Thứ Hai, 27 tháng 5, 2019

NGUYỄN HUY THIỆP, BỞI NHỮNG TRẢI NGHIỆM RIÊNG KHÁC

Bài viết phân tích các sự kiện tiểu sử nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và, bằng cách đó, nhìn lại những cách ứng xử với cuộc đời và văn chương của ông mà nhìn kĩ, nó như là sự kết hợp giữa tinh thần “trẻ Nho già Trang” của các văn sĩ trung đại với tinh thần phản biện, phê phán của thế hệ nhà văn Đổi mới.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Sinh ở nông thôn

Sinh năm 1950 tại Thái Nguyên nhưng tuổi thơ Nguyễn Huy Thiệp còn gắn liền với nhiều làng quê khác nhau ở miền Bắc, trong thời điểm cuộc chiến chống Pháp chưa kết thúc. “Tôi sinh ra chỉ vài ngày - Nguyễn Huy Thiệp kể trên báo Le Monde, là mẹ tôi phải bỏ tôi vào một cái gùi, và địu trên lưng bà, để trốn chạy bom đạn của người Pháp”1. Nhưng kí ức cuộc chiến hoàn toàn mờ nhạt so với kí ức nông thôn. Tỉnh lị Vĩnh Phúc, đặc biệt là vùng Kim Anh nằm cạnh sông Cà Lồ để lại dấu ấn sâu đậm trong những tiếp xúc đầu đời của Nguyễn Huy Thiệp với thế giới bên ngoài. Bến Cốc, tên bến sông nơi gia đình ông tạm trú, chỉ chưa đến 30 nóc nhà nhưng lại có nhiều người theo đạo Thiên chúa. Cậu bé Thiệp ở với mẹ và ông bà ngoại, không có nhiều bạn bè cùng lứa, cảm giác “cô đơn”, thứ cảm giác đã được diễn tả rất tinh tế trong Tâm hồn mẹ (1982), lúc đó cứ trải theo những bờ tường đá ong, những cánh đồng đầy dế. “Nỗi cô đơn ở trẻ nhỏ là chỗ đất tốt cho những tâm hồn mơ mộng”2. Ông ngoại là người mở mắt mở lòng cho nhà văn tương lai bằng những bài thơ Đường, phong dao tục ngữ và những nét Hán tự không quá bài bản. Nhưng Nguyễn Huy Thiệp còn được học với cha xứ, vị này mỗi tháng một lần về nhà thờ ở bến Cốc, “chiều xuống, tiếng chuông nhà thờ ở giữa bến Cốc lan trên mặt sông mang mang vô tận” (Chảy đi sông ơi) 3. Giữa thập niên 1950 ấy, ta biết rằng, chính phủ kháng chiến, đã tiến hành cải cách ruộng đất và gây ra không ít bất ổn, xáo trộn ở nông thôn. Tuy vậy, đúng như Greg Lockhart nhận định: “cảm quan Thiên chúa giáo ở một số truyện của Nguyễn Huy Thiệp, như Chảy đi sông ơi, Giọt máu, Con gái thủy thần lại nổi bật” 4. Dường như những vùng thôn quê biến động không làm ảnh hưởng đến cậu bé Thiệp thường đến nhà thờ, tìm đọc Kinh Thánh cho đến trước khi lên mười. Dĩ nhiên, ảnh hưởng Ki-tô giáo như một nguồn tư tưởng phương Tây thì phải thấm hơn về sau, còn lúc đó, trong cái viết đầu tay, Nguyễn Huy Thiệp lại làm thơ. Thơ phú, trong con mắt gia đình ông, đồng nghĩa với làm loạn và sẽ được ông nhắc lại nhiều lần như một ám ảnh: “danh hiệu nhà thơ là thứ danh hiệu lỡm người bạc phúc. Thơ chỉ là thứ du dương bất lực” (Giọt máu). Ông ngoại, hẳn vì kinh nghiệm không mấy ngọt ngào của một nhà nho thất thế, đã hết sức ngăn cấm đứa cháu đang theo đuổi làm thơ - “thứ tài năng tầm thường nhất” (Mưa). Nguyễn Huy Thiệp nghe theo, liền viết những mẩu truyện nhỏ, học theo lối ngữ pháp đơn giản, với những câu văn ngắn như cách nói thường ngày. Đấy hẳn là mầm mống để lối hành văn theo phong cách tối giản (minimalism) trở thành điểm độc đáo trong nghệ thuật văn xuôi Nguyễn Huy Thiệp.

Trải nghiệm nông thôn làng xã Bắc bộ, đương nhiên không phải của riêng Nguyễn Huy Thiệp. Nhưng như sẽ thấy, ông không tái hiện nông thôn trong mối liên quan với các sự kiện mang tính chính trị - xã hội, như về phong trào hợp tác xã, về cải cách ruộng đất vốn vẫn được các nhà văn Đổi mới nhắc lại. Những mô tả nông thôn, nông dân của Nguyễn Huy Thiệp gần gũi với các mô tả dân tộc chí, với mối bận tâm về các tính chất, đặc trưng truyền thống của làng xã. Trên thực tế, mặc dù nông thôn Bắc bộ đã biến đổi rất nhiều kể từ sau 1945, nhưng Nguyễn Huy Thiệp sẽ vẫn kể về nó như là không gian lưu giữ các sinh hoạt và thiết chế đã từng vững chắc, từ gia đình, quan hệ họ hàng, thân tộc,... đến các tập tục, tín ngưỡng và tâm linh cộng đồng. Các tác động của bối cảnh Đổi mới đến làng quê, đặc biệt là sự có mặt của kinh tế thị trường dẫn đến sự gia tăng thiếu kiểm soát của các nghi thức cưới xin, ma chay, cỗ bàn…, cũng sẽ được ông đề cập với giọng điệu vừa ưu tư vừa đùa giễu. Từ cuối thập niên 1980, Nguyễn Huy Thiệp dành mối bận tâm lớn về nông thôn và tuy ít nhận được những phản ứng từ độc giả so với loạt truyện giả lịch sử, nhưng nó thực sự quan trọng trong mảng văn xuôi viết về nông thôn đương thời. Con gái thủy thần (vào các năm 1988, 1989, 1998), Những bài học nông thôn (1988), Thương nhớ đồng quê (1992), Chăn trâu cắt cỏ (1996), Chú Hoạt tôi (2001), Cánh buồm nâu thuở ấy (2004)..., lần lượt làm rõ hơn quan điểm của Nguyễn Huy Thiệp: “mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ở nông thôn.” Vượt xa vị trí đề từ cho một truyện ngắn, quan điểm này gợi nhắc sự cần thiết phải nhìn lại gốc gác, căn cước mỗi cá nhân, trong đó có người dân châu thổ Bắc bộ. Nếu coi vùng địa lí này là cái nôi của văn minh Việt Nam, nếu thừa nhận “tính độc đáo của châu thổ Bắc kỳ trên bán đảo Đông Dương là rất rõ”5 với tất cả các biểu hiện đặc thù về môi trường vật chất lẫn các phương tiện sống, thì việc trở lại dò thấu nó, sau nhiều gián cách và hời hợt nhất định, là một nhu cầu tất yếu. Khi đó, nhà văn hoàn toàn có cơ hội để nhận thức lại “con người làng xã”, nhân vật trung tâm chưa bao giờ cạn nghĩa, bởi đây là “con người phổ quát của xã hội Việt, là cái phần phổ quát trong mỗi người Việt”6. Cần thấy rằng, cuối thập niên 1980 cũng là giai đoạn hồi sinh mạnh mẽ của những nghiên cứu dân tộc học, nhân học làng xã Bắc bộ. Sẽ có nhiều hữu ích và lí thú nếu đọc những truyện kể nông thôn của Nguyễn Huy Thiệp, không những từ đối sánh với các tác phẩm cùng đề tài, mà còn từ vốn nhân học làng xã Bắc bộ bởi mức độ tương đồng về tính “hiện thực” giữa chúng hoàn toàn có thể được đối chứng trên văn bản. Đương nhiên, ta không hề quên rằng Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn và quyền hư cấu, bịa đặt trên trang viết ở ông rất lớn. Tuy vậy, ngay cả khi có độ vênh trong cách đọc này thì dấu ấn của cái nhìn dân tộc chí Nguyễn Huy Thiệp trong quan sát, tái hiện đời sống làng quê vẫn là một sự tiếp nối lối viết, từ Ngô Tất Tố với Việc làng (1940), Trọng Lang với Làm dân(1940) và Thi vị đồng ruộng (1944), đến Sơn Nam với Hương rừng Cà Mau (1962), Bình Nguyên Lộc với Cuống rún chưa lìa (1969)…

Tiếp nhận văn học cổ điển

Năm 1960, Nguyễn Huy Thiệp quay về Hà Nội, vào lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ hiện hình rõ rệt ở miền Bắc. Mười năm tiếp theo, đặc biệt là quãng thời gian vào học Đại học Sư phạm, Nguyễn Huy Thiệp có dịp tiến sâu hơn vào tri thức sách vở, khi ông lần lượt tìm đọc các trước tác của các triết gia Trung Hoa cổ đại, Sử kí Tư Mã Thiên, và, như hầu hết các sinh viên miền Bắc lúc đó, ông đọc các tiểu thuyết Nga thế kỉ XIX được dịch sang tiếng Việt. Sự định hình không gian hiểu biết của Nguyễn Huy Thiệp, ngay từ đầu, đã bị đặt trong những đường biên văn cảnh mà bản thân ông không ý thức rằng đó là giới hạn. Nhìn vào những gì ông trích dẫn, đưa vào tác phẩm cụ thể cũng như các tiểu luận được đăng từ cuối 1980 thì diện tham bác chủ yếu là các tác gia lớn của văn học trung đại Việt Nam và các nhà văn-triết gia châu Âu thế kỉ XVIII, XIX. Nói chuyện với độc giả ở Paris, ông thành thực: “Thế hệ của chúng tôi chỉ tiếp xúc nhiều với văn học cổ điển. Chứ văn học hiện đại rất hạn chế”7. Peter Zinoman đã coi thực tế này như một trở lực, ngăn Nguyễn Huy Thiệp đến với các xu hướng văn chương phương Tây tiền phong8. Tình thế bị hạn định đó dẫn ông đến lợi thế của một độc giả say mê kiểu tự sự truyền thống trong văn học cổ Việt Nam, Trung Hoa. Lối viết “lạnh băng” của sử kí Tư Mã Thiên hay tâm thế một người học lịch sử, rõ ràng, đã đẩy ông vào thói quen chi tiết hóa cả ngày tháng, địa danh và hành trạng nhân vật lịch sử trong các truyện giả lịch sử gây sóng gió của mình. Ông cũng không ngần ngại đuổi theo mô hình các truyện kể danh nhân (nhân vật chí) như đã rất rõ nét trong loạt truyện về Tú Xương (Thương cho cả đời bạc, 1996), Nguyễn Bính (Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt, 1997), Đề Thám (Mưa Nhã Nam, 1992)… Trong khi, như Lại Nguyên Ân nhận định, “không gian văn học miền Bắc những năm 1950-70 có thể là điển hình cho không gian đơn ngữ, độc ngữ; toàn xã hội chỉ nói chỉ đọc tiếng Việt chữ Việt (họa báo Liên Xô, sách ngữ lục Trung Quốc cũng đến đây dưới dạng chữ Việt) và chỉ được biết mọi loại thông tin qua tiếng Việt chữ Việt”9 thì Nguyễn Huy Thiệp đã dựa vào chất nền văn học cổ điển nội địa để xoay chuyển những điểm bất lợi khi viết văn, nhất là vào thời điểm ông xuất hiện đã cận kề với giai đoạn tái hội nhập phương Tây, báo hiệu sự ưu thắng của những kĩ thuật viết mới lạ. Càng về sau, Nguyễn Huy Thiệp càng chứng tỏ mình ưa cải dạng các thể loại văn học cổ (tiểu thuyết võ hiệp, chèo, truyện thơ) nhằm gây chú ý ở những tìm tòi nghệ thuật tưởng là quen thuộc, thông thường nhất. Một số cách đọc Nguyễn Huy Thiệp từ lí thuyết hậu hiện đại đã không thật để tâm đến sự tái sinh các phương thức tự sự truyền thống trong tác phẩm của ông. Hướng vào các thủ pháp được cho là hậu hiện đại, theo Peter Zinoman, “có thể khó hiểu hơn là tác phẩm bộc lộ”10.

Một thập niên “úp mặt vào núi”

Một sự kiện bước ngoặt là thay vì vào chiến trường, Nguyễn Huy Thiệp tuân theo phong trào “thanh niên 3 sẵn sàng” để, trong gần mười năm (1970-1980), dạy học ở Sơn La. Một thập niên “úp mặt vào núi” đem đến cho ông hai trong số các cảm hứng chính yếu của mình: dạy học hay rộng hơn, giáo dục, và núi rừng, thiên nhiên. Những hồi quang phong phú từ nơi rừng thiêng nước độc, “khỉ ho cò gáy” cách thủ đô vài trăm cây số quyết định gần như tuyệt đối xu hướng tự thuật trong nhiều trang văn giàu hồi ức của Nguyễn Huy Thiệp. “Nhưng hơn thế nữa - báo Le Monde nhận định, nhờ rừng ông khám phá ra sức mạnh của thiên nhiên, điều này ánh men lên trong tất cả tác phẩm của ông”11. Thứ sức mạnh tự nhiên mà chàng trai “20 tuổi, vừa mới tốt nghiệp ra trường, tâm hồn còn rất ngây thơ” (Những người muôn năm cũ) chứng kiến sẽ được cụ thể hóa bằng những nhận xét mang dáng dấp “thiên nhiên tâm luận” trải khắp đời cầm bút của nhà văn: Từ 1986, với Muối của rừng; 1992 với Mưa Nhã Nam; 1994 với Hoa sen nở ngày 29 tháng 4; 2005 với Tuổi 20 yêu dấu… Có thể nói, Những chuyện kể bất tận của thung lũng Hua Tát(1987), Những người thợ xẻ (1988), Truyện tình kể trong đêm mưa, Sống dễ lắm, Thổ cẩm đã góp phần làm thức dậy “đề tài rừng núi” dường như, theo Philippe Papin, vắng bóng trong văn hóa ở một xứ rừng bao phủ hơn phân nửa diện tích. “Với Việt Nam – Papin nhìn nhận, những vùng cao là một thực tại mới mẻ, một ý niệm của thế kỉ XX mà họ vẫn chưa thấu rõ hết nội dung. Phải biết rằng cho tới ngày nay, các cô giáo bị thuyên chuyển lên cao nguyên vẫn hoang mang dường nào: đó là biệt xứ, là bứng gốc, là sự đột nhập tàn nhẫn của cái lạ thường”12. Sự đối đầu giữa núi rừng và thành thị, giữa thế giới tự nhiên và xã hội văn minh, nhìn chung, cũng sẽ trở thành trọng âm của nhà văn nhằm điều chỉnh những tiếng nói sai lệch, nhầm lẫn trong các diễn ngôn từng có về vùng cao, tộc người thiểu số và những gì vẫn được cho là hoang dã, lạc hậu.

Không có mặt và ít bị tác động trực tiếp từ bom đạn chiến trường khiến Nguyễn Huy Thiệp đứng ngoài một trong những cuộc viết dai dẳng nhất - viết về cuộc chiến và người lính, của những nhà văn cùng thế hệ. Chẳng những rời xa đề tài từng đem lại vinh dự lẫn khổ tâm cho bao người này, Nguyễn Huy Thiệp còn dứt khoát kết thúc một mẫu hình nhân vật - người lính, mà văn học giai đoạn Đổi mới vẫn chưa hết say mê. Tướng về hưu (1987) là tác phẩm duy nhất nhắc đến người lính nhưng đó là một kiểu người lính hưu tàn, thất bại và chết bất đắc kì tử trong thời bình. Ẩn dụ về cuộc chiến có chăng chỉ hiện lên trong những mô tả thực tại xã hội nghèo đói, bệnh tật, mất an toàn sinh kế và suy thoái đạo đức. Chấn thương chiến tranh nếu trở nên trầm trọng với những nhà văn từng mặc áo lính, từng là bộ đội thì nó, day dứt không kém, ngấm sâu ở cái nhìn về chủ nghĩa anh hùng, về giá trị chiến thắng, vinh quang, về mô hình quyền bính lí tưởng của Nguyễn Huy Thiệp. Cần nhấn mạnh điểm riêng này để có thêm cơ sở cho sự hình dung về con đường đi tới kiểu nhà văn tự ý thức trong giai đoạn các điều kiện của xã hội dân sự bắt đầu ló dạng.

Trở lại tự nhiên

Sau mười năm “hãy đi xa hơn nữa” nơi núi rừng, Nguyễn Huy Thiệp quay lại Hà Nội, làm một “nhân viên quèn” ở nhiều cơ quan khác nhau, khi ở nhà xuất bản Giáo dục, khi tại Công ty Kỹ thuật trắc địa bản đồ. Một cách thầm lặng, ông đọc N.G. Chernyshevsky (Quan hệ thẩm mỹ của nghệ thuật đối với hiện thực), A.G Tseitlin (Lao động nhà văn), G. Plekhanov (Bàn về nghệ thuật) và nghiên cứu tâm lí độc giả, đúng hơn là “nghiên cứu tâm lí dân tộc trong cả một khoảng thời gian dài”. Trên cơ sở đó, ông bắt đầu hướng tới “dọn ra món ăn tinh thần cho cả thời đại”13. Tháng năm năm 1986, Nguyễn Huy Thiệp cho đăng ba truyện ngắn đầu tiên trên báo Văn nghệ: Muối của rừng, Nàng Sinh và Cô Mỵ. Đến tháng chín có thêm Vết trượt. Nhưng tất cả mọi sự chú ý, dư luận và là nguyên cớ của”hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp” phải đến khi Tướng về hưu xuất hiện cũng trên Văn nghệ vào tháng sáu năm 1987 - thời điểm có “một chiều kích chính trị quan trọng” như G. Lockhart cảm nhận 14. Từ đây đến 1992, năm Nguyễn Huy Thiệp tuyên bố “rửa tay gác kiếm”, không viết văn nữa, là giai đoạn “cập thời vũ” nhất nhưng cũng “tâm tuyệt, khí tuyệt…” nhất của ông. Mọi tán dương lẫn bài xích cũng theo đó mà phủ ập xuống. Tháng 3/1992, ông tự nguyện xin thôi việc ở cơ quan nhà nước, chuyển sang kinh doanh nhà hàng. Cao trào Đổi mới văn học cũng dần lắng lại. Nhưng tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp bắt đầu được chuyển ngữ và xuất hiện ở nhiều không gian đọc khác nhau, ở Pháp, Mỹ, Ý, Thụy Điển… Đáng nói hơn, đây cũng là lúc ông công bố những tiểu luận văn chương chứa đựng phần lớn kinh nghiệm, quan điểm sáng tạo của cá nhân mà mức độ nói thẳng, nói thật, nhìn ngược vấn đề trong đó đã gây nhiều phản ứng trái chiều. Trên Con đường văn học (1992), ông ngậm ngùi và kiêu hãnh nhận ra “xác chết của các nhà văn đã chất thành núi trên thế gian này. Người ta vẫn bới tìm ở đấy những mẩu vụn của con người, về con người”15. Ông quay về triết lí nhẹ nhàng với cảm quan Phật giáo trong Hoa sen nở ngày 29 tháng 4 (1994), bao dung Thương cho cả đời bạc (1996), đề cao Bài học tiếng Việt (1999) và sau cùng, khi đã vỡ lẽ “lẽ thường, lẽ vô thường”, “sự mất mát, sự vô nghĩa, lẫn ý thức về thời gian biến dịch” (Con gái thủy thần, 1998), ông khẳng định Sống dễ lắm và Cười lên đi (2000). Tiếng cười ý vị, quả thật, đã làm ông khỏe khoắn và tinh quái lần nữa trong những câu chuyện thoạt tiên tưởng chỉ để “mua vui”, Chuyện ông Móng (2001), Những tiếng lòng líu la líu lo, Chuyện bà Móng (2004)… Cũng đã có lúc, ông Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn (2004) để rồi hứng chịu hàng loạt phản bác dữ dội.

Có thể nói, sau cao trào Đổi mới, Nguyễn Huy Thiệp lựa chọn thái độ “trở lại tự nhiên”. Bởi theo ông, “một xã hội dân chủ, tự do cũng sẽ là một xã hội tôn trọng tự nhiên, gần gũi với tự nhiên, vừa đồng hóa, vừa dị hóa, tiêu hóa nữa”16. Thái độ đó chi phối cách viết và thể loại của ông. Nhưng hơn hết, tư tưởng Nam tông theo giáo lí đốn ngộ, lẽ biến dịch của Lão Trang và sự tinh giản của tích trò dân gian Việt mới thực sự phóng chiếu sâu đậm trong trang viết của ông giai đoạn này. Không mấy nhà văn cùng thế hệ có những biểu hiện như thế. Một lần nữa, ông vẫn riêng khác trong những cách ứng xử với cuộc đời và văn chương của ông mà nhìn kĩ, nó như là sự kết hợp giữa tinh thần “trẻ Nho già Trang” của các văn sĩ trung đại với tinh thần phản biện, phê phán của thế hệ nhà văn Đổi mới.

MAI ANH TUẤN
Nguồn: VNQĐ

_______________

1 [Báo] Le Monde (2005), “Nguyễn Huy Thiệp, những vết thương cháy bỏng”, Nguyễn Quốc Trụ dịch, Nguồn: http://www.tanvien.net/chuyen_ngu_2/vet_thuong.html
2 Nguyễn Huy Thiệp (2010), Giăng lưới bắt chim, NXB Thanh Niên, H., tr.13.
3 Lời kể trong truyện Chảy đi sông ơi. Những trích dẫn truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp ở bài viết này, nếu không có chú thích gì khác, lấy từ: Nguyễn Huy Thiệp (2007), Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (Với minh họa của các họa sĩ), NXB Văn hóa Sài Gòn & Đông A.
4 Greg Lockhart (1992), “Nguyen Huy Thiep and the Faces of Vietnamese Literature” in Nguyen Huy Thiep, The General Reties and Other Stories, Oxford University Press, p.1.
5 Pierre Gourou (2015), Người nông dân châu thổ Bắc kỳ, Nhiều người dịch, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, tr.12.
6 Đỗ Lai Thúy (2005), Văn hóa Việt Nam nhìn từ mẫu người văn hóa, NXB Văn hóa Thông tin, H., tr73-74.
7 Nguyễn Huy Thiệp (2002), “Ở Việt Nam tháp rùa vẫn như cũ”, trò chuyện văn chương với Jean Lacouture tại Paris (Pháp), Kim Lefèvre chuyển ngữ. Bản điện tử do Thuận thực hiện. Nguồn: http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=1291&rb=0102
8 Peter Zinoman (1994),“Declassifying Nguyễn Huy Thiệp”, Positions:East Asia Cultures Critique  2: 2 (Fall), p.301.
Lại Nguyên Ân (2014), “Hình thành, định hình, trưởng thành, phân hóa (Mấy nét về lớp nhà thơ xuất hiện ở miền Bắc những năm 1960-1970)”, Nguồn:http://www.viet-studies.info/LaiNguyenAn_ThoMienBac.htm
10 Peter Zinoman (1994),“Declassifying Nguyễn Huy Thiệp”, Tlđd, p. 298.
11 [Báo] Le Monde (2005), “Nguyễn Huy Thiệp, những vết thương cháy bỏng”, Tlđd.
12 Philippe Papin (2011), Việt Nam hành trình một dân tộc, Nguyễn Khánh Long dịch, NXB Giấy vụn, TP Hồ Chí Minh, tr.33.
13 Giăng lưới bắt chim, Sđd, tr.31
14 Greg Lockhart (1992), Tlđd, tr.2.
15 Giăng lưới bắt chim, Sđd, tr.55
16 Giăng lưới bắt chim, Sđd, tr.291.



Thứ Năm, 23 tháng 5, 2019

SÔNG CÔN MÙA LŨ CỦA NGUYỄN MỘNG GIÁC: SỰ KHÁM PHÁ NHÂN CÁCH VĂN HÓA VIỆT

Bộ trường thiên tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Mộng Giác viết về người anh hùng áo vải Quang Trung được xuất bản lần đầu tại Hoa kỳ đầu thập  kỷ 80. Năm 1998, Sông Côn mùa lũ được NXB Văn học tái bản lần đầu trong nước gây tiếng vang lớn trong đời sống văn học Việt Nam. Đài tiếng nói VN đã đọc toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Mộng Giác trong suốt 6 tháng, cuốn hút sự say mê theo dõi của đông đảo độc giả. Từ ấy đến nay, bộ sách của Nguyễn Mộng Giác đã được tái bản trong nước đến lần thứ ba và được Đài TH TP Hồ Chí Minh mua bản quyền để làm phim truyền hình dài tập.
Nhà văn Nguyễn Mộng Giác và bộ tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ

Cái nhìn mới mẻ táo bạo về người anh hùng áo vải

Lịch sử Việt Nam có không ít những nhân vật lớn với tầm vóc tạo dựng thời đại mà cuộc đời của họ tự nó đã là những pho tiểu thuyết. Song rất tiếc, cho đến nay tiểu thuyết lịch sử Việt Nam mới chỉ dừng lại ở sự khai thác có tính chất minh hoạ lịch sử về một vài giai đoạn và một số khía cạnh của những nhân cách văn hoá lớn này. Rất hiếm tác phẩm tái hiện các anh hùng dân tộc một cách toàn diện, từ góc nhìn nhân văn và thế sự, tái tạo lại quá trình hình thành và sự toả rạng của những nhân cách lớn này, trong khuôn khổ một thời đại lịch sử, càng rất hiếm tác phẩm trình bày họ như là những nhân cách văn hoá Việt Nam vừa gần gũi, bình dị, vừa hấp dẫn, cao siêu .

Trong bối cảnh đó, bộ trường thiên tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ trên 2000 trang của nhà văn Nguyễn Mộng Giác, Việt kiều Mỹ, được NXB Văn học Hà Nội tái bản năm 1998 đã trở thành một sự kiện văn học đáng kể vì đem đến cho người đọc một bức tranh hoành tráng về thời đại Tây Sơn, trên đó nổi bật lên hình ảnh người anh hùng dân tộc Quang Trung như một nhân cách văn hoá lớn , có sự cuốn hút trí thức đương thời, một nhân cách bắt rễ sâu vào trong từng số phận bé nhỏ của đời sống và vươn tới tầm vóc tạo dựng thời đại.

Người anh hùng Nguyễn Huệ bấy lâu vẫn định hình trong chính sử và dã sử như một người nông dân áo vải cờ đào mà cái ấn tượng về cốt cách nông dân võ biền, mạnh mẽ của ông đã in đậm trong tâm thức số đông như một ấn tượng lịch sử. Người ta đã quen coi Nguyễn Huệ như một hình ảnh tượng trưng cho những người nông dân chân đất, quật cường, dũng mãnh, song dường như cái khí phách anh hùng ấy không thể có chung nguồn mạch với văn hoá Nho giáo nói riêng và tư duy bác học nói chung. Nếu như trong Phẩm tiết, Nguyên Huy Thiệp đã khai thác cái ấn tượng võ biền này để tạo dựng một Quang Trung thế tục, sàm sỡ và cao ngạo đế vương thường gây tranh cãi, thì trong Sông Côn mùa lũ Nguyễn Mộng Giác đã cãi lại định kiến văn hóa này khi trình bày Nguyễn Huệ như một nhân cách trí thức hấp thụ các tinh hoa văn hoá bác học qua một ông đồ là giáo Hiến, tiếp thu các đạo lý từ Nho giáo, và từ nhiều nguồn khác để trở thành nhân vật anh hùng.

Theo dõi quá trình hình thành nhân cách này ta thấy rõ bản lĩnh của Nguyễn Huệ không phải đơn thuần là sự thăng hoa của bản năng giải phóng trong con người nông dân, mà là sự tự khẳng định có ý thức của một nhân cách văn hoá mới trong thời đại ấy. Do đó sức mạnh của người anh hùng Nguyễn Huệ không phải là quyền lực hoang dã của bạo chúa. Chính cốt cách văn hoá, bản chất trí thức này đã tạo cho nhân vật Nguyễn Huệ trong tiểu thuyết của Nguyễn Mộng Giác có một sức hấp dẫn lôi cuốn trí thức đương thời.

Nguyễn Mộng Giác đã rất tinh tế và cao tay khi trình bày quá trình vừa hút vừa đẩy của Quang Trung với Nho giáo nói chung và các sĩ phu Bắc Hà nói riêng. Hấp thụ đạo Nho từ thuở ấu thơ, Nguyễn Huệ trong tiểu thuyết của Nguyễn Mộng Giác đã vượt lên đạo Nho, tìm thấy trong đời thường và trong lịch sử cái lý lẽ phê phán những hạn chế của đạo Nho và những hủ nho trong đó có giáo Hiến thầy mình. Tuy đánh giá thấp tầm vóc và bản lĩnh văn hoá của những tri thức đương thời, nhiều lúc giận họ, căm thù họ, cảm thấy bất lực trước sự bảo thủ và gàn dở của họ, thậm chí có lúc định giết họ, nhưng Nguyễn Huệ vẫn không nản trí trong việc tìm đến họ, tha thiết lôi họ vào dòng chảy thác lũ của khởi nghĩa nông dân.

Chính cái nhìn mới, cái nhìn giải phóng, cái nhìn tạo dựng thời đại của Nguyễn Huệ toả ra từ nhân cách văn hóa rất Việt Nam của ông đã tạo cho ông một sức hấp dẫn có thể lôi kéo những trí thức lớn đương thời đi theo phong trào Tây Sơn. Thành công lớn của Nguyễn Mộng Giác là đã trình bày thuyết phục và nhuần nhuyễn sức hấp dẫn văn hoá của người anh hùng nông dân Nguyễn Huệ, thách thức những định kiến lịch sử. Đó là một góc nhìn rất mới mẻ và táo bạo của nhà văn với nhân vật lịch sử độc đáo, phức tạp này.

Nội soi nhân cách văn hóa người anh hùng Nguyễn Huệ

Khi trình bày, tái hiện, lý giải các mối quan hệ trí thức nông dân trong lịch sử và giữa các nhân vật lịch sử, các nhà văn xưa nay thường nhìn các sự kiện qua lăng kính của thân phận người trí thức với những bi kịch, éo le và giằng xé của họ trong sự hợp tác với lãnh tụ nhân dân. Chẳng hạn, tiểu thuyết Vạn Xuân (Dix mille printemps) của nhà văn Pháp Yveline Feray và các tác phẩm văn học, sân khấu khác về Nguyễn Trãi đã khai thác bi kịch của người tri thức có công trong bối cảnh hậu chiến thời Lê.

Cách nhìn phổ biến trong các tác phẩm này là trình bày một đối trọng tri thức bạo chúa, văn hoá quyền lực, kẻ sĩ nông dân trong một ý nghĩa nào đó thì đối trọng này là một tương quan có ý nghĩa và thuyết phục. Nhưng dường như văn hoá Việt Nam có độ nhoè, độ dính kết, độ dung hoà giao thoa và cộng sinh giữa cái thái cực đã tạo ra những quan hệ phức tạp, đa tầng và đa sắc hơn giữa những thế lực và những quan điểm trong tiến trình lịch sử. Vì thế, cái nhìn phân tuyến lưỡng cực, đối trọng theo tinh thần duy lý cổ điển phương Tây và cách sử dụng lăng kính tri thức nhìn một xã hội nông dân, một trật tự nông dân sẽ có nguy cơ bất cập.

Nguyễn Mộng Giác có bản lĩnh sáng tạo tránh được công thức có tính định kiến và áp đặt này. Tác giả di chuyển người tri thức từ vị trí đứng ngoài bổ sung, đối trọng và đối lập với người nông dân vào bên trong cấu trúc nhân cách của người anh hùng Nguyễn Huệ, để nội soi người anh hùng này, khám phá những mâu thuẫn, những giằng xé, những gắn kết, những cộng sinh lai tạp trong quá trình lịch sử và tâm lý, tìm ra mã số văn hoá thống nhất trong nhân cách lãnh tụ khởi nghĩa nông dân. Và việc lồng trí thức vào nông dân, lồng con người thế tục vào con người huyền thoại, lồng con người tình nghĩa vào con người quyền lực, lồng cái nhìn nhân bản vào cái nhìn chính trị, lồng dã sử, huyền sử vào chính sử đó là cái cơ chế sáng tạo nhân vật lịch sử Nguyễn Huệ của Nguyễn Mộng Giác trong Sông Côn mùa lũ.

Ta thấy rõ và cảm thông với sự song tồn, đồng tồn, tương hợp trong con người Nguyễn Huệ một học trò giỏi cuả Nho học và một người phê phán Nho học, một người tôn trọng đạo lý tình nghĩa và một lãnh tụ quyền biến thao lược dám làm những việc cần làm (như dấy binh đánh lại Nguyễn Nhạc anh mình), một người bạn, người tình, người học trò thuỷ chung, ân nghĩa và một bản lĩnh anh hùng dám đạp đổ cả triều đình để dành lấy giang sơn. Sự dung hoà, giao thoa, cộng sinh giữa các mặt đối lập trong nhân cách Nguyễn Huệ phản ánh biện chứng văn hoá hỗn dung của người Việt, làm nên tính cách Việt Nam của nhân vật Quang Trung trong bộ tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Mộng Giác, khiến nhân vật này mang sinh động và đầy tính nhân bản khác hẳn với Nguyễn Huệ trong Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia văn phái và cũng khác về cốt cách văn hoá với Pie đại đế trong tiểu thuyết Nga.

Trên cơ sở cấu trúc nhân cách văn hoá của Nguyễn Huệ, Nguyễn Mộng Giác đã gắn kết các tư liệu lịch sử với chiều sâu nhân bản trong đời sống tâm lý, thế tục của nhân vật được hư cấu một cách tỉ mỉ và sinh động. Ngay từ khi Nguyễn Huệ còn là cậu học trò, Nguyễn Mộng Giác đã để cho người bạn gái của ông là cô An cảm nhận được cái áp lực văn hoá trong nhân cách anh hùng bộc lộ qua từng câu nói đùa, từng ánh mắt giễu cợt và cử chỉ đời thường rất hồn nhiên vô tâm. Khi Nguyễn Huệ trở thành bậc vương tướng, Nguyễn Mộng Giác lại để cho cô An có lúc cảm nhận được sự gần gũi, ấm áp của một người bạn cũ thời thơ ấu và để cho Nguyễn Huệ sống trong trạng thái cô đơn khi quyết định tiến hành nội chiến với chính người anh của mình.

Những nhân cách văn hoá trong đời thường

Nguyên lý văn hoá lưỡng hợp, hỗn dung đặc trưng của dân tộc Việt dường như đã trở thành miếng đất màu mỡ cho tư duy nghệ thuật của người viết tiểu thuyết lịch sử, kết hợp nhuần nhuyễn chính sử, dã sử và huyền sử với tưởng tượng, hư cấu và khai thác chiều sâu tâm lý để sáng tạo ra những nhân vật nhiều chiều chập chờn giữa huyền thoại và giải huyền thoại, giữa đời thường và lịch sử, giữa sứ mệnh và tự do, giữa quyền lực và nhân tính. Nguyễn Huệ trong Sông Côn mùa lũ là một nhân vật tiểu thyết như vậy, một nhân vật mang tính ám ảnh của văn hoá Việt Nam với tất cả những mâu thuẫn, giằng xé giữa con người nhân bản và con người chính trị như nhà lý luận Nguyễn Hữu Lê đã chỉ ra khi bàn về đặc tính đối thoại và giao tiếp của tư duy nghệ thuật.

Nhân vật cô An, người bạn gái của Nguyễn Huệ cũng là một tham số văn hóa gia tăng tính lưỡng hợp, hỗn dung của văn hoá Việt trong thế giới các nhân vật tiểu thuyết của Sông Côn mùa lũ. An dường như là hiện thân của những con người bé nhỏ bị bóng đè trong lịch sử, trong trường hợp cụ thể của An, cô bị bóng người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ ám ảnh suốt cuộc đời. Nguyễn Huệ từng gần gũi An như một người yêu trong tâm tưởng, đã gieo vào An những kỷ niệm, những ấn tượng, đã giễu cợt những khao khát trần thế nhỏ bé của cô rồi lại cưu mang cô trong những bối rối của đời thường để cuối cùng cô vừa bị lịch sử cuốn mất người yêu có nhân cách lớn lao và cướp đi cả những hạnh phúc đời thường bé nhỏ.

Một thân phận chung chiêng giữa cái cao cả và cái tầm thường , một người phụ nữ Việt Nam mang nghịch lý của số phận thân nhân vô danh bị giằng xé giữa khát vọng lịch sử văn hoá lớn lao và thực tế thấp hèn, dở dang, tội nghiệp. Những kỷ niệm về Nguyễn Huệ lướt qua cuộc đời An như đưôi sao chổi quệt vào một hành tinh bé nhỏ làm đổ vỡ sâu sắc cuộc đời cô. Trong số phận An có chất chứa cả những điều éo le kỳ thú của số phận nhân dân, cả những đức hạnh, những guằng xé của người phụ nữ Việt Nam trong lịch sử.

Không phải ngẫu nhiên, Nguyễn Mộng Giác kết thúc bộ trường thiên tiểu thuyết bằng hình ảnh cô con gái An lần đầu hành kinh. Cái kết ấy gợi lại hình ảnh người thiếu nữ An xưa kia lúc mới gặp Nguyễn Huệ, trong ngày đầu hành kinh đã hốt hoảng lo âu trước nhịp sống thường tình của người phụ nữ. Và, ta không khỏi suy nghĩ, cái nhịp sống thường tình ấy thực ra từ lâu không còn thường tình nữa, đó là thời điểm đáng báo động mà người phụ nữ phải đơn côi đối diện và đối thoại cùng những biến động kỳ vĩ của lịch sử, những hốt hoảng âu lo ngây thơ kia chính là tiên cảm, là linh giác của đời người phụ nữ luôn luôn sợ hãi lo âu vì bị bóng của những nhân cách siêu việt do chính mình góp phần bé nhỏ tác thành đè nặng suốt đời. Liệu có một người anh hùng nào sẽ đến phủ bóng lên cuộc đời cô gái con An? Những thân phận bình thường được nhấn trở thành một tín hiệu nghệ thuật có sức ám ảnh nâng cảm nhận của người đọc lên tầm suy tư triết học và văn hoá.

Bên cạnh An, những con người bé nhỏ bình thường khác trong Sông Côn mùa lũ như giáo Hiến, Lãng, Chinh, Thọ Hương... cũng có những cái riêng để đi vào lịch sử, tham dự vào nhân cách văn hoá của Nguyễn Huệ ở những mức độ khác nhau. Trong tương quan lịch sử, họ là những “mẫu số chung tầm thường”, một hai trong muôn ngàn, nhưng trong tương quan văn hoá là thế sự, họ cũng in dấu ấn vào nhân cách anh hùng trong một chuỗi những sự kiện, hành vi tưởng như bé nhỏ, thường tình vô nghĩa và bằng cách đó họ góp phần bộc lộ và khám phá những chiều kích nhân bản khác nhau trong nhân cách dân tộc và nhân cách anh hùng dân tộc.

Khác với những cây bút tiểu thuyết thường khai thác hành vi lịch sử của quần chúng như là những lực lượng cơ bắp, Nguyễn Mộng Giác xây dựng những con người bé nhỏ như những nhân cách văn hoá trong đời thường góp phần đan dệt và phản chiếu nhân cách văn hoá của người anh hùng áo vải Quang Trung. Họ đều là những nhân vật nhạy cảm văn hoá, sống thường trực trong tư cách nhân chứng văn hoá trước dòng chảy lạnh lùng và khốc liệt của lịch sử để đón nhận và lưu giữ những ấn tượng sâu sắc từ mỗi sự kiện, mỗi hành vi, mỗi xao động nhỏ trong dòng chảy ào ạt tàn nhẫn ấy.

Trước khi là nạn nhân của sự quên lãng, vô tâm và phản bội thường thấy trong lch sử, những con người bé nhỏ này ngày ngày là nạn nhân của nhân tính bén nhạy trong mình, để rồi như An và Lãng bị choáng váng ám ảnh mãi bởi một vụ nghĩa quân hành quyết một người vô tội nhằm trấn an người Thượng sau vụ tranh chấp muối, hay như ông giáo Hiến nổi giận đánh con trai là Chinh khi thấy anh xách xâu tai người về như một dấu hiệu của thái độ say sưa bạo lực...

Lịch sử được tái hiện qua biết bao sự kiện hành vi thế sự, mỗi sự kiện nhỏ lại được nhà văn khai thác sâu những vang dội của nó vào thế giới nhân tính, trở thành những tín hiệu tâm linh, văn hóa. Sự kiện lịch sử chỉ như một thứ thẻ căn cước để Nguyễn Mộng Giác đi vào thế giới nhân tính thâm u, khuất khúc, thăm thẳm trong từng nhân vật mà thăm dò những ấn tượng tâm lý, những xáo động nhân bản, những nhức nhối nhân văn, những khắc khoải văn hoá vừa dữ dội vừa tinh tế. Và cái tinh thần văn hoá nhất quán trong những nhân vật này là tinh thần văn hoá Việt nam đầy nhân bản, đầy mặc cảm thân phận, nặng tình, trọng nghĩa, ân oán rạch ròi và ngôn thứ phân minh.

Cái nhìn xuyên suốt bộ trường thiên tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ là cái nhìn văn hoá, là sự khám phá, lý giải kết nối chuỗi nhân cách văn hoá từ thường nhân đến vĩ nhân làm nên một dòng chảy văn hoá tâm linh nhất quán qua từng trang sách. Dòng chảy văn hóa đó là sự hoà quyện của logic lịch sử, lôgic đời sống và lôgic nghệ thuật trong dung môi văn hoá Việt Nam đầy tính nhân bản, lưỡng hợp hỗn dung. Đó chính là mã số của sức mạnh Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam.

Sông Côn mùa lũ được sáng tác ở Việt Nam từ năm 1977 đến 1981, xuất bản lần đầu ở Hoa Kỳ năm 1990. Có lẽ cách nhìn nghệ thuật vừa táo bạo, trí tuệ, vừa sâu sắc và nhân bản của tác giả Nguyễn Mộng Giác - một cách nhìn tôn vinh văn hoá Việt Nam, gợi ra những vấn đề day dứt, nhức nhối về quan hệ quần chúng và lãnh tụ, cá nhân và lịch sử đã khiến cho bộ trường thiên tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ được độc giả trong nước đón nhận trân trọng và nồng nhiệt. Bài viết này không có tham vọng giới thiệu toàn diện bộ sách đồ sộ công phu này mà chỉ gợi ý một mã số, một lối vào tác phẩm để bạn đọc tham khảo và tự mình thẩm định.

  ĐỖ MINH TUẤN
Nguồn: VHNA


Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2019

NHÀ VĂN TRANG THẾ HY: MỘT LẦN GHÉ QUÁN BÊN ĐƯỜNG…

Bài thơ được phổ nhạc với tên Quán bên đường của anh sao mọi người vẫn tưởng là của Bình Nguyên Lộc? Bởi vì Bình Nguyên Lộc là người đăng bài đó lên báo mà! Báo Vui Sống, khoảng 1960 gì đó phải không? Không, 1959 chớ. Mỗi lần nghe hát bài này sao tôi đều thấy muốn khóc. Lạ thiệt…
Nhà văn Trang Thế Hy

Tôi vốn không ưa thuốc lá, không ưa cả người hút thuốc lá. Cũng bởi mình là thầy thuốc, lại làm việc trong chương trình phòng chống tác hại thuốc lá. Nhưng lần này tôi bỗng thấy mê một người hút thuốc lá. Mê thiệt. Thấy cái cách ông ngậm điếu thuốc chếch qua một bên khóe miệng, thấy cái cách ông khum khum đôi bàn tay ấp ủ ngọn lửa như một bông hoa tự dưng thấy lòng xao xuyến. Một người gần 90 tuổi, nghiện thuốc lá từ ngày còn trẻ, ngồi bên cạnh mình, nhẹ nhàng rút một điếu, nâng niu đưa lên miệng, rồi ân cần xoay xoay chiếc hộp quẹt trong tay chuẩn bị bật lửa… có cái gì đó như một nghi lễ tôn giáo, khiến tôi chỉ biết ngồi im, lặng ngắm, không dám hó hé. Tôi biết thứ thuốc lá ông hút chẳng phải nhẹ nhàng gì, nhưng người ta đặt tên dịu dàng với bao bì thanh mảnh dễ thương chẳng qua để người hút tưởng nó nhẹ, nó không nhiều chất độc vậy thôi. Người đàn ông đó, người đàn ông hút thuốc lá mê hoặc được tôi đó chính là nhà văn Trang Thế Hy, buổi trưa nắng gắt ngày 10.11.2009 tại nhà riêng của ông ở dưới chân cầu Rạch Miễu, Bến Tre mà tôi có dịp lần đầu đến thăm sau nhiều lần dự định mà không thành.

Bác sĩ Trần Đức Dũng người quen của gia đình ông đưa tôi đến, theo yêu cầu của tôi, không báo trước. Tôi vẫn nghe từ lâu ông là một nhà văn khó tánh. Nổi tiếng trên văn đàn từ những năm 50 của thế kỷ trước, được nhiều người ngưỡng mộ, đang sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông lặng lẽ từ biệt Sài Gòn phồn hoa đô hội, tự mình “đi chỗ khác chơi”. Nhà thơ Thanh Thảo thì dùng một câu ca dao Nam bộ để viết về ông: “Gió đưa gió đẩy, về rẫy ăn còng, về sông ăn cá, về đồng ăn cua…”. Còn nhà văn Nguyên Ngọc thì đã gọi ông một cách trân trọng: “người hiền của văn học Nam bộ”. Còn ông tự coi mình chỉ là “người tình thoáng chốc của văn chương”. Rời bỏ cuộc chơi, lánh về ẩn cư chốn quê nhà, “rửa tay gác kiếm”. Thế nhưng hình như người tình của ông thì chẳng bao giờ chịu rời bỏ ông cứ y như người tình của Tchekov ngày nào…

Tôi muốn được đến thăm ông như một độc giả mê văn ông từ thời Mỹ Thơ - tên một truyện ngắn của ông - trên báo Nhân Loại hơn nửa thế kỷ trước. Dĩ nhiên sau này ông còn có nhiều truyện ngắn hay hơn, sâu sắc hơn,  nhưng với tôi,  Mỹ Thơ vẫn mãi đọng lại với tiếng còi xe lửa xình xịch Sài Gòn - Mỹ Tho thời đó. Tôi cũng mê thơ ông, đặc biệt bài thơ có tựa là Đắng và Ngọt, đã được đổi thành Cuộc đời khi đăng báo mà sau này trở thành Quán bên đường, do Phạm Duy phổ nhạc. Từ lâu, mỗi lần nghe Quán bên đường tôi lại thấy rưng rưng, như muốn khóc. Cái người có một bài thơ làm mình muốn khóc đó bây giờ ra sao thôi thúc tôi tìm đến thăm ông. Thơ kể chuyện thôi mà, có tân hình thức có hậu hiện đại gì đâu, cớ sao mình mới nghe đã thuộc, đã nhớ, đã thổn thức, đã rưng rưng?

Bác sĩ Dũng hỏi tôi cần mua gì làm quà cho bác Tư không? Tôi bảo thôi. Không cần đâu. Không sao. Tôi giục. Dũng mượn cái nón bảo hiểm, vèo chở tôi đi ngược về phía chân cầu Rạch Miễu, và dừng lại ở một con hẻm nhỏ, bên cạnh một con rạch. Phía bên kia đường là khu dưỡng lão với những ngôi nhà ngói đỏ au. Bác Tư Trang Thế Hy đang sống với vợ chồng cô con gái trong một căn nhà nhỏ bé, thấp lè tè, yên ả giữa mảnh vườn xanh um, dừa chuối bưởi bòng. Đã mấy lần tôi định tìm thăm ông, một người bạn văn của cậu tôi, ông Nguiễn Ngu Í, thời Bách Khoa, để được nhìn ngắm ông, hỏi han sức khỏe ông và… nhờ ông giải thích cho vài chỗ còn lờ mờ trong bài thơ. “Khét nắng hôi trâu thèm đi học” thì tôi biết, nhưng “tóc bánh bèo” thì chịu. Trước kia tôi vẫn ngỡ bài thơ đó là của Bình Nguyên Lộc, có người còn nói của Khổng Nghi. Khi Phạm Duy phổ nhạc vẫn chỉ ghi tác giả là “khuyết danh” mà! Bây giờ biết tác giả là ông, tôi càng háo hức. Lạ, dù qua giọng ca Thái Thanh ngày xưa hay sau này Ý Lan, con gái Thái Thanh, cứ mỗi lần nghe hát, tôi lại thấy rưng rưng nhớ lại những ngày thơ ấu của mình. Câu chuyện kể trong bài thơ đó quá xúc động, không dừng ở câu chuyện riêng, mà ở một triết lý sống, một triết lý nghệ thuật với câu kết “Thì cứ hỏi cuộc đời” như mở toang một cánh cửa trống hoác…!

Dũng đưa tôi đến đúng lúc bữa cơm trưa của ông cùng với một người khách quen, Nguyên Tùng, Hội Nhà văn Bến Tre đến chơi. Dũng lí nhí giới thiệu bác sĩ Ngọc đến thăm bác Tư nè bác Tư. Ông kêu đem thêm chén đũa. Vẻ dè dặt. Tôi cười cười ngắm nghía ông. Thấy thương ghê. Ốm nhom ốm nhách trong bộ pijama lụa lùng nhùng đặc sệt Nam bộ. Tóc bạc lênh đênh chùi về phía sau, dồn cái trán rộng về phía trước, miệng móm mém, mũi cao, thẳng, mắt sâu và sắc như một thiền sư khổ hạnh. Tôi phân vân không biết nên gọi ông là chú hay là anh. Sau cùng tôi gọi ông bằng… anh vì nghĩ đã là một nhà văn như ông, hẳn nên được đối xử như một người không có tuổi, nhất là nhà văn này đối với tôi còn là một nhà thơ mà tôi hằng quý mến. Cho nên tôi gọi bằng anh. Gần gũi hơn, ấm áp hơn là chú, là bác, là ông, là cụ hay là… nhà văn! Tôi “thăm dò” bằng cách hỏi han ông: Anh có khỏe không? Hơi yếu hơn trước. Lúc này anh có bệnh gì không? Không. Chỉ bị phổi tắc nghẽn mãn tính thôi. Chắc tại anh hút thuốc lá hơi nhiều? Phải, nhưng nay đã bớt hút rồi. Bây giờ chỉ hút khi có khách. Tôi được biết năm ngoái ông đã từng phải vào cấp cứu ở bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) vì khó thở, rồi phải điều trị theo chương trình COPD mất tám tháng. Trong khi tim mạch vẫn rất tốt. Huyết áp ổn định. Ông lại với tay lấy gói thuốc, rút một điếu nữa, bật quẹt. Anh ốm quá, được bốn chục ký không? Bốn chục ký non. Hôm trước 40, nay còn 39 thôi. Vẫn lạnh nhạt, dè dặt.

Trên bàn là những món ăn tốt cho người già, tôi quan sát. Cơm trắng cá kho, canh rau, trái cây, rồi nào bưởi nào chuối luộc… Và một ly rượu nhỏ. Chắc có Nguyên Tùng đến nên Tùng một ly, ông một ly. Ông kêu Tùng rót thêm hai ly nhỏ nữa cho tôi và Dũng. Thấy Dũng hớp vội xong nhỏm dậy lo chạy việc riêng, tôi nhờ anh bấm cho vài tấm hình kỷ niệm. Ông để yên cho chụp không nói gì. Tôi bấm thêm mấy tấm cận ảnh lúc ông ngậm điếu thuốc, với cái dáng điệu nghệ mà tôi mê. Bỗng ông lên tiếng: Này, người ta nói “tốt khoe xấu che”, hiểu không? Tốt khoe xấu che. Chụp hình tôi thì chụp nhưng đừng có đăng báo đó nghe! Tôi cười cười trong bụng nghĩ đúng là ông già khó tánh. Tôi nói, già có cái đẹp của già chớ anh Tư! Mà quả thật, tôi thấy ông đẹp. Và khỏe nữa. Tai thính này. Mắt tinh này. Ông cho biết mới mổ cườm, vẫn đọc sách báo tốt. Và đặc biệt, trí nhớ tuyệt vời!

Rồi tôi lảng sang chuyện khác: Bài thơ được phổ nhạc với tên Quán bên đường của anh sao mọi người vẫn tưởng là của Bình Nguyên Lộc? Bởi vì Bình Nguyên Lộc là người đăng bài đó lên báo mà! Báo Vui Sống, khoảng 1960 gì đó phải không? Không, 1959 chớ. Mỗi lần nghe hát bài này sao tôi đều thấy muốn khóc. Lạ thiệt. Tôi nói. “Khét nắng hôi trâu thèm đi học…”, rồi  “khoai sùng lượm mót…”. À, mà “tóc bánh bèo” là tóc làm sao anh Tư? Có phải ba vá không? Không, không phải ba vá. Tóc bánh bèo, này Tùng - ông bỗng gọi - Tùng biết tóc bánh bèo không? Tùng nói: Dạ có phải cạo trọc, để lại một chùm đằng sau ót, tròn tròn… Ông cầm cái chén lên, vo vo theo miệng chén bảo đúng rồi, cạo trọc, để lại một miếng tròn như vầy, nhưng ở giữa phải có một chùm tóc như cái nhưn bánh bèo vậy! Thì ra thế. Cả tôi cả Tùng đều không biết.

Nhìn đồng hồ, thấy sắp đến giờ hẹn với Dũng, tôi bèn mở túi xách lấy mấy cuốn sách mang theo từ Sài Gòn xuống tặng ông. Đó là Già ơi… chào bạn!, Những người trẻ lạ lùng  Thư gởi người bận rộn. Xin gởi tặng anh Tư vài cuốn sách đọc cho vui, tôi nói. Ông nhìn tên tác giả trên bìa sách rồi ngạc nhiên: Ủa, Đỗ Hồng Ngọc hả? Tôi có đọc Đỗ Hồng Ngọc. Tôi thích cái style của Đỗ Hồng Ngọc đó! Ông lật lật, cười tươi, cởi mở, nồng nhiệt, thân thiện. Bỗng ông đứng lên, vui vẻ kêu: Ngọc ơi, đi qua đây, đi qua đây nghe bài hát Quán bên đường này. Tùng nữa. Qua đây. Một người bên Đức gởi tặng tôi đĩa này do Thái Thanh và Quỳnh Giao ca đó. Ông kéo tôi và Tùng qua phòng bên. Một phòng nhỏ, rất riêng, rất bề bộn của một nhà văn… Nào phin lọc cà-phê, tách trà, bình thủy… nào sách báo ngổn ngang các thứ. Rồi ghế xích đu, rồi võng… Ông chỉ chiếc ghế salon nhỏ cạnh bàn nước, kêu tôi ngồi, chỉ Tùng chiếc võng. Ông bật máy cassette rồi ngồi xuống chiếc ghế xích đu cạnh đó. Giọng Thái Thanh lảnh lót. Ngày xưa ngày xửa ngày xưa…  Rồi giọng Quỳnh Giao… Tôi lắng từng lời từng lời, lòng vẫn thấy rưng rưng… Thấy tôi gật gù, ông bỗng nở nụ cười: “Bẹo”, “chữ bẹo”… Ông nằm bật ngữa sảng khoái trên ghế xích đu, ngón chân nhịp nhịp theo bài hát, mắt lim dim. Nghe xong, tôi nói: Bài này còn có bản do Ý Lan ca rất hay nữa anh Tư à. Ý Lan là con gái Thái Thanh đó. Tôi chưa có bản đó, ông nói, hôm trước Phạm Duy xuống thăm cũng nói vậy. Ông lại hỏi: Quỳnh Giao con Dương Thiệu Tước phải không? Dạ phải. Thái Thanh hát technique nhiều, Quỳnh Giao hát có lòng hơn. Lúc phổ nhạc, người ta đã thêm bớt nhiều quá! Nhưng đành vậy thôi. Ông nói.

Rồi kéo tôi và Nguyên Tùng trở lại bàn ăn. Một Trang Thế Hy khác: Sôi nổi, hoạt bát, sắc sảo, dí dỏm… Chúng tôi nói về những người Việt trẻ tài năng. Ông nhắc Lê Bá Hùng, một thanh niên gốc Việt, hạm trưởng một tàu hải quân Mỹ USS Lassen vừa cặp cảng Đà Nẵng. Tôi nhắc một người gốc Việt khác, Philipp Roesler 36 tuổi là Bộ trưởng Y tế Đức. Tùng nhắc nhà văn Nam Lê ở Úc với The Boat. Chúng tôi lại nói đến giải Nobel, rồi đến Cao Hành Kiện. Có đọc bài diễn văn nhận giải Nobel của Cao Hành Kiện không? Ông hỏi rồi nhắc luôn những ý chính của bài diễn văn đó, đại khái nhà văn cần phải đứng cao hơn những ràng buộc và cám dỗ để đạt được tự do và độc lập trong tư tưởng… Im lặng một lúc, ông nói: Hôm trước có cô nhà văn gì đó hỏi tôi tại sao không ưa… mà thích Lỗ Tấn? Tôi không trả lời, nhưng hôm nay nói cho Đỗ Hồng Ngọc nghe nha: Tôi thích Lỗ Tấn vì… Ông đột ngột hỏi tôi: Có đọc Nhật ký người điên của Lỗ Tấn do Phan Khôi dịch rồi phải không? Tôi gật. Ông đọc thuộc lòng ngay một đoạn, đoạn kết của truyện ngắn Nhật ký người điên đó. Thấy chưa, Lỗ Tấn là như vậy đó… Ông đâu có quốc tịch. Ông là nhân loại. Là con người… “Hãy cứu lấy trẻ con vì nhiều em chưa kịp ăn thịt người!”.  Nhà văn trong bối cảnh nào cũng có cách riêng của nó. Nếu nó hòa hợp được thì nó đã hòa hợp, còn không, nó có cách riêng…

Khi biết tôi là cháu gọi Nguiễn Ngu Í bằng cậu, ông hỏi Ngu Í còn sống không? Đã mất từ 1979 sau những cơn điên nặng. Hồi trước Nguiễn Ngu Í có phỏng vấn anh mà, loạt bài trên báo Bách Khoa đó. Tôi nhắc. Đúng. Nguiễn Ngu Í phỏng vấn tôi lúc nào cũng viết Trang Thế Hi, với chữ I cụt! Lại móm mém cười. Rồi ông hỏi thăm tôi về bác sĩ Lương Phán, một người bạn thân của ông. Rồi cùng nhắc bác sĩ Trần Hữu Nghiệp. Tôi nói anh Chín Nghiệp quê ở Mỹ Tho? Không, Ba Tri, Bến Tre chớ!  Rồi cùng nhắc đến Trần Hữu Dũng và nhiều nhân vật khác…

Thấy đã quá trưa, nên rút để ông nghỉ. Dũng vẫn chưa trở lại. Tùng tình nguyện đưa tôi về để kịp giờ hội thảo buổi chiều. Ông đặt bàn tay trên mấy cuốn sách tôi tặng xoa xoa và nói đến thăm nhà văn mà nhà văn không có gì để tặng lại… Tôi cười “Già ơi… chào bạn!” là … Bonjour vieillesse đó anh, cũng như… Bonjour tristesse vậy mà! Ừ, Sagan, một cô bé mới mười mấy tuổi đầu mà đã viết Bonjour Tristesse… Ngay trong câu mở đầu cô đã viết… Rồi ông đọc vanh vách nguyên một đoạn mở đầu đó của F. Sagan cho tôi nghe. Tùng đã nổ máy xe đợi ngoài cổng. Ông lững thững theo tôi ra. Tôi bỗng muốn ôm chặt lấy ông một cái nhưng không dám, chỉ nắm cánh tay ông siết nhẹ:

- Thưa Thầy, em về!

Ông cười mắt nheo lại thật tươi.

ĐỖ HỒNG NGỌC
Nguồn: Văn Nghệ, 43/2014


Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2019

VIẾT NHIỀU VÀ VIẾT ÍT

Trong thế giới sáng tác, dễ nhận thấy rằng có những người viết rất nhiều và có những người viết rất ít. Những trường hợp viết nhiều ở Việt Nam có thể kể đến như Lê Văn Trương với hàng trăm cuốn tiểu thuyết và viết ít như Juan Rulfo, một nhà văn lừng danh người Mêxicô chỉ có một cuốn tiểu thuyết rất mỏng và vài truyện ngắn.

Tôi dẫn ra ví dụ trái ngược điển hình này để so sánh. Dù viết rất ít nhưng Juan Rulfo vẫn được coi là một trong những người khai sáng vĩ đại nhất của văn học Mỹ La Tinh. Nhiều người vĩ đại khác đã ngả mũ  trước ông, ví như García Márquez đã từng ao ước rằng nếu viết được một cuốn như của Juan Rulfo thì ông sẵn sàng bỏ bút. Và cuốn tiểu thuyết mỏng mảnh nhưng vô cùng độc đáo của Juan Rulfo là "Pedro Páramo" đã được tái bản gần đây ở Việt Nam với bản dịch của Nguyễn Trung Đức và được sự hoan nghênh nhiệt liệt của giới đọc sách tinh hoa.

Còn Lê Văn Trương, một tiểu thuyết gia Việt Nam thời tiền chiến, ông đã viết hàng trăm tiểu thuyết nhưng bây giờ liệu có mấy ai nhớ được một cuốn tiểu thuyết của ông? Thậm chí nhà thơ Nguyễn Vỹ, bạn tâm giao của Lê Văn Trương khi nghe bạn mình than thở về đời văn thì Nguyễn Vỹ đã bảo ông hãy chọn một cuốn xuất sắc nhất của mình để Nguyễn Vỹ phê bình, giới thiệu cho  thật hoành tráng thì chính Lê Văn Trương đã ngán ngẩm bảo rằng: "Cả trăm cuốn của tao viết đều hay nhưng làm gì có cuốn nào hay nhất để chọn!".
Nhà văn Lê Văn Trương

Câu nói của Lê Văn Trương đương nhiên là một lời nói đùa. Lời nói đùa cay đắng nhưng có sự thật trong đó. Cả trăm tiểu thuyết của Lê Văn Trương viết đều hay thì thứ hay là cái gì mà chính tác giả cũng không nhớ nổi! Câu chuyện về Lê Văn Trương chứa đựng ít nhiều ý nghĩa và những bài học về sự viết. Tất nhiên ngày nay nhắc đến Lê Văn Trương, người ta thường chỉ nhớ đến một tác giả có sức viết "khủng" mà thôi.

Cho nên khi tôi nghe thấy một người khác khoe rằng số tác phẩm của anh ta đã xếp cao bằng đầu mình, tôi chỉ cười. Lại có một Lê Văn Trương thứ hai nữa chăng! Với những người như thế, ta chỉ coi tác giả là anh lực điền chăm chỉ cày cuốc trên cánh đồng chữ nghĩa.

Tôi rất nhớ câu nói của M. Cervantes, người được coi là người khai sinh của tiểu thuyết hiện đại châu Âu, tác giả của bộ tiểu thuyết "Don Quijote xứ Mancha" lừng danh. Cervantes đại ý nói rằng, dẫu có hay đến mấy mà viết nhiều quá cũng thành nhàm và nếu viết ít, thì dù không xuất sắc vẫn có thể tìm được một cái gì đó có giá trị.

Thế nhưng cái thời của chúng ta đã cách Cervantes mấy trăm năm thì  nghề văn đã khác xưa nhiều lắm. Ngày xưa văn chương có lẽ chưa trở thành nghề kiếm sống như bây giờ, nó là một thú vui nhiều hơn, nhất là đối với các nhà văn thuộc các nước Á Đông, văn chương ít khi trở thành thứ hàng hóa mang lợi ích vật chất nuôi sống người viết, nó đơn giản là thú vui của các bậc tao nhân, mặc khách. Ngày nay, có rất nhiều nhà văn chuyên nghiệp, họ viết văn để kiếm sống.

Tiền tác quyền, tiền nhuận bút là khoản chính để nuôi sống bản thân và gia đình. Nếu như nhà văn viết ít quá thì lấy gì để mưu sinh. Điều này thấy rất  rõ qua những thế hệ nhà văn tiền chiến người Việt như Vũ Trọng Phụng, Vũ Bằng, Hồ Biểu Chánh... đã từng viết như điên để sống. Kể cả trường hợp như Lê Văn Trương kể trên cũng vậy, ông viết nhiều cũng một phần vì sự mưu sinh của mình.

Một sự thực cay đắng với nhiều người là nếu không viết văn thì nhà văn  làm gì? Rất ít người có thể làm nghề khác như công chức, buôn bán, viết báo... hoặc một công việc khả dĩ để sống. Và điều đáng nói nhất nếu không viết, anh ta sẽ có một khoảng thời gian dài dằng dặc nhàm chán. Đa số nhà văn mắc bệnh cuồng viết, nếu không viết, anh ta không thể chịu đựng nổi và ngoài mưu cầu cuộc sống thì ai cũng mong tác phẩm sau của mình sẽ hay hơn tác phẩm trước và cứ thế tiếp tục sản sinh dù đôi khi ước mơ không đi liền với kết quả.

Nhưng viết ít thì tác phẩm sẽ hay chăng? Không có gì đảm bảo cho điều đó. Một nhà văn đương đại có tiếng một lần nói với tôi: Nhà văn thì phải có sự nghiệp. Sự nghiệp là gì? Sự nghiệp là một lượng tác phẩm tương đối để có thể đánh giá tầm vóc của anh ta. Cả đời chỉ viết vài tác phẩm thì có thể coi là có sự nghiệp không?

Anh quan niệm như thế và là một người viết sung sức, tác phẩm của anh khá đa dạng, cả thơ, tiểu thuyết và may mắn thay thể loại nào của anh cũng được đánh giá tốt. Tất nhiên, nếu ta lật lại vấn đề thì những người viết ít như Juan Rulfo, J. Borges, Emily Bronte… thì không thể coi họ không có sự nghiệp được. Đơn giản sự ít ỏi của họ là những kiệt tác.

Một câu hỏi đặt ra, tại sao một số người viết rất ít. Một trường hợp lừng danh như tôi đã dẫn ở trên, Juan Rulfo, tác giả được coi là một trong những ngôi sao sáng nhất của văn học Mỹ La Tinh. Juan Rulfo viết ít vì ông còn bận làm nhiều nghề khác.

Một người cũng viết ít nữa là J. Borges, cũng là một trong những khuôn mặt tiêu biểu của Mỹ La Tinh nhưng chỉ có vài cuốn mỏng manh. Còn nhiều ví dụ nữa ở những nhà văn "nhất bản vạn lợi", họ chỉ viết một đôi cuốn, ví dụ như J.D. Salinger có "Bắt trẻ đồng xanh", Margaret Mitchell có "Cuốn theo chiều gió", Harper Lee có "Giết con chim nhại", "Hãy đi đặt người canh gác" và ở Việt Nam có thể kể đến Bảo Ninh với "Nỗi buồn chiến tranh" là cuốn tiểu thuyết duy nhất của ông đến bây giờ.

Tôi nghĩ, một trong những nguyên nhân đầu tiên của sự viết ít là những nhà văn kể trên tôn thờ sự toàn mĩ. Những người viết ít thường là những người cầu kì, tỉ mỉ về câu chữ. Cứ đọc văn của J. Rulfo, J. Borges, G. Flaubert hay Nguyễn Tuân mà xem. Mỗi từ, mỗi câu là sự trau chuốt rất kĩ càng, cẩn trọng. Và khi nhà văn mất nhiều thời gian cho từng con chữ của mình, làm sao anh ta viết nhanh và nhiều được.
Nhà văn lừng danh Juan-rulfo của Mexico được xem là người viết ít tác phẩm nhất.

Một nguyên nhân khác nữa mà tôi cho rằng rất quan trọng. Đó là tác phẩm đầu tay của nhà văn tạo ra một áp lực quá lớn cho những lần tiếp theo. Sau sự thành công của "Cuốn theo chiều gió", Margaret Mitchell đã cảm thấy khó chịu với sự nổi tiếng và quyết định không viết tiếp. "Giết con chim nhại" cũng chẳng phải là sự thành công đầu tay quá lớn của Harper Lee đó sao, và đến tận gần đây, trước lúc mất, sau mấy chục năm xuất bản tác phẩm đầu tiên, Harper Lee mới đồng ý cho công bố cuốn tiểu thuyết thứ hai của mình: "Hãy đi đặt người canh gác".

Và Bảo Ninh, nhà văn được đánh giá rất cao với "Nỗi buồn chiến tranh", tại sao không viết tiếp tiểu thuyết? "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh được viết ra khi ông còn rất trẻ, chưa đến bốn mươi tuổi và đó là quãng thời gian sung sức của đời người. Tôi không tin rằng Bảo Ninh cạn kiệt sức sáng tạo hoặc không viết được tiếp. Đã vài lần nhà văn úp mở về cuốn tiểu thuyết tiếp theo nhưng giờ vẫn chưa thấy nó đâu. Tôi tin rằng chính áp lực và thành công quá lớn của cuốn tiểu thuyết đầu tay đã ngăn cản ý định cho ra đời một cuốn tiểu thuyết thứ hai. Ông sợ nó không vượt qua được tác phẩm đầu tiên và làm người đọc thất vọng? Dù thế, Bảo Ninh vẫn tiếp tục viết truyện ngắn và các thể loại khác nhưng rõ ràng không phải là tiểu thuyết thì nhà văn sẽ ít bị áp lực hơn.

Có ý kiến cho rằng nếu viết quá nhiều thì những tác phẩm của anh ta sẽ không mấy được chú ý. Ý kiến này có một phần đúng vì nếu như một tác giả có hàng trăm cuốn tiểu thuyết, người đọc sẽ đứng trước một sự lựa chọn khó khăn. Và đôi khi sự quá năng suất, nhất là trong sáng tạo nghệ thuật sẽ khiến người ta nghi ngờ. Ví dụ một nhà văn viết được 12 cuốn tiểu thuyết trong một năm thì sẽ có một dấu hỏi lớn cho chất lượng của tác phẩm. Nghệ thuật mà lại dễ dàng và nhanh chóng thế ư!

Nhưng tất nhiên, viết nhanh và viết nhiều vẫn có lúc sản sinh ra những kiệt tác. Ta từng có "Số đỏ" của Vũ Trọng Phụng được viết rất nhanh đó sao, nhà văn viết dài kì đăng báo thì không thể viết chậm được vì áp lực ra báo. Trường hợp tương tự giống với tiểu thuyết "Anna Karenina" của Lev Tolstoi đăng dài kì trên tạp chí trước khi in thành sách.

Tiểu thuyết "Báu vật của đời" của Mạc Ngôn, một cuốn dày khự mà nhà văn cũng chỉ viết trong vài tháng, chẳng phải là ví dụ điển hình đó sao. Có những người viết nhiều mà tác phẩm vẫn được đánh giá cao, ví dụ như F. Dostoevsky, Stefan Zweig, Mạc Ngôn, H.Murakami… hay ở Việt Nam là Tô Hoài, Ma Văn Kháng… Tất nhiên, trong số trước tác của những nhà văn lực lưỡng này không phải tác phẩm nào của họ cũng toàn bích.

Như vậy một nhà văn nên viết nhiều hay viết ít? Câu trả lời này tuỳ thuộc vào hoàn cảnh, công việc, tài năng cũng như cảm hứng sáng tạo của mỗi người. Viết nhiều mà hay thì quá tốt nhưng nếu viết ít nhưng xuất sắc thì càng đáng quý. Nhưng theo ý kiến cá nhân của tôi, nghệ thuật là sự tinh tuý, sự chưng cất của tâm hồn, nghệ thuật cốt không cần nhiều mà cần hay và độc đáo. Cho nên nếu như có thể lựa chọn một cách cho riêng mình, tôi muốn chọn sự ít mà tinh tuý.

Nhưng có phải bao giờ mong ước cũng giống như hiện thực, và có phải bao giờ ta cũng chống lại được hoàn cảnh và vượt qua được giới hạn của mình. Viết văn hay bất cứ nghề nào cũng thế thôi, người làm nghề thì nhiều nhưng những bậc thầy và các kiệt tác thì bao giờ cũng ít, rất ít!

UÔNG TRIỀU
Nguồn: VNCA





Thứ Tư, 15 tháng 5, 2019

BƯỚC GIÓ TRUYỀN KỲ - BƯỚC CHÂN MỞ CÕI

Nhà thơ Phan Hoàng khởi đầu viết trường ca Bước gió truyền kỳ(*) từ 15 năm trước, anh trích một số đoạn tham dự cuộc thi thơ của tạp chí Văn nghệ Quân đội 2003 - 2004 và đoạt giải thưởng. Từ bấy đến nay anh tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung đến đầu năm 2016 mới xuất bản, đủ thấy anh rất cẩn trọng trong lao động thơ.
Nhà thơ Phan Hoàng với trường ca Bước gió truyền kỳ 
được UBND TPHCM trao Giải thưởng VHNT 5 năm lần II

Cảm hứng mở cõi giữ biên cương xuyên suốt từ đầu đến cuối tác phẩm. Phàm là con dân đất Việt dù chính kiến khác nhau nhưng mỗi lần nhắc đến công cuộc mở cõi giữ biên cương thì cảm hứng ấy luôn cháy bỏng và thiêng liêng; trường ca của Phan Hoàng nhập vào tâm thế ấy, đó là lợi thế đầu tiên.

Trên tấm lưng cong của dải đất hình chữ S, mỗi dốc đèo, mỗi bờ vịnh, mỏm đá, ngọn cỏ, gốc cây… đều ghi dấu máu xương mở cõi; chia ly và đoàn tụ; tang thương và lẫm liệt… Phan Hoàng được sinh ra trên vùng đất như thế, vùng đất có tên là Tuy Hòa, Phú Yên. Mới nhắc đến mấy chữ ấy lòng đã thấy rưng rưng bởi đó là khát vọng cháy bỏng của bao thế hệ tiền nhân. Nhìn lại quá khứ chưa xa, vùng đất này đã mấy khi được Hòa bình mà có “Phú” có “Yên”? Trông vào đâu anh cũng thấy âm vang quá khứ hiện về:

lồng lộng Đá Bia
oai linh tinh hoa trời đất
hào hiệp sông Ba
thiêng liêng dòng sữa sinh thành.

Những địa danh rất ấn tượng, đó là hiện hữu hiện tại, nhưng nhiều nhất là những hình nhân lạ lùng:

Đêm đêm bỗng nghe rừng xanh thành cổ
bước ai trong gió lặng trôi bềnh bồng…

Người lên đầu non, người xuôi cuối bể
xác hoá mây bay, hồn về đất mẹ…

Trên đất nước ta có lẽ không nơi nào có nhiều gió bão như tấm lưng cong của dải đất miền Trung, “Ơi cái gió Tuy Hòa/ Gió chuyên cần và phóng túng” (Trần Mai Ninh), Phan Hoàng đặt ra những câu hỏi với sinh thể gió:

Bay đường nào con người bớt khổ đau?
Bay đường nào con người bớt nghèo đói?
Bay đường nào con người bớt phản trắc?
Bay đường nào con người tin được nhau?

Trong trường ca này, điểm xuyết đó đây, Phan Hoàng vẫn nêu ra những vấn đề bức xúc về nhân tình thế thái để ta cùng suy ngẫm. Và câu trả lời:

Bay đến vùng trời thi ca âm nhạc đang cứu rỗi những nòng súng

Rất bất ngờ với ý nghĩa nhân văn. Trường ca với chủ đề mở cõi giữ biên cương nhưng rất hiếm thấy cảnh trận mạc voi gầm ngựa hí, chiêng trống thúc quân, đầu rơi máu chảy mà từng câu thơ đều thể hiện: vừa hào sảng sử thi vừa chia sẻ nỗi niềm.

Gió hóa thân các chàng trai vạm vỡ lưu dân
gánh trên vai ánh mắt kỳ vọng của người già
giấu kín trong tim mùi hương vợ trẻ tiếng khóc con thơ

Tả chân dung những người đi chinh chiến, tác giả không tả hành trang của họ gồm súng hỏa mai hay gươm giáo khiên mộc mà là tình thương nỗi nhớ. Chính hành trang vô hình này mới là cái gốc của ý chí kiên cường mạnh hơn nhiều lần súng gươm.
Trường ca Bước gió truyền kỳ của nhà thơ Phan Hoàng

Hào sảng sử thi và chia sẻ nỗi niềm, hai yếu tố này đan xen nhau suốt chiều dài của trường ca. Từng đọc nhiều bản trường ca chung đề tài này, tôi thấy phần lớn tác giả hay say mê tập trung vào yếu tố thứ nhất. Ở Bước gió truyền kỳ, Phan Hoàng có ý thức làm khác đi. Đây là nét mới của trường ca, độc giả dễ dàng tiếp nhận và ghi nhận sự đóng góp của anh.

Gió vẫn miệt mài cõng hương qua núi đồi một thời trận mạc
gió nói gì với những chiếc bóng lang thang chưa yên nghỉ mộ phần?

Trường ca không dẫn dắt theo lộ trình mở cõi mà từng bước hiển hiện thấp thoáng trong ý tứ câu thơ. Ta biết dấu chân mở cõi tới đâu, thời gian địa điểm nào rồi và cuộc hội ngộ giữa người dân bản địa và người viễn xứ mới đến sinh động và tình cảm làm sao. Âu đó cũng là cái duyên tiền định để hình thành cộng đồng dân cư trên hình hài chữ S. Và trên vùng đất hoang sơ ấy bắt đầu hình thành những dấu ấn văn hóa:

tạc nên tượng đài nhân hậu và quả cảm
tạc nên tượng đài phồn thực và hào phóng

Nhưng cuộc sống đâu đã yên định mà còn biết bao công cuộc bình định khác:

Cảm thương cô bé lọ lem
Bơi trong gió chướng giặc đêm cướp ngày

Gợi cảm thương mà hiển hiện nỗi gian truân của lịch sử, mới đọc qua tưởng dễ nhưng có lẽ tác giả phải chọn lựa và lao động nghệ thuật không hề đơn giản. Rõ hơn về việc giữ vững biên cương:

Biên giới bất thường chuyển núi động rừng
Bao linh hồn trẻ hóa gió hiên ngang

Là hiện tại nhưng vẫn không thiếu hình bóng quá khứ, linh hồn những người lính trẻ vẫn hiện về trên phòng tuyến giữ nước. Một đặc điểm nữa của thơ Phan Hoàng, là anh hay sử dụng bút pháp điểm xuyết chấm phá:

Núi thức mùi hương dặm xưa trinh nữ
Núi dậy hơi men chiến tướng khóc quân.

Đến chi tiết cảm động của người lính chiến:

Vội vội vàng vàng tiếng thở đêm tân hôn

Và những người ở hậu phương:

Bao bà mẹ tim ngừng đập vẫn mở mắt đợi con
Bao người vợ úp mặt chờ chồng lửa lòng đông cứng.

Nghệ thuật điểm xuyết chấm phá trong hội họa thường chỉ gợi mà ít tả thực, thơ cũng vậy, nó tạo những khoảng trống để người thưởng ngoạn liên tưởng và như thế không gian thời gian nghệ thuật mở rộng mênh mang. Nói thiếu mà nói được nhiều hơn là nói đủ. Nhưng khi cần thiết, Phan Hoàng lại rất cụ thể, có thể nói trong trường hợp sau đây thì ít ai cụ thể được như anh:

Chống chọi mười bốn cuộc ngoại xâm

Chắc là anh phải mở Lịch sử Việt Nam lật từng trang và thống kê chi tiết, chính xác mới có con số cụ thể ấy. Ôi trên trái đất này chắc không có nơi nào chịu nhiều cuộc ngoại xâm như nước ta. Một cách làm nghệ thuật tâm huyết và trách nhiệm. Ở chương cuối: “Những cơn vượt thoát sinh tồn vĩ đại”, mở đầu:

Đất nước bước đi bằng mọi con đường
Dân tộc lớn lên từ bao thảm kịch

Là một đúc kết sắc bén và cảm động thể hiện cảm xúc và suy nghĩ của người viết rất chân thành và tâm huyết.

Bước gió truyền kỳ, trường ca gồm 3 chương chính và 2 chương phụ: mở đầu và vĩ thanh, độ dài vừa phải nhưng mỗi ý tưởng, câu chữ hình ảnh, hình tượng… đều được anh nghiền ngẫm thấu đáo, lao động nghệ thuật công phu.

Lại nhớ tập thơ của Phan Hoàng xuất bản 4 năm trước có tên Chất vấn thói quen (được Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh), càng thấy rõ sự nhất quán trong quan điểm nghệ thuật của anh: dứt bỏ thói quen cũ, đổi mới thi pháp thơ. Là trường ca ôm trùm vấn đề rộng lớn nhưng anh không sa đà vào kể và tả mà coi trọng nghĩ và cảm; mỗi phần hay toàn cục, anh không kết thúc đóng mà kết thúc mở. Đó là những yếu tố chủ yếu của thi pháp mới. Phan Hoàng bắt nhịp với sự chuyển đổi ấy một cách thanh thoát và hiệu quả.

Trường ca thường có nhân vật, nhưng Bước gió truyền kỳ, Phan Hoàng không mượn một, hai nhân vật lịch sử cụ thể nào mà anh lấy sinh thể gió, vừa hiện hữu vừa mơ hồ; vừa hiu hiu vừa bão táp; vừa quá khứ vừa hiện tại làm “nhân vật” chính là một sáng tạo độc đáo, mới mẻ.

_____________
(*) Trường ca Bước gió truyền kỳ của Phan Hoàng, NXB Hội Nhà văn 2016.

NGUYỄN VŨ TIỀM
Nguồn: Báo ĐNCT 3.2016


CÕI NHÂN SINH TRONG TRUYỆN NGẮN LÊ VĂN THẢO THỜI KỲ ĐỔI MỚI

Truyện ngắn Lê Văn Thảo viết từ sau thời kỳ đổi mới đã thấm đẫm tinh thần nhân văn sâu sắc ấy. Vì thế, nó neo lại trong lòng người đọc và thức nhận cho họ về sự chia sẻ và cảm thông với thân phận con người chứ không chỉ đơn thuần ở những giải thưởng mà anh đạt được…
Nhà văn Lê Văn Thảo

1. Không phải ngẫu nhiên trong tuyển tập truyện ngắn được in cùng với tiểu thuyết Con đường xuyên rừng khi Lê Văn Thảo được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, anh lại chọn tác phẩm Lên núi thả mây để mở đầu cho tuyển tập truyện ngắn của mình. Bởi theo tôi, truyện ngắn này như một tuyên ngôn sống và cũng là một tuyên ngôn nghệ thuật của anh trước những vấn đề của thế sự nhân sinh. Nó là một điểm tựa, từ đó mở ra cái nhìn của anh về cuộc đời, về lẽ sống trong cõi nhân gian mà nếu không có sự nghiêm sinh và một tư tưởng nhân bản ắt hẳn không thể viết được một truyện ngắn sâu sắc và giàu chất triết mỹ đến thế, như lời một nhân vật trong truyện đã  đã chia sẻ : “Cuộc sống lặng lẽ có từ lâu, trôi đi hoặc không hề trôi đi, từ bao đời cha mẹ, ông bà chưa một lần lên đỉnh núi, cũng không có ý định lên, đỉnh núi sát bên nhưng xa vời như một ảo ảnh” (Lên núi thả mây tr.138)
  
Nhưng ảo ảnh sao được!? khi những con người trong truyện đã quyết tâm vượt qua bao khó khăn gian khổ và những nguy nan có thể ảnh hưởng tới mạng sống của mình chỉ để thực hiện một điều tưởng chừng như “ngớ ngẫn”  là “lên núi thả mây” và xem việc ấy như một lẽ sống, trong khi ở chốn nhân gian đầy bụi bặm này biết bao kẻ bon chen, giẫm đạp nhau, kiếm tiền, kiếm chức, kiếm lợi quyền để được vinh thân phì da. Bởi, trong suy nghĩ của Năm Tính - nhân vật trong truyện “Đâu phải làm việc gì cũng để kiếm tiền?” (tr.146) Vì thấm nhuần cái lẽ sống giản dị nhưng không giản đơn này nên Năm Tính đã khuyên những đứa con của mình như một lời chia sẻ với thế hệ sau: “Thôi chuyện lâu rồi, hết thời của ba rồi. Giờ tới hai con. Hai con còn nhỏ cứ bắt đom đóm chơi, giỡn với con chó. Nhưng lớn lên rồi phải làm một chuyện gì. Như một lần phải lên đỉnh núi... Nhớ không?” (Lên núi thả mây tr.146). Có thể nói, lời nhắn gởi này là một thông điệp đầy tính hàm ngôn mà nhà văn muốn chuyển tải đến người tiếp nhận. Truyện ngắn Lê Văn Thảo, vì thế, bao giờ cũng thấm đậm vị nhân sinh và đây cũng là cánh cửa mở ra cho người đọc soi chiếu vào cái cõi nhân sinh trong vũ trụ văn chương của anh: Đó là cái cõi nhân sinh với bao số phận con người mà anh đã gặp, đã sống, đã sẽ chia không chỉ trong những ngày tháng chiến tranh mà cả thời hậu chiến.
                                                                     
2. Cũng như các tác phẩm văn học thời kỳ đổi mới, truyện ngắn Lê Văn Thảo đã có sự thay đổi hệ hình trong tư duy sáng tạo mà rõ nhất là cái nhìn về hiện thực cuộc sống. Từ những tác phẩm văn học đậm chất sử thi cách mạng thời chiến tranh, ngòi bút của anh đã đi vào những vấn đề của cuộc sống đời thường mà ở đó con người luôn đứng trước những “cơn bão” của  áo cơm và sự tha hóa nhân cách nếu không biết vượt lên những dục vọng thấp hèn đang ẩn nấu trong chính bản thể mình. Cõi nhân sinh trong truyện ngắn của Lê Văn Thảo thời kỳ đổi mới vì thế, cũng là “cõi người ta” mà ở đó luôn  bày ra trước nhân gian những buồn vui và đau khổ, những cay đắng và vinh quang, những được mất, thăng trầm... trong cuộc đời với những con người “không muốn mình “thua” trong bất cứ chuyện gì, đứng sau một chút cũng không được” (Chuyến bay Kinh hoàng tr.147) nên họ sẵn sàng dẫm đạp lên nhau để sống, để hiển vinh và lúc đó mọi nghĩa tình trong cuộc đời chỉ là những thứ phấn son xa xỉ. Chính vì vậy, trong tâm thức hiện sinh của Lê Văn Thảo anh đã ước mơ làm sao sống được như “thời hồng hoang, con người muông thú sống giao hòa” (Kể chuyện nghe chơi, tr.158). Nhưng mơ ước cũng chỉ là mơ ước vì nền văn minh công nghiệp đã đẩy con người đi quá xa với cái thuở hồng hoang của mình. Bao nhiêu tham vọng lợi quyền đang làm tha hóa nhân cách và tâm hồn con người, đang có nguy cơ đẩy còn người vào một cái thưở hồng hoang khác mà ở đó lòng yêu thương cứ cạn dần còn thù hận thì chất chồng lên mãi, bởi đâu đó những cuộc khủng bố vẫn cứ xảy ra, những cơn bão lũ, động đất đang đẩy bao số phận con người vào cảnh bần hàn chỉ vì con người đang từng ngày tàn phá môi trường sinh thái không chỉ trong tự nhiên mà còn trong chính tâm hồn của mình. Truyện ngắn Anh Cà - kheo qua làng vì thế, là một diễn ngôn về khát vọng một cuộc sống “hoang dã” tự do mà ở đó là những làng không có hàng rào, không có sự ngăn cách, không có sự cấm cản nào cả. Bởi khi đi thăm làng “ngó nhìn hai bên đường” Anh “than phiền làng nghèo quá, nhà cửa thưa thớt lè tè, nhưng hàng rào lại cao nghệu. Đình chùa nghĩa địa cũng có hàng rào, kiên cố vững chãi như bước tường thành. Coi vẻ anh không ưa hàng rào. Cả đời sống trên sông, chiếc ghe tam bản giữa đường neo đậu, anh cần hàng rào làm gì?” (Anh Cà - kheo qua làng, tr.175)
   
Có thể nói, hàng rào trong cái nhìn của Anh cà kheo như một thứ lực cản vô hình không chỉ ngăn cách con người trong cõi sống mà ngay cả cõi tâm linh. Không những thế nó còn giết chết khát vọng sống tự do của con người. Vì vậy, sự “nổi loạn” của Anh Cà Kheo khi phá vỡ mọi hàng rào của những người mà anh thuyết phục được như bà Mập bán quán nhậu hay ông chủ ruộng giàu có là một sự nổi loạn hiện sinh để thực hiện khát vọng tự do của mình. Vì trong quan niệm của anh: “giàu cũng không làm nên tích sự gì, của cải rồi cũng trôi sông trôi biển. Anh nói: “chính cái đẹp cần phải được ngắm nhìn.” (Anh Cà - kheo qua làng tr.174) và với anh sống “Cần phải có tầm nhìn”. “Công việc càng nhiều tầm nhìn càng rộng” (Anh Cà - kheo qua làng, tr.181)
    
Bức tranh nhân sinh trong truyện ngắn Lê Văn Thảo, vì thế, là bức tranh lập thể nhiều sắc màu nên luôn mang tính đa nghĩa mà nếu người đọc không tham chiếu nó từ những góc nhìn khác nhau, với những hệ triết mỹ khác nhau thì sẽ không hiểu và cảm hết tính hàm ngôn từ những thông điệp mà  diễn ngôn truyện ngắn Lê Văn Thảo mang đến.
  
Là một nhà văn hiền lành, nhẹ nhàng nhưng thâm trầm và sâu sắc, cõi  nhân sinh trong truyện ngắn Lê Văn Thảo, vì thế cũng ẩn chứa ý vị triết luận khiến người đọc luôn bị cuốn vào những ưu tư của anh, bởi chất bi hài thâm thúy như một thứ “hương thầm” mà không phải nhà văn nào cũng tạo được  nơi người đọc, nếu không có sự trải nghiệm cuộc đời và một thiên năng. Văn chương Lê Văn Thảo là văn chương khởi lên từ cuộc đời để từ đó tạo nên những cuộc đời khác với nhiều mùi vị hiện sinh nên nó đeo đẳng mãi trong tâm thức người tiếp nhận. Vì vậy, đến với văn chương Lê Văn Thảo ai cũng thấy cuộc đời mình trong đó: Chiếc xe đạp, Thằng Cung, Cảnh quay phim ngoài trời, Bốn cô gái trong đêm giao thừa, Người đàn bà khóc, Hai người cha... là những câu chuyện đầy ám ảnh cảm thức hiện sinh như thế!
   
Truyện ngắn Lê Văn Thảo phần lớn là những câu chuyện bâng quơ tưởng  như không có chuyện. Nhưng dưới ngòi bút của anh, tất cả thế giới nhân vật đã hiện lên với những số phận con người đang trôi dạt giữa chốn nhân gian mênh mông này đều trở thành những câu chuyện mang đậm ý vị nhân sinh... Và ở chỗ này truyện ngắn Lê Văn Thảo lại gần với truyện ngắn của Nam Cao và Thạch Lam. Có gì đâu, chỉ là chuyện một người bạn mượn chiếc xe đạp đến nhà một người bạn khác trong cơn say, rồi bỏ quên nơi ấy song đã để lại trong lòng người chủ xe những hoài nghi, tự vấn... “Có đi rồi mới biết, thế giới rộng lớn lắm, bạn bè cũng năm loại bảy kiểu. Có đứa thật bụng thương mình, có đứa chơi với mình chỉ cốt khoe khoang, có đứa vừa thấy mình đã bỏ chạy. Nói chung vẫn có những thằng giàu ấy tìm đến mình, chúng cần có bạn bè nghèo để so sánh, làm nổi bật sự giàu sang của chúng.” (Chiếc xe đạp, tr.240) Đọc những dòng tự vấn này, lòng ta không khỏi ngậm ngùi, ngẫm ngợi trước thế thái nhân tình. Và khi nghĩ về việc mất chiếc xe đạp, nhà văn đã để cho nhân vật hạ một câu đầy ý vị triết lý mà không phải giữa cuộc đời ngỗn ngang những được mất này ai cũng nhận ra: “Đời vậy mà, có cái gì khổ với cái đó.” Và chính sự đốn ngộ này đã khiến người mất xe nhận ra có những điều thiêng liêng và cao cả hơn mà lâu nay anh đã đánh mất, đó là nỗi đau của những số phận con người mà trong trường hợp này là Sáu Quang người bạn kháng chiến của anh. Vì vậy, khi được Tư Thanh thông báo đến nhận chiếc xe “anh không nói gì cả, anh đã quên hẳn chuyện đó rồi. Nhưng nỗi đau thì vẫn còn, cứ âm ỉ, thật chẳng ra làm sao. Sao đến nông nổi này?” (Chiếc xe đạp,tr.244) Và từ những điều trăn trở này, khi nghĩ về những năm tháng chiến tranh, điều găm lại trong tâm thức nhà văn là tình yêu và số phận con người. Ta hãy nghe Lê Văn Thảo chia sẻ trong truyện ngắn Cảnh phim quay ngoài trời: “Chúng ta chiến đấu như thế nào nếu không có tình yêu? Chiến tranh là gì nếu không có những con người?” (Cảnh phim quay ngoài trời, tr.289) Phải làm sao cho con người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc sau những gì họ hy sinh cho đất nước, cho dân tộc chứ không phải như anh du kích Tám Luông trong truyện Cảnh phim quay ngoài trời, trước kia đã chiến đấu với biết bao thành tích lẫy lừng, giờ về nhà phải làm thuê vì không có ruộng. Và câu trả lời phỏng vấn của anh với người diễn viên điện ảnh thật sáng trong, vô ưu nhưng không khỏi làm lòng ta đắng chát: 
    
“Bây giờ anh làm gì?” Anh diễn viên khui tiếp lon nước ngọt.
“ Làm ruộng, hết giặc rồi. Nhưng nhà không có ruộng, tôi đi làm mướn.”
“Sao không có ruộng?”
“Tại không có vậy thôi.”
“Nói chuyện với anh ngộ lắm nhưng vai anh rất khó đóng.”
    
Chính vì vậy, mà câu chuyện làm phim nghiêm túc về thành tích một người du kích dũng cảm bỗng chốc đã trở thành chuyện viễn vông, thậm chí khôi hài khi Bà mẹ Tám Luông chia sẻ: “Ôi trời đất ơi, phim với ảnh! Có ai sống được với hình bóng không?” Câu nói tưởng chừng giản đơn của một bà mẹ nhà quê mà trong đó chứa bao điều để chúng ta suy ngẫm về cuộc sống nhân sinh. Chiến tranh là vậy đó, đằng sau những vinh quang của một thời là những kiếp đời không lành lặn, vênh lệch giữa chốn nhân sinh mà số phận “Bốn cô gái trong đêm giao thừa” là như thế!? Ta hãy nghe lời kể của một người lính về sự hy sinh của đồng đội mình và sự lỡ làng của đời một người con gái: “Cưới cái gì? Cô ta bắt tao giả làm bồ đó. Nó là người yêu của thằng T, cùng đại đội mình, tụi bay quên rồi sao? Thằng T chết rồi, trong trận tao bị thương ở đầu đó. Trước đó, hai đứa ăn ở với nhau, con nhỏ có thai thằng T đi nghĩa vụ cái thai phải bị phá. Hôm tao về báo tin thằng T chết, con nhỏ khóc nấc lên đánh tao liên hồi: “Anh T chết rồi, con em cũng chết rồi, em sống với ai”. Dạo đó nó như con điên. Bà con họ hàng không có, tao cũng không biết làm gì... Thôi mấy con nhỏ ngủ rồi, mình cũng ngủ đi. Những chuyện như vậy làm sao kể cho hết...” (Bốn cô gái trong đêm giao thừa, tr.305)
     
Vâng! những chuyện như vậy về số phận con người nhất là người phụ nữ  trong cuộc đời này này làm sao kể hết. Và có lẽ, thân phận người phụ nữ với những nỗi khốn khổ và đau thương riêng có của mỗi người luôn là điều ám ảnh trong sáng tác của Lê Văn Thảo mà những câu chuyện như Người viết thư thuêBà nội tôi; Cô áo hồng, cô áo tím; Người đàn bà khóc; Bốn bức thư; Đứa cháu gái; Chuyến xe giữa trưa mát dịu... đều là những câu chuyện thể hiện niềm trắc ẩn của nhà văn về số phận của người phụ nữ. Đó là những con người mà ở họ những khát vọng sống cao đẹp luôn bị dập vùi trong khổ đau và cô độc như người con gái truyện Chuyến xe giữa trưa mát dịu, Hay tự đánh lừa chính mình trước những vinh hoa phù phiếm của Thu Nga trong truyện Cô áo hồng, cô áo tím, hoặc nỗi đau vì phải làm một người tình hờ nếu không muốn nói là bị phụ tình của Tuyết trong truyện Người đàn bà khóc khi chị khái quát một điều thật đắng cay: “Đành vậy thôi, mấy anh mặc sức bay nhảy, đàn bà con gái chúng tôi chỉ biết chờ đợi (...) Vẫn biết anh ấy đi đánh giặc chịu nhiều gian khổ, nhung tôi vẫn có cảm giác bị bỏ rơi, thành gái già, mặc dù chưa đến hai mươi...” (Người đàn bà khóc, tr.308)
  
Và trong những câu chuyện Lê Văn Thảo viết về thân phận con người, điều làm tôi ám ảnh đó là chuyện của cô Bé gái làm ô sin cho một người chủ giàu có, nhờ người viết thư thuê viết một lá thư và đem sợi chuyền vàng vô tình đánh rơi trong túi xách của của mình trả cho nhà chủ chỉ vì một điều thiêng liêng, muốn chứng minh mình là người lương thiện, không phải là kẻ cắp. Nhưng bi kịch ở chỗ, khi được người đưa thư minh oan thì cũng là lúc em bị ở tù do tham gia một băng cướp nhí vì một “cách kiếm tiền khác”, điều mà cô bé đã nói với người viết thư thuê trước đó. “Cách kiếm tiền khác!”, ông  nhớ lại lời nó. “Cách khác là nhu thế này đây? Ông nhìn tấm hình lần nữa, con nhỏ nhìn lại ông ngạo mạng thách thức.” (Người viết thư thuê, tr. 173)
     
Và với sự thách thức này “Người viết thư thuê” như thấy mình bất lực trước cuộc đời với biết bao số phận mà ông đã thay họ bày tỏ qua từng con chữ trong những bức thư... Và những bức thư này cũng là cõi nhân sinh mà ông cảm nhận được qua lời kể của biết bao người nhờ viết thư thuê, để rồi ông lại cật vấn chính mình một cách đau đớn: “Ông xếp tờ báo lại, không đọc bài báo. Ngày hôm đó và mấy ngày sau ông không đến bưu điện làm việc, nằm trong nhà nghĩ ngợi vẩn vơ, hình ảnh con nhỏ lởn vởn trong đầu. Nó không ăn cắp, nó biết bản thân nó. Giờ đây nó đang ở trong tù, cuộc đời trước mắt u ám mù mịt, ông làm gì được cho nó? Rồi nhớ lúc đến nhà ông bà chủ. “Còn thiếu chữ nghĩa nào của ông làm cho nhà này tan nát nữa không?”. Ông nhớ tất cả, cả cuộc đời viết thư thuê của ông. Ông chỉ là người viết thư thuê, không dính líu gì, sao cứ vận vào hết chuyện người này tới chuyện người khác?
   
Những bức thư của ông làm được gì? (Người viết thư thuê, tr.173)
  
Vâng! “Những bức thư của ông làm được gì?”. Sự trăn trở của ông già viết thư thuê trong truyện ngắn này, phải chăng đã đặt ra cho nhà văn (những người viết) về trách  nhiệm của mình trước số phận con người trong cõi nhân sinh đầy bất an này. Và có lẽ, ở đâu đó trong chốn nhân gian này số phận của những người nghèo khổ đang từng ngày, từng giờ cần sự “dấn thân” (J.P Sartre) sự “xuống thuyền” (Abert Camus) của nhà văn với một tinh thần nhập cuộc thật sự để góp phần làm thay đổi số phận của họ nếu có thể... Có như thế, nhà văn mới làm tròn được thiên chức của mình...
  
3. Truyện ngắn Lê Văn Thảo viết từ sau thời kỳ đổi mới đã thấm đẫm tinh thần nhân văn sâu sắc ấy. Vì thế, nó neo lại trong lòng người đọc và thức nhận cho họ về sự chia sẻ và cảm thông với thân phận con người chứ không chỉ đơn thuần ở những giải thưởng mà anh đạt được. Và đây cũng là điều tôi muốn chia sẻ bước đầu qua những truyện ngắn của anh.
     
Tôi không muốn anh như người viết thư thuê “nằm nhà nghĩ ngợi vẩn vơ” hay như những người bạn “lên núi thả mây”, hoặc như nhân vật Bình dẫn chú bé “trở lại rừng” vì thấy mình cô độc, vô dụng sau ngày chiến thắng, mà muốn thấy anh tiếp tục cảm hứng sáng tạo này để tạo nên một cõi nhân sinh đầy tính nhân bản riêng có của anh với những cảm thông, chia sẻ sâu sắc về thân phận con người trong tinh thần dấn thân của một nhà văn luôn song hành với nhân dân, với số phận của những con người nghèo khổ.
   
Tôi tin và tôi kỳ vọng như thế vào hành trình sáng tạo của anh...
                  
Xóm Đình An Nhơn, 16.4.2016
TRẦN HOÀI ANH
Nguồn: NVTPHCM

_____________
*Những trích dẫn trong bài đều lấy trong Tuyển tập truyện ngắn của Lê Văn Thảo, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2014.



Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều