Nhà thơ Đào An Duyên
Là bởi thế này, tôi quen cô bé này đã lâu, thấy cô ấy chập
chững viết, có đọc và rồi... quên. Chả hiểu sao có hồi Gia Lai có rất nhiều cây
bút trẻ xuất hiện, ồn ào có, lặng lẽ có, văn đàn tưng bừng như đây đang chuẩn bị là... trung tâm văn
chương. Mà có thế thật, kỳ nào đại biểu được chọn đi dự hội nghị văn trẻ toàn
quốc thì Gia Lai cũng chiếm số lượng đông nhất. Nhưng văn chương có những quy luật khắc nghiệt của nó, để
những gì còn lại nó là những thứ tinh túy thứ thiệt, còn phù du, còn ảo ảnh,
còn bong bóng xà phòng... thì sẽ tan đi dưới mặt trời thôi. Và trong cái náo
nhiệt phù du một thưở ấy, Đào An
Duyên lặng lẽ đứng bên, an phận một cô giáo dạy văn cấp 2, thi thoảng viết
chút, như là một cách nhắc mình có biết... văn chương.
Thế rồi, chả
hiểu sao, chỉ mấy năm nay, ào ạt viết. Năm 2016 in tập Ngày đã qua, tập thơ đầu tay và được ngay cái giải khuyến
khích của liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, và năm nay ra tiếp Một ngày khác ta, tập thơ khiến ta có thể
đọc một mạch không dứt.
Đây là tập thơ nghĩ nhiều. Làm thơ giờ, hoặc là rất hời hợt,
hoa lá cành, tâm trạng, buồn vui vu vơ, hoặc là nghĩ như triết gia, cứ toàn lý
tính chả thấy cảm xúc đâu. Chả ai cấm, nhất là thời buổi ai cũng mần thơ được,
làm thơ trên điện thoại, post trực tiếp lên facebook rồi đủ vài chục bài, cũng
in một tập, cũng ì xèo quảng cáo, chả thua gì ai. Đào An Duyên khác, giữ được mạch
cảm xúc trữ tình trong trẻo, nhưng vẫn đậm suy tư, vẫn đau đáu với những vấn đề
quanh mình, cũng chả hẳn là to tát lắm, nhưng những suy nghĩ trong thơ nó chứng
tỏ người viết trưởng thành và có trách nhiệm xã hội, và vì thế mà có sự lan tỏa
“Ta giấu niềm đau vào cỏ/ Cỏ giấu nước mắt vào xanh/ Đi đến ngọn nguồn
lau lách/ Đau xưa chưa chỗ giấu mình...” (Với cỏ). “Tháng giêng/ Em vẫn
ngồi cạnh những chiều lam khói/ Dòng sông cong vào tháng giêng lưng ong/ Người
như chiếc lá vừa nở vào mùa xuân non xanh rừng biếc/ Thương em tự cháy trẻ trai”
(Ý nghĩ tháng giêng).
Tập thơ “Một ngày khác ta” của Đào An Duyên
Cảm xúc cá nhân tất nhiên là hết sức quan trọng của người
làm thơ, nhưng nếu không biết tiết chế và “phân bổ” thì nó chỉ đậm đặc cái tôi
loanh quanh. Khai thác hết cái tôi được cũng là tốt, nhưng đa phần lại không được
thế nên một số tác giả cứ bị cái cảm giác loanh quanh tù túng. Đào An Duyên vượt
qua được điều này. Chị có mẹ chia sẻ. Người mẹ quê tần tảo “Con ngủ giấc thị
thành mơ bông lúa uốn câu/ Mẹ thắt đáy lưng ong ngồi quạt cho cha mắt ngời hạnh
phúc/ Tháng mười về. Dòng sông hiền hòa uốn lượn/ Con soi mình. Soi một giấc mơ
xanh” (Mơ giấc trong xanh). Có người cha cựu chiến binh, có vùng quê in đậm
tuổi thơ, và có hiện tại. Đây là Pleiku nơi chị đang sống, quen lắm, nhiều người
viết lắm, nhưng vẫn riêng, qua chị: “Sương mù ngàn năm trước/ Hẹn dốc ngàn
năm sau” (Chiều Pleiku). Cũng như thế, nhiều địa danh khác, nổi tiếng rồi,
vào thơ chị vẫn thấy mới, bởi chị chịu khó tìm. Mà cũng không hẳn đã chịu khó,
mà cái sự tinh tế, cái sự luôn suy ngẫm, luôn chắt bóp cảm xúc khiến nó... mới
“Tựa mình vào dốc vắng/ Chiều gầy như hạc bay/ Chuyện xưa xa vời vợi/ Buồn
mãi tận hôm nay” (Với Đà Lạt 3). Giờ nhiều người viết đến đâu là có thơ đấy,
cách dễ nhất là... liệt kê địa danh. Thoát ra được điều ấy, tìm ra đặc trưng,
bày ra được cảm xúc và phát hiện được hình ảnh mới, ấy mới gọi là thành công.
Thơ tình của Đào An Duyên cũng có dấu ấn. Nó không náo
nhiệt, cũng không hừng hực. Không cô đơn lạnh lẽo cũng không ân hận trách móc.
Nó là trách nhiệm, là chiêm nghiệm, là sự chừng mực nhìn người và nhìn mình, nhưng
mà vẫn cứ là thổn thức, vẫn cứ khiến đọc xong ta thấy như... được yêu “Cộng
mình vào khuya khoắt/ Thấy thừa ra thật nhiều/ Bàn tay dư dôi thật/ Mãi quờ vào
quạnh hiu...” (Cộng). “Em đã đèo cao vực sâu/ Tự vừa vặn mình thác ghềnh
đá núi/ Mềm như sông như suối/ Cứng như mầm cây vừa vặn nảy vui buồn/... Em như
con bồ câu gù thật nhẹ sợ cả lá rơi/ Để vừa vặn tiếng mưa anh/ Nhưng sao tiếng
gù em đau/ Trong tiếng mưa buốt xót” (Vừa vặn em). Cũng có nỗi đau, nhưng nỗi
đau như một tiếng thở dài cố nén. Và vì thế mà nó buồn, nỗi buồn đầy chất thơ
chứ không lồng lộn hoặc héo quắt “Đừng nhìn mãi cánh cửa ngày đã khép/ Lòng
buốt đau. Tiếc một sợi dây gàu/ Em không thấu giếng lòng người thăm thẳm/ Chạm
tay vào. Chỉ mùa cũ tươi nguyên./ Tháng mười về lòng như câu thơ bỏ quên/ Câu
thơ anh viết ngày chúng mình hạnh phúc/ Câu thơ còn rưng rưng nét mực/ Mà chúng
mình xa nhau như mùa ngâu” (Sót lại một chiều ngâu).
Đào An Duyên biết sử dụng một cách tài hoa chữ, hình ảnh
và tiết chế được cảm xúc để nó nén lại chứ không tãi ra khiến người đọc nhàm.
Không phải người viết trẻ nào cũng làm được điều ấy. Chị có nghề và ý thức được
việc sử dụng nó để thể hiện trong từng bài thơ nhằm triển khai hết được ý tưởng
cũng như cảm xúc của mình, để vừa chặt chẽ mà lại vẫn tung tẩy, không thừa
không thiếu. Có những câu thơ rất gợi như ba câu kết của ba khổ thơ trong một
bài: “Gầy như sợi tơ vừa non”, “Mùa đông từ đó, một mình”, “Trút
hết lá gầy. Mùa đông” (Mùa đông), nó tạo nên một ám ảnh mùa đông rất đặc
trưng, rất lan tỏa.
Còn nhiều điều để viết về tập thơ này và cô nhà thơ trẻ
này, nhưng tôi nghĩ, cũng như nhiều người khác, đây mới chỉ là những bước đầu.
Ngay ở Pleiku này thôi, giờ đây, cũng đã có một số tưng bừng một thưở xếp cánh
đâu đó. Đọc câu chữ một thời cứ thấy vang vang giờ như giấy bản gặp mưa Tây
Nguyên. Và vì thế mà tôi tin, những lặng lẽ, có phần khép nép, nhưng đầy năng
lượng, đầy sáng tạo, đầy đam mê nhưng biết tiết chế của Đào An Duyên sẽ hứa hẹn
một cây bút dài hơi của Tây Nguyên, đủ sức đi qua mưa qua nắng Tây Nguyên và cả
sự khắc nghiệt sàng lọc của văn chương...
VĂN CÔNG HÙNG
Nguồn Văn nghệ số 34/2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét