Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2019

CHẤT LÍNH, HỒN LÍNH TRONG BẤT CHỢT MÙA XUÂN

Tôi và PGS.TS. triết học Lương Minh Cừ thường gặp nhau trong những cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học, những buổi bảo vệ luận án tiến sĩ, có lẽ vì thế tôi vẫn nghĩ về anh như một nhà nghiên cứu, nhà giáo. Bất chợt một hôm thấy anh xuất hiện trên truyền hình với tư cách là một nhà thơ, được giải thưởng thơ (tập thơ Chân trời vùng sâu, Hội VHNT Thành phố Hồ Chí Minh, 1976-1977). Tôi háo hức tìm đọc thơ anh.
Nhà thơ Lương Minh Cừ

Bất chợ mùa xuân (NXB Hội Nhà văn 2007) là tập thơ thứ hai của Lương Minh Cừ. Đã hơn 30 năm “giã từ vũ khí”, bàn tay hàng ngày đã quen cầm bút, viết bảng nhưng thơ anh vẫn giữ nguyên chất lính, hồn lính, đúng như Giang Nam nhận xét ngay dòng đầu tiên của Lời giới thiệu: “Hơn một nửa số bài thơ trong tập Bất chợt mùa xuân là những bài nhà thơ Lương Minh Cừ viết về chiến tranh và trong chiến tranh, với tư cách là một người lính cầm súng”. Lương Minh Cừ tự nói về điều này:

“Đồn giặc đã nhòe trong đêm
Bàn tay cầm súng chưa quên bao giờ”

               (Lục bát Tháp Mười)

Chất lính, hồn lính còn được Lương Minh Cừ tô đậm qua hình ảnh của đôi nam nữ trong bộ quân phục dắt tay nhau tự hào và tự tin bước vào trường đại học sau chiến tranh:

“Giặc tan rồi vẫn màu quân phục
         vương hương bưởi, hương cau…
Anh dắt tay em vào trường đại học
Hoa phượng soi đỏ hồng từng khuôn mặt
Anh mãi là đồng đội bên em”

              (Hạnh phúc đầu tiên)

Người lính trong thơ Lương Minh Cừ tung hoành khắp các chiến trường ác liệt, sẵn sàng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” (Tố Hữu) mà tâm hồn bay bổng như một thư sinh chưa rời ghế học đường.

Xung trận, “lê tuốt sáng ngời”, người lính chiến vẫn ung dung ngắm trời ngắm đất, ngắm hoa dại nở ven rừng:

“Hoàng hôn - lê tuốt sáng ngời
Xe vào chiến dịch, mây trời chuyển theo
Bụi tung, đỏ mũ tai bèo
Đất chen hoa tím… lưng đèo cờ bay”

      (Ra trận qua đèo Ngang)

Với Khoảng trời địa đạo, Lương Minh Cừ đã tạo cho người đọc một xúc cảm thẩm mĩ dồn nén để rồi vỡ òa với sự trộn lẫn giữa hiện thực và trừu tượng, bóng tối và ánh sáng, hạn hẹp và bao la, âm thanh và tĩnh lặng…

“Khoảng trời địa đạo là khoảng trời tượng hình
Bởi không có mây bay và gió thổi

Bởi ánh sáng mặt trời không thể nào chiếu tới
Đồng đội tìm nhau xuyên suốt khoảng không gian”

“Khoảng không gian thu nhỏ một ước mơ
Dẫu chật hẹp vẫn một vùng vòi vọi
Những nẻo chiến trường ta đi không mỏi
Hội tụ về đây thành sắc đỏ khoảng trời” 

                 (Khoảng trời địa đạo)

Cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ của Lương Minh Cừ về địa đạo Củ Chi vừa hiện thực vừa khái quát một cách tinh tế, độc đáo, toát lên tinh thần lạc quan, một niềm tin vững chắc không hề nao núng của người lính tựa lưng vào lòng đất mẹ chống quân thù:

“Người với đất, tựa lưng nhau đánh giặc
Suốt bốn mùa vững chắc ung dung”

                  (Khoảng trời địa đạo)

Trên chiến trường, người chiến sĩ dũng cảm, vững vàng, xông pha bất kể hiểm nguy nhưng trên lĩnh vực tình cảm, tình yêu lại vẩn vơ, lãng đãng, thiếu tự tin:

“Cớ sao em chẳng mời tôi
Miếng trầu,
                em đã têm rồi, ngày xưa?
Tháng giêng
                rét ngọt bụi mưa,
Hoa xoan rơi tím
đường xưa…
xuân giờ”

để rồi trách móc, giận hờn, phân vân tự hỏi, những câu hỏi chỉ để hỏi:

“Vì sao, tôi hỏi vì sao
Mưa xuân,
lại rắc bụi vào hư không”

(Điều tôi chưa hiểu)

Còn một mạch ngầm xuyên suốt Bất chợt mùa xuân, thắm đượm từng câu chữ, đó là một tình yêu quê hương đất nước thiết tha sâu lắng, không có gì to tát, chỉ thoảng mùi hương bưởi, hương chanh; “sắc lúa”, “dát” vào màu trời xanh; tiếng chim ríu rít rung cành; cây gạo “xòe bông đỏ trời” ở ngôi làng nơi chôn nhau cắt rốn của tác giả:

“Tháng giêng nắng ướt cành đào
Em đi dát sắc lúa vào trời xanh
Vườn xưa hương bưởi, hương chanh
Tiếng chim ríu rít, rung cành còn không
Suốt đời tôi nhớ làng Đông
Đầu làng cây gạo xòe bông đỏ trời”

         (Tôi sinh ra ờ làng Đông)

Nếu có thể phác họa đôi nét về Bất chợt mùa xuân để thâu tóm cái thần thái của nó thì cái sắc lính, hồn lính hòa trộn với tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc; một tình yêu trai tráng, lãng mạn, nồng nàn… và một giọng thơ, điệu thơ trong sáng, đằm mà thắm của Lương Minh Cừ tạo thành một sắc thái riêng cho Bất chợt mùa xuân. Có điều hơi tiếc là đôi bài còn dàn trải, chưa thật sự chắt lọc, cô đúc, tượng hình như Khoảng trời địa đạo. Âu cũng là lẽ thường tình. Không nên quá đòi hỏi đến mức mỗi câu mỗi chữ đều “hàng hàng châu ngọc, lời lời gấm thêu”. Đó là điều xưa nay hiếm.

NGUYỄN VĂN THỨC
_____________________________

Nhà thơ Lương Minh Cừ sinh năm 1952 tại Thái Bình, tốt nghiệp phổ thông đi bộ đội tham gia kháng chiến chống Mỹ ở Nam Bộ, về sau sang làm nghĩa vụ quốc tế ở nước bạn Campuchia trong chiến tranh biên giới Tây Nam.

Năm 1976, Lương Minh Cừ vào đại học, sau khi tốt nghiệp ông tiếp tục làm nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án tiến sĩ về triết học. Ông từng là giảng viên các trường Đại học Kinh tế, Đại học Tài chính - Kế toán, Hiệu trưởng Đại học Tài chính - Marketing ở Thành phố Hồ Chí Minh và hiện là Hiệu trưởng Trường đại học dân lập Cửu Long ở Vĩnh Long từ tháng 2 năm 2017. Ông được Nhà nước phong học hàm Phó Giáo tư và Nhà giáo ưu tú.

Ngoài công tác giáo dục, Lương Minh Cừ còn là nhà thơ sáng tác từ thời chiến tranh.
Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh và hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016.

Tác phẩm đã xuất bản:

Chân trời vùng sâu (thơ), NXB Văn Nghệ 1976
Bất chợt mùa xuân (thơ), NXB Hội Nhà văn 2017
Nụ tầm xuân (thơ), NXB Hội Nhà văn 2015

Giải thưởng văn học:

- Giải thưởng cuộc thi thơ Hội Văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh năm 1976 - 1977.

Nguồn: NVTPHCM


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều