Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2019

THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH: HIỆN ĐẠI MÀ SÂU ĐẬM BẢN SẮC

Trở về Việt Nam, Sư ông sẽ được hít thở mùi lá thông của đồi Dương Xuân, sớm chiều nghe tiếng chuông tiếng mõ…
Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Có thể gọi sự trở về tịnh dưỡng tại tổ đình Từ Hiếu, Huế của Thiền sư Thích Nhất Hạnh ở tuổi 93, môn đệ gọi thân thương là Sư ông, vào hạ tuần tháng 10 vừa qua là sự trở về của đứa con nghe tiếng mẹ gọi, cũng là tiếng lòng của Sư ông từ mấy mươi năm trước: Mười năm vườn xưa xanh tốt/ Hai mươi năm nắng dọi lều tranh/ Mẹ tôi gọi tôi về/ Bên bếp nước rửa chân/ Hơ tay trên bếp lửa hồng/ Đợi cơm chiều khi màn đêm buông xuống...

Từ nay Sư ông sẽ hít thở mùi lá thông của đồi Dương Xuân, sớm chiều nghe tiếng chuông tiếng mõ, có lúc lỗi nhịp của chú tiểu còn ngủ gật khi đọc kinh... mà bất giác mỉm cười nhận ra chính mình thuở "đồng chơn nhập đạo"!

Thế cuộc đẩy xô con người đi những cung đường không ai có thể lường trước được, thời vận nước nổi trôi Sư ông cũng không ở ngoài quy luật. Nhưng tha hương bất ly hương, ở xa quê mà không tách biệt với quê, là đặc điểm dễ nhận ra ở Sư ông: Từ phong thái, ánh nhìn lời nói, chiếc áo nâu sồng và nón lá cho đến những dữ liệu đi vào trang viết: vườn cải hoa vàng, con đò bến sông, người mẹ quê... hiện ra chân quê hơn bao giờ hết. Ông yêu biết mấy những đơn sơ bụi chuối hàng cau, quê hương trong trái tim ông tuy "còn dính cát bụi", nhưng "trăng sao vẫn đẹp những đêm rằm" (thơ của Thiền sư).

Môi trường Phật giáo Huế thời của Sư ông nổi tiếng thâm nghiêm, kinh sách toàn bằng chữ Hán lại chịu ảnh hưởng lễ nghi của phong kiến triều Nguyễn... Cho nên cách xưng hô trong chùa cũng "cổ xưa", những: thỉnh, bạch, bẩm, hầu, con, ngài... sử dụng nhiều vô hình trung tạo bức rào trong giao tiếp.
Sớm nhận thấy rào cản ngôn ngữ trong việc đưa đạo Phật đến với quần chúng trẻ tuổi, Sư ông mạnh dạn cải cách. Ông xưng sư huynh sư đệ trong chùa, dùng từ "EM" khi giảng Thiền. Tiếp xúc với Sư ông cảm thấy khoảng cách gần lại, đọc sách của ông thấy học Phật không phải là chuyện cao vời: "Chiều nay khi đi học về, hoặc khi đi làm việc ở sở về, em hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Em sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ... Rồi sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ, và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên em. Cầm tay mẹ, em sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Em hỏi: "Mẹ ơi, mẹ có biết không?" Mẹ hơi ngạc nhiên, và sẽ hỏi em: "biết gì?" - "Mẹ có biết là con thương mẹ không?"... (tác phẩm Bông hồng cài áo của Sư ông).

Mang ngôn ngữ tươi mát của đời sống hiện thực vào Thiền là một trong những nguyên nhân khiến sách ông trở thành "best-seller". Tựa sách do ông viết như: Bụt ngàn đời, Chúa ngàn đời (Living Buddha Living Christ), Đường xưa mây trắng (Old Path White Clouds)... phát hành đạt con số triệu bản. Nhiều người nhờ thực tập Thiền tỉnh thức (Mindfulness) mà tìm ra phương án cho vấn đề nội tại của mình, những vấn đề văn minh vật chất không giải quyết được.

Là người thể nghiệm năng lượng Thiền học từ nhỏ nhưng Sư ông không coi đạo Phật là tôn giáo số một. Ông khiêm tốn dung hòa đạo Phật trong bối cảnh của thế giới đa sắc tộc đa văn hóa. Nhờ thế mà bước chân hành đạo của ông đi qua cả chục quốc gia, đến đâu ông cũng nhận được sự thân thiện và yêu mến của người địa phương.

Trung tâm thực tập thiền Làng Mai (Plumvillage) do ông thành lập ở nước Pháp có hàng chục ngàn người phương Tây đến thực tập. Các thành phố mà truyền thống Tin Lành, Công giáo đã làm rễ hàng thế kỷ như London, New York... từng in dấu một thầy tu người Việt Nam mảnh khảnh nhưng có thể "mời" hàng ngàn người phương Tây "ngồi tĩnh lặng" (Seat in peace). Nói chuyện với MC truyền hình nổi tiếng thế giới Oprah Winfrey, ông nói "Chúa chính là Phật của phương Tây"!

Theo Sư ông: "Phật giáo luôn luôn có thái độ cởi mở, phá chấp. Không nên bám víu một giáo điều cho đó là chân lý tuyệt đối và để rồi xem các giáo lý khác là tà đạo. Tình yêu trong đạo Phật là “Từ, Bi, Hỷ, Xả.” Xả là "inclusiveness", không loại trừ bất cứ người nào ra khỏi tình thương của mình"... Quan điểm như vậy thổi cơn gió mát vào bầu không khí xung đột về sắc tộc tôn giáo của thế giới hiện đại luôn tiềm ẩn những nguy cơ.

Một phút chánh niệm: Nói về Sư ông những mỹ từ cao đẹp tới đâu cũng là sáo rỗng nếu không thực tập Chánh niệm: "Khi bạn thở chánh niệm tức là chánh niệm về hơi thở. Khi bạn đi chánh niệm tức là chánh niệm vào bước chân. Chánh niệm có thể được đem vào đối tượng của vật lý và tâm lý. Đem đến sự nhận diện và nhẹ nhàng. Sự sống chỉ có thể có mặt trong giây phút hiện tại"...

Tôi nhận ra trong đám mây đang vân du trên bầu trời xứ Huế hay những cánh diều tung bay trên đồng quê xứ Quảng có hơi nước của Biển Đông, mùi rơm rạ của Đồng bằng Bắc Bộ, mùi cỏ lá ở Miền Tây... và khoan thai hình dáng Sư ông: Thở vào tâm tỉnh lặng / thở ra miệng mỉm cười / An trú trong hiện tại / giây phút đẹp tuyệt vời...

TRÚC NGUYỄN
Nguồn: Tuanvietnam




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều