôn rất phổ thông (3). Sáng tác của “đồng chí” Tố Hữu, vì thế, được dẫn truyền khắp đời sống văn học miền Bắc bằng nhiều con đường: các giải thưởng, xuất bản chính thống, tuyên truyền, giáo dục…

Ở miền Nam, xã hội bị phân mảnh ra làm nhiều đối cực, nhưng dẫu sao, trong một thời gian ngắn, vẫn đủ để tạo ra được bầu không khí dân chủ, nên không chứng kiến sự tập trung hóa xã hội, nhất là trong ý hệ và ý chí sáng tạo. Số phận văn nghệ, do vậy, được ly tâm thành nhiều trục. Nên, có thể nói, không tồn tại thần tượng phổ quát, được áp đặt, truyền bá trong đời sống văn nghệ miền Nam. Cái người ta thần tượng, hay yêu thích, do vậy, nằm trong trường quan tâm của hoạt động đọc cá nhân, hay một tập thể đọc văn học có chung tiêu chí thẩm mỹ; mỹ học tiếp nhận gọi đấy là sự đa dạng những “chân trời chờ đợi”. Người mê cái cổ điển có thể thích Nguyễn Đình Toàn, Vũ Khắc Khoan. Đau đớn, dằn vặt, phi lý trong một kiếp đời chật chội, tù đày, ám ảnh bởi bạo lực chiến tranh, cái chết có thể tìm Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền. Ưa cách tân lối tiểu thuyết mới thì đọc Hoàng Ngọc Biên. Bạn nữ sống dữ dội, táo bạo đọc Nguyễn Thị Hoàng, Nhã Ca, v.v… Nhưng, tựu chung lại với những nhà văn thành danh vừa kể trên, dù yêu thích đến mấy đi chăng nữa, thì cũng ít khi nào cộng đồng văn nghệ miền Nam thời ấy dám nói đến một thế hệ thần tượng Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Đình Toàn hay Nguyễn Thị Hoàng… Nhưng với Phạm Công Thiện thì khác, người ta có thể nói tới một thế hệ thần tượng Phạm Công Thiện. Một thế hệ có Phạm Công Thiện trong kẽ răng, nơi đầu lưỡi.

3. Nhưng thần tượng văn nghệ ấy là gì? Trong nét những nghĩa cụ thể, có thể xem thần tượng văn nghệ chính là sự cụ thể hóa thành nhân dạng cái thị hiếu thẩm mỹ phổ quát của độc giả văn nghệ một thời. Thần tượng văn nghệ, do đó, là tượng đài biết đi lại, nói năng của tâm lý tiếp nhận văn nghệ tập thể. Nói cách khác, mượn lối hiểu của khoa phân tích tâm lý tập thể, thần tượng văn nghệ đó chính là tâm lý công cộng của đám đông đọc văn học được chiếu rọi ra ngoài, hun đúc nơi một cá nhân. Và do vậy, mọi biểu hiện của thần tượng, từ đấy, có thể coi như là những hoạt động cá thể nhưng đại diện cho cái tập thể. Nghiên cứu thần tượng văn nghệ của một thời, hay nói khác, chính xác hơn, của một đám đông hoặc cộng đồng văn nghệ, vì thế, chứa đựng một lúc nhiều khoái thú. Bởi, khi ấy, nhà nghiên cứu đang làm một lúc ít nhất hai hành vi, kiểu “một đòn chết hai”; đó là: 1/ Cắt nghĩa tài năng sáng tạo của đối tượng được khảo sát là thần tượng của một cộng đồng; 2/ Thông hiểu tâm lý văn nghệ tập thể, cái có thể làm thành tinh thần nghệ thuật căn nền của cả một thời đoạn văn nghệ. Mà ở đây, trong tiểu luận này, dấu chỉ hướng tới là văn nghệ miền Nam 1954 - 1975.

Và bởi tính chất thiết yếu tương quan mật thiết của thần tượng đối với đám đông, nên, nghiên cứu thần tượng văn nghệ Tố Hữu của miền Bắc, vì vậy, là con đường quen thuộc, là “chất liệu lý tưởng” (Lã Nguyên) bấy lâu của nhiều nhà nghiên cứu hướng đến nhằm tìm hiểu “những tinh hoa của văn học cách mạng”, hay diễn ngôn hiện thực xã hội chủ nghĩa. Tương tự như vậy, nghiên cứu nhà văn nổi loạn Phạm Công Thiện - thần tượng văn nghệ của thanh niên miền Nam thời bấy giờ thì cũng có thể thông hiểu những vấn đề bản chất của khu vực văn nghệ còn như một “sân khấu trống” hay “sân khấu bị lãng quên” trong văn học sử này.

II. Thử cắt nghĩa cá tính sáng tạo nhà văn nổi loạn hay Đi tìm con đường trở thành thần tượng văn nghệ

Trải cái nhìn trên diện rộng, chúng tôi thấy có một sự giống nhau căn bản trong sự nghiệp phong phú của Phạm Công Thiện (4). Đó là nổi loạn. Thi sĩ Trần Tuấn Kiệt ở miền Nam thời bấy giờ có một nhận xét rất “đắt”, đúng kiểu “bốc giời” như nhà thơ khen: “Về thơ ở trần gian này, riêng tôi khoái có vài người gọi là bậc siêu thần bạt thánh côn đồ lão tổ nhất là Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn và Phạm Công Thiện. Ngoài ra hết.” (5). Cái chúng tôi quan tâm trong nhận định của Trần Tuấn Kiệt, và cũng là nhiều người khác, đó là tính chất “côn đồ lão tổ” nơi cá tính sáng tạo của Phạm Công Thiện (6). Và nổi loạn, đó là hệ quả thuận tất yếu của thói côn đồ trong sáng tạo văn nghệ. Thói côn đồ trong nghệ thuật được hiểu như những sự nổi loạn nhằm phá hủy, làm lệch chuẩn thẩm mỹ thông thường. Và nghệ thuật mới/khác, như loài cây cường tráng, mọc tốt tươi trên mảnh đất côn đồ, nổi loạn nghệ thuật. Thử cắt nghĩa căn nguyên của nổi loạn nhà văn Phạm Công Thiện để thấy rễ loạn trong tư tưởng văn nghệ cắm chằng chịt ở nhiều mạch đất. Bởi, con khỉ phá bĩnh trong tư tưởng văn nghệ của Phạm Công Thiện với vốn tư tưởng, văn hóa sâu dày đã được luyện mấy lần lửa tam muội trong hai lò luyện đơn tư tưởng Đông, Tây. Và, đồng thời, trên nền địa - văn hóa - cá tính miền Nam.

1. Nổi loạn: Kinh nghiệm tư tưởng

1.1. Tây phương với kinh nghiệm nổi loạn



Hiện tượng luận hiện sinh hay chủ nghĩa hiện sinh là căn nền tư tưởng nổi bật nhất của văn nghệ miền Nam thời bấy giờ đã làm triển nở những suy tư sâu xa về nổi loạn. Nổi loạn, vì thế, là một trong nhiều vấn đề mà hiện sinh ở miền Nam đặc biệt chú tâm, nên có ảnh hưởng xã hội rộng lớn. Theo đó, tâm lí phản kháng / nổi loạn (révolter) được hiểu như thái độ chống lại những thế lực làm hiện hữu trở nên méo mó. Nổi loạn là nổi loạn có mục đích chứ không phải nổi loạn chỉ để mà nổi loạn như một lối sống phá hoại. Mục đích của nổi loạn, tạo phản kháng là nhằm chống lại các thế lực kết án hiện sinh. Chính các triết gia hiện sinh Pháp, những người có ảnh hưởng xã hội ở miền Nam lớn hơn những người Đức đã cấp cho nổi loạn, phản kháng một ý nghĩa bản thể của hiện hữu: “Tôi nổi loạn, vậy chúng ta cùng sống” (Je me révolte, donc nous sommes) - Câu nói của Camus nhằm nhại lại câu nói nổi tiếng của Decartes (Je pense donc je suis), trong đó, Camus thay hành động tư duy (penser) bằng hành động nổi loạn (révolter). Cách hiểu của Camus về nổi loạn, như thế, nhắm chủ yếu vào phản kháng xã hội chứ không phải một hành vi triết lý. Về bản chất, phản kháng xã hội thực ra chỉ là một hình thức của phản kháng hiện sinh mà thôi. Nhưng đấy lại là cách hiểu nổi loạn phổ quát nhất của chủ nghĩa hiện sinh với số đông ở miền Nam vì nó được truyền bá quá thành công qua sáng tạo văn học (7). Có điều đó, bởi tồn tại xã hội ở miền Nam thời chiến vốn đầy phi lý, con người dễ trở thành con vụ quay tít trong các niềm tin tập thể khác nhau. Người trí thức phản tỉnh trước đời sống thì tất yếu phải phản kháng, nổi loạn. Nổi loạn, dù là nổi loạn mất phương hướng vẫn còn hơn là bị thời cuộc phi lý kéo đi như một con vụ mắt mù. Nhưng, dù lửa nổi loạn đã cháy vẫn không đủ soi đường cho cả thế hệ thanh niên trí thức thời bấy giờ tìm ra lối thoát. Chiến tranh bủa vây tứ phía, những cái chết như thây ma phi lý treo lơ lửng trên đầu một thế hệ. Thân phận họ có khi chỉ là những kẻ ốm tong teo, chìm trong men rượu, lang thang, chui nhủi trốn lính. Đời sống là một nghĩa địa không có mộ phần - vô địa táng. Cuộc nội chiến này, đối với họ là phi nghĩa: “rắn cắn đuôi rắn: người Việt Nam giết người Việt Nam”(8). Chiến tranh như một loài thú gớm, há cái miệng vô cùng, đớp lấy hiện hữu non xanh của những người thanh niên một thời. Kinh nghiệm hiện hữu của họ là một kinh nghiệm đau thương, đau thương toàn phần và phi lý tự thân. Sinh ra để bị quẳng ném vào một cuộc chiến tàn bạo. Những người trẻ tuổi mất phương hướng. Triết lý phương Tây thời chiến tràn lan ở học đường, trong đời sống sách vở thời bấy giờ, hòa theo những ấn tượng đau buồn, buộc họ phải chọn lựa. Và nổi loạn, dù là nổi loạn trác táng trong men say, gái điếm, thuốc phiện hay lang thang, đập phá vô chính phủ… Tất cả, đều là những cơn vẫy vùng từ tăm tối này đến một tăm tối khác. Mất phương hướng, tuổi trẻ cần bám vào một điều gì đấy để sống, họ chọn vô chính phủ như một “tôn giáo”. Tuổi trẻ thời bấy giờ, do đó, tìm thấy ở “giáo chủ” vô chính phủ Phạm Công Thiện một mẫu hình lý tưởng. Và thần tượng văn nghệ nổi loạn, do đó, từ cuộc đời đi vào trang viết, và từ trang viết lại đi ra cuộc đời.

Hơn thế, nổi loạn, trong mối quan hệ với tồn tại xã hội thời bấy giờ còn lộ ra trong một mảng ý nghĩa khác, là: những chấn thương tập thể. Bởi, thế hệ thanh niên mang trong lòng vết thương chiến tranh, hình thành một thứ phức cảm tự ti về thân phận bé nhỏ, hư vô, phi lý và đọa đày, mang cảm giác nhược tiểu của kiếp sống và thân phận dân tộc. Nên hiểu như A.Adler, kẻ tự ti tập thể có xu hướng phát triển lòng tự tôn ở một phía khác. Thế nên, nổi loạn như là một lối tự tôn trong đời sống tâm lý, là lựa chọn công cộng cho đám đông nhằm quân bình với chấn thương tự ti của cả một thế hệ. Và, nổi loạn ấy, lại thêm nhiều lần nữa tìm về, “đồng hóa” với cái nổi loạn toàn phần, đầy tai tiếng và tăm tiếng của Phạm Công Thiện. Cuối cùng, dù từ đường nào chăng nữa, hay phức hợp từ nhiều cung đường, đều dẫn thanh niên thời bấy giờ về gần hơn với những thần tượng văn nghệ nổi loạn một thời.

1.2. Đông phương với kinh nghiệm nổi loạn

Kinh nghiệm nổi loạn của Phạm Công Thiện không chỉ đến từ phương Tây mà còn được Đông phương nuôi dưỡng. Tây Phương là lớp sóng muộn, vỗ gần bờ nên dễ thấy, lôi cuốn sự chú ý, còn Đông phương mới thực là đại dương, mẹ đẻ của các đỉnh sóng, dù mênh mông nhưng ẩn dấu, khó nhìn thấu lòng biển rộng. Phạm Công Thiện, Nguyễn Đức Sơn, hay cả Bùi Giáng và nhiều văn nghệ sĩ ở miền Nam, thời bấy giờ, luôn có một mối liên hệ mật thiết với nhà chùa. Họ chính là dạng nghệ sĩ/cư sĩ Phật giáo suốt cả cuộc đời đi lại qua các cửa chùa. Đấy là điều mà ta có thể nói là điểm khác biệt rất lớn của văn nghệ sĩ hai miền Nam và Bắc 1954 - 1975. Khi quan sát về thế giới miền Bắc Việt Nam, lấy Hà Nội làm trung tâm (Hanoi-centrisme), đã dựng xây lên một thế hệ văn nghệ sĩ không tôn giáo, mất sự tham thông với cái thiêng. Còn với thiểu số những người nghệ sĩ miền Bắc mà tính tôn giáo tự thân phát triển, hay có cơ duyên nào đó dẫn đưa đến với linh thiêng, thúc đẩy họ đắm mình vào tôn giáo và chạm được vào phần tinh hoa của nó, thì, luôn khá hiếm hoi. Phạm Công Thiện ở miền Nam là cư sĩ nổi tiếng. Thế nên, không ngạc nhiên khi kiến thức và trải nghiệm tôn giáo của Phạm Công Thiện có kinh lịch sâu dày. Phạm Công Thiện thậm chí, đạt đỉnh một giảng sư Phật học uyên bác và danh tiếng.

Từ Phật giáo, Phạm Công Thiện, do đó, dễ dàng làm cuộc hôn phối tưng bừng trong tư tưởng Đông Tây hiện đại (mượn ý Bùi Giáng). Bởi bản thể của triết học nhân sinh châu Âu hiện đại với các đại diện lớn như Schopenhauer, Nietzsche hay Heidegger thì có quá nhiều tương đồng với minh triết phương Đông, nhất là Phật giáo, gần như một thể dung thông. Cái tinh thần hư vô chủ nghĩa, nổi loạn, vô chính phủ của Phạm Công Thiện hay Nguyễn Đức Sơn, vì thế, đi lại cả hai nẻo Đông - Tây. Trong đấy, cái biểu hiện bên ngoài, cái Thể, thì thuộc nhiều về Tây Phương, còn cái bên trong, cái căn cốt, cái Tánh, thì thuộc về Đông Phương. Phật giáo Việt Nam, với tinh thần phá chấp rốt ráo của Đại thừa viên đốn, từ lâu, đã không xa lạ gì với tinh thần nổi loạn mà độc giả bình dân thường được biết qua kiểu truyện thiền sư trong công án thiền. Đọc phương Tây, cái ý chí hùng cường, nổi loạn của người siêu nhân ở Nietzsche có hành trạng dường như không khác gì Lâm Tế Nghĩa Huyền hay triết lý Tánh không mãnh cuồng của con rắn dữ Long Thọ, rộng ra là cả truyền thống Không tông Phật giáo. Chính thế, nổi loạn như một bản chất mang tính tự thân sẵn có trong người nghệ sĩ/cư sĩ Phạm Công Thiện. Thế giới sáng tạo mang tính chất nổi loạn, ngông nghênh của Phạm Công Thiện và cả Nguyễn Đức Sơn, Bùi Giáng, vì thế, một phần lớn được trao truyền lại từ Phật giáo - tôn giáo mà các ông gắn bó suốt cuộc đời. Vậy, bản thể luận sáng tạo của nghệ sĩ nổi loạn, do vậy, là Phật giáo. Kinh nghiệm nổi loạn ở đấy, là kinh nghiệm của những kẻ đã nhìn thấy hư vô, đối diện với hư vô và cợt nhả, siêu vượt hư vô. Phạm Công Thiện thường gọi tên cái hư vô ấy là hố thẳm(9).

2. Nổi loạn: truyền dẫn kinh nghiệm địa - văn hóa - cá tính miền Nam

Đi tìm một căn nguyên tư tưởng nổi loạn của thần tượng văn nghệ - nhà văn nổi loạn, ở trên, là những quan sát nhà văn như là những vũ trụ cá thể biệt lập. Hắn tự đảm nhiệm lấy và kiến tạo nên chính đời hắn. Nhưng NGƯỜI, vừa là một thực thể cá thể, nhân vị độc lập lại còn thuộc về cái xã hội, nơi NGƯỜI thuộc về những cộng đồng với những truyền thống riêng của nó. Vậy, để chu toàn cho một nhận thức phức hợp về bản chất nổi loạn của nhà văn, không thể không tính tới cái địa - văn hóa - cá tính vùng miền mà nhà văn thuộc về.

Đi sâu hơn vào quá khứ nước Việt Nam hiện đại, một hệ quả lịch sử được nhận thấy, đè nặng lên không gian miền Bắc Việt Nam là dấu ấn của mô hình Hán hóa như đã nói. Khổng giáo, vì thế, ăn sâu vào tâm não trí thức Bắc Việt. Ngược lại, càng xuôi về phương Nam, dấu ấn Ấn Độ hóa càng đậm nét. Chuyên gia về xứ Đàng Trong - Li Tana rất chính xác khi nhìn thấy bản chất của một miền Nam theo đạo Phật phai nhạt đạo Khổng. Đấy là một nỗ lực chính trị đầy dụng ý và thâm sâu của các chúa Nguyễn trong việc xây dựng Đàng Trong thành một mô hình khác của Việt Nam so với thế giới miền Bắc của Vua Lê Chúa Trịnh(10). Hệ quả là với một Phật giáo linh hoạt, mang tính tổng hòa, đáp ứng được yêu cầu của nhiều tầng lớp11, miền Nam từ thời Đàng Trong đã xây dựng thành công mô hình xã hội của sự phóng khoáng. Và, thật đáng chú ý, Li Tana nhận định: “Cách sống phóng khoáng ở miền Nam cũng trực tiếp va vấp với sự coi trọng tính tập thể vốn là một giáo lý cơ bản của đạo Khổng luôn nhấn mạnh đến giá trị của nhóm xã hội như gia đình, làng xóm, những cái đó đặt lên trên cả những nhu cầu và những mong muốn của các thành viên trong cộng đồng, cá nhân không có ý nghĩa gì hoặc giá trị gì nếu đứng riêng biệt”(12). Điều đó càng làm rõ thêm vì sao, kéo dài mãi suốt thế kỷ XX, cho đến tận ngày nay, tính tập thể vẫn đóng rễ sâu bền trong não trạng trí thức miền Bắc.

Xây dựng được một không gian cởi mở và tự phát, người miền Nam tự do hơn trong hành động. Ngay đến cả vị Chúa Tiên của miền Nam, xuất thân từ miền Bắc, nhưng sống trong kinh nghiệm bầu không khí tự do phương Nam của “thế giới rộng lớn vùng Đông Nam Á”, Nguyễn Hoàng cũng không còn cảm thấy phải bận tâm khi bị định danh là kẻ nổi loạn, chống đối hay phản nghịch, bởi “ông đã tìm được vùng đất, nơi những lời tuyên bố như vậy không còn quan trọng nữa”(13). Và Li Tana bình luận tiếp về miền Nam: “Đó là một thế giới phóng thoáng hơn và đã đem lại cho con người một ý nghĩa lớn hơn về tự do”(14). Tính phóng khoáng, cởi mở và “dễ thở” ấy của xã hội miền Nam, do vậy, là một hằng số có tính lịch sử.

Miền Nam, mảnh đất dung dưỡng những kẻ bị loại trừ khỏi thế giới cố cựu miền Bắc rắn chắc với những tín niệm Nho giáo trải hàng ngàn đời. Miền Nam, một miền đất trẻ, mới thuộc về người Việt khoảng 7 thế kỷ, là đất của các lưu dân buộc phải rời khỏi cái bản xứ. Nên, giống một nước Mỹ trẻ trung, thuộc về các kẻ đi chinh phục, bỏ lại đằng sau mọi ràng buộc với quá khứ, họ có điều kiện xây dựng cái mà Tocqueville gọi là nền dân chủ. Miền Nam, nơi những kẻ lưu dân tìm đến, cơ hội có cho tất cả những kẻ dám hành động để tạo dựng cho mình một số phận mới. Miền Nam mảnh đất của cơ tầng văn hóa Ấn hóa, là sự tự do và đối thoại, xa lạ với các nguyên tắc Khổng giáo. Cá tính cá nhân người miền Nam, vì thế, có cơ hội phát triển hơn người miền Bắc, luôn pha màu phiêu lưu của tính hướng biển, dọc ngang trên sông nước. Cái tự do mà miền Bắc đã đánh mất khi bị/tự ràng buộc với mô hình Hán hóa được áp đặt bởi bá quyền Trung Hoa xâm lược cách đây 2000 năm (15). Nhà văn thuộc về miền Nam, vì thế, bao giờ dấu ấn cá tính tự do, tính ưa thích nổi loạn cũng phát triển. Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn và Phạm Công Thiện, do đó, vừa là những nhân cách tự thân vốn đã phá cách được phát triển trong điều kiện mà xã hội học nhìn thấy yếu tố dân chủ, lại được cộng hưởng thêm vào với sự tự do, nổi loạn trên nền tảng địa - văn hóa - cá tính phóng khoáng miền Nam. Nguyễn Văn Xuân, ít nhiều mang màu sắc chủ nghĩa địa phương khi vững tin rằng: “Vượt lên trên tất cả, miền đất mới này còn một đặc điểm mà tôi nhắc đi, nhắc lại nhiều lần. Đặc điểm giống hệt Huê Kỳ để hứa hẹn một đời sống sung túc và cũng do đó, một nền văn nghệ phồn thịnh” (16). Nếu thế, Phạm Công Thiện là những minh chứng sống động hơn bao giờ hết cho niềm tin vào nền văn nghệ phồn thịnh ấy.

***

Như vậy, từ rất nhiều nẻo đường vòng để dẫn đến lối vào làm thành nhà văn nổi loạn, thần tượng văn nghệ ở miền Nam 1954 - 1975. Phục dựng lại gương mặt đã mất của thần tượng văn nghệ một thời, là phục dựng lại không khí văn nghệ thời đại ấy, với những nhà văn đứng tiền tiêu, có sức nặng gây ảnh hưởng, tạo nên không gian văn học thời đại. Việc làm này càng thêm ý nghĩa, khi không gian văn học được phục dựng lại là một không gian bị lãng quên, hoặc được/bị “tưởng tượng” cấp cho những lớp nghĩa đi quá xa tồn-tại- như-thực của nó.

Mở lại một đoạn đường mà cỏ cây của quên lãng đã phủ kín, cộng thông vào nhiều ngả đường mòn khác, dẫn đưa văn nghệ miền Nam 1954 - 1975 hòa trở lại nguồn văn học dân tộc. Văn học Việt Nam, do đó, thay vì chỉ một không gian, cần được tư duy lại như một nền văn học đa không gian viết, với nhiều lịch sử của nó.

NGUYỄN MẠNH TIẾN
 Nguồn: SH308/10-14



__________________________

1. Về cá tính “siêu thần bạt thánh côn đồ lão tổ” (Trần Tuấn Kiệt), nghệ sĩ hơn đời của Phạm Công  Thiện là chủ đề hấp dẫn của văn nghệ miền Nam một thời và, mãi đến tận bây giờ, thời “tái đọc tổng thể”  văn nghệ miền Nam 1954 - 1975. Phạm Công Thiện là liều doping hạng nặng cho những scandan văn  nghệ lùm xùm một thời. Tất cả, đều do cá tính quá khác người của ông. 

Ở chỗ này, nên làm một phép so sánh về đặc trưng bản chất của người nghệ sĩ hai miền Nam, Bắc Việt  Nam một thời. Đó là, ở miền Bắc, ấy là sự triệt tiêu cá tính cái tôi để phát triển tối đa cái ta. Miền Nam,  ngược lại, là một sự phát triển cá tính cái tôi tự do. Phạm  Công Thiện, Nguyễn Đức Sơn (và, thêm nữa,  gộp vào đấy cả trung niên thi sĩ Bùi Giáng) là những trường hợp điển hình nhất của sự phát triển tự do cá  tính người nghệ sĩ, trở nên những nhân cách sáng tạo phức hợp nhiều đối cực đến khó hiểu bởi tính mâu  thuẫn tự nội trong những tâm hồn lớn. Nên thật khó đặt định họ vào chỉ một danh từ nào đó. Bởi thế, cụm  từ “nhà văn nổi loạn” được lẩy ra từ thân loài cá sáng tạo dữ dằn, như một cái vẩy, nhưng là vẩy ngược  che dấu yếu huyệt mà đụng vào đấy thì cơ hồ có thể làm một lối nhất dương chỉ của phê bình nhằm “điểm  huyệt” bản chất sáng tạo của Nguyễn Đức Sơn và Phạm Công Thiện. Đấy là “thao tác” mang tính phương  pháp nhằm cố gắng nắm giữ đối tượng ở điểm nổi trội để có thể tiến hành phân tích. Thông qua đấy, chúng  ta có thể bước đầu nhận ra, sự phát triển cá tính nhà văn ở miền Nam, có thể nói, đã lên tới đỉnh sóng  của cơn triều phát triển cá tính sáng tạo người nghệ sĩ Việt Nam thế kỷ XX. Thời Thơ Mới, người nghệ  sĩ dù tự do, muốn là một cái tôi riêng biệt, duy nhất, nhưng ở họ, nói như Hoài Thanh, còn đội trên đầu  một vài nhà thơ Pháp. Người Thơ Mới còn thần tượng Người Thơ Pháp. Người Thơ Mới khi nói đến Người  Thơ Pháp lòng thì kính cẩn mà giọng đầy trìu mến: “Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine”. Đến 1954 - 1975, ở  Nam Việt, tình thế nghệ sĩ đã đổi khác. Trên đầu hắn, không có ai. Chỉ còn có một sự vĩ đại duy nhất, ấy  là chính bản thân người nghệ sĩ. Như trường hợp Phạm Công Thiện, Nguyễn Đức Sơn, họ khinh hết thảy.  Khinh từ Đông sang Tây. Khinh từ cổ chí kim. Với Phạm Công Thiện, hay Nguyễn Đức Sơn chỉ có hoặc  Phạm Công Thiện, hoặc Nguyễn Đức Sơn mới là đáng kể, và sau rốt, cả Phạm Công Thiện, hay Nguyễn  Đức Sơn cũng đều đáng khinh. Kinh bỉ tất thảy được họ đặt ra như một luật của sự sáng tạo. Nói theo lối  của Nietzsche, bậc thầy khai tâm cho nhà văn nổi loạn ở miền Nam, với họ, tất cả tầm thường, quá đỗi tầm  thường. Nổi loạn, vì thế, là phẩm chất. Nổi loạn, từ đó, như một nhu cầu khẩn thiết để có thể đập đổ hết  mọi thần tượng. Phạm Công Thiện và Nguyễn Đức Sơn muốn đưa chính bản mệnh cá nhân viết của mình  ra làm tượng đài đầu tiên và duy nhất.

2. Ở đây, chắc chắn phải kể đến cả di sản văn xuôi của Nguyễn Đức Sơn. Tuy nhiên, vì giới hạn dung  lượng  không cho phép một mở rộng quá lớn, tôi sẽ trở lại với trường hợp Nguyễn Đức Sơn trong một tiểu  luận cụ thể khác.

3. Georges Boudarel (1991), Cent fleurs ecloses dans la nuit du Viet Nam: Communisme et dissidence  1954 - 1956, Jacques Bertoin, Paris, p.234.

4. Sự nghiệp phong phú, độc đáo và gay cấn của văn nghiệp Phạm Công Thiện đã được tôi công bố  trong một tiểu luận khác, do đó, ở đây xin không bàn lại nữa [bạn quan tâm tìm đọc: Nguyễn Mạnh Tiến - Nguyễn Thị Bình (2013), Phạm Công Thiện - Nhìn ngắn hồ sơ văn xuôi, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số  4 (346); nguồn mạng: http://vhnt.org.vn/NewsDetails.aspx?NewID=1556&cate=94].

5. Trần Tuấn Kiệt, “Tiếng hát”, Sóng thần, 5-1972, in lại trong Phụ lục ở cuối tập thơ: Nguyễn Đức  Sơn (1973), Tịnh Khẩu, Nxb. An Tiêm, S. Về nhận định này của Trần Tuấn Kiệt, khi xếp chung Nguyễn  Đức Sơn với Phạm Công Thiện và Bùi Giáng, thái độ của Nguyễn Đức Sơn núi như sau: “Thi sĩ Trần Tuấn  Kiệt/ Nhét ta chơi hay thiệt/ Nằm giữa hai thây ma/ Không teo thì cũng liệt”. [Nhân đây, xin cảm ơn nhà  sưu tập sách Vũ Hà Tuệ ở Sài Gòn đã giúp chúng tôi tham khảo tư liệu văn bản Tịnh Khẩu].

6. Trung niên thi sĩ thì khác, Bùi Giáng không côn đồ, mà trái lại, thường là nạn nhân của côn đồ. Bùi  Giáng đại diện cho một chóp đỉnh khác trong cá tính sáng tạo ở miền Nam: Điên.

7. Điều này lý giải cho việc tại sao Camus cũng như các triết gia hiện sinh Pháp như Sartre được chọn  dịch ở miền Nam nhiều hơn các triết gia Đức. Xã hội miền Nam, có mấy điều kiện sau đây để nối dài nền  hiện sinh Pháp ở miền Nam, đó là: 1/ Giới trí thức Pháp ngữ trưởng thành thời thuộc địa vẫn giữ được môi  trường tư duy ở miền Nam; 2/ Miền Nam vẫn duy trì nền học vấn Pháp thông qua hệ thống giáo dục Pháp  ngữ bên cạnh trường Việt ngữ; 3/ Các giáo sư đại học miền Nam du học về để truyền bá tư tưởng phương  Tây chủ yếu từ khối Pháp ngữ (Pháp và Bỉ). Vì thế, mẫu nhà văn triết gia kiểu Sartre và Camus mới dễ  trở nên phổ biến ở miền Nam. 

8. Phạm Công Thiện (1967), Mặt trời không bao giờ có thực, Nxb. An Tiêm, S.

9. Xin được cảm ơn nhà nghiên cứu Nohira Munehiro đã bỏ thời gian đọc và có những trao đổi liên  quan đến Phạm Công Thiện đã gợi mở cho nghiên cứu này thêm nhiều suy tưởng. Nohira Munehiro chính  là người được Hội học Đông Nam Á tại Nhật trao giải cho công trình luận án tiến sĩ về Phạm Công Thiện.  Phạm Công Thiện như thế, thật đặc biệt, là một trong hiếm hoi các nhà văn Việt Nam thế kỷ XX có ảnh  hưởng tư tưởng văn nghệ sâu rộng, vượt ra cả bên ngoài Việt Nam. Ở Nhật, giới phê bình có người gọi  ông là “Long Thọ Việt Nam”.

10. Li Tana, “Xứ Đàng Trong thế kỷ XVII và XVIII Một mô hình khác của Việt Nam”, trong: Nhiều  tác giả (2002), Những vấn đề lịch sử Việt Nam, Nxb. Thế Giới, H, tr.185-199.

11. Li Tana (sđd), tr.188.

12. Li Tana (sđd), tr.190.

13. Keith W. Taylor, “Nguyễn Hoàng và bước khởi đầu cuộc nam tiến của người Việt”, trong: Nhiều  tác giả (2002), Những vấn đề lịch sử Việt Nam, Nxb. Thế Giới, H, tr.181.

14. Li Tana (sđd), tr.191.

15. Mô hình bá quyền xâm lược bằng sức mạnh đã trở thành bản chất Trung Hoa “chinh phục và thôn  tính” đã được Coedès chứng minh thuyết phục [Xem: G.E.Coedès (Nguyễn Thừa Hỷ d.) (2011), Cổ sử các  quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông, Thế giới, tr.80, và…).

16. Nguyễn Văn Xuân (2002), Khi những lưu dân trở lại, trong: Tuyển Tập Nguyễn Văn Xuân, Nxb  Đà Nẵng, tr.595.


Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều