Nhà văn Tiến Đạt
Sau hai mươi năm cầm bút kể từ cuốn sách đầu tay, Tiến Đạt
viết được: Có con chim lạ trong thành phố (tập truyện ngắn), Tội
lỗi tự nhiên (tập truyện ngắn), Thể xác lưu lạc (tiểu
thuyết), và mới đây là tập truyện ngắn: Truy đuổi tâm trạng mỹ nhân và tập du
ký Lữ khách gió bụi xa gần (NXB Văn hóa Văn nghệ). Hai mươi năm cho ra lò chỉ
vài cuốn sách nhưng cũng đủ làm nên diện mạo một nhà văn Tiến Đạt.
Từ gái điếm đến mỹ nhân
Truyện ngắn Tôi vào đời giống như một tự
truyện của Tiến Đạt viết về đời sống sinh viên tỉnh lẻ vào thành phố nhập học.
Những chàng trai vừa rời làng quê, để có tiền ăn học đã phải làm nhiều công việc
vô danh. Nhân vật trong Tôi vào đời làm thêm bằng nghề chạy xe
ôm, phương tiện là chiếc xe 67 còn lại sau chiến tranh, mà khách hàng ruột là
những cô gái điếm.
Hai mươi năm trước, Tiến Đạt học ĐH Luật TP.HCM ở ngã tư
Bình Triệu (Q. Thủ Đức). Hẳn nhiên, gần trường ĐH thường có nhiều dãy phòng trọ
cho sinh viên thuê. Trong những dãy phòng trọ chật hẹp, tồi tàn này, không chỉ
có sinh viên mà còn có nhiều tầng lớp dưới đáy xã hội khác đang trú thân chờ
mong một ngày đổi đời. Những người sống lâu năm ở Sài Gòn hẳn còn nhớ, khu Bình
Triệu là nơi có rất nhiều cô gái hành nghề bán thân sinh sống. Bởi cách cây cầu
Bình Triệu là bến xe Miền Đông khá phức tạp bởi dân tứ chiến giang hồ từ các miền
Trung, Bắc đổ về Sài Gòn hàng ngày.
Tập truyện Truy
đuổi tâm trạng mỹ nhân của Tiến Đạt
Chàng sinh viên Tiến Đạt đã sống trong môi trường như thế,
và có lẽ chính “cái thuở ban đầu” ấy đã theo anh mãi trong các sáng tác sau
này. Truyện của Tiến Đạt thường miêu tả những nhớp nhúa của cuộc sống nhưng
luôn để lại những dư vị an lành trong lòng người đọc. Truy đuổi tâm trạng
mỹ nhân lần này cũng vậy nhưng ngòi bút Tiến Đạt đã công phu hơn qua
trải nghiệm của thời gian.
Nhà văn Trần Nhã Thụy, một người thân với Tiến Đạt cả
trong văn và ngoài đời, nhận xét về tập truyện Truy đuổi tâm trạng mỹ
nhân: “Lúc nào cũng vậy, truyện hay tiểu thuyết của Tiến Đạt đều có thao
tác khảo sát bên ngoài và bên trong, như nhận diện hai mặt của cuộc sống. Nhưng
Tiến Đạt không thuần đuổi theo thiên hạ, hay trôi theo dòng đời mà qua đó truy
đuổi, soi rọi tâm trạng cá nhân mình. Sau những khốc liệt bao giờ cũng là ước
nguyện được trở về bình an, được mộng một giấc lành. Do đó, truyện ngắn của Tiến
Đạt tuy mô tả nhiều khía cạnh nhớp nhúa của xã hội, rốt lại vẫn để lại trong
lòng bạn đọc những ấn tượng đẹp cùng với những chia sẻ cá nhân không màu mè giả
tạo”.
Vừa đi chơi vừa kể chuyện
Tiến Đạt may mắn hơn nhiều bạn bè đồng trang lứa, khi anh
tốt nghiệp ĐH xong liền được Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) nhận
vào làm. May mắn bởi, với một người viết, có điều gì khiến họ hạnh phúc hơn là
được đi?! Gần như Tiến Đạt đã đi khắp mọi nơi trên quả đất này. Hẳn nhiên, anh
đi vì công việc của người làm du lịch nhưng thông qua đó cũng là các chuyến
“thu lượm” thông tin, hình ảnh của người làm nghề viết.
Tập du ký Lữ khách gió bụi xa gần của Tiến
Đạt không có cái dữ dội mang tính “PR” như một vài cuốn sách khác, kiểu như: đi
bộ xuyên Việt khi trong túi không có đồng nào, đi khắp thế giới với vài trăm
USD trong túi…Nhưng du ký của Tiến Đạt, ngoài giới thiệu cảnh quan đẹp, văn hóa
lạ của những vùng đất, còn mang đến cho người đọc sự suy ngẫm thông qua góc
nhìn của một nhà văn.
Tiến Đạt chia sẻ về tập du ký này: “Cuốn sách này, chỉ là
tập hợp của những bài viết mang tính ngẫu hứng, và dậy lên niềm xúc cảm về những
vùng đất tôi từng đi qua. Vì, còn có nhiều nơi từng đặt chân đến, nhưng thật
khó khi trải lòng ra trang viết. Có thể, còn chờ ủ thêm chất men, hoặc phải
quay trở lại khơi nguồn mạch chảy suy tư du ký. Biết đâu, sẽ nằm trong dự án những
cuốn sách tiếp theo, khi cuốn sách này bắt nhịp được tần sóng cảm xúc của độc
giả - những người bạn thân thiết - mà tôi hiểu, cũng như tôi, luôn mang theo
bên mình trái tim của lữ khách”.
HOÀNG NHÂN
Nguồn: TTVH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét