Tôi dẫn ra ví
dụ trái ngược điển hình này để so sánh. Dù viết rất ít nhưng Juan Rulfo vẫn được coi là một trong những người
khai sáng vĩ đại nhất của văn học Mỹ La Tinh. Nhiều người vĩ đại khác đã
ngả mũ trước ông, ví như García Márquez đã từng ao ước rằng nếu viết được một cuốn như của Juan Rulfo
thì ông sẵn sàng bỏ bút. Và cuốn tiểu thuyết mỏng mảnh nhưng vô cùng độc đáo của Juan Rulfo là "Pedro
Páramo" đã được tái bản gần đây ở Việt Nam với bản dịch của Nguyễn
Trung Đức và được sự hoan nghênh nhiệt liệt của giới đọc sách tinh hoa.
Còn Lê Văn Trương, một tiểu thuyết gia Việt Nam thời tiền
chiến, ông đã viết hàng trăm tiểu thuyết nhưng bây giờ liệu có mấy ai nhớ được
một cuốn tiểu thuyết của ông? Thậm chí nhà thơ Nguyễn Vỹ, bạn tâm giao của Lê Văn Trương khi nghe bạn mình than
thở về đời văn thì Nguyễn Vỹ đã bảo ông hãy chọn một cuốn xuất sắc nhất của
mình để Nguyễn Vỹ phê bình, giới thiệu cho
thật hoành tráng thì chính Lê Văn Trương đã ngán ngẩm bảo rằng: "Cả
trăm cuốn của tao viết đều hay nhưng làm gì có cuốn nào hay nhất để chọn!".
Nhà văn Lê Văn Trương
Câu nói của Lê Văn Trương đương nhiên là một lời nói đùa.
Lời nói đùa cay đắng nhưng có sự thật trong đó. Cả trăm tiểu thuyết của Lê Văn
Trương viết đều hay thì thứ hay là cái gì mà chính tác giả cũng không nhớ nổi!
Câu chuyện về Lê Văn Trương chứa đựng ít nhiều ý nghĩa và những bài học về sự
viết. Tất nhiên ngày nay nhắc đến Lê Văn Trương, người ta thường chỉ nhớ đến một
tác giả có sức viết "khủng" mà thôi.
Cho nên khi tôi nghe thấy một người khác khoe rằng số tác phẩm của anh ta đã
xếp cao bằng đầu mình, tôi chỉ cười.
Lại có một Lê Văn Trương thứ hai nữa chăng! Với những người như thế, ta chỉ coi
tác giả là anh lực điền chăm chỉ cày cuốc trên cánh đồng chữ nghĩa.
Tôi rất nhớ
câu nói của M. Cervantes, người được coi là người khai sinh của tiểu thuyết hiện
đại châu Âu, tác giả của bộ tiểu thuyết "Don Quijote xứ Mancha" lừng
danh. Cervantes đại ý nói rằng, dẫu có hay đến mấy mà viết nhiều quá
cũng thành nhàm và nếu viết ít, thì dù không xuất sắc vẫn có thể tìm được một
cái gì đó có giá trị.
Thế nhưng cái thời của chúng ta đã cách Cervantes mấy
trăm năm thì nghề văn đã khác xưa nhiều lắm. Ngày xưa văn chương có lẽ
chưa trở thành nghề kiếm sống như bây giờ, nó là một thú vui nhiều hơn, nhất là
đối với các nhà văn thuộc các nước Á Đông, văn chương ít khi trở thành thứ hàng
hóa mang lợi ích vật chất nuôi sống người viết, nó đơn giản là thú vui của các
bậc tao nhân, mặc khách. Ngày nay, có rất nhiều nhà văn chuyên nghiệp, họ viết
văn để kiếm sống.
Tiền tác quyền,
tiền nhuận bút là khoản chính để nuôi sống bản thân và gia đình. Nếu như nhà văn viết ít quá thì lấy gì để
mưu sinh. Điều này thấy rất rõ qua những
thế hệ nhà văn tiền chiến người Việt như Vũ Trọng Phụng, Vũ Bằng, Hồ Biểu
Chánh... đã từng viết như điên để sống.
Kể cả trường hợp như Lê Văn Trương kể trên cũng vậy, ông viết nhiều cũng một phần
vì sự mưu sinh của mình.
Một sự thực cay đắng với nhiều người là nếu không viết
văn thì nhà văn làm gì? Rất ít người có thể làm nghề khác như công chức,
buôn bán, viết báo... hoặc một công việc khả dĩ để sống. Và điều đáng nói nhất
nếu không viết, anh ta sẽ có một khoảng thời gian dài dằng dặc nhàm chán. Đa số
nhà văn mắc bệnh cuồng viết, nếu không viết, anh ta không thể chịu đựng nổi và
ngoài mưu cầu cuộc sống thì ai cũng mong tác phẩm sau của mình sẽ hay hơn tác phẩm trước và cứ thế tiếp tục sản
sinh dù đôi khi ước mơ không đi liền với kết quả.
Nhưng viết ít
thì tác phẩm sẽ hay chăng? Không có gì đảm bảo cho điều đó. Một nhà văn
đương đại có tiếng một lần nói với tôi: Nhà văn thì phải có sự nghiệp. Sự nghiệp
là gì? Sự nghiệp là một lượng tác phẩm
tương đối để có thể đánh giá tầm vóc của anh ta. Cả đời chỉ viết vài tác phẩm thì
có thể coi là có sự nghiệp không?
Anh quan niệm như thế và là một người viết sung sức, tác phẩm của anh khá đa dạng, cả thơ,
tiểu thuyết và may mắn thay thể loại nào của anh cũng được đánh giá tốt. Tất
nhiên, nếu ta lật lại vấn đề thì những người viết ít như Juan Rulfo, J. Borges, Emily Bronte… thì không thể
coi họ không có sự nghiệp được. Đơn giản sự ít ỏi của họ là những kiệt tác.
Một câu hỏi đặt ra, tại sao một số người viết rất ít. Một
trường hợp lừng danh như tôi đã dẫn ở trên, Juan Rulfo, tác giả được coi là một
trong những ngôi sao sáng nhất của văn học Mỹ La Tinh. Juan Rulfo viết ít vì
ông còn bận làm nhiều nghề khác.
Một người cũng
viết ít nữa là J. Borges, cũng là một trong những khuôn mặt tiêu biểu của Mỹ La
Tinh nhưng chỉ có vài cuốn mỏng manh. Còn nhiều ví dụ nữa ở những nhà
văn "nhất bản vạn lợi", họ chỉ viết một đôi cuốn, ví dụ như J.D.
Salinger có "Bắt trẻ đồng xanh", Margaret Mitchell có "Cuốn theo
chiều gió", Harper Lee có "Giết con chim nhại", "Hãy đi đặt
người canh gác" và ở Việt Nam có thể kể đến Bảo Ninh với "Nỗi buồn
chiến tranh" là cuốn tiểu thuyết duy nhất của ông đến bây giờ.
Tôi nghĩ, một trong những nguyên nhân đầu tiên của sự viết
ít là những nhà văn kể trên tôn thờ sự toàn mĩ. Những người viết ít thường là những người cầu kì, tỉ
mỉ về câu chữ. Cứ đọc văn của J. Rulfo, J. Borges, G. Flaubert hay Nguyễn Tuân
mà xem. Mỗi từ, mỗi câu là sự trau chuốt rất kĩ càng, cẩn trọng. Và khi nhà văn
mất nhiều thời gian cho từng con chữ của mình, làm sao anh ta viết nhanh và nhiều
được.
Nhà văn lừng danh Juan-rulfo của Mexico được xem là người viết ít tác phẩm nhất.
Một nguyên
nhân khác nữa mà tôi cho rằng rất quan trọng. Đó là tác phẩm đầu tay của nhà
văn tạo ra một áp lực quá lớn cho những lần tiếp theo. Sau sự thành công của
"Cuốn theo chiều gió", Margaret Mitchell đã cảm thấy khó chịu
với sự nổi tiếng và quyết định không viết tiếp. "Giết con chim nhại"
cũng chẳng phải là sự thành công đầu tay quá lớn của Harper Lee đó sao, và đến
tận gần đây, trước lúc mất, sau mấy chục năm xuất bản tác phẩm đầu tiên, Harper
Lee mới đồng ý cho công bố cuốn tiểu thuyết thứ hai của mình: "Hãy đi đặt
người canh gác".
Và Bảo Ninh, nhà văn được đánh giá rất cao với "Nỗi
buồn chiến tranh", tại sao không viết tiếp tiểu thuyết? "Nỗi buồn chiến
tranh" của Bảo Ninh được viết ra khi ông còn rất trẻ, chưa đến bốn mươi tuổi và đó là quãng thời
gian sung sức của đời người. Tôi không tin rằng Bảo Ninh cạn kiệt sức sáng tạo
hoặc không viết được tiếp. Đã vài lần nhà văn úp mở về cuốn tiểu thuyết tiếp
theo nhưng giờ vẫn chưa thấy nó đâu. Tôi tin rằng chính áp lực và thành công
quá lớn của cuốn tiểu thuyết đầu tay đã ngăn cản ý định cho ra đời một cuốn tiểu
thuyết thứ hai. Ông sợ nó không vượt qua được tác phẩm đầu tiên và làm người đọc thất vọng? Dù thế, Bảo Ninh vẫn tiếp
tục viết truyện ngắn và các thể loại khác nhưng rõ ràng không phải là tiểu
thuyết thì nhà văn sẽ ít bị áp lực hơn.
Có ý kiến cho rằng nếu viết quá nhiều thì những tác phẩm
của anh ta sẽ không mấy được chú ý. Ý kiến này có một phần đúng vì nếu như một tác giả có hàng trăm cuốn tiểu thuyết,
người đọc sẽ đứng trước một sự lựa chọn khó khăn. Và đôi khi sự quá năng suất,
nhất là trong sáng tạo nghệ thuật sẽ khiến người ta nghi ngờ. Ví dụ một nhà văn
viết được 12 cuốn tiểu thuyết trong một năm thì sẽ có một dấu hỏi lớn
cho chất lượng của tác phẩm. Nghệ
thuật mà lại dễ dàng và nhanh chóng thế ư!
Nhưng tất
nhiên, viết nhanh và viết nhiều vẫn có lúc sản sinh ra những kiệt tác. Ta từng
có "Số đỏ" của Vũ Trọng Phụng được viết rất nhanh đó sao, nhà văn viết
dài kì đăng báo thì không thể viết chậm được vì áp lực ra báo. Trường hợp tương tự giống với tiểu thuyết
"Anna Karenina" của Lev Tolstoi đăng dài kì trên tạp chí trước khi in thành sách.
Tiểu thuyết
"Báu vật của đời" của Mạc Ngôn, một cuốn dày khự mà nhà văn cũng chỉ
viết trong vài tháng, chẳng phải là ví dụ điển hình đó sao. Có những người
viết nhiều mà tác phẩm vẫn được đánh giá cao, ví dụ như F. Dostoevsky, Stefan
Zweig, Mạc Ngôn, H.Murakami… hay ở Việt Nam là Tô Hoài, Ma Văn Kháng… Tất
nhiên, trong số trước tác của những
nhà văn lực lưỡng này không phải tác phẩm nào của họ cũng toàn bích.
Như vậy một
nhà văn nên viết nhiều hay viết ít? Câu trả lời này tuỳ thuộc vào hoàn cảnh,
công việc, tài năng cũng như cảm hứng sáng tạo của mỗi người. Viết nhiều mà hay
thì quá tốt nhưng nếu viết ít
nhưng xuất sắc thì càng đáng quý. Nhưng theo ý kiến cá nhân của tôi, nghệ
thuật là sự tinh tuý, sự chưng cất của
tâm hồn, nghệ thuật cốt không cần nhiều mà cần hay và độc đáo. Cho nên nếu như
có thể lựa chọn một cách cho riêng mình, tôi muốn chọn sự ít mà tinh
tuý.
Nhưng có phải
bao giờ mong ước cũng giống như hiện thực, và có phải bao giờ ta cũng chống lại
được hoàn cảnh và vượt qua được giới hạn của mình. Viết văn hay bất cứ
nghề nào cũng thế thôi, người làm
nghề thì nhiều nhưng những bậc
thầy và các kiệt tác thì bao giờ cũng ít, rất ít!
UÔNG TRIỀU
Nguồn: VNCA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét