Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2019

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải thưởng của một dự án thuộc Giải LiBeratupreis - Frankfurt 2018) đã kết thúc, với giải nhất thuộc về truyện ngắn “Tràng Phan”.

Sáng ngày 20-10, tại Đường sách TPHCM, Ban tổ chức (BTC) cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” đã tổ chức lễ tổng kết và trao giải sau 8 tháng diễn ra.

Theo đó, giải nhất trị giá 20 triệu đồng đã được trao cho truyện ngắn “Tràng Phan” của tác giả Tống Phước Bảo.
Tác giả Tống Phước Bảo nhận giải nhất cuộc thi "Một nửa làm đầy thế giới".

GS-TS Huỳnh Như Phương, một trong ba giám giảo chung khảo của cuộc thi nhận xét: “Đây là một tác phẩm có cốt truyện lạ, viết về một nghề lạ ngày càng mai một ở một góc nhỏ ít người biết của thành phố chúng ta: nghề may cờ phướn. Qua câu chuyện làm nghề truyền thống, tác giả thể hiện tự nhiên, chân thực và cảm động về tình cảm gia đình, nỗi nhớ thương lưu luyến trong xa cách của những người phụ nữ đã bền bỉ gìn giữ nếp nhà thời mở cửa”.

BTC cũng trao giải nhì (trị giá 15 triệu đồng) cho tác giả Võ Đăng Khoa với truyện ngắn “Con bén”. Hai giải ba (trị giá 10 triệu đồng) thuộc về tác giả Cát Lâm với truyện ngắn “Giấc mơ rơi ở chân cầu” và tác giả Phan Đức Lộc với truyện ngắn “Đường về Sai Chản”.

Ngoài ra, BTC còn trao 5 giải tư (trị giá 5 triệu đồng/giải) cùng một giải do bạn đọc bình chọn (trị giá 5 triệu đồng) cho tác giả Bùi Mai Linh với truyện ngắn “Một đời”.
Nhà thơ Phan Hoàng trao giải cho các tác giả đoạt giải ba.

Trong thời gian diễn ra cuộc thi, từ ngày 22-12-2018 đến ngày 22-08-2019, BTC đã nhận được 1.419 bài dự thi của các thí sinh trong cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài tham dự.

Trang fanpafe của cuộc thi thành lập từ khi phát động cuộc thi đến nay đã thu hút được gần 6.000 thành viên với tần suất trung bình trên 10.000 lượt tiếp cận mỗi status trên fanpage.

Đã có 452 truyện ngắn được tuyển chọn qua vòng sơ khảo và được đăng trên fanpage cuộc thi. Hàng tháng, BTC mời một nhà văn tham gia chấm thi và quyết định giải thưởng của tháng như PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái, nhà báo Lê Minh Quốc, nhà văn Trầm Hương, nhà văn Đoàn Thạch Biền, nhà văn Từ Kế Tường, nhà văn Phan Hoàng, nhà văn Mường Mán.
Các giám khảo và thí sinh đoạt giải trong cuộc thi "Một nửa làm đầy thế giới".

Từ 1.419 bài dự thi, Ban Giám khảo gồm GS-TS Huỳnh Như Phương, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, nhà báo Đinh Thị Phương Thảo đã chọn ra 19 truyện ngắn xuất sắc nhất của 19 tác giả vào vòng chung kết. Các tác phẩm này được tập hợp xuất bản trong tập sách “Một nửa làm đầy thế giới”, cuốn sách cũng được kịp thời thực hiện và được ra mắt trong buổi tổng kết trao giải.

Theo GS-TS Huỳnh Như Phương, những người đàn bà trong tập truyện này tạo nên thế giới của riêng họ, đồng thời làm tròn đầy sự hiện hữu của cõi nhân sinh. “Một nửa” chỉ là cách nói hình ảnh. Thật ra, phụ nữ là tất cả cuộc đời này. Sự khiếm khuyết hay tổn thương của thế giới đó sẽ làm khiếm khuyết và tổn thương đến cả nhân loại. Có thể nói, nữ giới quang gánh trên vai và mang nợ cho cả loài người.
 
Tập truyện ngắn "Một nửa làm đầy thế giới", tập hợp 19 tác phẩm xuất sắc nhất của cuộc thi cũng vừa kịp ra mắt bạn đọc.

“Những truyện ngắn trong tập này toát lên lời cảnh báo về hiện trạng gia đình và xã hội Việt Nam. Sau chiến tranh và nghèo đói là nạn bạo hành, cạm bẫy, lường gạt, phụ rẫy, phản bội và nguy cơ tan vỡ. Những người phụ nữ bé mọn chịu đựng và nhạy cảm trước những biến động đó ngay khi họ một mình một bóng. Nhờ sự nhạy cảm và thiên tính nữ giới, họ tìm cách chữa trị những vết thương, bổ sức cho chính mình và cho cả cuộc đời khốn khó này”, GS-TS Huỳnh Như Phương bày tỏ.

QUỲNH YÊN
Báo SGGP 20.10.19



Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2019

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bung cơn gió, nhè nhẹ lay những vòm hoa phượng tím thẫm đang nhuộm đẫm cả vùng trời, cô bạn Jenny Nguyễn lái xe chở tôi đến thăm nhà thơ Du Tử Lê.
Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai

Khi những âm hưởng thơ Du Tử Lê vẫn còn vang trong tâm trí, xe đưa tôi tiến vào một con phố thanh bình, hai bên đường là những căn nhà nằm nguy nga giữa những khu vườn thênh thang cỏ. Rồi xe dừng lại trước khuôn viên rộng rãi của một ngôi nhà yên bình, lặng lẽ giữa con phố thưa người. Một nốt nhạc giữa thiên nhiên bao la và khoáng đạt. Một ngôi nhà nhìn bề ngoài rất Tây, rất Mỹ.

Nhưng cảm giác ban đầu về ngôi nhà "rất Mỹ" ấy hoàn toàn sai khi tôi bước chân vào tổ ấm của thi sĩ Du Tử Lê, nơi ông đã sáng tác nhiều tác phẩm trong gia tài hàng nghìn bài thơ, trong đó có hơn 300 bài đã được phổ nhạc. Đằng sau cánh cửa vững chãi vừa mở ra đón tôi và Jenny vẫn là dáng người dong dỏng gầy của thi sĩ 76 tuổi - người vừa trải qua cơn bạo bệnh. Nhưng bệnh tật và tuổi tác không hề hiện lên trên khuôn mặt sáng ngời, rạng rỡ nụ cười nồng ấm của ông.

Ông mời chúng tôi vào nhà bằng giọng trầm quen thuộc. Tiếng Việt thuần túy của ông cho tôi cảm giác chúng tôi đang gặp nhau ở quê cha đất tổ, chứ không phải ở Garden Grove - cách Sài Gòn hơn 13.000 km.

Chuyện trò với tôi và Jenny ở phòng khách, nhà thơ Du Tử Lê tiếp tục hỏi rất nhiềuvề đời sống văn học trong nước. Đã định cư ở Mỹ 43 năm nay, nhưng quê hương vẫn hiện diện trong từng nhịp tim, hơi thở của ông. Những tủ sách đồ sộ vây quanh chúng tôi minh chứng cho điều đó: trong hàng nhìn cuốn sách mà ông sưu tập cho công tác nghiên cứu và biên soạn, sách về Việt Nam và viết bằng tiếng Việt chiếm đại đa số.

Tôi lướt mắt qua hàng trăm tác phẩm văn học nghệ thuật quý hiếm, rồi dừng lại trước hai quyển dày cộp, gáy đã sờn: Tục ngữ ca dao Việt Nam và Cây cỏ vị thuốc ở Việt Nam. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao các tác phẩm thơ Du Tử Lê lại rộng và sâu đến vậy: chúng đã băng qua bao chân trời góc biển cùng ông, để rồi nảy nở sinh sôi giữa biển kiến thức mang tầm quốc tế nhưng vẫn mang theo hồn vía và tinh thần người Việt.

Quê hương hiện diện mọi nơi tại tổ ấm của ông. Bức tường rộng lớn cạnh phòng khách treo những thủ bút của bạn bè thân quý. Tôi không khỏi rưng rưng khi đọc những bài thơ viết tay của các nhà thơ Hoàng Cầm, Mai Thảo, Huy Cận... cùng những dòng chữ ghi trên gỗ của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, họa sĩ Lê Thiết Cương... Dường như bút tích của những văn nghệ sĩ Việt Nam - những người đã ra đi mãi mãi hoặc đang sống ở bên kia đại dương - chính là những tác phẩm nghệ thuật mà nhà thơ Du Tử Lê nâng niu nhất.

Những người am hiểu về thơ Du Tử Lê hẳn cũng biết rằng ông còn là một họa sĩ tài hoa, với các tác phẩm được nhiều nhà sưu tập săn lùng. Được tận mắt chiêm ngưỡng những bức tranh do ông sáng tác được bày trí trong nhà, tôi dừng lại hồi lâu trước những nét vẽ phóng khoáng, mới mẻ và đầy sinh lực. Không chỉ trẻ trung trong thi ca, nhà thơ Du Tử Lê dường như là một họa sĩ không có tuổi trong hội họa. Những tác phẩm mà ông vẽ để tặng vợ mình - bà Hạnh Tuyền - nói lên điều ấy. Đó là những bức tranh mê hoặc của tình yêu, được vẽ lên cùng với những câu thơ ghi nắn nót ở góc tranh: "Nhan sắc nàng duy nhất một ngôi thôi!".

Thi ca nở tung ở khu vườn xanh mát, nơi gần trăm gốc lan vươn những búp xanh mơn mởn, dưới bóng mát của giàn chanh leo. Ngồi đó cạnh ông, dưới những cây hoa lan rung rinh tỏa sắc xuống bể nước – nơi những chú cá vàng tung tăng và an nhàn bơi lội, tôi hiểu nhà thơ Du Tử Lê không chỉ yêu con người mà còn mê đắm thiên nhiên, vạn vật.

Khu vườn của ông, ngoài cây cỏ của Việt Nam, có cả những chiếc tổ chim bằng rơm mà ông đã kỳ công mang từ quê nhà sang. Dường như thời gian quay chậm lại ở nơi đây, cạnh những bức vẽ đang dang dở của ông và bức tường gỗ cạnh giá vẽ nơi ông đã nắn nót câu thơ: "Làm sao em biết khi xa bạn/tôi cũng như chiều tôi mồ côi".

Thành công trong sự nghiệp, hạnh phúc trong cuộc sống gia đình, không cần bươn chải lo toan về tài chính, tưởng như nhà thơ Du Tử Lê đang có tất cả. Nhưng không. Khi trò chuyện, tôi nhìn thấy trong đôi mắt ông một nỗi đau đáu nhớ quê hương. Ông tâm sự rằng, nỗi nhớ đó luôn bùng lên trong dịp Tết, nhất là khi màn đêm buông xuống. Đặt chân sang Hoa Kỳ vào năm 1975, ông đã trải qua những cái Tết đầu tiên đầy khó khăn.

Tết là thời điểm đặc biệt của cuộc đời mỗi người. Nhưng đối với nhà thơ Du Tử Lê, kỷ niệm Tết đáng nhớ nhất của ông, thật không may, là một kỷ niệm kinh hoàng. Gần 60 năm đã trôi qua nhưng ông vẫn còn nhớ rõ đêm mồng 3 Tết ở Kim Bảng, Hà Nam. Lúc đó ông còn rất nhỏ, chừng 7 tuổi và vẫn ngủ chung với mẹ. Thình lình có người dồn dập đập cửa nhà. Mẹ ông hấp tấp tung chăn đi ra. Ông cũng chạy theo, để rồi chứng kiến hình ảnh mẹ ngã quỵ xuống sân nhà. Người tìm đến nhà ông vào đêm đó, thay vì quà Tết, đã đem theo tin dữ: anh cả của ông đã bị máy bay Pháp bắn chết ở Khu Tư, Thanh Hóa.

Sự kiện đêm mùng 3 Tết ấy luôn dai dẳng đeo bám, ám ảnh nhà thơ Du Tử Lê, để rồi nỗi buồn cũng lan tỏa vào thơ ông. Trong một cuộc phỏng vấn với nhà thơ Mai Thảo, ông đã nói: "Tôi không có Nguyên Đán dù trong văn chương hay đời thường sau cái chết của người anh cả, vào ngày mồng 3 Tết ở Khu Tư".

Đi qua chiến tranh và bao biến động của cuộc đời, Du Tử Lê đã gieo trồng thi ca không chỉ với tình yêu dành cho quê hương mà còn trên khu vườn của buồn đau và nước mắt. Ông đã vắt kiệt mình, cần mẫn gạn lọc để dâng hiến cho đời những tinh hoa cảm xúc - những vần thơ dù buồn nhưng lóng lánh vẻ đẹp của tình yêu và nhân ái.

Trong những email gần đây, nhà thơ Du Tử Lê tiếp tục trao đổi với tôi về vấn đề văn học mà chúng tôi cùng quan tâm. Tôi hẹn sẽ cùng Jenny Nguyễn đến thăm ông vào tháng 3 năm 2020 khi tôi sang Mỹ ra mắt sách. Vì thế, việc ông rời xa cõi tạm khiến tôi không khỏi bàng hoàng.

Và tôi nhớ tới những câu thơ đầy khắc khoải về cái chết mà ông đã viết từ năm 1968: "Hãy nói về cuộc đời/ Khi tôi không còn nữa/ Sẽ lấy được những gì/ Về bên kia thế giới..."

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI
Nguồn: VNEX

___________
Tiêu đề bài viết là một câu thơ trong bài "Khúc Thụy Du" của nhà thơ Du Tử Lê.



Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2019

KHI NHÀ VĂN VIẾT BẰNG NGOẠI NGỮ

Nhà văn sẽ làm gì khi rơi vào môi trường ngôn ngữ xa lạ? Anh ta có thể trở thành một tác giả khác và khám phá những thể loại mới. Có thể tìm thấy trong ngoại ngữ cái mà người bản ngữ cũng không nhìn thấy. Mà cũng có thể biến sự hàm súc ngôn ngữ thành phong cách nghệ thuật của mình.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc ba nhà văn sáng tác bằng ngoại ngữ: Samuel Beckett, Joseph Brodsky và Vladimir Nabokov.
Từ trái qua: Vladimir Nabokov, Samuel Beckett và Joseph Brodsky.

Trong ngôn ngữ học, nhà văn viết bằng ngoại ngữ được gọi là exophone. Đây là thuật ngữ mới do các nhà nghiên cứu văn học Đức đưa ra năm 2007, thế nhưng bản thân hiện tượng thì không mới: Nhà văn Ba Lan Joseph Conrad trở thành nhà văn cổ điển Anh, nhà văn Do Thái thuộc cộng đồng tiếng Czech Franz Kafka viết tiếng Đức, nhà văn Romania Emil Cioran viết tiếng Pháp, còn Milan Kundera vừa viết cả tiếng Czech lẫn tiếng Pháp.

Nhà lý luận văn học Mikhail Bakhtin cho rằng ngôn ngữ là thế giới quan riêng "được thẩm thấu bởi một hệ thống đánh giá, và gắn liền với thực tiễn đời sống". Ngôn ngữ mẹ đẻ của nhà văn hình thành nên nhân cách của anh ta, được thể hiện trong các cấu trúc ngôn ngữ và tư duy ngôn ngữ nói chung. Nhưng bản sắc ngôn ngữ của các nhà văn song ngữ, nghĩa là những người có khả năng sáng tạo những tác phẩm có giá trị thẩm mỹ bằng hai hoặc ba ngôn ngữ, là gì?

Wilhelm von Humboldt cho rằng có một "hình thái ngôn ngữ bên trong" nào đó - phương thức phản ánh hiện thực đặc trưng cho mỗi dân tộc, từ đó hình thành nên thế giới quan ngôn ngữ của dân tộc đó. Trong ngôn ngữ học hiện đại, người ta sử dụng các thuật ngữ như "ý thức ngôn ngữ", "tồn tại ngôn ngữ" và "bản sắc ngôn ngữ". Bản sắc ngôn ngữ của nhà văn hình thành nên phong cách, từ vựng và thông điệp văn hóa của anh ta.

Samuel Beckett

Nhà văn Nga Anatoly Ryasov nhận xét: "Ngoài Samuel Beckett, không một nhà văn nào thể hiện sự tiến triển đáng kinh ngạc và sâu rộng từ sự dư thừa ngôn ngữ của những tác phẩm sơ kỳ đến sự kiệm lời của những tác phẩm hậu kỳ".

Khi bàn về những thử nghiệm văn học đầu tiên của Beckett, James Joyce viết: Beckett biểu diễn ngôn ngữ, cất giấu trong tác phẩm những ẩn dụ văn chương, ông triết lý, nhưng vẫn bám chặt các quy tắc cổ điển về thể loại. Đặt chân tới Paris vào năm 30 tuổi, nhà văn để lại phía sau những khuôn khổ văn chương, và cùng với chúng là cái tiếng Anh phức tạp và phong phú. Và chuyển sang tiếng Pháp một cách có ý thức, đồng thời giảm bớt lối văn hoa mỹ.

Bộ ba tiểu thuyết viết bằng tiếng Pháp "Molloy" (1951), "Malone meurt" (Malone hấp hối, 1951) và "L'innommable" (Không thể gọi tên, 1953) đã mở đầu cho sự tối giản ngôn ngữ của Beckett - nhân vật không có lai lịch, không hành động, lối viết này đạt tới cực điểm trong các tác phẩm hậu kỳ của nhà văn.

Beckett đến với tiếng Pháp không nhằm mục đích tận dụng sự phong phú của nó, mà để nó giúp ông nói ít hơn. Nếu như tiếng Anh vô tình đẩy nhà văn tới sự dư thừa ngôn ngữ, thì tiếng Pháp giúp ông thoát khỏi những điền phạm, thói quen văn học và tìm thấy phong cách "lánh đời" khiến ông trở nên nổi tiếng.

Joseph Brodsky

Joseph Brodsky, ngược lại, mong muốn sử dụng sự đa dạng của các hình thái ngôn ngữ của cả hai ngôn ngữ ông biết là tiếng Nga và tiếng Anh: "Hai ngôn ngữ  dường như chơi đùa với nhau. Giữa chúng diễn ra một sự giao thoa, các truyền thống va chạm nhau, còn tôi sử dụng, khai thác điều đó" - Ông nói năm 1982 trong một bài trả lời phỏng vấn của nhà báo Hà Lan.

Phần lớn những bài thơ của Brodsky được viết bằng tiếng Nga, còn văn xuôi - hầu như tất cả bằng tiếng Anh. Tiếng Nga đối với Brodsky là nguồn sáng tạo thi ca, còn tiếng Anh là lý tưởng về sự hữu dụng ngôn ngữ, vô cùng thích hợp với sáng tác tiểu luận. Từ giã "vũ trụ Kafka" của Liên Xô năm 1972, để lại sau lưng một hệ thống xã hội, chủ nghĩa bài Do Thái, sự dung tục... xét về mặt nào đó, ông đã để lại ở đấy hình ảnh thi sĩ Nga Joseph Brodsky: thay đổi ngôn ngữ (tiếng Anh), tên tuổi (Joseph Brodsky) và loại hình văn học (văn xuôi). Từ chối làm thơ bằng tiếng Anh, ông chuyển sang viết phê bình văn học. Với học hàm Giáo sư Đại học Michigan, sau đó là Đại học Columbia và các đại học khác của Mỹ, ông giảng bài chỉ bằng tiếng Anh và tránh dùng tiếng Nga.

Sau khi nhận giải Nobel văn học năm 1987,  Brodsky phát biểu: "Tôi là người Do Thái, nhà thơ Nga và nhà tiểu luận viết bằng tiếng Anh".

Độc giả Nga hầu không biết Joseph Brodsky như một nhà thơ viết bằng tiếng Anh. Ông bắt đầu từ việc dịch và biên tập các tập thơ của mình, ngày càng tham gia tích cực hơn vào công việc xuất bản chúng. Các bài thơ  tự dịch của Brodsky bị phê phán: để gìn giữ hình thức và nội dung ông đã làm biến dạng ngữ pháp tiếng Anh, thay đổi cú pháp, vi phạm quy tắc sử dụng mạo từ và động từ. Với mong muốn biểu đạt những ẩn dụ phức tạp của nguyên bản, Joseph Brodsky đã khiến các nhà phê bình nổi giận, họ không bỏ qua những sai sót ngôn ngữ của ông và sự thán phục những người biết hai ngôn ngữ.

Dù sao, trong ý thức độc giả tiếng Anh, hình ảnh Joseph Brodsky - nhà văn đậm nét hơn Joseph Brodsky - nhà thơ. Bản thân ông cũng rất chú ý để hình ảnh nhà tiểu luận Mỹ trưởng thành từ zero trong môi trường văn hóa Anh ngữ không trộn lẫn với hình ảnh nhà thơ Petersburg bị trục xuất.

Vladimir Nabokov

Nabokov, "con bướm song ngữ của văn hóa thế giới", từ nhỏ đã biết tiếng Nga, tiếng Anh và tiếng Pháp. Năm 1946, trong bài trả lời phỏng vấn tạp chí "Playboy", Nabokov nói: "Tôi là nhà văn Mỹ, sinh ra ở Nga, được giáo dục ở Anh, nơi tôi học văn học Pháp, trước khi sống 15 năm ở Đức".

Cũng vào năm đó, khi phóng viên tạp chí "Life" hỏi Nabokov ngôn ngữ nào đẹp nhất đối với ông, nhà văn trả lời: "Lý trí mách bảo tôi rằng đó là tiếng Anh, trái tim - tiếng Nga, còn lỗ tai - tiếng Pháp".

Nabokov công bố những truyện ngắn và tiểu thuyết đầu tiên tại các nhà xuất bản ở Paris và Berlin với bút danh Sirin, thời trẻ ông đã nổi tiếng là nhà văn Nga tài năng. Đến Mỹ năm 1940, ông chuyển sang tiếng Anh và bắt đầu gây dựng sự nghiệp văn học từ zero với bút danh Nabokov. Sự lựa chọn ngôn ngữ gắn liền với việc di cư, môi trường văn hóa khác, với sự tìm tòi những hình thức sáng tạo mới và mong muốn chối bỏ tất cả những gì xảy ra trên Tổ quốc mình, lúc bấy giờ đã là Liên Xô.

Sự thay đổi ngôn ngữ và phong cách diễn ra không dễ dàng đối với Nabokov; trong lời tựa cuốn tự truyện "Những bờ bến khác" (1954), ông viết: "Năm 1940, khi tôi quyết định chuyển sang tiếng Anh, tai họa của tôi là ở chỗ trước đó, trong vòng 15 năm có lẻ, tôi viết bằng tiếng Nga và trong những năm này tôi đã để lại dấu ấn lên ngòi bút của mình".

Vẫn còn coi tiếng Nga là  ngôn ngữ "chính", nhà văn nhớ lại những khó khăn khủng khiếp của sự thay đổi sắp tới và nỗi sợ hãi của việc đoạn tuyệt với cái ngôn ngữ sống động mà Nabokov - Sirin đã chinh phục được một cách tài tình. Bốn năm sau, ông vẫn còn âu yếm gọi tiếng mẹ đẻ là ngôn ngữ  "không nói hết nhạc điệu", và cay đắng mô tả việc chuyển sang tiếng Anh "hàm súc" trong lời bạt tiểu thuyết "Lolita" được xuất bản ở Mỹ: "Bi kịch riêng của tôi... là việc tôi buộc phải từ bỏ ngôn ngữ tự nhiên, tiếng Nga giàu có, không bị gò bó, hết sức dễ bảo đối với tôi vì một thứ tiếng Anh loại hai".

Nhưng đến năm 1965, Nabokov đã thất vọng nhận thấy "tiếng xủng xoảng của những sợi dây đàn Nga han gỉ" khi dịch tiểu thuyết của mình: "Than ôi, cái "tiếng Nga tuyệt đẹp" tưởng như vẫn chờ đợi tôi đâu đấy, vẫn nở hoa như một mùa xuân trung thành sau cánh cổng kín mít mà bao nhiêu năm nay tôi vẫn giữ chìa khóa, hóa ra không hiện hữu, và sau cánh cổng ấy không còn gì nữa ngoài những gốc cây đã cháy trụi và chân trời mùa thu vô vọng, còn chiếc chìa khóa trong tay tôi giống như một cái móc sắt".

Mô típ chìa khóa xuất hiện trong tác phẩm "Quà tặng": nhân vật chính viết thư cho mẹ rằng sẽ trở về nước Nga, vì anh ta "mang theo chìa khóa của nó". Cuối tiểu thuyết, trong những dòng cuối cùng được Nabokov viết bằng tiếng Nga, chiếc chìa khóa như là biểu tượng của tình yêu quê hương và tiếng mẹ đẻ, đã bị đánh mất, và nhân vật Fyodor dừng lại trước cánh cửa bị khóa.

Chuyển sang tiếng Anh, Nabokov không giấu giếm sự lạ lẫm của mình trong đó; nhưng rồi ông biến nó thành một ưu điểm về phong cách. Dường như ông bay lượn trên ngôn ngữ, không hoàn toàn hòa lẫn với nó.

Jean Bloch, nhà nghiên cứu tác phẩm của Nadokov kiêm nhà văn song ngữ, viết về tiếng Anh của ông: "Ngôn ngữ này rất độc đáo và, dĩ nhiên, nó bộc lộ nguồn gốc của tác giả, nghĩa là về hình thức cũng như về sự hàm súc của trí tuệ nó mang sắc thái Nga khá đậm nét... vũ trụ của nhà văn, cách biểu cảm và tư duy của nhà văn bay bổng trên ngôn ngữ và địa lý, nâng nhà văn không những lên tầm xuyên quốc gia và xuyên văn hóa, mà còn xuyên ngôn ngữ ".

TRẦN HẬU
Theo báo Nga






Thứ Ba, 15 tháng 10, 2019

HUY CẬN VÀ CÂU THƠ ỨNG NGHIỆM VÀO ĐỜI

Cách đây gần tám thập kỷ, ngày 2-2-1940, tại trụ sở của Tự Lực Văn Đoàn, 80 Quán Thánh, Hà Nội, đã diễn ra một bữa tiệc chia tay. Người ra đi là Xuân Diệu(1), thành viên gia nhập cuối cùng và là người trẻ nhất của Văn Đoàn. Lý do là ông vừa được bổ nhiệm làm Tham tá Nhà Đoan (Douane - tiếng Pháp, nghĩa là Sở Quan thuế) ở Mỹ Tho, sau khi tốt nghiệp Trường Luật thuộc Đại học Đông Dương.
Nhà thơ Huy Cận (giữa) và con trai - TS. Cù Huy Hà Vũ và con dâu - Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà

Người ở lại gồm tất cả thành viên còn lại cùng Huy Cận(2), người bạn tri âm, tri kỷ của "chàng Xuân" và cũng là "chuẩn thành viên" của Văn Đoàn. Tiệc tất có rượu và những người tham dự tất trở thành "tiên ông", dù nhiều dù ít. Thế rồi "rượu vào lời ra". Có điều các "tiên ông" ở đây đều là các văn sĩ, thi sĩ nổi tiếng bậc nhất nên không có gì lạ là "lời ra" này là một bài thơ.

BÁT TIÊN QUÁ CHÉN

"Bỗng dưng thi sĩ hóa tây Đoan
Nửa mặt nhà văn, nửa mặt quan
Chén rượu tiễn đưa thơ khó nghĩ
Nỗi niềm cách biệt ý khôn toan
Hôm nay nhớ bữa chia bùi ngọt
Lát nữa còn vui cảnh tóp chan
Ví thử anh em đều xuất cả
Còn tuôn ra lắm mạch thơ gàn…"

Nghĩa là chỉ bốn năm sau khi xuất hiện trên văn đàn, chứ không phải đợi "cái quan định luận", Huy Cận đã đĩnh đạc ở "Bàn Nhất" của Thơ Mới.

Hoàng Đạo mở đầu, tiếp đó là Nhất Linh, Thạch Lam, Huy Cận, Thế Lữ, Tú Mỡ, Khái Hưng và Xuân Diệu. Trong bài thơ này, câu hay nhất chắc chắn là "nửa mặt nhà thơ nửa mặt quan" của Nhất Linh, vị thủ lĩnh của Văn Đoàn. Thế nhưng trên thực tế câu thơ này không ứng với Xuân Diệu là mấy, vì chỉ sau hai năm, cuối năm 1942, Xuân Diệu đã từ cái chức "quan thuế" ấy và trở về Hà Nội sống cùng Huy Cận, khi đó đã đậu kỹ sư canh nông và bắt đầu đi làm ở Sở Nghiên cứu Tầm tang để có điều kiện tiếp tục làm thơ và làm Nhà xuất bản Huy - Xuân. Cả quãng đời sau này làm việc cho chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rồi Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó có 15 năm làm Đại biểu Quốc Hội, Xuân Diệu cơ bản hoạt động với tư cách nhà văn. Ngược lại, "Nửa mặt nhà thơ nửa mặt quan" lại rất nghiệm với bạn ông, Huy Cận.

Huy Cận lần đầu tiên đến với bạn đọc khi bài lục bát Chiều Xưa của ông được đăng trên số Tết 1938 báo Ngày Nay của Tự Lực Văn Đoàn. Hai năm sau, 1940, thi sĩ họ Cù đã có tập thơ của riêng mình, Lửa Thiêng, do Nhà xuất bản Đời Nay cũng của Tự Lực Văn Đoàn ấn hành. Hai năm sau nữa, trong tiểu luận Một Thời Đại Trong Thi Ca mở đầu Thi nhân Việt Nam, cuốn sách nghiên cứu, phê bình xuất sắc nhất về phong trào Thơ Mới, Hoài Thanh viết: "Chung quanh đôi bạn Xuân Diệu - Huy Cận có vô số thi sĩ bàn nhì bàn ba…."

Nghĩa là chỉ bốn năm sau khi xuất hiện trên văn đàn, chứ không phải đợi "cái quan định luận", Huy Cận đã đĩnh đạc ở "Bàn Nhất" của Thơ Mới - một cuộc Đại Cách mạng, thậm chí là một "Big Bang" - Vụ Nổ Lớn, tạo ra một vũ trụ hoàn toàn mới cho Thi ca Việt Nam.

'Chính khách thành công'

Không chỉ thành đạt trong địa hạt văn chương, Huy Cận còn thành công với tư cách chính khách.
Ngày 2/9/1945, ở tuổi 26 với tư cách Bộ trưởng không bộ trong Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Huy Cận đã cùng Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh và các bộ trưởng khác ký Tuyên Ngôn Độc Lập của Việt Nam, chấm dứt hơn 80 năm đô hộ của Pháp rồi của Nhật. Ba ngày trước đó, ngày 30/8/1945, ông cùng Trần Huy Liệu và Nguyễn Lương Bằng thay mặt Chính phủ lâm thời tiếp nhận sự thoái vị của Hoàng Đế Bảo Đại trên lầu Ngọ Môn của Hoàng thành Huế, chấm dứt vĩnh viễn chế độ quân chủ ở Việt Nam. Như vậy, Huy Cận là "Khai Quốc Công Thần" của nước Việt Nam Độc lập và cũng là của chính thể Cộng hòa.

Kể từ "Cái buổi ban đầu dân quốc ấy" cho đến 1987, Huy Cận giữ nhiều vị trí khác nhau trong Chính phủ: Bộ trưởng Bộ Canh nông kiêm Thanh tra đặc biệt của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Bộ Canh nông, Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Tổng Thư ký Hội đồng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Bộ trưởng Đặc trách công tác Văn hóa - Thông tin tại Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Tóm lại, Huy Cận là người giữ hai kỷ lục ở cấp Chính phủ: bộ trưởng trẻ nhất mọi thời đại và thâm niên nhất với 42 năm phục vụ liên tục.

Trên thực tế thì Trường Chinh chủ động móc nối Huy Cận.

Làm thơ là "nghề tự do", tồn tại hay không tồn tại hoàn toàn do bản thân. Thơ hay thì báo đăng, nhà xuất bản in, rồi nhạc sĩ phổ nhạc; vinh dự hơn nữa, thì được lưu lại trong trí nhớ của người đời. Xuân Diệu đã nói: "Nhà văn tồn tại ở tác phẩm. Không có tác phẩm thì nhà văn ấy coi như đã chết". Ngược lại, để làm "quan"thì phải có tổ chức, phải có êkíp, điều này thì ai cũng rõ. Vấn đề là tại sao "một người thi sĩ lành như suối nước ngọt, hiền như cái lá xanh" (chữ của Xuân Diệu về Huy Cận trong Lời tựa viết cho thi phẩm Lửa Thiêng xuất bản năm 1940), xem ra chả ăn nhập gì với nghề "làm quan" vốn đòi hỏi phải "dữ" để thực thi quyền lực, lại thoắt trở thành "thượng thư" của nền Cộng hòa đầu tiên của nước Việt? Hỏi tức trả lời. Chính năng lực thi ca kiệt xuất gắn liền với sự nổi tiếng của Huy Cận đã đưa ông vào "tầm ngắm" của các lãnh tụ chính trị, cụ thể là của các nhà lãnh đạo hàng đầu của Đảng Cộng sản.

Cha tôi kể: "Sau khi Cách mạng tháng 8 thành công, Tổng bí thư Trường Chinh gặp bố nói: "Tôi đã đọc Tràng Giang của anh ngay khi bài thơ xuất hiện trên báo Ngày Nay năm 1940. Đất nước trong Tràng Giang sao mà đẹp thế. Tôi nói với các đồng chí xung quanh: "Với tấm lòng yêu quê hương, yêu đất nước nồng nàn như vậy, nhất định Huy Cận sẽ đi vào con đường cách mạng để giải phóng dân tộc". Trên thực tế thì Trường Chinh chủ động móc nối Huy Cận. Khi tôi đến thăm "ông trùm tình báo" Trần Quốc Hương, tức Mười Hương (gọi là "trùm tình báo" vì Mười Hương là người tổ chức và cũng là cấp trên trực tiếp của những điệp viên chiến lược cộng sản nổi tiếng nhất trong Chiến tranh Việt Nam: Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Phạm Ngọc Thảo và Phạm Xuân Ẩn), ông nói: "Anh Cận hoạt động bí mật rất giỏi. Tôi là liên lạc viên đơn tuyến giữa anh Cận và Tổng bí thư Trường Chinh đấy".

Huy Cận cũng được lãnh tụ Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý ngay lần gặp đầu ở Quốc Dân Đại Hội tổ chức tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang vào trung tuần tháng 8 năm 1945. Cha tôi kể rằng Hồ Chí Minh thấy ông đang nói chuyện với các đại biểu khác thì ngoắc tay gọi ông lại và hỏi: "Đồng chí hoạt động ở tỉnh nào về?". Sau khi nghe Huy Cận nói ông mới hoạt động ba, bốn năm tại Hà Nội trong sinh viên, trí thức, nhất là trí thức khoa học, Hồ Chí Minh nói với ông: "Làm cách mạng thì không phân biệt người trước người sau, người hoạt động lâu năm với người mới vào phong trào, cốt nhất là có nhiệt huyết với sự nghiệp giải phóng dân tộc" (3).

Sự tín nhiệm của Hồ Chí Minh và Trường Chinh, cũng là những người làm thơ (4), giải thích vì sao Huy Cận được Quốc Dân Đại Hội bầu vào Ủy ban Dân tộc giải phóng có sứ mệnh tổ chức tổng khởi nghĩa giành chính quyền để rồi ngay sau đó trở thành bộ trưởng của Chính phủ đầu tiên của chính thể Cộng hòa. Cha tôi nhớ lại: "Ông Trần Huy Liệu giới thiệu Huy Cận vào Uỷ ban Dân tộc giải phóng với lời giới thiệu: "Nhà thơ Huy Cận, bây giờ đã "bỏ bút nghiên theo việc đao cung", xin Đại hội bầu vào Uỷ ban Dân tộc giải phóng". Bỗng nhiên, ở hàng đầu có một ông dáng cao cao đứng lên nói: "Tôi không đồng ý!". Huy Cận chột dạ, chắc ông này không muốn bầu mình vào Uỷ ban. Ông Trần Huy Liệu mới hỏi tại sao, thì ông phản đối mới nói thế này: "Tôi không đồng tình với việc "bó bút nghiên theo việc đao cung"; bầu nhà thơ Huy Cận nổi tiếng vào Uỷ ban thì tôi đồng tình, nhưng mà bỏ bút nghiên là không đúng. Bút nghiên cũng là vũ khí đấu tranh cho độc lập dân tộc". Người ấy là ai? Người ấy là đồng chí Tống, bí danh của đồng chí Phạm Văn Đồng. Cả ông Liệu và tôi thở phào một cái..."(5).

Tiếp tục bút nghiên?

Thế nhưng công việc của "quan cách mạng" mà ông được bổ ngay sau đó đã không cho phép Huy Cận tiếp tục "bút nghiên" theo nghĩa sáng tác văn chương. Bù đầu vì chính quyền còn non trẻ, mọi cái đều bắt đầu từ con số "không". Chính phủ lại phải đối mặt với "tồn tại hay không tồn tại" khi phải giải quyết nạn đói làm 2 triệu người chết mà phát xít Nhật gây ra trước đó (6), đặc biệt sự chống đối vũ trang của Việt Nam Quốc dân Đảng và Đại Việt Quốc dân đảng thân Quốc Dân Đảng Trung Hoa, nhất là khi thực dân Pháp đã tái xâm lược (7). Quan trọng hơn cả là cái "cái tôi" đã làm nên "Thơ Mới" (8) đã không có chỗ trong "văn nghệ cách mạng"!

Bẩm sinh là thi sĩ mà lại không làm thơ được nên Huy Cận không tránh khỏi bi quan. Một đêm trăng tại một đồn điền ở Tuyên Quang thuộc ATK (An toàn khu do Việt Minh hoàn toàn kiểm soát), Huy Cận tâm sự với Xuân Diệu về bước đường làm thơ. Cha tôi nhớ lại: "Lúc đó tôi thấy làm thơ sao khó quá, mặc dù rất muốn làm, và tôi đã hơi bi quan, thầm nghĩ không biết mình có còn tiếp tục được sự nghiệp văn thơ không" (9). Điều này giải thích vì sao chỉ đến khi kháng chiến chống Pháp kết thúc thì "nửa mặt nhà thơ" của cha tôi mới dần dà trở lại.

Vậy nên Huy Cận mong Hồ Chí Minh góp ý cho tập thơ của ông âu cũng là "có đi có lại" giữa "bạn thơ" với nhau

Đó là Đoàn thuyền đánh cá (1958), Mưa Xuân trên biển (1959), Anh Viết Bài Thơ (1959), Các vị La Hán chùa Tây Phương (1960), Trò Chuyện Với Kim Tự Tháp (1962)… Giữa năm 1963, Huy Cận gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh tập thơ “Bài thơ cuộc đời” của ông mới xuất bản với mong muốn nhận được lời phê bình. Cha tôi kể rằng trong những năm kháng chiến chống Pháp ở Việt Bắc, mỗi lúc Hồ Chí Minh làm bài thơ mới nào bằng chữ Hán, hoặc bằng tiếng Việt thì lại gọi ông đến đọc cho nghe, và bao giờ cũng hỏi có ý kiến gì góp không. Tác giả "Nhật ký trong tù" còn nhờ Huy Cận dịch bài thất ngôn tứ tuyệt "Trăng vào cửa sổ" bằng tiếng Hán và cha tôi đã diễn ra bằng bốn câu lục bát như sau:

"Trăng vào cửa sổ đòi thơ,
Việc quân đang bận, xin chờ hôm sau.
Chuông lầu gọi tỉnh giấc thu,
Ấy tin thắng trận biên khu mới về."
 
Nhà thơ Huy Cận (phải) và phu nhân, bà Ngô Thị Xuân Như, 
em gái của nhà thơ Xuân Diệu (trái) tại Chiến khu Việt Bắc

Vậy nên Huy Cận mong Hồ Chí Minh góp ý cho tập thơ của ông âu cũng là "có đi có lại" giữa "bạn thơ" với nhau. Mấy hôm sau, Việt Phương, thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, mang đến cho cha tôi một tờ giấy có một bài tứ tuyệt viết tay của vị Chủ tịch nước như sau:

"Cảm ơn chú biếu Bác quyển thơ,
Bác xem quyển thơ suốt mấy giờ.
Muốn Bác phê bình, khó nói nhỉ!
Bài hay chen lẫn với bài vừa."

Thơ trước cách mạng của anh, tôi mê, thơ sau cách mạng của anh tôi chưa mê (Lê Duẩn)

Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, người cầm chịch "cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước", thì thành thật hơn. Năm 1964, khi gặp Huy Cận ở bến phà Ròn, Quảng Bình, Lê Duẩn nói với tác giả Lửa Thiêng: "Thơ trước cách mạng của anh, tôi mê, thơ sau cách mạng của anh tôi chưa mê" (10).

Còn "nhà thơ cộng sản tiêu biêu biểu" Tố Hữu, từng là Bí thư trung ương Đảng, Trưởng Ban tuyên huấn hay "ông trùm văn nghệ" của Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng bộ trưởng, thì thốt lên "nhớ Xuân Diệu lắm!" rồi nghẹn ngào đọc "Vạn lý tình" sáng tác năm 1940 của Huy Cận, ngay trên sân khấu của Lễ kỷ niệm 100 năm trường Quốc Học Huế tổ chức năm 1996 tại Hà Nội mà tôi tham dự:

"Người ở bên trời, ta ở đây;
Chờ mong phương nọ, ngóng phương nầy.
Tương tư đôi chốn, tình ngàn dặm,
Vạn lý sầu lên núi tiếp mây.
Nắng đã xế về bên xứ bạn;
Chiều mưa trên bãi, nước sông đầy.
Trông về bốn phía không nguôi nhớ,
Dơi động hoàng hôn thấp thoáng bay.
Cơn gió hiu hiu buồn tiễn biệt,
Xa nhau chỉ biết nhớ vơi ngày.
Chiếu chăn không ấm người nằm một
Thương bạn chiều hôm, sầu gối tay."

Đến một "nhà thơ cộng sản tiêu biêu biểu" từng ở đỉnh cao quyền lực như vậy mà trước nhân tình thế thái (11) còn phải lấy Xuân Diệu và Huy Cận của Thơ Mới đầy nhân tính để trải lòng thì rõ là "Mọi lý thuyết đều màu xám, chỉ cây đời mãi mãi xanh tươi" như tuyên ngôn của đại thi hào Đức Goethe (12).

Tiến sỹ Luật CÙ HUY HÀ VŨ
Nguồn:  BBC, tác giả gửi từ Virginia, Hoa Kỳ

Bài viết phản ánh quan điểm riêng và thể hiện lối hành văn của tác giả, con trai Huy Cận (1919-2005), nhân đánh dấu lần thứ 100 năm sinh nhà thơ(31/5/1919 - 31/5/2019).

Chú thích:

(1) Xuân Diệu, tên thật là Ngô Xuân Diệu, là bác ruột (anh ruột bà Ngô Thị Xuân Như, vợ Huy Cận) và là cha nuôi của tác giả.
(2) Huy Cận, tên thật là Cù Huy Cận, thân phụ của tác giả.
(3) Huy Cận - Hồi ký Song Đôi - Nhà xuất bản Hội Nhà Văn.

(4) Hồ Chí Minh là tác giả của Nhật ký trong tù bằng tiếng Hán; Trường Chinh làm nhiều bài thơ, trong đó có bài Là Thi sĩ, với bút danh Sóng Hồng

(5) Sách đã dẫn.

(6) Ngày 3/9/1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã họp phiên đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa xác định 6 vấn đề cấp bách mà "Phát động phong trào tăng gia sản xuất để chống nạn đói, mở ngay cuộc lạc quyên gạo để giúp đỡ người nghèo" đứng ở vị trí thứ nhất. Bộ trưởng không bộ Cù Huy Cận ngay sau đó được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Canh Nông để giải quyết vấn đề cấp bách thứ nhất này. Kết quả là nạn đói đã được đẩy lùi.

(7) Với tư cách Thứ trưởng Bộ Nội Vụ, Huy Cận được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao giúp Bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng thực hành Quyền Chủ tịch nước trong khi Chủ tịch sang Pháp đàm phán (31/5/1946 - 21/9/1946). Cũng với tư cách lãnh đạo Bộ Nội Vụ, Huy Cận phụ trách Nha Công an vụ, tiền thân của Bộ Công an, ký Nghị định số 215/NĐ-P2 ngày 25 tháng 6 năm 1946 thành lập Trường Huấn luyện Công an, "lò" của các "lò" đào tạo công an và an ninh. Huy Cận cũng giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng chuẩn y tấn công trụ sở Quốc Dân Đảng tại phố Ôn Như Hầu và trụ sở đảng Đại Việt tại số 132 Duvigneau, Hà Nội vào tháng 7/1946.

(8) Trong "Một thời đại trong thi ca", Hoài Thanh viết: "Đời chúng ta nằm trong vòng chữ Tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình của Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta say đắm cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngẩn ngơ buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận…").

(9) Sách đã dẫn.
(10) Sách đã dẫn.

(11) Thơ Tố Hữu thoát thai từ Thơ Mới nên Tố Hữu bày tỏ ngưỡng mộ Huy Cận và Xuân Diệu khi gặp lại hai ông sau Cách mạng tháng 8 (1945). Trong kháng chiến chống Pháp, Tố Hữu viết thư nài nỉ Xuân Diệu về làm thư ký tòa soạn tạp chí Văn nghệ của Hội Văn Nghệ Việt Nam (tiền thân là Hội Văn Hóa Cứu Quốc). Tuy nhiên, khi ở vị trí quyền lực từ sau 1954, Tố Hữu chỉ đạo "đánh" Thơ Mới nói riêng, văn chương trước Cách mạng tháng 8 nói chung nhằm khẳng định vị trí độc tôn của "thơ văn cách mạng" mà ông là biểu tượng. Trước thực tế phũ phàng ấy, Xuân Diệu đã phải thốt lên: "Một số tác phẩm đã đạt tới một mức nghệ thuật nào và đã có một khuynh hướng tiến bộ so với hoàn cảnh thời đó, thì vẫn còn lại một giá trị văn học nghệ thuật. Hoàn toàn vứt cả, coi nó là "dưới Zê-rô", là không có quan điểm lịch sử trong phê bình" (Xuân Diệu - Những bước đường tư tưởng của tôi - NXB Văn hóa 1958). Thời gian này tại biệt thự 76 Phan Đình Phùng, Hà Nội nơi Tố Hữu ở luôn có một đơn vị công an vũ trang túc trực và khách thì nườm nượp. Sau khi Tố Hữu bất ngờ bị loại ra khỏi quyền lực tại Đại hội Đảng lần thứ 6 tổ chức năm 1986 mà trước đó ông được dự kiến nắm chức Tổng bí thư, nhà ông không còn lính gác và khách xưa hầu vắng bóng, trên sân xào xạc lá táo vàng rơi. Huy Cận cha tôi thỉnh thoảng vẫn lại thăm Tố Hữu, có đưa tôi theo cùng.

(12) Bài thơ "Cây đời mãi mãi xanh tươi" và bài tiểu luận "Và cây đời mãi mãi xanh tươi" in trong tập tiểu luận cùng tên của Xuân Diệu lấy cảm hứng từ tuyên ngôn này của Goether.




NHÀ VĂN NGUYỄN MINH CHÂU: TÊN THỰC ỨNG VỚI ĐỜI THỰC?

Trái ngược với cái tên Minh Châu "đẹp như mộng", thuở mới lọt lòng, nhà văn tài năng của chúng ta đã được các cụ thân sinh đặt cho cái tên thậm xấu: Nguyễn Thí. Vâng, Nguyễn Thí, vì đó là đứa con "thêm nếm" (tức con út) mà các cụ được Trời Phật ban cho.

Minh Châu là một cái tên thật đẹp. Có lẽ vì vậy mà trong kỷ yếu "Nhà văn Việt Nam hiện đại" xuất bản lần gần đây nhất, hai chữ này đã xuất hiện trong bút danh của... bốn nhà văn, gắn với bốn cái họ khác nhau: họ Nguyễn, họ Hoàng, họ Nông, họ Tạ. Trong đó, ông Minh Châu họ Nguyễn được giới văn học nhắc tới nhiều hơn cả. Kể thì cũng dễ hiểu: Trong "tứ trụ Minh Châu" nói trên, đến nay Nguyễn Minh Châu vẫn là nhà văn duy nhất đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật.
Nhà văn Nguyễn Minh Châu

Thế nhưng, trong một lần trò chuyện với bà Nguyễn Thị Doanh, quả phụ của nhà văn Nguyễn Minh Châu, tôi đã thực sự bất ngờ khi được biết rằng: Trái ngược với cái tên Minh Châu "đẹp như mộng" ấy, thuở mới lọt lòng, nhà văn tài năng của chúng ta đã được các cụ thân sinh đặt cho cái tên thậm xấu: Nguyễn Thí. Vâng, Nguyễn Thí, vì đó là đứa con "thêm nếm" (tức con út) mà các cụ được Trời Phật ban cho. Còn vì sao sinh trưởng trong một gia đình khá giả mà ông lại bị cha mẹ đặt cho cái tên đáng ngán ngẩm như vậy? "Thì cũng là cách đặt tên cho dễ nuôi như quan niệm của phần đông dân ta khi ấy"- bà Doanh giải thích.

Cũng theo bà Doanh cho biết: Chỉ đến khi Nguyễn Thí đến tuổi đi học, bố mẹ ông mới tìm cách đặt lại tên cho ông (là Minh Châu). Như vậy, cái tên Minh Châu không phải do nhà văn chọn lựa khi cầm bút viết văn.

Không biết có phải do mặc cảm với cái tên Nguyễn Thí bố mẹ đặt cho từ thuở lọt lòng mà bình sinh, ông nhà văn vốn dĩ có nhiều độc giả này lại rất e ngại khi phải đối mặt với... đám đông. Trong những ghi chép cuối cùng (có tên gọi "Ngồi buồn viết mà chơi") được thực hiện trong những ngày nằm điều trị tại Viện Quân y 108, Nguyễn Minh Châu tự nhận xét: "Từ lúc còn nhỏ tôi đã là một thằng bé rụt rè và vô cùng nhút nhát. Tôi sợ từ con chuột nhắt cho đến ma quỷ. Sau này lớn lên, đến gần sáu chục tuổi, đến một nơi đông người tôi chỉ muốn lẻn vào một xó khuất và chỉ có như thế mới cảm thấy được yên ổn và bình tâm như con dế đã chui tọt vào lỗ".

Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn từng kể (trong sách "Nghiệp văn" - NXB Văn hóa - Thông tin, 2001), quãng năm 1973, 1974 gì đó, vào độ giáp Tết, Nguyễn Minh Châu không may bị bệnh phải đi nằm viện. Khi ông hồi phục, ra viện thì cũng vừa hay… hết Tết. Trái ngược với tâm trạng của bạn bè, người thân (áy náy, thương cảm vì ông không được hưởng những ngày vui), Nguyễn Minh Châu lại có một thái độ rất thoải mái. Theo ông tiết lộ thì việc nằm viện vậy là ông "đã tránh được ít ngày phải sống giữa một cơn điên". Ý ông muốn nói, ông đã thoát được những ngày con người phải sống với những lễ lạt, giao tiếp căng thẳng.

Nguyễn Minh Châu tự nhận mình không thuộc diện lợi khẩu. Chính vì thế ông rất ngại khi được mời phát biểu trong các buổi tọa đàm, hội thảo. Ông thật thà kể: "Tôi rất sợ máy micrô. Một lần ở thư viện của một thành phố, người ta cứ nằng nặc bắt tôi nói trước máy để cả đám đông của hội trường có thể nghe. Vừa nói được vài câu qua máy, tôi đã mất bình tĩnh vì vừa nói tôi vừa nghe thấy cái tiếng nói của mình và tự nhiên phát hoảng, không còn là tiếng nói hàng ngày của mình nữa mà y như có ai đang nhại mình bằng một thứ giọng ma quỷ". Lại một lần khác, ông bị người ta kéo đi nói chuyện với học sinh một trường cấp III. Từ trên bục diễn giả nhìn xuống, ông thấy hai phần ba thính giả là nữ, và các cô gái này cứ nói chuyện rào rào, không có vẻ gì là đang nghe ông nói. Bị mất hứng, giọng nhà văn cứ ỉu dần, ỉu dần và mới được có nửa buổi ông đành phải cho kết thúc bài và xin phép… cáo từ.

Nhà thơ Vũ Cao, nguyên Chủ nhiệm Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nơi Nguyễn Minh Châu có thời kỳ làm biên tập văn xuôi cũng từng kể: "Trong những buổi họp cơ quan hoặc họp chi bộ, hễ thấy anh giơ tay xin phát biểu ý kiến thì lập tức tôi nói khẽ với đồng chí ngồi cạnh: Này, ông Châu lại sắp nói sai đấy. Và quả nhiên, anh chỉ nói hẳn hoi được một hai câu, còn sau đó là "sai" hết. Tôi nói "sai" là so với cách nghĩ thông thường của nhiều người khác...". Vũ Cao cũng nhớ lại những ấn tượng của ông khi lần đầu gặp Nguyễn Minh Châu: "Một con người nhỏ bé, đi chân chữ bát, đầu hơi cúi xuống. Anh có vẻ nhút nhát".

Không chỉ là nhút nhát, vụng về trong phát biểu, nói năng, mà trong công tác cũng như trong sinh hoạt thường ngày, Nguyễn Minh Châu cũng luôn thể hiện là người không thật... nhanh nhẹn. Nói chính xác thì ông hầu như là người "chỉ biết viết thôi, chẳng biết gì" (cải biên từ một câu thơ của Xuân Diệu). Hiện nhiều anh em trong Quân đội còn lưu truyền câu chuyện về thời kỳ Nguyễn Minh Châu làm lính trinh sát cho một đại đội thuộc Đại đoàn Đồng Bằng. Một lần, chỉ huy đơn vị kéo ông cùng đi thị sát chiến trường, chuẩn bị cho một trận công đồn. Đêm tối như hũ nút, theo chân Nguyễn Minh Châu, vị chỉ huy lần lượt vượt qua những vạt ruộng, những bờ tre... mà không gặp phải trắc trở nào cả. Không gian im ắng đến không ngờ. Cứ vậy, đến gần sáng, khi gà te te gáy, nghe tiếng kẻng vang xa, vị chỉ huy chắc mẩm đó là tiếng kẻng báo thức phát ra từ đồn địch... Nào ngờ, trước mặt lại chính là điểm trú quân của bộ đội ta. Sau đận đó, nghe nói Nguyễn Minh Châu được điều làm việc khác. Nhận xét về chuyện này, vị chỉ huy nói trên đã buông một câu: "Chẳng sao, đồng chí ấy tuy là một trinh sát tồi nhưng viết văn giỏi".

Nhà văn Lê Lựu, trong một lần kể chuyện Nguyễn Minh Châu giúp vợ chồng ông tìm mua nhà, đã không quên nhắc lại sự hồn nhiên đãng trí của Nguyễn Minh Châu: "Hút hết điếu thuốc lá, nhấp một ngụm nước chè tôi vừa pha, anh mới nói đầy vẻ tự tin: Mình kiếm được nhà cho ông rồi". Lê Lựu mừng rỡ, muốn kêu lên vì sung sướng: "Không thể ngờ anh lại đem đến cho tôi một niềm vui lớn, đột ngột đến thế". Nhưng khi ông hỏi nhà văn đàn anh "ở chỗ nào hở anh?" thì Nguyễn Minh Châu bất chợt lúng túng "chết chửa, mình lại quên không để ý số nhà". "Thế ở phố nào ạ?". "Phố..ả...à...à. mình... cũng không nhớ nữa". Phu nhân của nhà văn Lê Lựu nghe vậy, sốt ruột không đừng được, chêm vào: "Thế bác có nhớ ở mạn nào không ạ?". Nguyễn Minh Châu xem chừng... bất lực. Ông thở dài, đứng dậy: "Thôi, để mình đi lại".

Có lẽ vì tật đãng trí như vậy mà trong làng văn, hiện vẫn lưu truyền câu chuyện vui về việc Nguyễn Minh Châu tập đi xe máy mãi mà vẫn không phân biệt được rạch ròi đâu là số, đâu là côn, là phanh, để rồi rốt cục, ông không tài nào điều khiển được xe đi, xe dừng. Để đỡ tốn sức, tốn thời gian, Nguyễn Minh Châu bảo bạn: "Thôi vậy ông ạ, với tôi xe đạp vẫn thuận hơn". Từ đó, người ta lại thấy nhà văn bạn đường với chiếc xe đạp tòng tọc, lủng lẳng bên tay lái chiếc mũ lá (xem "Giai thoại làng văn Việt Nam"- NXB Văn hóa Dân tộc, 1999).

Về việc này, tôi đã có dịp hỏi chuyện bà Nguyễn Thị Doanh. Bà Doanh cho hay: Cả đời, chưa bao giờ chồng bà tập đi xe máy, vì đối với vợ chồng bà, xe máy bấy giờ là một thứ quá xa xỉ. Suốt đời, nhà văn Nguyễn Minh Châu chỉ đi chiếc xe đạp mà ông được mua từ năm 1959. "Nhà tôi dùng nó suốt 30 năm, tới khi anh ấy mất - Bà Doanh nhớ lại - Nó tróc ghẻ, lọc xọc. Đến nỗi, có hôm khách khứa ngồi chờ, tôi nghe thấy tiếng lọc xọc ngoài đường, tôi bảo, nhà tôi về rồi". Ông khách ngạc nhiên hỏi: "Sao chị biết?". Tôi nói: "Chỉ cần nghe tiếng xe kêu là tôi biết". Hiện chiếc xe tôi vẫn giữ cái khung. Có ông sửa xe gạ mua, nhưng tôi không bán. Tôi dành để tặng nó cho Bảo tàng Nhà văn".

Theo bà Doanh, có thể người ta "nhầm chuyện xe máy với chuyện nhà tôi sử dụng máy chữ. Chẳng là, gần nhà tôi có anh An đánh máy chữ rất giỏi. Nhà tôi trông thấy thèm lắm, mơ ước mua được một cái. Đến khi có máy rồi, nhà tôi kỳ cạch xoay xoay gõ gõ mấy ngày liền, xong cũng chẳng chữ nào ra chữ nào".

Lý giải việc nhà văn Nguyễn Minh Châu không thạo những việc xem ra rất đơn giản đối với đại đa số những người... bình thường, bà Doanh cho rằng, vì chồng bà là con út, hồi bé lại được bố mẹ cho đi học suốt nên "lớn lên có biết làm gì đâu". Bà Doanh lấy ví dụ: "Tôi nhớ, có lần nhà tôi nối được cái dây may so ở bếp điện khiến nó đỏ lên được, anh ấy mừng lắm, cứ xuýt xoa chờ vợ con khen. Tôi động viên anh: "Bố nó tiến bộ quá". Thế là anh ấy thích lắm". Và bà kết luận: "Nói chung, nhà tôi là một người quan sát việc đời rất tinh tế nhưng lại rất lóng ngóng việc nhà. Bản thân tôi cũng cố để anh ấy không phải dúng tay vào những việc này. Về nội trợ trong nhà, việc duy nhất mà tôi hướng dẫn anh ấy làm được là việc... rang cơm"

PHẠM THÀNH CHUNG
Nguồn: VNCA



Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2019

HAI NHÀ VĂN ĐOẠT GIẢI NOBEL VĂN HỌC 2018-2019

Cuộc họp báo công bố hai tác giả thắng giải Nobel Văn học do Viện hàn lâm Thụy Điển tiến hành đã kết thúc với lời khẳng định từ ban tổ chức rằng cả hai nhà văn sẽ nhận được giải thưởng với trị giá 9 triệu krona Thụy Điển mỗi người (tương đương hơn 21 tỷ đồng).

Ngay sau khi tên hai nhà văn được xướng lên, phía ủy ban trao giải đã có cuộc phỏng vấn nhanh qua điện thoại với nữ tác giả người Ba Lan - Olga Tokarczuk. Được biết, lúc tên mình được xướng lên, bà Tokarczuk đang ngồi trong xe, đang di chuyển trên lãnh thổ nước Đức.

Bà Tokarczuk đã cho ra mắt nhiều tác phẩm tiểu thuyết, trong số đó, có nhiều cuốn đã được dịch sang tiếng Anh. Trong giới văn chương, bà Tokarczuk được biết tới là một học giả, một nhà hoạt động vì nữ quyền. Tại Ba Lan, bà đã giành được nhiều giải thưởng văn chương uy tín. Trong văn đàn Ba Lan, bà Tokarczuk thuộc vào nhóm các tác giả có sách bán chạy nhất.

Bà Olga Tokarczuk được biết tới với giọng văn huyền hoặc, bí ẩn. Thuở còn là sinh viên, bà từng theo học chuyên ngành tâm lý học tại Đại học Warsaw và ngay từ thuở ấy, bà đã bắt đầu cho ra mắt những tập thơ, những cuốn tiểu thuyết... Cuốn tiểu thuyết “Flights” của bà đã từng giành được giải thưởng Nike hồi năm 2008, đây là giải thưởng văn chương cao quý hàng đầu tại Ba Lan.

Với tác phẩm “The Books of Jacob”, bà tiếp tục giành giải Nike một lần nữa vào năm 2015. Trong văn đàn quốc tế, bà Tokarczuk đã được biết tới từ lâu và thường được mời tới các sự kiện về sách và văn chương để tham gia các hội thảo, diễn đàn.

Bà Tokarczuk sinh ra ở thị trấn Sulechów, Ba Lan. Trước khi bắt đầu sự nghiệp văn chương của mình, khi còn đang theo học chuyên ngành tâm lý học, bà đã từng xin vào thực tập tại một bệnh viện tâm thần dành cho trẻ vị thành niên, những người còn rất trẻ nhưng gặp phải những vấn đề về tư duy, hành xử.

Sau khi tốt nghiệp vào năm 1985, bà đã sống ở các thành phố khác nhau tại Ba Lan và làm một bác sĩ tâm lý. Bà chia sẻ rằng bản thân rất ngưỡng mộ nhà tâm lý học người Thụy Sĩ Carl Jung (1875-1961) và coi những nghiên cứu tâm lý của ông là một nguồn cảm hứng cho những tác phẩm văn chương của bà.

Kể từ năm 1998, bà Tokarczuk đến sống ở ngôi làng nhỏ Krajanów, tại đây, bà cũng tự mình điều hành một công ty xuất bản riêng.

Nhà văn người Áo Peter Handke còn được biết tới là một nhà viết kịch, một dịch giả. Thuở nhỏ, ông Handke học trong trường nội trú dành cho các nam sinh, chính tại đây ông đã sáng tác những truyện ngắn đầu tiên đăng trên tờ báo của trường. Về sau ông theo học ngành luật tại trường Đại học Graz ở thành phố Graz, Áo.

Ngay trong quá trình học, ông Handke đã chăm chỉ sáng tác và có hướng theo đuổi sự nghiệp văn chương, thường giao lưu với giới các nhà văn trẻ, cùng sáng lập các hội nhóm văn chương và xuất bản những tác phẩm đầu tiên. Ông Handke đã từ bỏ việc học luật vào năm 1965 khi một nhà xuất bản tại Đức đồng ý xuất bản cuốn “The Hornets” của ông.

Dần dần, cùng với việc viết lách và hoạt động viết kịch, ông Handke nhận được sự chú ý trong giới văn chương - kịch nghệ quốc tế. Ông Handke cũng đã viết rất nhiều kịch bản phim và đã từng đạo diễn hai bộ phim - “The Left-Handed Woman” (1978) và “The Absence” (1992).

Bộ phim “The Left-Handed Woman” từng được đề cử ở hạng mục Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes 1978. Sau khi rời khỏi thành phố Graz mà ông từng gắn bó từ những năm tháng tuổi trẻ, ông Handke đã đến sống ở các thành phố Düsseldorf, Berlin, Kronberg của Đức, thành phố Paris của Pháp, Salzburg của Áo, ông cũng từng sống ở Mỹ trong hai năm.

Kể từ năm 1991, ông bắt đầu sống lâu dài ở xã Chaville gần Paris, Pháp. Trong vòng hơn 50 năm sáng tác, ông đã cho ra mắt số lượng tác phẩm đồ sộ thuộc đa dạng các thể loại. Nhà văn Peter Handke đã là một trong những cái tên có tầm ảnh hưởng lớn trong văn đàn Châu Âu kể từ cuối thập niên 1940.

BÍCH NGỌC
Theo NOBEL PRIZE/ DTO



Thứ Năm, 10 tháng 10, 2019

NHÀ VĂN HỒ ANH THÁI: MỘT MÌNH QUA ĐƯỜNG

Người đàn ông này không thuộc về bất cứ đám đông nào. Và dường như anh không có thú vui nhậu nhẹt của đàn ông. Có người nói anh yêu vẻ cô đơn đẹp đẽ của mình. Anh như một hòn đá chìm trong lòng suối sâu, phải ngắm rất lâu ngày nước lặng mới gặp. Nhưng chỉ cần mỗi tác phẩm mới của anh xuất hiện, ngay lập tức có những dư luận trái chiều.
Nhà văn Hồ Anh Thái

Người khen cũng nhiều, kẻ chê cũng lắm. Nhưng tuyệt nhiên không có những lời nổi đoá hay thanh minh. Im lặng sống. Im lặng viết. Một mình. Chỉ có những con chữ xôn xao...

Đầu năm 2008, Hồ Anh Thái trả lời tạp chí Văn hoá Phật giáo: "Khi mới đến Ấn Độ, tôi vẫn còn nóng tính lắm. Ỷ mình có chân lý, nhiều khi không chịu ai, đấu tranh với xung quanh, từ sếp cho đến ông lái xe trong cơ quan. Việc không chạy thì "trị" cả người bản xứ cho đến khi việc được làm đúng mới thôi.

Người ấn rất tốt nhịn, cộng với ý thức đẳng cấp mấy nghìn năm khiến họ có lối sống khoan dung, bình yên, bất bạo động. Nên hiểu rằng tính cách ấn hoàn  toàn trái ngược với những vụ việc của các tổ chức ly khai, khủng bố, gây mất ổn định. Rất tự nhiên, dần dà mình cũng thiền đi, và khi trở về Việt Nam, chất ấn Độ đã ngấm vào tôi từ lúc nào.

Hầu như tôi không nhận lời đăng đàn diễn thuyết, hoặc giao lưu với độc giả. Trước mọi sự bao giờ cũng tự dặn mình, không đôi co tranh cãi, không hơn gì nhau câu nói. Quyền lợi chia bôi, nhường mọi người nhận trước. Người ta ghen ghét, đố kỵ, bịa đặt công kích mình hoặc làm ác với mình, cứ lấy sự ôn hòa mà đáp lại. Ôn hòa, cũng bởi vì tin vào điều nhà Phật nói: những người ấy trong đời tự họ đã và sẽ phải chịu luật nhân quả rất nặng nề rồi...".

Đã có người nói anh nói "xạo", bằng chứng là bằng cách này hay cách khác, anh vẫn muốn phản bác lại những gì người ta nói về mình không chính xác. Như một cách "đáp trả" với những bài viết không thiện cảm về cuốn tiểu thuyết mới nhất của anh "Đức Phật, nàng Sivitri và tôi". Nhưng tôi tin là anh nói thật, bởi Hồ Anh Thái không phải là người sợ dư luận.

Anh chỉ muốn bảo vệ đứa con của mình trước những đòn roi mà thôi. Những đòn roi ấy anh biết trước nó sẽ xảy ra, nhưng không thể nào ngăn được. Tác phẩm và dư luận, người khen kẻ chê, người ghét kẻ yêu, nó như sau buổi sáng sẽ có buổi chiều. Chuyện bịa đặt, công kích đến với Hồ Anh Thái không chỉ một lần.

Chẳng hạn như chuyện một ngày đẹp trời rất nhiều người là bạn bè anh nhận được một tin nhắn rất vô văn hoá của một kẻ giấu tên nói rằng anh phải vào bệnh viện vì những lý do rất... kinh khủng, trong khi anh đang đi du lịch nước ngoài. Hay một người nào đó suốt ngày nhắn tin chửi mắng anh chỉ vì một việc anh làm không đúng ý họ.

Cuộc tấn công bằng tin nhắn ấy nhiều ngày sau vẫn không chấm dứt. Thế nhưng, Hồ Anh Thái đã không "phản đòn". Sự im lặng của anh có lẽ cũng là một câu trả lời.

Hồ Anh Thái sống một mình trong căn nhà nhỏ, lối đi vào phải dắt khéo mới được một chiếc xe. Anh hiếm khi mời ai về nhà. Có thể coi đó là "tổ kén", hoặc là "nơi trú ẩn" của anh. Căn nhà nhỏ, các lối đi âm u, đường lên cầu thang lành lạnh, chiếu nghỉ là chỗ xếp đầy giá và chân nến, như thể một thứ nghi lễ.

Anh sống trọn vẹn trên căn gác, với bốn bề là sách và băng đĩa. Sách tiếng Anh, sách ấn Độ nhiều. Mảng đồ sộ là sách văn hoá ấn Độ, trong đó của nả khá lớn là những cuốn thơ cổ ấn Độ. Và những cuốn sách của anh, cả tiếng Việt, cả tiếng Anh được xếp gáy đều tăm tắp. Trước tivi là một rổ đĩa phim cực lớn. Hồ Anh Thái có một tiệm đĩa quen tút hút trên một căn gác sâu phố Hàng Bài.

Mỗi khi có đĩa phim mới, phim độc, chủ tiệm đĩa lại nhắn tin cho anh. Ba chục phút sau, anh có mặt, ngồi mân mê chọn lựa, phim nào hay mua cho bằng hết, có phim mua vài chục đĩa, hôm sau đóng gói đem biếu bạn bè. Hồ Anh Thái xem rất nhiều, từ Oscar cho đến Cành cọ vàng, từ bom tấn Mỹ đến phim Iran, từ hoạt hình Nhật Bản cho đến phim bộ Hàn Quốc.

Thế nên không có gì lạ lẫm khi thấy anh xem cả "Những đứa trẻ thiên đường" với "Bản tình ca mùa đông". Và cũng không có gì ngạc nhiên khi anh sẵn sàng tiếp nhận cả sang lẫn sến, cả những ngôn ngữ điện ảnh bậc cao cho đến drama tình - tiền  - tù - tội đẫm lệ sầu Hàn Quốc. --PageBreak--

Có thể đó là cách để anh không tách bỏ mình khỏi đời sống. Và cũng có thể là một thứ giải trí trong giờ tập thể dục buổi chiều, trên chiếc xe đạp anh đặt ở góc phòng. Không ai biết Hồ Anh Thái vui hay buồn với cuộc sống ấy. Chỉ biết rằng anh đã ở đó, tĩnh tại như thế trong nhiều năm, sống và viết, tác phẩm ra đều đặn, tác phẩm nào cũng xôn xao.

Trong căn phòng bộn bề sách của Hồ Anh Thái có một gia tài quý giá mà tôi nghĩ rằng hiếm có người Việt nào có được, đó là bộ băng đĩa trọn vẹn tiếng hát NSND Lê Dung. Những chiếc băng cassette cũ được thâu lại, có cái từ Đài Tiếng nói Việt Nam, có cái từ các album cũ.

Hồ Anh Thái yêu mến tiếng hát Lê Dung vì lẽ gì, đã nhiều lần tôi định hỏi. Nhưng rồi thôi. Bởi rốt cùng, vì lẽ gì thì cũng đâu cần, chỉ nhìn cái gia tài kia là biết lòng người, như cách người ta nâng niu một chú họa mi.

Tôi nhớ khi đám trẻ chúng tôi nhìn thấy những cái băng của Lê Dung, Hồ Anh Thái như thể muốn vội ôm lấy, như thể sợ rằng trong chốc lát tình yêu ấy sẽ bị chúng tôi chiếm đoạt và mang đi mất...

Về sau thì tôi hiểu, Hồ Anh Thái có một niềm vui là đi sưu tầm các ấn phẩm văn nghệ hay và muốn giữ lại thành bộ sưu tập. Cái gì hay anh sẽ chia sẻ với mọi người bằng cách... mua thêm để tặng chứ không cho mượn.

Với đám viết trẻ, có lẽ Hồ Anh Thái là một người anh nhiệt tình. Khi anh "tung hô" Nguyễn Thế Hoàng Linh như một thiên tài, bị không ít người mỉa mai và cho rằng anh đang làm công việc đánh bóng một thỏi vàng chưa đủ tuổi. Về một mặt nào đó, những lời ngợi ca của anh dành cho cậu thanh niên trẻ đã gây hiệu ứng với bạn đọc.

Nhưng nó chính là một gánh nặng cho người viết ấy. Anh ta sẽ phải gánh vác hai chữ thiên tài trong suy nghĩ và thể hiện trước mọi người. Nhưng, với Hồ Anh Thái, đã yêu ai là yêu hết lòng, giúp bằng mọi nhẽ. Anh thấy việc làm của mình là phải đạo thì sẽ làm đến cùng.

Tôi nghĩ rằng, có thể anh chỉ nghĩ đơn giản đến việc giới thiệu được một tiềm năng mới sau nhiều năm văn học buồn tĩnh lặng. Và anh làm công việc đó như anh vẫn từng làm, âm thầm gom nhặt những tác phẩm mới có ít nhiều sáng tạo để gom thành một tập sách.

Hay đọc được một cái gì lý thú trên mạng, ngay lập tức anh gửi file tới tất cả bạn bè trong list địa chỉ email. Hay như khi đọc một truyện ngắn mới, thấy phù hợp với một cuộc thi truyện ngắn trên báo, anh âm thầm gửi tới người biên tập, khi báo đăng lên anh lại âm thầm đi lấy nhuận bút rồi ra bưu điện gửi cho tác giả.

Và đến khi truyện ngắn đoạt giải, anh lại là người tất tả gọi điện chia vui, như thể chính anh mới là người được giải vậy! Khi tuyển cuốn truyện ngắn "Văn mới 5 năm đầu thế kỷ", Hồ Anh Thái có đề nghị tôi gửi cho anh một truyện ngắn. Anh đọc rất nhanh, bôi đỏ choe choét trên bản thảo. Anh đề nghị tôi sửa. Anh nói, nhà văn phải là người sáng tạo ngôn ngữ, phải dùng từ ngữ cho thật chuẩn.

Và khuyên, dù không có hứng cũng phải tập cho mình một thói quen, mỗi ngày viết một đến hai tiếng. Văn chương cũng cần sự kiên trì tập luyện. Lời khuyên của anh đến nay tôi vẫn chưa thực hiện được, dù tôi biết đó là sự thật, bằng chứng là chính anh với tác phẩm ra đời đều đặn hàng năm.

Khi tôi viết bài này thì Hồ Anh Thái đang chu du tận Thụy Điển. Những chuyến đi nước ngoài với anh như một nhu cầu thường xuyên. Có khi là công việc. Nhưng cũng có khi là đi chơi. Anh đi nhiều. Và đi một mình. Tôi cho rằng, anh là người cảm nhận rõ nhất sự cô đơn, đến mức nhận ra được vẻ đẹp của nó.

Những ngày Tết, anh thường trốn đi đâu đó một mình. Anh nói, cảm giác một mình ở một nơi xa lạ, không quen biết ai, tự mình tìm hiểu và sống trọn vẹn với chính mình là một cảm giác không tồi. Chuyện về Hồ Anh Thái quả là những chuyện mơ hồ. Không ai biết về gia đình, vợ con anh.

Cũng không ai biết anh đang làm gì. Khi viết là anh tắt điện thoại. Như một thứ kỷ luật để hết mình với những con chữ. Hồ Anh Thái đang viết một cuốn tiểu thuyết mới. Anh không nói về cuốn tiểu thuyết của mình. Đã có người đặt ra câu hỏi xung quanh chuyện đời riêng của anh.

Nhưng tôi lại không muốn bắt đầu viết về anh theo con đường ấy. Mỗi người có quyền giữ cho mình những khoảng riêng cần thiết. Họ không muốn cho ai biết. Và họ không cần ai biết. Vậy hãy để họ được sống cho chính mình. Tôi chỉ biết cảm giác đón đợi những tác phẩm của anh là có thật. Và sự đón đợi ấy minh bạch, công khai...

THIÊN Ý
Nguồn: ANTG



Thứ Tư, 9 tháng 10, 2019

CƠN GẶM NHẤM DI SẢN

Nếu dừng được cơn gặm nhấm di sản trên diện rộng này, ta còn cứu được hàng nghìn di sản trên toàn quốc. Nếu không, sẽ tiếp tục có rất nhiều "Mã Pì Lèng" khác trong tương lai.

Năm 2005, tôi đến thăm một hòn đảo mà nửa thế kỷ trước, ba tôi từng đặt chân tới vào thời điểm bước ngoặt quan trọng của đời ông.

Nơi đó là Mont Saint Michel, hòn đảo gồm nhiều công trình tôn giáo cổ, rất nổi tiếng với con đường độc đạo nối vào đất liền, thường ngập khi thủy triều lên. Quần thể này và vùng biển lân cận được xem là di sản quý giá hàng đầu của Pháp, được UNESCO vinh danh "Di sản thế giới".

Ba tôi, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, từng đến thăm hòn đảo này để lấy ý tưởng và cảm hứng cho đồ án trước vòng chung kết tranh giải thưởng kiến trúc Khôi nguyên La Mã của Pháp năm 1955. Đề bài yêu cầu thiết kế một thánh đường trên hòn đảo nhỏ vùng Địa Trung Hải, với tầm nhìn có thể trở thành một di sản văn hóa trong tương lai, phục vụ hàng chục nghìn khách hành hương. Như một cơ duyên, ông đã giành giải thưởng này khi chưa đầy 30 tuổi.

Tôi có ấn tượng sâu đậm khi viếng thăm Mont Saint Michel, không chỉ vì ôn lại những kỷ niệm mà ba tôi từng kể, mà còn cảm nhận được cách ứng xử của chính quyền và người dân địa phương đối với di sản này.

Ngay từ đầu, nhà chức trách Pháp đã quy hoạch và cấm xây dựng các công trình du lịch, bãi đậu xe ở khu vực ven biển - nơi đối diện hòn đảo - để giữ gìn khung cảnh thiên nhiên sinh thái bao quanh. Tới đây, khách chỉ được đậu xe tại bãi xe chính cách đảo khoảng 3 km, trong vùng đệm của di sản, từ đó có thể đi bộ hoặc đi xe bus hay xe ngựa vào hòn đảo cổ xưa này. Đổi lại, họ được sống lại cảm xúc của người xưa khi không gian xanh sinh thái trên đảo và lân cận hoàn toàn được bảo vệ. Tất cả tập hợp các công trình tôn giáo được gìn giữ tôn tạo như hiện trạng nhiều thế kỷ trước.

Người Pháp đã xác định một không gian vùng ảnh hưởng trực tiếp đến di sản rất rộng lớn và nó cũng được bảo tồn nghiêm ngặt. Không gian di sản của công trình không chỉ dừng lại trong phạm vi 6,56 hecta của đảo. Tới 57,51 hecta không gian liền kề của khu vực ven biển nơi tiếp giáp hòn đảo cũng được bảo tồn. Toàn bộ vùng rộng lớn này bị cấm xây dựng. Nhờ đó, từ khoảng cách vài km cho đến ngay phía trước hòn đảo và từ mọi góc nhìn, người ta đều cảm nhận được trọn vẹn bức tranh lịch sử nghìn năm của các lâu đài tôn giáo nơi đây.

Đó là lý do khiến trong mắt tôi, giá trị của đỉnh Mã Pì Lèng tại Hà Giang không phải chỉ là dòng sông và sườn núi hùng vĩ mà còn là một không gian rất rộng lớn xung quanh - như chiếc áo để mặc cho di sản. Trong không gian đó, dù đứng ở đâu, ta vẫn có thể có cảm xúc đặc biệt về nơi này. Tất cả những vị trí giúp nhìn thắng cảnh đẹp nhất chính là những địa điểm phải được bảo vệ cùng với di sản, trên một cơ sở pháp lý vững chắc.

Trong câu chuyện nhà hàng 7 tầng xây trái phép trên đỉnh đèo, tôi thấy có 4 "tầng trách nhiệm". Trách nhiệm đầu tiên của chủ đầu tư do xây không phép.

Thứ hai, huyện Mèo Vạc có trách nhiệm bởi đã không dừng công trình từ manh nha, để nó ngang nhiên mọc lên. Và cũng không loại trừ khả năng ai đó có chức quyền đã dung túng cho chủ đầu tư theo kiểu, xây đi rồi sẽ lo giấy phép.

Trách nhiệm thứ ba lớn hơn thuộc tỉnh Hà Giang. Đó là trách nhiệm phải tổ chức quy hoạch của khu vực di sản và lân cận, xác định rõ khu nào không được xây dựng, khu nào xây được để phục vụ du khách, bảo tồn chỗ nào, đầu tư chỗ nào.

Mã Pì Lèng là một không gian thiên nhiên thuần khiết và tốt nhất không nên có công trình nào mọc lên ở khu vực di sản lẫn vùng ảnh hưởng của di sản. Việc địa phương có thể làm ngay là trả lại không gian cho di sản. Nếu không chọn hoàn toàn phá bỏ công trình thì chỉ nên cải tạo nó theo hướng: dứt khoát không cho phép chức năng khách sạn nhà hàng ở khu vực này mà chỉ cho phép làm điểm ngắm cảnh, dừng chân, giải khát, có nhà vệ sinh ngầm giấu kín và xử lý chất thải. Hai tầng nổi trên cùng của công trình phải bị phá bỏ. Chính quyền có thể xem xét mua lại công trình để chuyển thành điểm dịch vụ công, phục vụ khách du lịch có thu tiền.

Quan trọng hơn, tỉnh Hà Giang phải gấp rút làm quy hoạch toàn bộ khu vực, đưa ra giải pháp cụ thể và chi tiết về bảo tồn và phát triển mà không cần chờ điều chỉnh Luật Di sản vì sẽ quá chậm. Trong đó, phải xác định lại các vùng lõi và vùng đệm của khu vực, nêu rõ những nơi không được và nơi có thể xây dựng phục vụ du lịch và dân sinh, nhưng phải đi kèm các quy định khống chế về chiều cao, mật độ, phong cách kiến trúc, vật liệu, màu sắc... để không gian đô thị quanh di sản được hài hòa.

Và cuối cùng, trách nhiệm lớn nhất thuộc về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bởi thực tế, ai cũng thấy nhà hàng nằm ở vị trí đẹp nhất trong quần thể, vi phạm di sản một cách ngang nhiên, nhưng chính quyền chỉ có thể phạt lỗi xây dựng không phép chứ không đủ cơ sở pháp lý để phạt lỗi vi phạm di sản. Có kẽ hở này là do Luật Di sản hiện hành có lỗ hổng rất lớn chưa được Bộ "vá" lại.

Luật Di sản chỉ phân định vùng lõi vùng I và vùng lõi II của di sản là vùng cần bảo vệ, nhưng thực tế công trình khách sạn lại nằm ngoài vùng I và II này. Hoặc nói cách khác, phần trách nhiệm của Bộ Văn hóa rất lớn khi đã phê duyệt di sản Mã Pì Lèng, nhưng lại không xếp khu vực xây nhà hàng vào trong ranh giới vùng bảo vệ của di sản. Đáng lý ra, khu vực đặt nhà hàng nếu không được xếp vào vùng II, thì cũng phải được xếp vào vùng đệm có ảnh hưởng trực tiếp đến di sản, được sự bảo vệ của luật di sản. Bởi đó là nơi có điểm nhìn đẹp và trực diện đến di sản; và từ trung tâm di sản nhìn ra cũng bao quát nó.

Nếu điều chỉnh được Luật Di sản, chúng ta không chỉ cứu một mình Mã Pì Lèng mà còn cứu hàng nghìn di sản khác trên toàn quốc. Tôi hy vọng tất cả những di sản quốc gia của Việt Nam phải đi kèm hồ sơ quy hoạch chứ không "bơ vơ" như bây giờ. Trong đó, giống như đảo Mont Saint Michel, không gian di sản và vùng ảnh hưởng của di sản phải được bảo vệ nghiêm ngặt, kèm theo hướng dẫn ứng xử chi tiết cho mọi người. Muốn làm tốt việc gì, ta cũng phải dựa trên cơ sở nền pháp trị và thứ pháp trị đó phải được mọi người tôn trọng. Bởi nếu không thì có cũng như không.

KTS. NGÔ VIẾT NAM SƠN
Theo: VNEX



Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều