Tôi hào hứng đọc
và bị cuốn hút theo suốt 46 bài cả tập. Xin nói ngay rằng, lục bát Vũ Thanh Hoa
trong tập này toàn những bài hay, mới và lạ, một suối thơ tình dào dạt, khắc khoải, cuồn cuộn
chảy, chảy luênh loang, cuốn
hút.
Nhà thơ Vũ Thanh Hoa
Gọi tên người yêu, ấn tượng thứ nhất.
Khi người ta
yêu nhau, dù có ở bên nhau cũng thầm nhắc tên người mình yêu bất kể lúc nào. Trịnh
Công Sơn “Gọi tên bốn mùa”, Trường Sa “Xin còn gọi tên nhau”
và Vũ Thanh Hoa, hình như tên người yêu cũng
luôn ám ảnh chị. Lúc thì
chị mượn “gió gọi mong manh” , lúc thì “ký ức êm đềm gọi” và khi thì “chính em gọi”. Những “gặp, viết, rơi, vấp,
thốt” (động từ), với những “bời bời”, “bất thình lình”, “sẽ sàng”…(tính từ) là
những trạng huống khi chị gọi tên người yêu. Có 10 lần Vũ Thanh Hoa trong “Lục
bát phố” đã gọi như thế. Cả mười lần gọi, không lần nào giống lần nào, cả mười
lần đều khắc khoải nhớ thương, đau đáu mong chờ.
Ngay bài thứ
hai trong tập - bài “Chợ chữ” chị đã gặp “tên anh” trong cảnh này: “Lục tìm vốc chữ ngả vàng/ Giật mình rơi một sẽ
sàng tên anh”. Người đọc cũng như sửng sốt cùng chị. Sửng sốt bởi “Chợ
chữ”, một tứ thơ lạ, cách diễn đạt lạ, sửng sốt bởi “rơi một sẽ sàng tên anh”.
“Rơi sẽ sàng” nhưng sao mà nó nặng thế, ngơ ngác vậy! Vì: “Chợ đông nào có ai chờ/ Buôn bao giờ lãi một ngờ nghệch yêu/ Đong
phiêu diêu, trả phiêu diêu/ Nghiêng môi sểnh mắt chín chiều một đau”.
Vũ Thanh Hoa còn gọi thế này: “Vẽ tình lên bức mành sương/ gọi tên nhau. Vọng
lại còn…/ mùa thu” (Ngả nghiêng). “lãng quên/ vấp/ một cái tên/ nhặt mùa
thu/ vấp ngả nghiêng/ lá vàng” (Vấp). “gặp nhau giữa những dãy tên/ ngất
nga ngất ngưởng lạ quen phập phờ” (Lơ mơ). “Thình lình thốt/ một cái
tên/ Nửa ngày ngơ ngẩn/ nửa đêm giật mình” (Nửa mùa). “Tình bay trên sóng
chơi vơi/ trôi về khởi thủy bời bời tên nhau” (Tắm). “Buổi chiều chẳng gọi
được tên/ chạy xe xuống phố/ điên điên khùng khùng” (Thiêu thân). “Tên
anh gió gọi mong manh/ nghe từng vụn vỡ ghép lành mùa xưa” (Trăng bạc). “Xếp
đôi cũ nhất ra thềm/ chợt nghe ký ức êm đềm gọi tên” (Đôi giày cũ). “Cất
vào riêng góc để dành/ Chữ đầu tiên viết tên anh ngập ngừng” (Khóa chữ).
Chẳng biết ngẫu
nhiên hay cố ý mà gọi tên nhau đầu tập thơ ở “Chợ chữ” (bài thứ 2) để đến lần gọi
lần thứ 10 lại xuất hiện ở bài “Khóa chữ” (bài áp chót). Cả hai bài đều liên
quan đến “chữ”. Từ khi “lục tìm vốc chữ ngả vàng” thấy “rơi một sẽ
sàng tên anh” đến lúc quyết định “cất vào riêng góc để dành/ Chữ đầu
tiên viết tên anh…” và “khóa chữ” nhốt tên lại! Chẳng biết nhốt tên anh trong tủ, trong
rương…hay trong chính trái tim tác giả đa tình để rồi lúc nào đó lại “bất thình
lình” “vấp phải” … Thế mới biết tác giả đã yêu da diết đến chừng nào!
Ám ảnh thứ
hai: yếu tố sex trong
thơ.
Tình yêu thường
gắn với tình dục. Tình dục là đỉnh cao của tình yêu. Viết về tình dục không dễ,
nhất là đối với thơ. Viết sao cho vừa cao
sang, thánh thiện lại vừa đời thường, không thô tục, dễ dãi. Vũ Thanh Hoa đã đạt
được điều này. Bạo liệt
nhưng vẫn kín đáo, cháy bỏng nhưng vẫn dịu dàng. Vừa thoát tục vươn đến cái đẹp lại vừa gần gũi
bình dị như cuộc đời vốn thế. Đọc những bài thơ về vấn đề này của Vũ Thanh Hoa, ta cảm thấy yêu người, yêu cuộc sống,
trân quý những gì tốt đẹp nhất mà tạo hóa đã ban cho.
“Tắt đèn
muôn phía tràn đêm/ Mắt em óng ánh êm đềm suối trăng/ trải trên tơ lụa mịn
màng/ nuột nà vóc ngọc mơ màng bờ vai” (Đêm vĩnh hằng). Để rồi “lướt
môi”, “chân dài”, “tay đan tay”, “vòng ôm cuộn sóng cuốn chìm đam mê”. Rồi
thì “buộc nhau vào nửa câu thề/ trói nhau bốn phía lối về mênh mang”…
Các động từ “lướt môi”, “đan tay”, “ôm”, “cuộn chìm”, “cuốn sóng”, “buộc”,
“trói”, “thả”, “chia”; các tính từ “rùng mình”, “nuột nà”… đã làm sống động
hình ảnh cuộc tình đang ở độ mây mưa. Hay như “Đắp cùng nhau một góc chăn/
Ngờ đâu bất tận dấu nằm thiên di”. Đọc đến đây tôi lại nhớ đến Vi Thùy
Linh với bài thơ có câu “Khỏa thân trong chăn thèm chồng” và thấy Vũ Thanh Hoa dữ dội nhưng vẫn kín
đáo, ý nhị của người
phụ nữ Á Đông.
Bìa tập thơ Lục bát phố của Vũ Thanh
Hoa, Nxb Hội Nhà văn 2015
Cuộc tình để lại bao nhớ nhung với những lần gọi tên nhau
và đặc biệt là “dấu
nằm”. Vũ Thanh Hoa không
dưới ba lần nhắc đến “dấu nằm” trong tập thơ; “Dấu nằm nghiêng phía lênh đênh/ À ơi…cái ngủ
phủ mềm mắt môi” (Ru xa); “đêm trườn qua dải eo thon/ đổ cơn xoáy lốc niêm
phong dấu nằm” (Nhất dạ tình). Thế cũng đủ để ám ảnh lắm rồi. Hơi ấm người
vẫn còn đây, cuộc tình đêm ấy vẫn còn đây mà bây giờ “qua nhà anh chẳng dám
dừng/ trăng xưa lạc giữa ngập ngừng phù vân”.
Bạo liệt, đam
mê, cuốn hút nhau đậm chất sexy qua các bài
“Đêm vĩnh hằng”, “Ru xa”, Duyên nợ”, “Nhất dạ tình”, “Tắm”, “Du mục”… đặc biệt
trong bài “Tắm”. “Nước dâng tới đỉnh khát thèm/ cuốn vào đắm đuối một phen tận
đời” để cho “tình bay trên sóng”, “trôi về khởi thủy”, để “chẳng
cần biết sẽ về đâu/ cứ vui như thể hôm sau tử hình/ vui như phút cuối hòa bình/
nhỡ mai thế giới thình lình chiến tranh/ xà phòng bong bóng tan tành…”. Dữ dội? Sống gấp? Xin hãy bỏ qua những định kiến khắt khe cùng những giả tạo làm dáng cao ngạo, thì đây mới chính là Đời, là Thực. Đó là cái Đẹp vĩnh hằng mà tạo hóa đã
ban cho, xin hãy tận hưởng!
Trong “Du mục”,
cũng với tóc, vai trần, mi xanh, với những “vòng ôm”, “ngược về”, “hút vào”
nhưng cái phút “dạ cầm so phím giao ân” ấy mới thánh thiện làm sao! Trong 15 câu thơ của bài có 8 câu tả
về chuyện làm tình nhưng Vũ Thanh Hoa dùng tới 8 cặp từ láy rất mộc mạc,
tài tình: “mi xanh du mục mơ
màng/ vai trần nghiêng ngả hàng hàng phù điêu/ vòng ôm
thành lũy liêu xiêu/ ngược về hoang dại vương triều phục hưng/ hút
vào thăm thẳm từ trường/ mơn man cho những vết
thương dịu mùa/ phiêu diêu phiên khúc giao thừa/ truân
chuyên thanh thản như vừa hồi xuân” (Những chữ in đứng là
từ láy).
Tôi thích yếu
tố sex trong thơ Vũ Thanh Hoa. Sex trong lục bát khó là thế mà chị vẫn thể hiện được. Kể cũng cao tay đấy
chứ!
Ấn tượng thứ
ba: Vũ Thanh Hoa
đã mạnh dạn làm mới thể thơ lục bát.
Bằng cách ngắt
câu, xuống dòng, dùng dấu chấm câu giữa dòng thơ. Điều này nhiều tác giả đã làm
nhưng Vũ Thanh Hoa tôi thấy ấn tượng hơn. Có 46 bài thơ trong tập thì chỉ có 18
bài viết theo thể truyền thống (lục trên bát dưới từng cặp một), 18 bài vừa
truyền thống vừa ngắt dòng, 10 bài ngắt câu xuống dòng toàn bộ (có dòng chỉ có
một từ hoặc hai từ). Trong 18 bài “lục trên bát dưới” thì có bài chị cũng dùng
dấu chấm câu ngay trong dòng lục hoặc dòng bát. Tôi đặc biệt thích các bài ngắt
câu xuống dòng toàn bộ. Tứ thơ hay, không chỉ về tình yêu mà trong tình yêu là
vấn đề xã hội, là trách nhiệm công dân, là làm người, là nhân tình thế thái…
Đó là các bài
“Chi chi chành chành” nói về sự “tận cùng”. Tận cùng ngày là đêm, tận
cùng đêm là ngày, tận cùng vui “chẳng đánh rơi được buồn”, “tận cùng
say/ lại gặp say/ tỉnh ra ngâm ngấm ngây ngây/ dật dờ/ chành chành/ chi/ lắm bất
ngờ/ tận cùng muôn sự giả vờ/ gặp…/yêu”. Từ “chi” đặt một
mình một dòng thật đắc địa. Nó vừa là chi chi chành chành vừa là thay cho dấu hỏi.
Bài Vấp cũng lả
tả chữ như thế. Dòng nhiều nhất có 3 từ, dòng ít nhất có 1 từ. Bài lục bát có
12 câu (6 câu lục, 6 câu bát) được rắc ra thành 43 dòng. Riêng điệp từ “vấp”
chiếm tới 11 dòng, trong đó chỉ có một dòng 2 từ (“vấp mãi” nằm ở cái vấp cuối
cùng). Sự vấp này thật hay, vấp đủ thứ, vấp toàn những cái hư vô, có có không
không. Đây là những cái chị đã “vấp” phải: nửa giấc chiều, nửa cô liêu,
kiếp đa mang, vẻ
dịu dàng, một cái tên, ngả nghiêng lá vàng, nắng chang chang, hàng lệ cong,
thoáng tịnh không, mắt nạ dòng. Chủ thể vấp cũng thật lạ: đêm, sum vầy, phũ phàng thong dong,
bão dông, từ em, nhặt mùa thu, mưa dầm, môi cười…đối lập với cái vấp. Để cuối
cùng “từ bi/ mấy độ cho vừa/ phận này/ vấp mãi/ chẳng/ chừa…/ phiêu diêu”.
Bài “Nói chuyện
với cốc cafe” cũng vậy. “Trên bàn/ thừa/ cốc cafe/ uống vào/ thì đắng/ bỏ về/
thì cay/ Say hôm qua/ đã/ qua say (đảo từ rất hiệu quả, từ “đã” đặt thật
đúng chỗ). Bài “Đoản khúc lá” cũng ngắt dòng, tải từ như thế nhưng thêm cả dấu chấm trong dòng
chỉ có 4 từ. “sắc/ không/ thiền tịnh. Duyên. Tình/ tiễn thu/ để lá tiễn
mình/ và/ rơi…”. Đúng là thu rơi! Chị đã dùng cả Nghệ thuật “tạo hình” đầy hiệu quả!
Hai bài cuối của
tập thơ “Lỡ” và “Lục bát @” càng bộc lộ rõ hiệu quả của hình thức ngắt câu, xuống
dòng này. Đặc biệt “Lục bát @” với những off, file, save, Insert, cancel,
delete, Shut down… toàn ngôn ngữ vi tính, tin học khô cứng mà vào thơ lục bát
ngắt dòng của Vũ Thanh Hoa lại mềm mại, uyển chuyển và thú vị
bất ngờ: “Em ngồi sắp xếp
chiêm bao/ off mùa hò hẹn/ Save vào/ từng file/ cuộc tình ngắn/ cuộc tình dài/
dư âm/ đồng vọng/ hình hài tình nhân…” để “bây giờ/ Insert/
ngày xưa/ nhớ quên/ Delete/ thiếu thừa/ Cancel/ Bán buôn/ cho trắng/ nỗi
buồn/ nợ nần/ vay trả/ vuông tròn/ Shut down”.
“Lục bát phố”
là một tập thơ rất đáng đọc. Tác giả mạnh dạn đổi mới về hình thức, hiện đại từng câu chữ, chắt lọc
từng từ và lựa chọn tinh tế từng vị trí để tạo hiệu ứng khác lạ, ám ảnh mà vẫn bay. Tuy thế, vần điệu vẫn đảm bảo làm cho
câu thơ tưởng như rời rạc mà lại dính kết nhau, uyển chuyển mượt mà. Tuy vậy,
giá như Vũ Thanh
Hoa dụng công hơn nữa trong việc chọn vần, để cho một số câu không bị gần vần, trùng vần
và linh hoạt trong việc sử dụng vần (không có câu nào dùng vần lưng) thì hiệu
quả còn cao hơn nữa.
“Lục bát phố”
dùng thể thơ lục bát toàn tập nhưng không cho ta cảm giác đều đều, nhàn
nhã mà trái lại rất cuốn hút, rất
bất ngờ. Tập thơ này đã
chứng tỏ độ chín, sự chiêm nghiệm và lắng đọng của Vũ Thanh Hoa. Xin chúc mừng
chị không chỉ “một mình xuôi phố ngược xe/ Phố dưng dửng nắng phố se sẽ buồn”
(Lục bát phố) nữa mà là “giấu đi một nụ đa tình/ Ngày xuân mơn mởn thình
lình nở hoa/ én bay gần/ én bay xa/ rượu còn chưa cạn bỗng ngà ngà say”(Lục
bát xuân). Vâng, tôi đang ngà ngà say cùng “Lục bát phố” với Vũ Thanh Hoa đây!
ĐỖ XUÂN THU
Hội VHNT tỉnh Phú Thọ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét